Chống chủ nghĩa cực đoan, một blogger bị sát hại ở Bangladesh
Avijit Roy bị tấn công khi đang đi bộ cùng với vợ là Rafida Ahmed, họ trở về nhà từ một hội chợ sách tổ chức ở Đại học Dhaka. Vợ Roy, cũng là một blogger, bị chém đứt một ngón tay và được đưa vào Bệnh viện Quảng trường ở Dhaka.
Sau khi tấn công, nhóm hung thủ đã nhanh chóng biến mất trong đám đông, bỏ lại hiện trường 2 cây dao to bản. Cảnh sát trưởng thành phố Sirajul Islam cho biết, họ đang điều tra một nhóm Hồi giáo địa phương, nhóm đã lên tiếng ca ngợi vụ giết người trong một thông điệp trên Internet.
Gia đình của Avijit Roy cho biết, blogger bị người Hồi giáo đe dọa sau khi đăng các bài viết về quan điểm phi tôn giáo và các vấn đề khoa học xã hội trên blog bằng tiếng Bengali - Mukto-mona (Tự do tư tưởng) - do Avijit Roy thành lập năm 2000 ở Mỹ.
Trong một bài viết trên Facebook mới đây, Roy lên tiếng bảo vệ cho chủ nghĩa vô thần của mình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki mô tả đây thật sự là vụ tấn công nhằm vào truyền thống tự do tôn giáo và tư tưởng đáng tự hào của Bangladesh.
Avijit Roy và vợ. |
Được biết, gia đình Roy sống ở Mỹ và bị tấn công khi trở về Bangladesh để tham dự hội chợ sách tổ chức tại Đại học Dhaka. Trong một bài báo trên tạp chí Free Inquiry số tháng 4 và 5/2015 sắp xuất bản, Avijit Roy so sánh chủ nghĩa cực đoan tôn giáo với "virus lây nhiễm cao".
Roy cho biết năm 2013, anh đã nhận được nhiều lời đe dọa từ một số phần tử Hồi giáo cực đoan ở Bangladesh khi cho xuất bản "The Virus of Faith" (Virus của Tín ngưỡng) - cuốn sách được trưng bày tại hội chợ sách.
Các sinh viên, giáo sư và blogger đã tụ tập tại Đại học Dhaka vào hôm 26/2 để phản đối vụ giết người man rợ và kéo theo những cuộc biểu tình phản đối mạnh mẽ tại Bangladesh từ phía những người ủng hộ tự do tư tưởng. Những vụ đe dọa tính mạng blogger cũng như các tác giả vô thần không có gì mới ở Bangladesh.
Nhà văn nữ nổi tiếng Taslima Nasreen buộc phải rời khỏi quê hương Bangladesh sau khi bà nhận được lời đe dọa từ những phần tử Hồi giáo cực đoan vào thập niên 90 thế kỷ trước.
Bà viết trên blog của mình: "Avijit Roy bị giết chết cũng giống như những nhà tư tưởng tự do khác bị giết ở Bangladesh. Không một nhà tư tưởng tự do nào được an toàn ở Bangladesh. Những phần tử khủng bố Hồi giáo có thể làm bất cứ những gì mà bọn chúng muốn. Chúng có thể sát hại con người mà không bao giờ thấy cắn rứt lương tâm".
Avijit Roy sinh trong gia đình Hindu, học ngành virus học Đại học Dhaka trước khi chuyển đến sống ở thành phố Atlanta nước Mỹ và làm việc tại đây. Sau khi thành lập blog bằng tiếng Bengali - Mukto-mona - ở Mỹ, vợ chồng anh thường xuyên trở về Bangladesh vào tháng 2 hàng năm để tham dự hội chợ sách quốc gia ở Dhaka.
Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Daily Star của Bangladesh vào năm 2007, Roy tuyên bố nạn mù chữ là chướng ngại cho "tư tưởng tự do" ở khu vực Nam Á nên người dân dễ bị tư tưởng tôn giáo cực đoan lôi kéo.
Trong một quốc gia bảo thủ như Bangladesh, hệ tư tưởng tự do của Avijit Roy thường gây bất đồng - trong đó bao gồm một số vấn đề nhạy cảm như là đồng tính luyến ái, sự hoài nghi tôn giáo và vũ trụ học.
Những người ủng hộ Avjit Roy cho rằng tư tưởng thế tục của anh là theo truyền thống của Rabindranath Tagore - nhà văn vĩ đại của Ấn Độ và thường được coi là "Shakespeare của Ấn Độ".
Sinh viên và các nhà hoạt động xã hội biểu tình sau cái chết của Avijit Roy. |
Một số cuốn sách mới nhất của Avijit Roy như “Obisshahser Dorshon” (Triết lý của sự hoài nghi) và “Biswasher Virus” - bị chỉ trích nặng nề.
Trong một bài báo mới nhất đăng trên tạp chí Free Inquiry, Avijit Roy viết: "Đối với tôi, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo là virus lây nhiễm cao".
Roy cũng cho biết chính các cuốn sách của anh đã khiến anh trở thành mục tiêu của những phần tử khủng bố và chiến binh Hồi giáo cực đoan.
Trung tâm Điều tra (CFI) - Tổ chức giáo dục phi lợi nhuận đặt trụ sở tại New York (Mỹ) - mô tả Avijit Roy là "người bảo vệ mạnh mẽ lý trí, khoa học và tư tưởng tự do trong một đất nước mà ở đó những giá trị này luôn bị tấn công dữ dội".
Một người bạn Bangladesh của Roy nói về anh: "Roy là người đàn ông tuyệt vời sử dụng blog để khuyến khích nhiều nhà tư tưởng tự do Bangladesh thách thức xã hội bảo thủ. Cái chết của anh cho thấy sự nguy hiểm mà bất cứ nhà tư tưởng tự do nào ở nước này phải đối mặt".