Chưa thể tiêu diệt hoàn toàn IS

Thứ Ba, 07/11/2017, 18:39
Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Trung Đông đang đi đến những ngày cuối. Những phần đất IS kiểm soát ngày càng nhỏ lại đồng nghĩa lại có thêm các vùng đất được giải phóng. Hàng nghìn tay súng IS ra hàng hoặc tháo chạy khỏi vùng giao tranh.

Người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Vladimir Shamanov cho biết: IS sẽ bị xóa sổ vào cuối năm nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cuộc chiến với IS còn lâu mới kết thúc.

Để tránh bị diệt vong, IS trở về sa mạc

Trong thông tin được hãng RT dẫn lời, ông Shamanov còn khẳng định Nga đã đạt được tất cả các mục tiêu đề ra trong các chiến dịch quân sự của nước này ở Syria. "IS sẽ sớm chấm dứt sự tồn tại như một tổ chức quân sự", ông Shamanov nói. Nhật báo Nga Kommesant dẫn lời một nguồn tin từ giới chức quốc phòng cho biết Moscow sẽ rút dần hiện diện quân sự tại Syria do chiến dịch chống khủng bố đã đi đến hồi kết khi IS chỉ còn kiểm soát một vùng lãnh thổ hẹp dọc biên giới Syria và Iraq.

Thông tin mà phía Nga đưa ra đúng thời điểm nước Mỹ bị tấn công khủng bố làm 8 người thiệt mạng và 11 người bị thương. Thủ phạm vụ khủng bố không ai khác, được ông Andrew Cuomo - Thống đốc bang New York - khẳng định có mối liên hệ với IS. Vậy thực sự IS có bị tiêu diệt? Hay đây chỉ là giai đoạn thoái trào tạm thời của tổ chức khủng bố này sau các cuộc tấn công của các nước?

Lính Syria tiến về giải phóng những vùng đất cuối cùng bị IS chiếm giữ. Ảnh: Inside Syria Media Center.

Có một thực tế, tỷ lệ thuận với chiến thắng trước IS tại chiến trường Trung Đông, số lượng và tần suất các vụ tấn công khủng bố ở các thành phố tại châu Âu, Mỹ... cũng ngày càng gia tăng. Các vụ khủng bố có bàn tay của IS trải rộng từ Đông Nam Á, Nam Á tới châu Âu, châu Phi, Mỹ...

Chỉ tính riêng châu Âu, đến cuối tháng 8/2017, đã chứng kiến ít nhất 13 vụ tấn công khủng bố, khiến ít nhất 58 người thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương tại Bỉ, Anh, Phần Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển và một số nước khác. Vòng luẩn quẩn của bạo lực và chống bạo lực cứ xoay vần thế giới.

Không thể phủ nhận rằng, kể từ khi Nga nỗ lực trợ giúp các nước Trung Đông, cuộc chiến với khủng bố, đặc biệt là cuộc chiến chống IS có nhiều thay đổi tích cực. Hiện, các tay súng IS đã bị đánh bật ở hầu hết các thành trì khu vực thành thị tại Syria, Iraq. Mất đất khiến chúng phải di chuyển sâu hơn vào vùng sa mạc xa xôi để tránh bị diệt vong và tập hợp lại, chuẩn bị cho một mô hình tiếp theo, được cho là giống như cách al-Qaeda từng làm ở Iraq hồi những năm 2003, đó là chiến thuật tấn công chớp nhoáng và đánh bom liều chết.

Vương quốc Hồi giáo (Caliphate) tự xưng của các tay súng IS với vùng đất trải dài từ Raqqa của Syria tới Mosul của Iraq, có thể đã bị chế ngự, nhưng nhiều người cho rằng thất bại này sẽ không đặt dấu chấm hết cho IS. Bên ngoài các khu vực thành thị và đông người sinh sống là sa mạc Syria, được biết với cái tên Badiyat al-Sham, vốn nổi tiếng với các hang động và đồi núi hiểm trở.

Với diện tích khoảng 500.000 km2 trải rộng khắp vùng Đông Nam Syria, Đông Bắc Jordan, phía Bắc Saudi Arabia và phía Tây Iraq, khu vực hoang vắng này là nơi ẩn náu hoàn hảo và là “ngôi nhà” thứ 2 của nhiều tay súng IS từ những ngày trước khi Vương quốc Hồi giáo được thành lập. Các chuyên gia ước tính rằng, phải cần tới hàng trăm nghìn binh sĩ để tiến hành các chiến dịch săn lùng và thậm chí nhiều hơn để kiểm soát lâu dài vùng sa mạc này.

Một khi chúng tỏa đi mọi ngóc ngách trong sa mạc, nếu không có đội quân gồm hàng chục nghìn binh sĩ hỗ trợ từ hàng chục quốc gia, các tay súng thánh chiến IS sẽ sử dụng phương cách tấn công du kích: tấn công chớp nhoáng và đánh bom liều chết. Các thủ lĩnh IS dường như đã đề ra các kế hoạch khẩn cấp, bao gồm việc tập hợp lại ở sa mạc và tiến hành các cuộc tấn công, giống như al-Qaeda ở Iraq từng làm trong hơn một thập kỷ sau cuộc đổ bộ do Mỹ dẫn đầu hồi năm 2003. Một vài trong số đó đã được thể hiện.

Ở thị trấn miền Đông Syria Mayadeen, nơi từng là một thành trì của IS, các tay súng đã rút lui và biến vào sa mạc sau một vài ngày chiến đấu với lực lượng quân Chính phủ Syria hồi đầu tháng 10-2017.

Dù bị tấn công ở khắp nơi nhưng IS vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Ảnh: The Daily Beast.

Lợi dụng mâu thuẫn để tập hợp trở lại

Brett McGurk, đặc phái viên của Mỹ trong liên minh các quốc gia chống IS nói rằng, IS đang tìm cách câu giờ và hưởng lợi từ các cuộc xung đột chính trị và các cuộc xung đột khác, như vụ đụng độ trong tháng 10/2017 giữa quân đội Iraq và lực lượng người Kurd sau cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của người Kurd. Một diễn biến tương tự cũng đang đe dọa các thành công gần đây ở Syria.

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn và quân đội Chính phủ Syria được Nga chống lưng là các lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống IS, nhưng giờ đây đang tiến hành song song cuộc tấn công ở thành phố Deir el-Zour (Syria) mà có thể khiến họ xung đột lẫn nhau. Trung tướng quân đội Mỹ ở Iraq Paul Funk phát biểu với hãng tin AP rằng nếu các lực lượng này mâu thuẫn với nhau, điều này sẽ giúp các phần tử cực đoan IS có cơ hội để tập hợp trở lại.

Dana Jalal, một nhà báo Iraq đang làm việc tại Thụy Điển, người theo dõi sát sao các nhóm thánh chiến ở Trung Đông, nói rằng IS “sẽ trở thành một tổ chức khủng bố hoạt động ngầm” và “Con sói đơn độc này không còn gì để mất. Chúng giờ đây không còn gì để bảo vệ”.

Mutlu Civiroglu, nhà phân tích về các vấn đề người Kurd, hiện làm việc tại Washington và theo dõi sát sao cuộc chiến chống IS, cho rằng sau khi để mất lãnh thổ ở Syria và Iraq, IS sẽ tìm cách tăng cường hiện diện ở Libya, Yemen, Afghanistan, Bắc Phi và những nơi khác. Theo ông Civiroglu, thực tế rằng IS “đã tiến hành hay truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công ở khoảng 30 nước trên thế giới cho thấy phạm vi ảnh hưởng toàn cầu của chúng”.

Điển hình nhất chính là vụ tấn công vừa xảy ra tại Mỹ. Nhà phân tích Civiroglu nói: “Việc xóa bỏ Vương quốc Hồi giáo sẽ không đồng nghĩa với việc xóa bỏ mối đe dọa mà tổ chức này đặt ra”.

Muốn đánh cho IS không thể “ngóc đầu”, câu hỏi đặt ra là làm gì để giảm thiểu một cách hiệu quả những căn nguyên của chủ nghĩa khủng bố? Mục tiêu chính của cuộc chiến khủng bố là nhằm phá vỡ các mạng lưới khủng bố và để ngăn chặn các cuộc tấn công, song, thực tế kể từ sau vụ 11-9, tần suất các vụ khủng bố lại gia tăng. Cuộc chiến với IS nói riêng, khủng bố nói chung vẫn đang còn phía trước, chưa ai được phép dừng tay.

Một gia đình người Iraq trở về sau khi Mosul được giải phóng. Ảnh: The Irish Times.

Những mối nguy vẫn rình rập

Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và đối tác đối thoại (ADMM+) vừa được tổ chức tại Philippines, lãnh đạo khối quân sự các nước ASEAN và đối tác đều bày tỏ lo ngại về nguy cơ trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa khủng bố trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Moskva rất lo ngại về nguy cơ gia tăng mối đe dọa khủng bố ở Đông Nam Á.

Theo người đứng đầu cơ quan quân sự Nga, gần đây có không ít thông tin và dấu vết cho thấy nhiều tay súng thuộc IS đã tẩu thoát từ Syria và Iraq tìm cách tới Đông Nam Á, và dòng tiền chảy vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương để hỗ trợ phát triển các hoạt động khủng bố địa phương và thực hiện các cuộc tấn công cũng ngày càng rõ rệt.

Chuyên gia chính trị Larisa Efimova, hiện đang làm việc tại Học viện Quan hệ Quốc tế Quốc gia Moskva (MGIMO), trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga, bình luận rằng những hiện tượng mà Bộ trưởng Shoigu chỉ ra có thể là bằng chứng phản ánh một trong những âm mưu của IS là chuyển trung tâm hoạt động từ Trung Đông sang Đông Nam Á. Điều đáng lo ngại hơn là trong khu vực đang sẵn có hàng loạt yếu tố góp phần vào “cuộc di cư” nguy hại này.

Giáo sư Larisa Efimova nói: “Các nước Hồi giáo cơ bản ở Đông Nam Á là những quốc đảo; ví dụ, trong 17.500 hòn đảo thuộc chủ quyền của Indonesia chỉ có 6.000 đảo có người sinh sống. Những hoang đảo hay những hòn đảo vắng người khác chính là nơi rất thuận tiện để bọn khủng bố nương náu. Chuyên gia này cũng cho rằng nhiều tuyến đường biển chiến lược chạy xuyên qua khu vực Đông Nam Á là nơi rất dễ bị những kẻ khủng bố lợi dụng để tiến hành các vụ cướp biển nhằm gia tăng nguồn thu.

Giới lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã nhiều lần bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình đáng báo động trước nguy cơ gia tăng ảnh hưởng chính trị của IS trong khu vực, nơi có khoảng 15% tổng số tín đồ Hồi giáo của toàn thế giới.

Mục đích của các phần tử cực đoan là tạo ra các hình thái quốc gia Hồi giáo thống trị toàn Đông Nam Á bằng cách liên kết của những nhóm Hồi giáo tại nhiều quốc gia khác nhau như Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei, và Philippines. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia bày tỏ hy vọng các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các nước Hồi giáo, sẽ đẩy mạnh nỗ lực để chặn đứng đà phát triển sự kiện theo chiều hướng nguy hiểm đến như vậy.

Không chỉ tại Đông Nam Á, Cơ quan phụ trách Quốc phòng - An ninh thuộc EU cho biết, hơn 5.000 người châu Âu đã gia nhập IS tại Syria hoặc Iraq, trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2016. Trong số đó, có từ 1.200 đến 3.000 người có thể trở lại lãnh thổ châu Âu. Europol coi đây là mối quan ngại nghiêm trọng. Theo giới phân tích, nếu như vương triều của IS bị thất bại về mặt quân sự hoặc sụp đổ, số lượng các chiến binh nước ngoài quay trở lại châu Âu (đặc biệt là tại Áo, Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển và Anh) dự kiến sẽ tăng lên.

Tại nhiều quốc gia, có không ít “người trở về” không phủ nhận hệ tư tưởng của họ, thậm chí mơ ước được tiếp tục chiến đấu trong hàng ngũ của IS. Các chuyên gia cảnh báo những “người trở về” vẫn duy trì liên hệ với IS tại các khu vực xung đột thông qua các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội và nguy cơ tấn công khủng bố trong lòng châu Âu là rất lớn.

Cao ủy phụ trách an ninh EU Julian King đã cảnh báo về sự trở lại của các tay súng cực đoan nước ngoài từ các vùng chiến sự khi IS bị mất các vùng lãnh thổ, đồng thời cho rằng đây là một mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng đối với các nước châu Âu. Đối với lực lượng cảnh sát, việc giám sát hàng nghìn kẻ bị tình nghi là một nhiệm vụ bất khả thi.

Hiện tại, cuộc chiến chống khủng bố của châu Âu đang rơi vào bế tắc. Do nhiều nước châu Âu tham gia vào các chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ tại Syria, Libya, Iraq và Afghanistan, nên châu Âu hiện trở thành mục tiêu trả đũa điên cuồng của các tổ chức khủng bố.

Không gian ảo, “miền đất hứa” của khủng bố

Một thách thức nữa của cuộc chiến chống khủng bố là thủ đoạn hoạt động tinh vi mới của IS trên không gian ảo. Mặc dù đang bị đánh bại trên các chiến trường Iraq và Syria, IS vẫn có một lực lượng ủng hộ hùng hậu trên mạng Internet. Europol cho biết sau sự suy giảm tương đối của kênh tuyên truyền chính thức của IS trong những tháng qua, các phần tử thân IS đã chuyển sang các diễn đàn và sử dụng các nền tảng Internet nhỏ hơn để hoạt động.

Thực tế này cho thấy IS tiếp tục gây dựng được một nền tảng vững chắc gồm những phần tử ủng hộ trung thành trên môi trường ảo của Internet. Ngoài sự chuyển dịch "địa bàn" hoạt động trên mạng, các đối tượng có quan điểm ủng hộ IS cũng quay trở lại sử dụng các diễn đàn trên Internet có tên gọi là “Thư viện đen”, vốn chia sẻ các liên kết dẫn tới những nội dung thánh chiến trên môi trường Internet mở.

Sự lan truyền ý thức hệ của các tổ chức khủng bố trên mạng Internet là một mối quan ngại lớn đối với giới hoạch định chính sách châu Âu. Theo các báo cáo, tại Pháp, IS đã tuyển hàng trăm tay súng người Pháp thông qua các chiến dịch tuyên truyền trên mạng. Nguy cơ IS xây dựng mạng xã hội riêng đang đặt ra áp lực buộc các cơ quan tình báo, lực lượng cảnh sát và ngành công nghệ phải phối hợp chặt chẽ hơn để tìm ra giải pháp ứng phó.

Hoa Huyền
.
.