Cơ quan đại diện ngoại giao “ma” ngang nhiên tồn tại hơn 1 thập niên

Thứ Ba, 20/12/2016, 10:10
Sau gần một năm âm thầm xúc tiến chiến dịch theo dõi, với sự phối hợp của Văn phòng An ninh Ngoại giao Mỹ (DSS) tại Đại sứ quán Hoa Kỳ, cuối cùng các nhân viên đặc nhiệm thuộc Bộ Nội vụ Cộng hòa Ghana đã đột kích vào một địa điểm đáng ngờ, nơi được dùng làm cơ quan đại diện ngoại giao "ma" chuyên cung cấp giấy tờ vào Mỹ từ hơn 1 thập niên qua.

Đó là tòa nhà 2 tầng xập xệ lợp tôn hoen gỉ, quét vôi màu hồng nham nhở tọa lạc gần khu trung tâm thủ đô Accra, được bọn tội phạm thuê dài hạn để tiếp đón và làm thủ tục cho những ai muốn di cư tới "miền đất hứa" Hoa Kỳ. Kể từ giữa năm 2005 đến nay, đều đặn vào buổi sáng các ngày thứ hai, thứ ba và thứ sáu hàng tuần, lá cờ sao và vạch của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ lại phấp phới tung bay ở ngay lối vào, còn phòng "Lãnh sự" bên trong treo ảnh Tổng thống Mỹ đương nhiệm y như một trụ sở ngoại giao thực thụ.

Theo tiết lộ từ các nhà điều tra, thì điểm khác biệt là không có công dân Mỹ nào làm việc tại trụ sở "ma" này, mà đều là người của một băng nhóm gốc Thổ Nhĩ Kỳ đội lốt nhân viên sứ quán giao tiếp bằng tiếng Anh sành sỏi. Thay vì xếp lịch hẹn phỏng vấn trực tiếp như các tòa đại sứ khác, bọn chúng lại cử nhân viên dùng xe máy rong ruổi khắp Ghana, cũng như các quốc gia lân cận trong vùng Tây Phi, phát tờ rơi quảng cáo hòng săn tìm các "con mồi" đang mong muốn được nhập cư vào Mỹ.

Tòa nhà xập xệ được dùng làm cơ quan đại diện ngoại giao "ma".

Kế đến chúng đưa các nhạn nhân đến tá túc ở một khách sạn gần "đại sứ quán", chờ đến ngày làm các giấy tờ cần thiết như hộ chiếu, thị thực nhập cảnh (visa), hay các giấy tờ tùy thân khác giả đi du học như bản sao kê tài khoản ngân hàng, giấy khai sinh, học bạ… với mức giá tương đương 6.000 USD cho mỗi khoản dịch vụ riêng biệt.

Ngoài trụ sở chính là tòa nhà màu hồng nêu trên, cảnh sát cũng đã tiến hành khám xét 2 cơ sở chân rết thuộc cơ quan đại diện ngoại giao "ma" tại Accra. Một cơ sở dưới vỏ bọc là cửa hàng bán quần áo, nơi chuyên khâu các cuốn hộ chiếu giả bằng… máy may công nghiệp.

Hộ chiếu và visa cấp lậu bị thu giữ.

Cơ sở còn lại là một căn hộ chung cư bình dân, được dùng làm nơi in ấn các giấy tờ liên quan. Kết quả cảnh sát đã tịch thu 190 cuốn hộ chiếu giả của 10 quốc gia, vô số visa giả nhập cảnh vào Hoa Kỳ và khu vực Schengen thuộc đa phần các nước trong Liên minh châu Âu (EU).

Rồi nhiều máy tính xách tay, 3 máy in, 3 máy chụp ảnh chuyên dụng, 2 máy cán giấy, 75 con dấu khác nhau… là những phương tiện để làm ra các loại giấy tờ "y như thật". Nhóm tội phạm tình nghi đã bị bắt giữ gồm 3 tên cầm đầu là Ahmed Musah 53 tuổi, Seth Obeng 32 tuổi và Ayerno Bezale Tayo 32 tuổi, đều là công dân Thổ Nhĩ Kỳ đang cư trú hợp pháp ở Accra. Theo luật pháp Ghana, tội làm giả tài liệu của các cơ quan tổ chức có mức án tối đa là 18 năm tù giam.

Tuy nhiên, vị đại diện DSS không cho biết đã có bao nhiêu trường hợp tới Mỹ trót lọt bằng các giấy tờ "ma", bởi cần có thời gian rà soát phối hợp với Cơ quan quản lý nhập cư và di trú Hoa Kỳ (USCIS). Còn các nhà quan sát am hiểu đều đồng nhất với nhận định, rằng không loại trừ giới chức hữu quan ở Ghana đã nhận tiền hối lộ từ bọn tội phạm, cố tình làm ngơ để một trụ sở ngoại giao đội lốt ngang nhiên tồn tại suốt một thời gian dài.

Kim Dung (theo The Washington Post)
.
.