Chủ tịch FIFA Sepp Blatter từ chức để giải thoát?

Thứ Hai, 08/06/2015, 17:00
Dù được trông đợi từ rất lâu song tuyên bố từ chức được Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đưa ra chiều 2/6 vẫn gây bất ngờ lớn đối với làng bóng đá thế giới cũng như cộng đồng quốc tế. Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, lựa chọn từ chức vào thời điểm này, ông Sepp Blatter đang cố gắng tự cứu mình trước cuộc điều tra của Mỹ và giải thoát cho FIFA khỏi vũng lầy tham nhũng, nhận hối lộ và rửa tiền. Song thực tế lại không phải như vậy.

Quyết định vì sợ hãi

Trong tuyên bố được đưa ra tại cuộc họp báo ở thành phố Zurich (Thụy Sĩ), Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã rất khôn khéo khi nhắc lại quãng đường 40 năm gắn bó với bóng đá của mình và những gì ông đã làm được cho FIFA. Đồng thời, để thể hiện thái độ cầu thị của mình, ông Sepp Blatter còn biện luận rằng mục đích tranh cử Chủ tịch FIFA lần thứ 5 là muốn giúp cho nền bóng đá thế giới ngày càng phát triển.

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter bất ngờ từ chức trong cuộc họp báo chiều 2/6 sau 5 ngày tái đắc cử nhiệm kỳ 5.

Nhưng, scandal tham nhũng, hối lộ và rửa tiền đã tác động xấu đến vị trí của ông và vì cảm thấy không còn nhận được sự tín nhiệm từ toàn bộ thế giới bóng đá, cổ động viên, cầu thủ và những người hâm mộ nên ông quyết định từ chức. Sepp Blatter nói: "Ngay lúc này, tôi đứng ngoài tổ chức. Mặc dù vậy, tôi vẫn rất quan tâm đến FIFA"…

Nhưng trên thực tế, các tờ báo Mỹ và châu Âu đều phân tích rằng, ẩn chứa đằng sau những lời nói hoa mỹ của Chủ tịch FIFA về nỗ lực cho một nền bóng đá trong sạch của thế giới là nỗi lo về cuộc điều tra tham nhũng mà cả Mỹ và Thụy Sĩ đang tiến hành. Tờ New York Times số ra ngày 2/6 còn có một bài viết nhấn mạnh rằng, áp lực từ cuộc điều tra của FBI đã khiến ông Sepp Blatter từ chức.

Hiện Bộ Tư pháp Mỹ đang kêu gọi sự hợp tác, cung cấp thông tin của 14 quan chức cấp cao FIFA bị truy tố hôm 27/5, trong đó có 7 người bị bắt giữ tại Thụy Sĩ. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) Greg Dyke khi trả lời phỏng vấn Hãng Sky Sports cũng nhận định: "Tôi không tin việc từ chức là quyết định của lương tâm ông Blatter. Tôi nghi ngờ nó xuất phát từ những điều tra tham nhũng gần đây. Rõ ràng có điều gì đó làm ông Blatter sợ hãi".

Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu Michel Platini gọi đây tuy là một quyết định khó khăn nhưng dũng cảm và khôn ngoan. Rất nhiều người khác bày tỏ hy vọng, đây là cơ hội để FIFA có một cuộc cải tổ mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của môn thể thao vua vốn được đông đảo dư luận quan tâm và yêu thích.

Nghi vấn tham nhũng từ năm 1998

Trong khi đó, tin từ tờ Washington Post khẳng định, nguyên nhân của việc ông Sepp Blatter bất ngờ từ chức sau 5 ngày tái đắc cử là bởi vì cánh tay phải của ông-Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke hôm 1/6 đã bị Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cáo buộc thanh toán 10 triệu USD cho cựu Phó chủ tịch FIFA, cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Bắc Trung Mỹ và khu vực Caribbea (CONCACAF) Jack Warner vào năm 2008 như là "thù lao" để đổi lấy phiếu bầu cho Nam Phi đăng cai World Cup 2010.

FBI thu giữ được nhiều bằng chứng quan trọng khi tiến hành lục soát trụ sở CONCACAF tại Mỹ.

Bài báo trên tờ Washington Post viết: "Đến nay, dù ông Jerome Valcke và ông Sepp Blatter không bị bắt giữ như 14 quan chức cấp cao bị truy tố nhưng FBI và cơ quan chống tham nhũng Thụy Sĩ đã có được nhiều bằng chứng và tài liệu quan trọng cho thấy hai nhân vật này bị liên đới với các vụ tham nhũng, hối lộ và rửa tiền".

Báo chí Anh thì cho đăng tải bức thư Liên đoàn Bóng đá Nam Phi gửi cho ông Jerome Valcke, đề nghị chuyển 10 triệu USD cho Liên đoàn Bóng đá Caribbea (CFU) do ông Jack Warner đứng đầu. Đồng thời, giới truyền thông Anh còn cho rằng, sự dính líu của ông Jerome Valcke dẫn tới câu hỏi phải chăng ông Sepp Blatter cũng biết về khoản hối lộ này và hiểu rằng các nhà điều tra Mỹ, Thụy Sĩ  sẽ sớm phát hiện mối liên quan giữa số tiền 10 triệu USD với ông nên đã từ chức.

Chưa hết, những cáo buộc nhằm vào Chủ tịch FIFA mà ông Jack Warner đưa ra cách đây 3 năm cũng đang được FBI điều tra lại. Đó là lời khai về sự kiện năm 1998 khi ông Jack Warner còn giữ chức Chủ tịch CONCACAF và một chân trong Ủy ban điều hành của FIFA. Jack Warner cho hay, Chủ tịch FIFA đã tiếp tay cho tham nhũng bằng việc hứa sẽ bán tiền bản quyền các trận đấu ở World Cup cho ông với giá chỉ 1 USD với điều kiện Jack Warner sẽ vận động hành lang để mọi người bầu ông Sepp Blatter vào chiếc ghế Chủ tịch FIFA trong cuộc bầu cử cùng năm đó.

Trên thực tế, năm 1998, khi Chủ tịch FIFA Joao Havelange quyết định nghỉ hưu, ông đã tìm mọi cách để dọn đường cho Sepp Blatter thay thế vị trí của mình. Nhưng lúc đó, ông Sepp Blatter lại gặp phải một đối thủ cực kỳ nặng ký là Phó chủ tịch FIFA Lennart Johansson. Cho đến phút chót, nhiều người vẫn nghĩ ông Lennart Johansson thắng cuộc nhưng cuối cùng ông Sepp Blatter đã đắc cử với số phiếu 111-80.

Nhiều quan chức FIFA sau này cũng đã hé lộ rằng, cuộc vận động hành lang trong một khách sạn ở Paris (Pháp) với phong bì trị giá 50.000 USD cho các đại biểu châu Phi đã giúp ông Sepp Blatter lật ngược thế cờ. Theo đà này, những cuộc bầu cử sau đó vào các năm 2002, 2006, 2010 và 2014 đều được Chủ tịch FIFA ngã giá bằng cách thức tương tự.

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter (trái) với cánh tay phải là Tổng Thư ký FIFA Jerome Valcke.

Ngoài thông tin mà cựu Phó chủ tịch FIFA cung cấp về hoạt động tham nhũng, hối lộ của ông Sepp Blatter, FBI còn đang nắm giữ bằng chứng quan trọng là lời khai của cựu Phó chủ tịch CONCACAF, cựu thành viên trong Ủy ban Ban chấp hành FIFA Chuck Blazer.

Hôm 3/6, truyền thông Mỹ đã cho đăng tải nội dung bản nhận tội này, trong đó khẳng định giới chức FIFA đã nhận hối lộ trong quá trình các nước đấu thầu giành quyền đăng cai World Cup 1998 và 2010. Ông Chuck Blazer khai: "Năm 1992, tôi đồng ý cùng những người khác về việc nhận lót tay một khoản tiền liên quan đến việc lựa chọn quốc gia đăng cai World Cup 1998. Về sau, Pháp đã thắng cuộc. Trong những giải đấu sau đó, từ năm 2004-2011, chúng tôi tiếp tục nhận hối lộ để trao quyền đăng cai World Cup 2010 cho Nam Phi". Chuck Blazer cũng thừa nhận là đóng vai trò trung gian và là cầu nối giữa các quốc gia muốn đăng cai sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh với FIFA.

Những gì mà Chuck Blazer khai nhận khi đang trên giường bệnh đã đặt ra câu hỏi là liệu các giải đấu và vòng bỏ phiếu bầu chọn quốc gia đăng cai World Cup sau này có bị lũng đoạn kiểu như vậy không. Lật lại thông tin mà nhật báo Bild đăng tải hồi năm ngoái về bức ảnh độc quyền chứng minh Chủ tịch FIFA Sepp Blatter có quan hệ với Alimsan Tochtachunov, một nhân vật mafia Nga đang bị Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) truy nã toàn cầu, Mỹ và Thụy Sĩ đã quyết định mở thêm cuộc điều tra về nghi vấn Nga hối lộ để giành quyền đăng cai World Cup 2018.

Theo thông tin từ Bild, ông Sepp Blatter và Alimsan Tochtachunov đã gặp nhau ở thủ đô Moscow của Nga năm 2005 với chủ đề chính liên quan đến kế hoạch đăng cai World Cup 2018. Riêng đối với việc bầu chọn Qatar đăng cai World Cup 2022, hồi tháng 4/2014, hai tờ báo của Anh là Telegraph và The Guardian đã đưa tin rằng, Qatar chi hơn 2 triệu USD để mua sự ủng hộ từ ông Jack Warner. Số tiền này được chia làm 2 lần chuyển, một từ Công ty Điện và Cơ khí Khalid Est (KEMCO) có trụ sở tại Doha, Qatar tới tài khoản cá nhân của Jack Warner là 1,2 triệu USD. Lần chuyển thứ 2 cũng được KEMCO thực hiện nhưng lại vào tài khoản của hai người con trai của ông với khoản tiền tổng cộng là 750.000 USD.

Cùng thời điểm ấy, ông Jack Warner cũng nhận thêm 400.000 USD trong tài khoản của mình. Bên cạnh đó, các nhà điều tra còn tìm thấy một loạt hóa đơn không do Công ty Jamad Limited (công ty riêng của Jack Warner) phát hành và gửi đến cho KEMCO. KEMCO là công ty thuộc sở hữu của Mohamed bin Hammam, cựu quan chức bóng đá Qatar, từng là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và ủy viên Ủy ban điều hành FIFA. Mohamed bin Hammam được thừa nhận rộng rãi như là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất giúp Qatar vận động thành công và giành quyền đăng cai World Cup 2022.

Bức thư Liên đoàn bóng đá Nam Phi gửi cho ông Jerome Valcke, đề nghị chuyển 10 triệu USD cho Liên đoàn bóng đá Caribbea do ông Jack Warner đứng đầu được tờ Daily Mail đăng tải hôm 3/6.

Năm 2011, Mohamed bin Hammam cũng đã bị đình chỉ công tác và phải trả lời chất vấn của Ủy ban Đạo đức FIFA về cáo buộc hối lộ 25 người của Liên đoàn Bóng đá Caribbe số tiền 1 triệu USD, tương đương 40.000 USD/người.

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tiến hành điều tra các hoạt động của FIFA dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Sepp Blatter mà cụ thể là mối làm ăn giữa FIFA và một ngân hàng có quan hệ với tổ chức buôn bán ma túy. Đó là Ngân hàng Delta National Bank & Trust Co, từng bị các nhà chức trách phát hiện có sai phạm trong 15 năm qua, trong đó có một lần đóng vai trò giữ quỹ đen cho một quan chức tham nhũng của Liên đoàn Bóng đá Brazil, người đã thụt két từ Liên đoàn để thực hiện các phi vụ kinh doanh ngầm.

Theo tờ Bloomberg, kể từ năm 2003, FBI đã theo dõi hoạt động của ngân hàng này do nó được cho là một bức bình phong của một băng đảng ma túy đến từ Colombia. Ông chủ ngân hàng là một doanh nhân 94 tuổi người Brazil có tên Aloysio De Andrade Faria, người có mối quan hệ khá thân với cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Brazil Ricardo Teixeira, thành viên của Ủy ban điều hành FIFA. Ricardo Teixeira từng là đối thủ của Sepp Blatter.

Sau khi Sepp Blatter đắc cử Chủ tịch FIFA năm 1998, Ricardo Teixeira cùng với Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Argentina Julio Grondonna, Jack Warner, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Phi Issa Hayatou  hình thành một thế lực lớn, vây quanh Sepp Blatter.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là ai sẽ kế nhiệm ông Sepp Blatter cho chiếc ghế nóng tại FIFA? Trong một tuyên bố mới nhất đưa ra ngày 4/6, ông Sepp Blatter cho biết, vào thời điểm hiện nay, dù đã tuyên bố từ chức nhưng ông vẫn phải có trách nhiệm điều hành FIFA lâu nhất là đến tháng 2/2016, sau khi tổ chức này tiến hành một cuộc bầu chọn chủ tịch mới, dự kiến từ tháng 12 năm nay đến tháng 3/2016. Chuyên đề ANTG sẽ tiếp tục thông tin về những ứng cử viên hàng đầu cho vị trí chủ tịch tương lai của FIFA trên số báo sau.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.