Có một thị trường vũ khí chợ đen giữa châu Âu

Thứ Tư, 11/03/2020, 08:27
Đối mặt với tình hình lan tràn và nghiêm trọng của thị trường vũ khí chợ đen, một số quốc gia châu Âu và Liên minh châu Âu đã bắt đầu áp dụng các biện pháp bao gồm thiết lập quy định thống nhất về đăng ký sử dụng và thanh lý vũ khí nhằm ngăn chặn những phần tử cực đoan có được vũ khí. Tuy nhiên những nỗ lực này vẫn gặp những thách thức không nhỏ.

Theo tin của cảnh sát Pháp, trong cuộc tấn công khủng bố ở Paris vào tối ngày 13 tháng 11 năm 2015, nguồn gốc những khẩu súng tiểu liên ở trong tay bọn khủng bố đã được xác minh được sản xuất bởi một xí nghiệp công nghiệp quân sự Nam Tư vào những năm 80 của thế kỷ trước. Trước mắt, cảnh sát đang tiến hành điều tra xem làm thế nào mà những khẩu súng này lại ở trong tay bọn khủng bố và chúng đã qua những khâu trung gian nào?

Thông qua nguồn tin người ta phát hiện rằng những vụ khủng bố ở châu Âu gần đây bọn khủng bố đều được trang bị những loại súng tiểu liên hiện đại hoặc thuốc nổ có sức sát thương lớn. Đối với vấn đề này, một số phương tiện truyền thông tiết lộ rằng nhiều năm nay ở châu Âu đã có một thị trường vũ khí chợ đen, bọn buôn lậu chủ yếu vận chuyển vũ khí phi pháp từ khu vực Balkan vào các quốc gia châu Âu. Có chuyên gia khẳng định rằng tại thủ đô Brussels của Bỉ, nơi được coi là “Trái tim của Châu Âu”, chỉ trong vòng nửa giờ có thể mua được khẩu súng AK-47 với giá 1000 euro. 

Giấu trong thùng nhiên liệu của xe

Người quản lý của công ty vũ khí Zastava của Serbia nói với các phóng viên rằng trong cuộc tấn công khủng bố ở Paris có bảy, tám khẩu súng trường tấn công M70 mà bọn khủng bố sử dụng được sản xuất bởi công ty này, thời gian sản xuất là năm 1987 và 1988.

Phòng trưng bày súng của công ty vũ khí Zastava của Serbia.

Tại thời điểm đó, công ty vũ khí này chủ yếu sản xuất vũ khí hạng nhẹ cho quân đội và cảnh sát Nam Tư, những năm 1970 đến 1990 từng xuất khẩu số lượng lớn sang châu Phi và Trung Đông.

Sau cuộc khủng bố ở Paris, cảnh sát Pháp đang điều tra xem làm thế nào mà những khẩu súng này lại rơi vào tay những kẻ khủng bố, có điều là trong những năm 90 của thế kỷ trước cùng với sự tan rã của Nam Tư, một số lượng lớn súng trường và súng tiểu liên đã bị mất, lúc đó “bất cứ ai cũng có thể lấy một khẩu súng từ kho vũ khí”.

Sau khi Nam Tư giải thể, tại khu vực Balkan, một số lượng lớn vũ khí phi pháp  đã rơi vào tay các cá nhân hoặc các nhóm tội phạm có tổ chức rồi thông qua các đường dây buôn lậu khác nhau được đưa vào Pháp và Bỉ và các quốc gia Tây Âu.  

Nemark, một quân nhân Serbia đã nghỉ hưu nói với phóng viên rằng tuy ông không buôn lậu súng nhưng do quen biết những người làm việc này nên ông hiểu khá rõ về tình hình thị trường vũ khí chợ đen.  

Cảnh sát trong cuộc chiến chống buôn lậu vũ khí ở châu Âu.

“Trong xe con và xe tải có rất nhiều chỗ trống có thể giấu súng đã được tháo rời ra”, Nemark nói. “Họ giấu nó (súng) trong thùng xăng”. Ông Nemark còn đưa ra một bảng giá các loại súng buôn lậu, trong đó súng tiểu liên AK–47 của Nam Tư cũ chế tạo có giá cao nhất là 700 euro, các loại súng AK được Albania và các nước khác sao chép có giá rẻ hơn.

“Loại vũ khí giảm thanh giá càng cao và súng tiểu liên đắt hơn vì nó dễ cất giấu. Súng ngắn tương đối rẻ, giá bán mỗi khẩu khoảng 150 euro”.      

Mặc dù từ lâu các nước châu Âu đã biết về sự tồn tại của việc buôn lậu vũ khí trên thị trường chợ đen nhưng các cuộc tiến công vào thị trường này đã không đạt được hiệu quả. Một sĩ quan cảnh sát Serbia tham gia công tác chống buôn lậu vũ khí cho biết cảnh sát chỉ có thể phát hiện được một phần ba số vụ buôn lậu vũ khí.

Vị cảnh sát này cho rằng vấn đề là việc buôn lậu một số lượng lớn vũ khí không bao giờ là những kẻ ngu ngơ. Một kẻ buôn lậu vũ khí đã nói với các nhân viên hải quan ở biên giới Serbia rằng anh ta là một nhạc sĩ và chỉ mang theo một chiếc đàn phong cầm đã cũ nhưng khi kiểm tra nhân viên hải quan phát hiện trong thùng xăng xe của anh ta có tới 20 khẩu súng, ngoài ra còn có những người buôn lậu đi bộ giấu súng trong túi du lịch hoặc giấu súng ngắn trong bánh sandwich.

Một tuần trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Paris, cảnh sát Đức cũng bắt giữ một người lái xe từ Montenegro đến Paris vì phát hiện trong xe của anh ta có tám khẩu súng trường AK-47 cùng với một số súng ngắn và thuốc nổ. Mặc dù không tìm thấy mối liên hệ nào giữa người này và vụ tấn công khủng bố ở Paris nhưng đây không phải là một sự kiện độc lập, nó chứng tỏ rằng mức độ buôn lậu súng là rất nghiêm trọng. Mặt khác, chính sách quản lý biên giới lỏng lẻo giữa các nước châu Âu cũng tạo điều kiện cho việc buôn lậu súng.

Ngoài khu vực Balkan, quốc gia Bắc Phi là Libya và vùng đông bắc Ukraine cũng trở thành nguồn cung cấp vũ khí bất hợp pháp vào châu Âu.  

Súng chợ đen tràn lan

Người ta biết thị trường chợ đen buôn bán vũ khí hoạt động lâu đời đã dẫn đến sự phổ biến vũ khí bất hợp pháp ở Pháp, Bỉ và các nước Tây Âu khác và làm cho việc thực thi pháp luật rất khó kiểm soát. Các nước EU ước đoán có khoảng 80 triệu khẩu súng, mặc dù hầu hết chúng được nhà nước đăng ký hoặc sở hữu nhưng một số lượng súng đáng kể vẫn nằm ngoài sự giám sát của chính quyền, chủ yếu là súng cũ được sản xuất ở Nam Tư.

Nhiều vụ khủng bố xả súng có nguồn gốc từ buôn lậu vũ khí.

"Bạn không thể biết được những vũ khí này đang ở đâu, ai sở hữu chúng hay chúng được sử dụng như thế nào", Ivan Zverzanowski, nhà nghiên cứu tại trung tâm thông tin kiểm soát vũ khí hạng nhẹ có trụ sở tại Belgrade cho biết.

Có điều trớ trêu là tại thủ đô Brussels, với tư cách là trụ sở của Liên minh châu Âu và NATO, lại trở thành một trung tâm giao dịch và buôn lậu vũ khí. Tại Bỉ, mỗi năm cảnh sát thu giữ được khoảng 6000 khẩu súng buôn lậu, nhiều hơn cả ở Pháp.

“Nếu bạn có 500 đến 1000 euro, chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ bạn có thể mua được một khẩu súng… nó làm cho Brussels giống như một thành phố lớn của nước Mỹ”. Billal Bagnoch, nhà nghiên cứu tại Học viện Think Tank của Itinella nói.

Đối với những kẻ khủng bố, thị trường vũ khí chợ đen hoạt động ở châu Âu là một đường dây quan trọng để có được súng và đạn được. Mặc dù người ta tin rằng những người buôn lậu không cố ý bán súng cho những kẻ khủng bố, nhưng thực tế là những kẻ khủng bố lại có được vũ khí để phát động các cuộc tấn công khủng bố.

Một vụ việc tại Bỉ: Mehdi Nemouss 29 tuổi, người Pháp, cầm súng trường AK-47 thực hiện một cuộc tấn công tại bảo tàng Do Thái ở trung tâm Brussels, giết chết bốn người.

Nhiều người chắc vẫn còn nhớ vụ tấn công trụ sở của tuần báo Charlie và một cửa hàng tạp hóa ở Paris. Những kẻ khủng bố cũng sử dụng súng trường AK-47. Các cuộc điều tra cho biết một trong những khẩu súng trường là khẩu súng cũ được mua hợp pháp tại Slovenia, một thành viên của EU.

Vụ tấn công của Ayub Hazzani người Marốc đã thực hiện bằng súng trường AK-47 trên đoàn tàu quốc tế từ Hercules đến Paris nhưng may mắn là hành khách đã khống chế và bắt được hắn. Khẩu súng cũng được mua từ thị trường chợ đen ngay giữa châu Âu

Các biện pháp của EU

Các nước châu Âu và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã nhận ra sự nguy hiểm của vũ khí trên thị trường chợ đen. “Đằng sau những hành động khủng bố, chúng ta đều có thể tìm thấy tung tích của việc buôn lậu vũ khí”.

Một quan chức Pháp, Bernard Kazenav còn nhấn mạnh rằng sau khi Liên Xô và Nam Tư tan rã, một số lượng lớn vũ khí "đã lọt vào tay dân thường và bọn khủng bố". Theo kế hoạch này, chính phủ Pháp sẽ thiết lập một cơ sở dữ liệu tương ứng theo mô hình chống ma túy, trao cho cảnh sát quyền hạn thực thi pháp luật lớn hơn và áp dụng các hình phạt cứng rắn hơn đối với việc buôn lậu súng.

Những khẩu súng được ngụy trang trong hộp đàn.

Ủy ban châu Âu đã hành động để đưa ra luật nhằm thắt chặt việc quản lý súng đạn. Theo các phương tiện truyền thông, EU đang có kế hoạch giới thiệu một hệ thống đăng ký vũ khí thống nhất và chế độ thanh lý vũ khí cũ.

Do tình hình thực tế nghiệt ngã, vẫn còn phải xem xét các biện pháp thực thi của các nước châu Âu và các quốc gia trong EU thực sự hiệu quả hay không. Theo sự tiến bộ của khoa học công nghệ, các thủ đoạn buôn lậu, che giấu càng phức tạp hơn. Ý thức được việc áp dụng kỹ thuật in 3D có thể chế tạo súng, chính phủ Pháp cũng đã kêu gọi EU cấm các phần mềm liên quan.

Đối với các nước châu Âu mà nói, việc tấn công vào thị trường buôn lậu vũ khí là vấn đề cấp bách và không có gì để mất. Các cuộc tấn công khủng bố xảy ra đã cho thấy rằng những kẻ khủng bố có thể gây ra những vụ án tàn khốc chỉ bằng những vũ khí hạng nhẹ.

Nguyễn Đình Thiêm (theo “Xinhuanet.com”)
.
.