Cơ cực như… nữ cảnh sát ở Afghanistan!

Thứ Bảy, 13/08/2016, 16:50
Mặc dù phương Tây nỗ lực giúp chính quyền Afghanistan đảm bảo bình đẳng giới, nhưng lực lượng nữ cảnh sát tại đây vẫn bị lạm dụng tình dục, bị giết chết giữa ban ngày.

Khát vọng bình đẳng…

Vị thế của phụ nữ ở Afghanistan được nâng cao đáng kể từ khi Taliban bị lật đổ năm 2001. Phụ nữ giành lại được những quyền cơ bản trong bầu cử, giáo dục và việc làm. Thời Taliban nắm quyền, phụ nữ không được phép ra khỏi nhà mà không có nam giới đi cùng và có thể bị ném đá đến chết nếu bị phát hiện ngoại tình.

Từ năm 2001, Mỹ và phương Tây đã gửi nhiều binh sĩ đến đồn trú ở Afghanistan để giúp nước này đảm bảo an ninh, đồng thời mang tư tưởng phương Tây, nhất là bình đẳng giới đến Afghanistan.

Hàng loạt quỹ và chương trình của các nước phương Tây rót vào Afghanistan để nâng tầm vị thế của phụ nữ trong xã hội. Tuyển dụng và huấn luyện phụ nữ Afghanistan làm cảnh sát vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ các nước phương Tây, mặc dù họ đã rút quân khỏi đất nước này vào năm 2014.

Nữ cảnh sát Afghanistan.

Họ cho rằng, phụ nữ Afghanistan, phải đối mặt với bạo lực mỗi ngày, có thể trình báo hoặc nhờ giúp đỡ nếu tìm đến các nữ cảnh sát hơn là những nam cảnh sát vốn vẫn xem thường phụ nữ. Vì thế, phụ nữ trong lực lượng cảnh sát được coi là biểu tượng của nỗ lực chung Afghanistan - phương Tây nhằm cải thiện các quyền ở một nước Afghanistan mới, sau khi chế độ Taliban bị lật đổ.

Hình ảnh nữ cảnh sát Afghanistan mang súng từng được truyền tải đi khắp thế giới, thậm chí truyền cảm hứng cho một chương trình truyền hình rất quen thuộc với nữ thanh niên nước này. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề tồn tại trong xã hội Hồi giáo bảo thủ đối mặt xung đột nhiều thập kỷ qua, rõ nét nhất là tư tưởng phân biệt đối xử với phụ nữ tại đất nước Hồi giáo này, theo The New York Times.

Bị lạm dụng

Khi gia nhập Lực lượng Cảnh sát Quốc gia (ANP), Friba với bao khát vọng và đam mê thề đem lại an ninh trật tự cho quê hương.

Năm năm sau, cô mệt mỏi với sự quấy rối tình dục của đồng nghiệp nam, lo lắng ngân sách cho lực lượng cảnh sát nữ sẽ giảm và sợ rằng chính phủ sẽ bỏ rơi họ.

Trong cuộc phỏng vấn của hãng tin Reuters (Anh) thực hiện với 12 nữ cảnh sát ở khắp các quận của thủ đô Kabul, phần lớn trong số họ than phiền về việc bị quấy rối tình dục, phân biệt đối xử, mất dần sự tự tin và niềm tin. 

Cũng ở Kabul, nữ thám tử Lailoma siết chặt đôi tay khi giải thích về nam đồng nghiệp: "Họ muốn giống thời kỳ Taliban. Ngày nào họ cũng bảo rằng, chúng tôi là phụ nữ tồi, lẽ ra không được làm việc ở đây". Nam đồng nghiệp cũng thường mắng nhiếc, chế nhạo phụ nữ, ngăn họ vào nhà bếp, điều này đồng nghĩa với việc họ lỡ bữa ăn trưa - Lailoma nói.

Trong một số trường hợp, các nam đồng nghiệp cố tình cắt ngang buổi phỏng vấn của hãng Reuters để dọa các nữ cảnh sát nhằm buộc họ im lặng.

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc gửi cho Bộ Nội vụ Afghanistan hồi năm 2015, 70% trong số 130 nữ cảnh sát được phỏng vấn cho biết, họ bị lạm dụng tình dục, nhưng không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù. Bộ Nội vụ Afghanistan cũng không dám công bố bản báo cáo này vì sợ bị tấn công trả đũa.

Lực lượng nữ cảnh sát Afghanistan đang cần tuyển rất nhiều thành viên.

Sau một thập niên và hàng triệu USD tiền quỹ từ phương Tây rót vào Afghanistan giúp chính quyền nước này đạt mục tiêu tuyển 5.000 nữ cảnh sát, nhưng đến nay chỉ có 2.700 nữ cảnh sát, chiếm tỷ lệ 2% trong tổng lực lượng cảnh sát Afghanistan là 169.000 người, theo báo cáo từ văn phòng Liên Hiệp Quốc tại thủ đô Kabul dựa vào số liệu của Bộ Nội vụ Afghanistan.

"Tình hình ở Afghanistan không sẵn sàng cho phụ nữ và cộng đồng của chúng tôi chưa sẵn lòng đón nhận nữ cảnh sát làm việc tại đây", theo Thượng tá cảnh sát Ali Aziz Ahmad Mirakai, người đứng đầu bộ phận tuyển dụng cảnh sát cho tỉnh Nangarhar.

Ông Mirakai nói, ông ủng hộ nữ cảnh sát, nhưng cấp trên lại bảo, họ chỉ muốn tuyển nam cảnh sát với lý do nhiều nữ cảnh sát phải về nhà sớm chăm con và gia đình, không thể đáp ứng yêu cầu công việc, những cuộc tuần tra, đột kích về đêm.

"Một số nữ cảnh sát bị đẩy vào con đường xấu xa", nữ cảnh sát Aziza (21 tuổi) ở miền đông Afghanistan, nói về nạn mại dâm trong lực lượng cảnh sát Afghanistan.

Gia tăng số vụ sát hại

Parveena, một nữ cảnh sát Afghanistan có cái tên một chữ như bao người khác, cùng con cái và một nhóm phụ nữ đang trên đường về thăm cha mẹ ruột ở miền bắc Afghanistan, theo một bài phóng sự đăng trên tờ The New York Times (Mỹ) mới đây. Bỗng dưng xuất hiện hai người đàn ông đi trên một xe máy, họ chặn đường và hỏi: "Ai là Parveena, con gái của Sardar?", và lấy họng súng hất khăn trùm đầu của một người phụ nữ đứng kế bên Parveena.

Nữ cảnh sát Parveena lập tức chộp lấy họng súng và đáp lại: "Ai hỏi vậy?". Người đàn ông lấy khẩu súng Kalashnikov bắn 11 viên đạn vào người cô, khiến cô chết tại chỗ.

Parveena là một trong số sáu nữ cảnh sát bị giết giữa ban ngày trong năm 2014, cho thấy mối nguy hiểm và sự khó khăn mà các nữ cảnh sát Afghanistan phải đối mặt hằng ngày. Câu chuyện những nữ cảnh sát Afghanistan bị giết chỉ là ví dụ điển hình. Họ bị giết vì bị phân biệt đối xử, họ là phụ nữ làm nghề cảnh sát, vốn là nghề do đàn ông thống lĩnh tại đất nước này.

Phụ nữ đang ở đâu trong đời sống chính trị Afghanistan?

Là quốc gia Hồi giáo với hơn 50% dân số là phụ nữ, thế nhưng, phụ nữ ở Afghanistan thường được nhắc đến trên báo chí gắn với cảnh... bị bạo hành. Họ cũng có ít tiếng nói trên chính trường.

Hãng tin Al Jazeera (trụ sở tại Qatar) mới đây đã thực hiện một phóng sự ở Afghanistan.Trong phóng sự đó, những người phụ nữ Afghanistan nói rằng, nếu họ được bầu vào các cấp chính quyền, họ sẽ cố gắng hết sức để giải quyết các vấn đề của xã hội như giáo dục, y tế…

Tổng thống Ashraf Ghani từng cam kết sẽ có 4 nữ bộ trưởng trong chính phủ mới của ông, thế nhưng điều đó đã không xảy ra, không hề có nữ bộ trưởng nào trong Chính phủ Afghanistan hiện nay, theo Al Jazeera. Để cải thiện tình trạng đó, nhiều nhà hoạt động vì phụ nữ Afghanistan đã và đang thúc đẩy các chính sách tiến bộ hơn.

Họ cũng kêu gọi chính phủ đảm bảo một tỷ lệ 25% số ghế trong quốc hội nước này tại kỳ bầu cử tới, theo Al Jazeera.

Văn Nguyễn - L.K. (tổng hợp)
.
.