Vụ đào tẩu của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Libya Moussa Koussa:

Có bàn tay của CIA và MI-6?

Thứ Sáu, 29/04/2011, 11:35

Vụ việc đào tẩu của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Libya Moussa Koussa trông có vẻ đơn giản như là một dấu hiệu cho thấy sự "tan rã" trong hàng ngũ trung thành với Tổng thống Moammar Gaddafi. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, dư luận bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi, chẳng hạn như liệu có bàn tay dàn dựng của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cục Tình báo bí mật Anh (MI-6) nhằm phá hoại sự đoàn kết nội bộ của Chính phủ Libya, cô lập ông Gaddafi để dễ bề "xử lý".

Theo báo chí quốc tế, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Libya Moussa Koussa bắt đầu hành trình đào thoát vào ngày 28/3/2011. Hôm đó, ông Koussa lái chiếc xe thùng đưa cả gia đình sang Tunisia, nói là đi nghỉ mát hay du lịch gì đó, nhưng thực chất là để chuẩn bị sẵn cho chuyến đào thoát của bản thân. Hai hôm sau khi đến Tunisia, ngày 30/3, ông Koussa đã đưa cả gia đình sang Anh bằng một máy bay tư nhân của Thụy Sĩ. Ngày 31/3, thông tin về vụ đào tẩu của Koussa bắt đầu xuất hiện trên báo chí khắp thế giới.

Tripoli kịch liệt bác bỏ thông tin về việc đào tẩu của Koussa, cho rằng đây là âm mưu phá hoại của liên quân NATO nhằm lung lạc tinh thần chiến đấu của hàng ngũ Chính phủ Libya. Kịch bản có vẻ thuận lợi cho phương Tây bởi ngay sau đó đến lượt Đại sứ Libya tại Liên Hiệp Quốc Ali Abdessalam Treki cũng tuyên bố "đào tẩu". Ngay lập tức, thông tin báo chí thân phương Tây làm ầm ĩ lên về việc "hàng ngũ thân tín của ông Gaddafi tan rã".

Phần ông Koussa, sau khi đến Anh đã được các cơ quan chức năng "chăm sóc" khá kỹ lưỡng. London tuyên bố "không biệt đãi" ông Koussa. Lý do được đưa ra là ông Koussa bị nghi ngờ là chủ mưu vụ đánh bom chuyến bay Pan Am 103 trên bầu trời Lockerbie, Scotland vào năm 1988 khiến 270 người thiệt mạng. Từng là sếp tình báo Libya, Koussa cũng bị nghi ngờ đã chỉ thị cho người của mình thủ tiêu các đối thủ đối lập chính trị của ông Gaddafi lưu vong ở nước ngoài, đặc biệt là ở Anh. Người ta, đặc biệt quan tâm tới khối tài sản của ông Koussa ở các ngân hàng từ Âu sang Mỹ. Trước mắt ông Koussa phải hợp tác với MI-6 để làm rõ nhiều vấn đề liên quan.

Từ ngày 1/4, dư luận báo chí đã bắt đầu đặt nhiều câu hỏi về mối liên hệ giữa việc ông Koussa đào tẩu với những động thái không rõ ràng của CIA lẫn MI-6. Theo Intelligence News Online, những sự kiện trong cuộc đào thoát của ông Koussa dễ khiến người ta liên tưởng đến một màn dàn dựng theo một bài bản rất kinh điển của tình báo Anh - Mỹ nhằm làm suy sụp hàng ngũ của ông Gaddafi.

Theo tờ báo này, việc đào thoát đã được ông Koussa và tình báo Anh-Mỹ chuẩn bị sẵn từ lâu, khi bắt đầu cuộc nổi dậy của phiến quân Libya vào ngày 17/2/2011. Và khi quyết định ra đi, Koussa và gia đình được bí mật sắp xếp đi đường bộ sang Tunisia, và khi sang Anh thì không đến thẳng London mà đáp máy bay xuống thành phố Farnborough ở miền Nam nước Anh, sau đó mới đi ôtô về London.

Xin lưu ý, cùng thời gian ông Koussa đáp máy bay xuống Farnborough thì ở sân bay Heathrow, London, 5 nhà ngoại giao Libya cũng lên máy bay để về nước. 5 người này đã bị trục xuất ra khỏi nước Anh vì lý do "đe dọa an ninh quốc gia Anh". Giới phân tích nói, thật ra động tác đó chỉ nhằm "bảo đảm an ninh" cho ông Koussa và gia đình khi sang Anh.

Theo giới chuyên gia  tình báo Mỹ, Anh có nhiều lý do để ra tay "giải cứu" ông Koussa ra khỏi Libya. Thứ nhất, Koussa là một trong những trụ cột quan trọng nhất của ông Gaddafi, từng đóng vai trò chủ chốt trong các hoạt động đối ngoại và an ninh Libya trước đây và cả hiện nay. Đầu thập niên 80 thế kỷ XX, Koussa là Trưởng phái đoàn ngoại giao Libya tại Anh và châu Âu, bị London trục xuất sau khi xảy ra vụ ám sát một loạt phần tử hoạt động chống Nhà nước Libya trên đất Anh. Sau vụ đó, Koussa được phương Tây đặt cho biệt danh "sứ giả thần chết".

Koussa cũng từng được giao đứng đầu Cơ quan Tình báo quốc gia của Libya, chịu trách nhiệm chính trong các hoạt động chống khủng bố của Libya, giai đoạn 1994-2009. Đây cũng là giai đoạn có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa tình báo Libya với tình báo Anh, Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Và từ những sự hợp tác trong giai đoạn này, giới chuyên môn tình báo cho rằng Koussa từ lâu đã trở thành người của CIA, còn đối với MI-6 thì chưa được chính thức xác nhận mặc dù cũng có những hợp tác bí mật.

Chính nhờ các mối quan hệ khá mật thiết đó mà Koussa đã thành công trong các cuộc thương lượng trước đây giữa Libya với phương Tây, về giải trừ vũ khí hạt nhân năm 2003 và đặc biệt gây chú ý là cuộc thương lượng bồi thường 2,7 tỉ USD cho gia đình nạn nhân vụ Lockerbie, giúp Libya và Anh đạt được các thỏa thuận hợp tác mới về kinh tế, khai thác dầu mỏ.

Với bề dày thành tích và nhất là "kho báu" thông tin tình báo mà ông Koussa đang nắm giữ, liên quân NATO đang rất muốn khai thác để có thể nắm rõ về tình hình nội bộ của ông Gaddafi, nhằm từ đó có thể dễ dàng có phương án triệt hạ ông.

Ngày 4/4, dư luận tiếp tục xôn xao với tin tức rằng chính quyền Mỹ đã quyết định "giải băng" tài sản của ông Koussa. Ngay sau đó, Anh cũng theo Mỹ "giải băng" tài sản của ông Koussa ở các ngân hàng Anh. Ngoại trưởng Anh William Hague cũng đã kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu "nên theo gương Mỹ" giải phóng tài sản của ông Koussa.

Theo Daily Mail (Anh), ông Hague đã giải thích với Hạ viện Anh rằng việc giải phóng tài sản của Koussa có ý nghĩa quan trọng, có thể tạo nên một sự khích lệ nhằm lôi kéo những quan chức cấp cao khác trong Chính phủ Libya rời bỏ đất nước. Đây rõ ràng là một thủ đoạn thâm độc, đã được thể hiện bởi vụ đào tẩu của Đại sứ Ali Abdessalam Treki.

Ngay từ khi Mỹ và EU quyết định niêm phong tài sản của Chính phủ và các quan chức cấp cao Libya, đồng thời cấm đi lại đối với giới chức lãnh đạo Libya, thì ông Koussa đã không nằm trong danh sách này. Điều này có thể được hiểu như một "biệt đãi" mà phương Tây cố tình giăng ra để lôi kéo ông Koussa nhằm tạo một cú sốc lớn phục vụ cho mục đích tuyên truyền và phá hoại đoàn kết nội bộ hàng ngũ trung thành của ông Gaddafi. Đồng thời cũng tạo dư luận rằng ông Koussa đích thực là một "điệp viên nằm vùng" lâu năm của CIA và MI-6

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.