Cơ quân tình báo đầy tội ác của Kosovo

Thứ Ba, 26/04/2011, 14:45

Cho đến tận bây giờ, thế giới mới được biết Kosovo từng có một cơ quan bí mật có chức năng vừa là tình báo vừa như mật vụ, nhờ cuộc điều tra của Liên minh châu Âu nhằm vào tội ác của các thành viên KLA trước đây. Dù là tổ chức non trẻ và hoạt động trong một phạm vi nhỏ hẹp như Kosovo, nhưng mức độ "ác" của K-SHIK thì khó có tổ chức tội ác nào bì kịp.

Theo tờ Global Post, Cơ quan Tình báo Quốc gia Kosovo, viết tắt theo tiếng Albania là K-SHIK, được thành lập từ sau cuộc chiến tranh Nam Tư năm 1999 như một cơ quan tình báo bí mật phục vụ các lợi ích chính trị của Quân đội Giải phóng Kosovo (KLA) và các đảng phái của người Albania chủ trương ly khai, tách khỏi Serbia. Một báo cáo của Tình báo Đức (BND) cho biết cụ thể là K-SHIK ra đời khoảng nửa cuối năm 1999 ở Pristina và do các thủ lĩnh KLA là Hashim Thaci và Ramush Haradinaj đồng sáng lập.

Nhân sự chủ yếu của K-SHIK là thành phần phiến quân KLA và một số phần tử tội phạm có tổ chức ở vùng Balkans và Đông Âu cũ. Bọn ô hợp này được huấn luyện rất bài bản theo đúng nghĩa một cơ quan tình báo thứ thiệt, và các tay súng của K-SHIK đã trở thành những sát thủ đáng sợ cho bất cứ ai dám chống lại KLA.

Ban đầu, K-SHIK chịu sự quản lý trực tiếp của KLA, nhưng về sau này, khi KLA bị buộc phải giải tán theo thỏa thuận đình chiến năm 1999, K-SHIK chuyển sang nằm dưới sự điều hành của đảng Dân chủ Kosovo (DPK) do Thủ tướng Hashim Thaci lãnh đạo. Cho tới nay, cơ cấu tổ chức cũng như cách thức hoạt động đặc trưng của K-SHIK vẫn còn là một ẩn số, vì các nhân chứng - những cựu thành viên và cựu chỉ huy tổ chức này đều không đồng ý tiết lộ.

Nazim Bllaca, một cựu sát thủ của K-SHIK hiện đang chuẩn bị hầu tòa ở châu Âu với các cáo buộc "giết người, âm mưu giết người và tham gia tội phạm có tổ chức", đã tiết lộ trên báo chí rằng ngay khi được thành lập (sau cuộc chiến Nam Tư 1999), K-SHIK đã tiến hành một chiến dịch "ám sát chính trị" nhằm vào các chính khách người Serbia hoặc thành phần Albania thân Serbia ở Kosovo, những người bị nghi ngờ hợp tác với Tổng thống Slobodan Milosevic hoặc thành viên đảng đối lập chống KLA.

Bllaca không nhớ rõ đã có bao nhiêu người là nạn nhân bị giết trong chiến dịch tội ác này, nhưng ông ta khẳng định, các vụ giết người đó do Azen Syla - một chỉ huy cao cấp của KLA và là chiến hữu thân cận của ông Thaci - chủ mưu, còn những người như Bllaca chỉ thi hành mệnh lệnh. Những lời khai của Bllaca được xác nhận bởi các cựu chính khách từng suýt bị K-SHIK giết.

Vậy ai đã đứng sau lưng hỗ trợ cho K-SHIK và tổ chức này lấy nguồn kinh phí từ đâu để hoạt động trong khi Kosovo luôn phải vay mượn để trang trải chi phí? Kadri Veseli, một đồng minh thân cận của Thủ tướng Thaci và là một cựu chỉ huy K-SHIK, tiết lộ trên tờ Global Post rằng: "Chúng tôi có rất nhiều đối tác, khoảng 25 cơ quan tình báo nước ngoài. Trong đó, Mỹ giúp chúng tôi rất nhiều".

Trong một báo cáo tình báo năm 2004 được Global Post trích dẫn, CIA được nêu đích danh là cơ quan chủ lực cung cấp các hỗ trợ về mọi mặt cho K-SHIK, từ huấn luyện kỹ thuật tình báo ban đầu cho đến tài trợ kinh phí và trang bị kỹ thuật chuyên nghiệp, vũ khí chiến đấu và chia sẻ thông tin tình báo. Điều này được các cựu quan chức Mỹ tại Kosovo xác nhận.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton được Thủ tướng Hashim Thaci tiếp đón trong một chuyến thăm hồi tháng 10/2010.

Còn một cựu điệp viên K-SHIK thì cho báo chí biết ông ta cùng với các đồng nghiệp trong K-SHIK từng được các chuyên gia CIA đưa đi huấn luyện tại Mỹ và các cơ sở CIA ở Đức. Florin Krasniqi, một cựu thành viên cao cấp của KLA và hiện đang là nghị sĩ Quốc hội Kosovo, khẳng định ông Veseli có quan hệ rất chặt chẽ với người Mỹ và người Anh, là người trực tiếp nhận hỗ trợ tài chính, trang bị kỹ thuật và huấn luyện của họ.

Từ năm 2008, K-SHIK đã không còn được nhắc đến như một cơ quan tình báo chuyên nghiệp nữa, vì buộc phải giải thể theo một điều khoản trong Quy chế đặc biệt dành cho Kosovo do Liên Hiệp Quốc bảo trợ.

 Tuy nhiên, nhiều cựu quan chức Mỹ tại Kosovo, những người từng là nạn nhân của K-SHIK và cả một số cựu thành viên tổ chức tội ác này đều khẳng định rằng K-SHIK vẫn tồn tại, chỉ có điều nó không hoạt động công khai như một cơ quan tình báo thông thường mà đã chuyển thành một tổ chức trong bóng tối, hoạt động hoàn toàn bí mật, xuất quỷ nhập thần. Các cựu quan chức Mỹ tại Kosovo khẳng định, K-SHIK vẫn sẽ tồn tại chừng nào người bảo trợ chủ yếu của nó - Thủ tướng Thaci vẫn còn tại vị.

Chính trong giai đoạn hoạt động ngầm này, K-SHIK biến thành một tổ chức tội phạm, chuyên thực hiện các vụ ám sát, khủng bố các đối thủ chính trị của Thủ tướng Thaci và những thành phần nào không trung thành với ông Thaci. Theo một số nhân chứng, K-SHIK hiện nay tìm kiếm nguồn tài chính hoạt động bằng cách dùng vũ lực để "tống tiền" giới doanh nghiệp làm ăn tại Kosovo vì khoản tài trợ của Chính phủ Kosovo không thể đảm bảo cho mọi hoạt động.

Một cựu quan chức Mỹ từng biết rành rẽ về K-SHIK cho báo chí biết, K-SHIK ngày nay thậm chí còn mạnh hơn thời trước, và do nằm ngoài vòng pháp luật, không thể chạm đến nên việc điều tra và truy xét tội ác của tổ chức này hiện nay gặp rất nhiều khó khăn

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.