Có sự bao che trong vụ lò sản xuất thực phẩm chức năng siêu bẩn?

Thứ Bảy, 22/08/2015, 13:00
Những ngày qua, người dân TP HCM dậy sóng trước thông tin một lò sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) với công nghệ siêu bẩn bị phát giác. Với thành phần chính là bột, đường, muối và hương liệu được ghi dưới nhãn mác hỗ trợ chữa trị bệnh, chủ cơ sở đã cho ra lò mỗi ngày hàng triệu viên, gói TPCN với những tên gọi rất kêu như AlphaMc, VitaminC, Krime S, Dectazyne… trong môi trường dơ bẩn đến khủng khiếp.

PV Chuyên đề ANTG đã thu thập được nhiều đoạn clip cho thấy nhân viên của công ty ăn, ngủ, hút thuốc, ở trần trùng trục… ngay tại khu vực sản xuất TPCN trong môi trường nhếch nhác, dơ bẩn. Có đoạn phim thể hiện các sản phẩm thực phẩm siêu bẩn kia rơi vãi trên nền nhà ẩm ướt, nhếch nhác, bụi bặm được nhân viên công ty dùng chổi và mê xúc rác gom lại rồi cho vào máy dập để tái sử dụng…

Giấy phép một đằng…

Chủ doanh nghiệp kinh doanh TPCN siêu bẩn kia là Nguyễn Xuân Cường. Để sản xuất và tập kết hàng hóa, Cường đã thuê nhiều địa điểm tại quận Tân Phú và quận 8. Các cơ sở này phần lớn không để bảng hiệu, phía ngoài nhìn vô có phần vắng lặng nhưng bên trong, công nhân rầm rộ sản xuất ngày đêm…

Trên website của Công ty TNHH MC Food, Nguyễn Xuân Cường giới thiệu đến gần 30 loại TPCN có công dụng hỗ trợ điều trị bệnh tật. Nhưng điều oái oăm ở chỗ các sản phẩm được công ty này cho ra lò không hề ghi dòng chữ TPCN nào, dù rằng theo quy định trên vỏ hộp sản phẩm TPCN ngoài số đăng ký phải có dòng chữ "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".

Sự lập lờ trên dễ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn đây là thuốc chữa bệnh. Có thể điểm qua một số sản phẩm như thế như EUCA MC (điều trị các chứng ho, đau họng, sổ mũi, cảm cúm, làm loãng niêm dịch), Rutin C (cung cấp vitamin và Vitamin B1 điều trị bệnh tê phù, viêm đa dây thần kinh do rượu, thấp khớp).

Ban đầu, đại bản doanh của MC Food "đóng đô" trên đường Dương Văn Dương, quận Tân Phú, TP HCM. Sau đó công ty này được chuyển một phần về 2 địa chỉ, số 115 và 118C đường số 9, phường 4, quận 8. Tại đây, chủ cơ sở tập trung sản xuất vỉ TPCN, thuốc tiêu chảy, "thuốc" sát khuẩn Povidone...

Qui trình sản xuất thuốc sát khuẩn Povidone (chai nhựa loại 10ml) hoàn chỉnh ở đây rất khủng khiếp. Sau khi dùng can nhựa loại 10 lít chứa Povidone (thuốc sát khuẩn) đổ vào thùng nhựa loại lớn, nhóm công nhân đổ thêm hàng chục lít nước phôngten vào khuấy đều. Kế đến hỗn hợp Povidone Lodine - nước lã kia được chiết vào bình trà có vòi nhỏ rồi công nhân cứ thế rót vào các lọ nhựa có dán mác Povidone cùng công dụng.

Chỉ với quy trình đơn giản pha lỏng dịch Povidone nguyên chất như thế, mỗi ngày Công ty MC Food cho ra lò cả chục ngàn chai Povidone thành phẩm tung ra thị trường tiêu thụ.

Điều lạ ở chỗ tiền thân của thuốc sát khuẩn Povidone là "Nước rửa dụng cụ sản xuất, chế biến thực phẩm Vidine". Chuyện là ngày 10/9/2013, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế cấp giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm là "Nước rửa dụng cụ sản xuất, chế biến thực phẩm Vidine" cho MC Food.

Tuy nhiên, sau khi có giấy phép này, ông Cường lại đi sản xuất "thuốc sát khuẩn" lấy tên sản phẩm Povidone. Vụ việc bị phanh phui, Cục ATVSTP đình chỉ sản xuất sản phẩm trên nhưng được biết cơ sở của ông Cường vẫn tiếp tục đóng chai...

Có dấu hiệu tẩu tán?

Trước diễn biến nghiêm trọng của vụ việc, Cục ATVSTP, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế TP HCM tiến hành thanh tra đột xuất tại hai địa chỉ kể trên. Đồng thời, Cục chỉ đạo xử lý theo hướng sẽ thu hồi Giấy xác nhận công bố sản phẩm đối với những sản phẩm đã được cấp Giấy xác nhận nhưng sản xuất ở nơi không đảm bảo vệ sinh. Trong trường hợp phát hiện các sản phẩm không được cấp Giấy xác nhận nhưng công ty này vẫn cho sản xuất, Cục sẽ chuyển Cơ quan Công an điều tra xử lý theo quy định.

Qua ghi nhận của PV Chuyên đề ANTG, ngày 13/8, ngay khi nhận được chỉ đạo của Cục ATVSTP, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã phối hợp với Phòng Y tế quận 8 tiến hành thanh tra Công ty MC Food tại địa nhà 118 C và chi nhánh của cơ sở này trên cùng địa bàn phường tại số nhà 115. Tại đây, chủ cơ sở Nguyễn Xuân Cường đã không xuất trình được các giấy tờ cần thiết là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhân viên không xuất trình được giấy khám sức khỏe và tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm...

Trên cơ sở đó, đoàn thanh tra đã lập biên bản thống kê được 8 loại sản phẩm mà MC Food đang sản xuất được vứt tràn lan trên sàn nhà và lẫn trong chăn mền chiếu gối gồm Vidine, AlphaMc, VitaminC, Krime S, Dectazyne, Lysozyme 90, Mg B6, Trivitamin. Đoàn thanh tra cũng đã tiến hành lấy mẫu để kiểm tra chỉ tiêu chất lượng sản phẩm!

Tuy nhiên, lẽ ra phải tiến hành niêm phong toàn bộ số TPCN trên thì đoàn thanh tra chỉ ghi nhận theo lời khai của chủ cơ sở rằng đang có 103 thùng TPCN với nhiều chủng loại và gần 18.000 chai dầu mù u, không kiểm tra số lượng trên có đúng như lời khai của chủ cơ sở hay không… Kết thúc buổi làm việc, thanh tra Sở Y tế lại chỉ niêm phong một số thùng sản phẩm theo lời khai của ông Cường, rồi giao toàn bộ cho phía Công ty MC Food tự bảo quản(?).

Buổi làm việc giữa Cục ATVSTP và đại diện Sở Y tế TP HCM cùng chính quyền địa phương.

Thanh tra Sở cũng không niêm phong cơ sở, chỉ yêu cầu ngưng sản xuất, ngưng kinh doanh, giao cho chính quyền địa phương quản lý và hẹn mời ông Nguyễn Xuân Cường ngày 17/8 đến Sở làm việc?

Trước mức độ nghiêm trọng và diễn biến bất thường của vụ việc, trong ngày 16-8, Đoàn thanh tra Cục ATVSTP, Bộ Y Tế đã khẩn cấp vào TP HCM kiểm tra làm rõ. Trao đổi với PV Báo CAND và Chuyên đề ANTG, Cục phó Cục ATVSTP Nguyễn Hùng Long cho biết lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo Cục rất quan tâm đến vụ việc, nhất là khi nắm được thông tin nhạy cảm rằng có một số người lạ xuất hiện tại thời điểm mà Thanh tra Sở Y tế vào kiểm tra và có dấu hiệu tẩu tán hàng hóa...

Phóng viên đã theo chân Đoàn thanh tra của Cục ATVSTP đến hiện trường nhưng không thể vào được bên trong để kiểm tra thực hư sự việc. Tại trụ sở Công an phường, đại diện địa phương và đại diện Sở Y tế đưa ra nhiều lý do không thể vào bên trong cơ sở như chủ cơ sở đang giữ chìa khóa, chưa liên hệ được với quận, như thế là không đúng với quy định của pháp luật vì không có lệnh khám xét không thể tự ý vào?

TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế TP HCM đã trả lời lãnh đạo Cục ATVSTP rằng ngay tại thời điểm này, chủ cơ sở đã chấp hành yêu cầu của Đoàn thanh tra là ngưng sản xuất, ngưng kinh doanh và cho biết đây là vi phạm hành chính, theo quy định của pháp luật không niêm phong hàng hóa nhưng vì đây là vụ việc phức tạp, được lãnh đạo Bộ, Cục quan tâm nên ngoài ổ khóa của chủ cơ sở, Thanh tra Sở đã bàn với chính quyền địa phương gắn thêm 2 ổ khóa, cho lực lượng công an, dân phòng canh gác thường xuyên nên không có chuyện tẩu tán hàng hóa?

Cũng theo ông Bùi Minh Trạng,  trong quá trình thanh tra, Đoàn công tác của Sở Y tế TP HCM có niêm phong nhưng là niêm phong một phần hàng hóa, còn với những thứ là rác, hàng hóa hư hỏng hôi thối gọi chung là rác thì không. Có phóng viên đặt ra điều băn khoăn rằng Thanh tra Sở Y tế TP HCM dựa vào đâu để phân biệt được cái nào là TPCN có dấu hiệu sản xuất chui, không đảm bảo an toàn thực phẩm, không đảm bảo chất lượng… và đâu là rác, đâu là TPCN quá hạn sử dụng, hư hỏng được cơ sở này thu hồi để hủy hay tái sản xuất nhưng không có câu trả lời?

Bên trong lò sản xuất TPCN của Công ty TNHH MC Food.

Tóm lại, theo đại diện thanh tra Sở Y tế và chính quyền địa phương, Đoàn thanh tra Cục ATVSTP không thể vào được 2 địa điểm của MC Food đã được Thanh tra Sở vào kiểm tra vì nhiều lý do. Nếu muốn vào như thế, chỉ có lệnh khám xét của Cơ quan Công an nhưng tại thời điểm này, đây chưa phải là vụ việc hình sự nên địa phương không đủ chức năng, cơ sở pháp lý mở cửa để đoàn vào? Nếu tự ý, sợ sau này chủ cơ sở sẽ biết đâu bảo rằng bị mất mát, hư hỏng hàng hóa, tài sản và… bắt đền?!

Trước tình hình trên, Đoàn thanh tra Cục ATVSTP đành phải lên xe trở về. Lúc này đây thì phát sinh tình tiết ly kỳ. Nhận được thông tin của một phóng viên rằng có một dân phòng được giao nhiệm vụ giám sát Công ty MC Food mở cửa cho một số người lạ vào cơ sở tại số nhà 115 đường số 9. Cùng thời điểm này, một số phóng viên thu thập được thông tin những ngày vừa qua vẫn có người thường xuyên vào ra hai địa chỉ 118C-115 chở hàng hóa.

Trước tình hình đó, đoàn thanh tra Cục ATVSTP nhanh chóng quay ngược lại hiện trường (cơ sở 115). Tại đây, phát hiện các ổ khóa không được niêm phong, lãnh đạo Cục ATVSTP đặt nghi vấn vì sao lúc sáng địa phương cho rằng không có cơ sở pháp lý để mở cửa thì nay lại có người ra vào thì được, và yêu cầu mở cửa để vào ghi nhận hiện trạng, nhưng đại diện địa phương vẫn kiên quết từ chối? Dù rằng có lúc lãnh đạo Cục ATVSTP đã tuyên bố "cứ lập biên bản khi mở cửa để đoàn vào kiểm tra, có gì tôi chịu trách nhiệm!".

Sau gần 2 giờ "đấu tranh" nhưng không kết quả, đoàn kiểm tra Cục ATVSTP đành phải lập biên bản niêm phong ổ khóa cơ sở. Lúc này đây, lãnh đạo Cục ATVSTP khẳng định sẽ báo cáo toàn bộ sự việc đến lãnh đạo Bộ Y tế và TP HCM để có biện pháp xử lý.

Bên lề sự kiện

Theo yêu cầu của Đoàn thanh tra Sở Y tế TP HCM, ngày 17/8 Giám đốc Công ty MC Food Nguyễn Xuân Cường phải đến Sở để giải quyết vụ việc, đồng thời cung cấp các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình nhưng ông Cường đã không có mặt.

TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở cho biết, ông Cường đã hẹn vào 14h chiều cùng ngày nhưng không xuất hiện, các số điện thoại không liên lạc được. Sở Y tế TP HCM đã gửi thư mời và cử nhân viên đến gặp người nhà ông này vận động hợp tác với cơ quan chức năng.

Đại diện thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết sẽ tiếp tục mời ông Cường ngày 20/8 này đến Sở làm việc, nếu không đến sẽ mời tiếp lần 3 vào ngày 22/8. Sau thời gian này, nếu Nguyễn Xuân Cường không hợp tác thì sẽ có biện pháp cưỡng chế, tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa ở 2 cơ sở từng bị Đoàn thanh tra Sở thanh kiểm tra.

Trong 2 ngày 16 và 17/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo các đoàn thanh tra của Cục ATVSTP, sau đó là Đoàn Thanh tra của Bộ vào làm việc với Sở Y tế TP HCM.

Tại buổi làm việc với Sở Y tế TP HCM chiều 17/8, cơ quan chức năng bước đầu xác định một số sai phạm của Công ty TNHH MC Food như chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh tại hai cơ sở ở  phường 4 (quận 8), đăng ký giấy kinh doanh ở một nơi nhưng lại sản xuất một nẻo. Không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm…

Bích Kiều
.
.