Có phải khủng bố đang trẻ hóa đội hình?

Thứ Ba, 10/02/2015, 16:15
Trẻ em được xem là một sự thay thế hiệu quả cho các chiến binh người lớn. Dễ dàng bị nhồi sọ cũng như chưa hiểu hết khái niệm về cái chết, những đứa trẻ này không khó để lôi kéo trở thành những chiến binh liều lĩnh, sẵn sàng giương súng, ôm bom để lao vào giết người hàng loạt. Tất cả chỉ vì cuộc sống nghèo túng, thiếu thốn từ chính xã hội tạo ra.

Chiêu bài tuyển mộ

Gọi là tuyển mộ, song vì bị đánh đập, tra tấn dã man, nhiều trẻ em buộc phải đồng ý hoặc xin gia nhập các nhóm Hồi giáo cực đoan. Thậm chí, sau khi bị bắt cóc, những đứa trẻ này buộc phải tham gia nếu không muốn đối mặt với cái chết.

Ranh giới phân biệt giữa tự nguyện hay tuyển dụng bắt buộc chẳng có ý nghĩa gì, bởi nếu các em tham gia một cách tự nguyện, thì đó cũng chỉ là nỗ lực tuyệt vọng để tồn tại.

Ngoài những hình thức bạo lực, các nhóm Hồi giáo cực đoan luôn lợi dụng yếu tố đói nghèo và tài chính để lôi kéo trẻ em.

Đa phần trường hợp chỉ vì miếng cơm manh áo, những trẻ em nghèo buộc phải gia nhập các tổ chức hoặc nhóm vũ trang cực đoan.

Một số trường hợp, cha mẹ các em tự nguyện cho con mình tham gia các tổ chức này vì tưởng rằng chúng sẽ có nơi ăn chốn ở.

Tại những nơi trẻ em phải gồng mình chống chọi với đói nghèo do chiến tranh tàn phá, các phần tử cực đoan thường thuyết phục cha mẹ những đứa trẻ gửi con đến trại huấn luyện để đổi lấy tiền. Sau khi chiêu mộ, những đứa trẻ này cũng nhận được một số tiền để tham gia huấn luyện.

Nhưng có lẽ phân biệt đối xử vẫn là nhân tố nhạy cảm nhất gây ra lòng hận thù. Sự khác biệt về chủng tộc, màu da, tôn giáo đã tạo ra khái niệm về phân biệt đối xử, một yếu tố mà các nhóm vũ trang cực đoan có thể dựa vào đó để huy động toàn bộ cộng đồng, kể cả trẻ em.

Đặc biệt khi chứng kiến việc giết hại, làm nhục cha mẹ, anh chị em hay xúc phạm tư tưởng tôn giáo, những đối tượng dễ bị kích động này sẵn sàng tham gia với quyết tâm của lòng hận thù.

Thậm chí nhiều trẻ em còn được gia đình hoặc cộng đồng yêu cầu trở thành "mắt xích" trong cuộc chiến bảo vệ cộng đồng. Dù là trai hay gái, chúng đều sẵn sàng tử vì đạo hay chết cho đức tin của mình.

Ivan Simonovic, trợ lý thư ký phụ trách vấn đề nhân quyền Liên Hiệp Quốc, từng đến Iraq, thừa nhận rằng các tay súng cực đoan bằng cách nào đó "có sức hút" đối với một số người trẻ và chúng rất thành thạo trong việc "thao túng" thanh thiếu niên và trẻ em.

Thậm chí chúng xây dựng một hình ảnh đáng ngưỡng vọng về chiến thắng và hứa rằng những ai ngã xuống vì lý tưởng của họ sẽ được "lên thiên đường". 

"Tẩy não" trẻ em trở thành "tuyên truyền viên"

Việc tuyển mộ trẻ em tham gia vào các cuộc chiến hay những vụ tấn công khủng bố không còn là vấn đề quá mới tại các quốc gia châu Phi hay Trung Đông.

Điều đáng nói ở đây các binh sĩ nhí giờ lại được các nhóm Hồi giáo cực đoan đào tạo để trở thành công cụ tuyên truyền cho thế hệ tương lai về tư trưởng cực đoan và thánh chiến.

Với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) những công cụ mới này là nhân tố để duy trì sự tồn tại của IS trong thế hệ tiếp theo.

Với kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài chống lại phương Tây, IS hy vọng các chiến binh nhí được đào tạo từ bây giờ không chỉ chiến đấu được nhiều năm, mà còn tạo niềm tin cho thế hệ kế tiếp.

Hình ảnh một cậu bé giương khẩu súng lục, nhằm thẳng vào hai người đàn ông đang quỳ gối trên mặt đất và bóp cò, trong một đoạn video tuyên truyền là bằng chứng rõ nhất cho thấy sự nham hiểm của IS trong việc truyền bá cho một thế hệ khác bằng ý thức hệ tàn bạo.

Không ai có thể tưởng tượng một cậu bé 11-12 tuổi, sau khi tuyên bố là thánh chiến trẻ, giơ súng hành hình hai người đàn ông được cho là gián điệp của Nga. Khi được hỏi: "Cậu muốn làm gì trong tương lai?". Cậu bé trả lời lạnh lùng: "Tôi sẽ là một trong những người giết ông vì tôi là một chiến binh thánh chiến".

Một đoạn video khác mà IS đăng tải, còn cho thấy hầu hết các binh sĩ nhí đều phải trải qua lớp truyền giảng về tôn giáo và Arập trước khi thực hành bắn súng và huấn luyện thể chất. Bằng cách này, IS đang tạo ra những công cụ tuyên truyền hiệu quả cho  kế hoạch tuyển mộ binh sĩ nhí trong tương lai.

Dù đây chỉ là một vài trong số rất nhiều dẫn chứng về cách tuyên truyền của IS, song hình thức truyền bá cho những đứa trẻ một tư tưởng bạo lực, một đức tin cực đoan là làm tổn thương nghiêm trọng tâm lý các em.

Charles Lister, một thỉnh giảng tại Trung tâm Doha Brookings, cho biết, trong 6 tháng qua, vũ khí tuyên truyền của IS đã gia tăng lên mức báo động. Những hình ảnh, video liên tục được công khai là minh chứng mới nhất cho thấy mức độ cực đoan của nhóm khủng bố này.

Theo Charles Lister, việc quay những thước phim bắt trẻ em thực hiện hành vi bạo lực như vậy chính là cách IS muốn chứng minh cuộc chiến mà chúng tiến hành là cuộc chiến của mọi tầng lớp, dù ở độ tuổi nào.

Jeffrey Bates, phát ngôn viên của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Iraq, cho biết, dưới mọi hình thức, việc tuyên truyền ý thức hệ hay buộc tham gia vào hành vi bạo lực không chỉ là hành động gây tổn hại vô cùng nghiêm trọng đến tâm lý của những em phải trải qua, mà còn tạo ra hệ lụy khôn lường cho đất nước, cho các thế hệ trong tương lai. Ông Jeffrey khẳng định: Đây chính là những hành động tác động và tàn phá sự phát triển tâm lý của trẻ em.

Hiện những chiến binh IS vị thành niên được cho là một mối đe dọa lâu dài và đặc biệt nguy hiểm, bởi các em không được đến trường như bình thường, thay vào đó là đã bị tẩy não để trở nên mất tính người, sẵn sàng chiến đấu và chết cho đức tin của mình.

Cho đến nay vẫn chưa có thống kê chính thức nào về số trẻ em tham gia IS nói riêng và các cuộc xung đột nói chung, tuy nhiên những bằng chứng thực tế này đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng tuyển mộ lính trẻ em tại các vùng xung đột.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.