Sự sụp đổ của các tập đoàn tội phạm

Thứ Sáu, 19/10/2018, 07:46
Sống trong cảnh liên tục phải chịu đựng những vụ đánh bom và những hoạt động khủng bố, người dân Colombia cảm thấy mệt mỏi, họ bắt đầu quay sang bày tỏ sự ủng hộ cho một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ và các tập đoàn tội phạm ma túy Colombia.

Buôn lậu ma túy kiêm khủng bố

Để phục vụ cho mục tiêu chính: Kiểm soát và đảm bảo việc buôn lậu ma túy, các tập đoàn ma túy – Cartel Colombia đã triển khai các chiến lược tổng lực trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự. Về phương diện công khai , các capos (ông trùm) đã tiến hành một cuộc chiến pháp lý để chống lại Hiệp ước Dẫn độ  được ký giữa Mỹ và Colombia vào đầu những năm 1980. Trong cuộc chiến pháp lý này, những kẻ buôn lậu ma túy đã có sự hỗ trợ của rất nhiều luật sư Colombia và Mỹ .

Phương pháp sử dụng bạo lực của các tập đoàn tội phạm ma túy Colombia cũng rất khác nhau. Escobar đã xây dựng một đội quân, tuyển dụng thanh niên từ các vùng đói nghèo và trực tiếp tham gia huấn luyện họ. Rodriguez Gacha tuyển mộ các nông dân nghèo. Anh em nhà Rodriguez Orejuela thì xây dựng đội cận vệ riêng tuyển mộ từ các nhân viên cảnh sát hay quân đội bị đuổi việc vì phạm tội hay đã nghỉ hưu.

Lần xuất hiện công khai đầu tiên với tư cách những tổ chức bạo lực của các Cartel Colombia là vào năm 1981 khi xảy ra vụ bắt cóc tống tiền Marta Nieves Ochoa, em gái của Jorge Luis Ochoa. Thủ phạm là nhóm phiến quân M-19.  Các thủ lĩnh mafia thống nhất về việc phải bảo vệ quyền lợi của chúng bằng mọi giá, nếu chấp nhận trả tiền chuộc, các nhóm phiến quân sẽ chiếm hết các nguồn lợi của chúng.

Thời khắc Escobar bị bắn hạ trên mái nhà của một khách sạn nhỏ ở Bogota khi đang cố tìm cách chạy thoát khỏi vòng vây của cảnh sát.

Thỏa thuận này đã dẫn đến sự ra đời của một tổ chức mới MAS (Muerte A Secuestradores - cái chết cho những kẻ bắt cóc), một nhân chứng cho biết “đã có 223 thủ lĩnh mafia tham gia MAS, mỗi tên đóng góp 5 ngàn pêsô (tiền Colombia) và 10 sát thủ thiện chiến nhất của mình”.

MAS đã ra tay mau lẹ và tàn bạo: trong vòng 15 ngày, 25 thành viên nhóm phiến quân M-19 bị bắt giữ và sát hại, Marta Nieves Ochoa được giải thoát mà không tốn một xu tiền chuộc, các phiến quân còn lại bị giao nộp cho các nhà chức trách. Những hoạt động của MAS đã kéo theo một hệ quả khác mang tính dài lâu. Có cùng kẻ thù chung là các phiến quân, những kẻ buôn ma túy và lực lượng vũ trang của Colombia (quân đội, cảnh sát) đã có sự phối hợp chặt chẽ.

Các lực lượng như của MAS sẽ được hỗ trợ hậu cần và tiền bạc. Thời gian sau đó, một số nhóm tội phạm đã chủ động lên kế hoạch tấn công các phiến quân, ví dụ như trường hợp của Rodriguez Gacha. Lý do là toàn bộ nhân lực và tài sản của nhóm này: các đường băng cất, hạ cánh của máy bay chở ma túy, các phòng thí nghiệm chế biến ma túy, trang trại, nhà xưởng... đều nằm trong vùng uy hiếp của các phiến quân.

Những năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Belisario Betancour (1982-1986) những biện pháp trấn áp mạnh như xóa sổ các cơ sở điều chế ma túy lớn, truy tố các chủ sở hữu, chủ yếu là thành viên của Cartel Medellín đã được đưa ra thảo luận và thông qua tại quốc hội Colombia. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Rodrigo Lara Bonilla là người khởi xướng và lãnh đạo chiến dịch này. Ông bị ám sát vào tháng 4-1984.

Hành động này được xem là lời tuyên chiến của các capos - những ông trùm của các tập đoàn ma túy với toàn xã hội và với chính quyền Colombia. Chính phủ của Tổng thống Betancour bị chỉ trích vì bỏ rơi bộ trưởng của mình, đã ra lệnh tịch thu tài sản của những kẻ buôn lậu ma túy và chuyển các vụ án ma túy cho tòa án quân sự xét xử. Quan trọng nhất đó chính là việc thông qua Hiệp ước Dẫn độ các tội phạm ma túy từ Colombia về Mỹ. Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 2 năm kể từ ngày ký.

Ngày 15-11-1986, những kẻ “có nguy cơ bị dẫn độ” đã xuất hiện công khai như là một tổ chức vũ trang bí mật, chúng tuyên bố “mong muốn có một nấm mồ tại Colombia hơn là một nhà tù ở nước Mỹ”. Đứng đầu nhóm đó là Gonzalo Rodriguez Gacha , thành viên của Cartel Medellín. Thực tế chúng đã tạo ra một bộ máy khủng bố hết sức tàn bạo để đối mặt với chính quyền Colombia.

Những hoạt động khủng bố tăng vọt. Những vụ ám sát cảnh sát, quan tòa, công tố viên và các nhà báo xảy ra dồn dập. Không khí càng trở nên hỗn loạn với nhiều vụ nổ bom ở nơi công cộng. Trong danh sách những người bị ám sát có Giám đốc Tờ báo El Espectador, Guillermo Cano, lãnh đạo Đảng “Liên minh những người yêu nước” Jaime Pardo Leal, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Enrique Parejo,  Antioquia, người đứng đầu Cảnh sát Quốc gia . Vào ngày 18-8-1989 , Luis Carlos Galan, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa cũng đã chết trong một vụ mưu sát.

Cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt với vụ nổ bom phá hủy Tòa soạn báo El Espectator và trụ sở của DAS - một cơ quan chuyên thu nhập thông tin để truy lùng mafia. Nó lan rộng bằng vụ nổ bom tại khách sạn Hilton de Cartagène, những vụ hỏa hoạn tại các villa của những nhân vật quan trọng ở Medellín và vụ đánh bom một chiếc máy bay bay tuyến Avianca.

Tính chất đẫm máu lên đến đỉnh điểm với vụ mưu sát cùng lúc hai ứng cử viên tổng thống  là Carlos Pizarro - lãnh tụ của M-19, vừa gia nhập đời sống chính trị hợp pháp sau một thỏa ước vừa ký với chính phủ và Bernardo Jaramillo - lãnh tụ mới của đảng Liên minh những người yêu nước.

Sống trong cảnh liên tục phải chịu đựng những vụ đánh bom và những hoạt động khủng bố, người dân Colombia cảm thấy mệt mỏi, họ bắt đầu quay sang bày tỏ sự ủng hộ cho một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ và các tập đoàn tội phạm ma túy Colombia.

Đấu tranh từng bước

Ý định muốn tiến hành đàm phán với các tập đoàn ma túy Colombia là do Tổng thống Belisario Betancourt đưa ra sau vụ ám sát Bộ trưởng Bộ Tư pháp Rodrigo Lara Bonilla vào năm 1984. Khi việc dẫn độ sắp trở thành hiện thực, các nhóm buôn ma túy, bên cạnh chiến dịch kháng cự bằng pháp lý, cũng vội vã tìm cách đàm phán với chính phủ.

Miguel Rodriguez Orejuela trong ngày bị bắt giữ.

Lời đề nghị đã được chuyển đến cho Alfonso Lopez Mickelsen - Tổng chưởng lý của Tòa án tối cao và cựu Chủ tịch đảng Cộng hòa. Jorge Luis Ochoa, Pablo Escobar và Gonzalo Rodriguez Gacha đại diện cho hàng trăm trùm ma túy khác đã yêu cầu phải sửa lại nội dung của Hiệp ước Dẫn độ, ân xá - không hồi tố các tội trạng của chúng, đổi lại chúng sẽ giao nộp lại toàn bộ các cơ sở sản xuất ma túy, các phòng thí nghiệm, các sân bay và phương tiện vận chuyển, cam kết từ bỏ vĩnh viễn việc buôn bán ma túy và sẽ đứng ra trả các món nợ nước ngoài thay cho Chính phủ Colombia.

Nhiều thành phần trong xã hội và chính giới lên tiếng phản đối thỏa thuận này. Chính phủ Mỹ, thông qua đại sứ của họ ở Bogotá đã ra tuyên bố từ chối mọi dạng đàm phán với những kẻ buôn lậu ma túy. Chính phủ của Tổng thống Betancour cũng khẳng định rằng, không có bất cứ khả năng nào để một cuộc đàm phán như vậy có thể xảy ra.

Trong nhiệm kỳ của Chính phủ Cesar Gaviria (1990-1994), những biện pháp đưa ra để chống lại việc sản xuất và buôn bán ma túy không hề đạt được những kết quả như mong muốn. Diện tích trồng và lượng cocaine xuất khẩu vẫn không ngừng tăng lên.

Quyền lực của các cartel, khả năng lũng đoạn và đe dọa đối với nhà nước Colombia vẫn còn nguyên. Việc tăng cường sức mạnh của quân đội và cảnh sát, việc lập ra các tổ chức an ninh chuyên đối phó với các tội phạm ma túy, sự hợp tác chặt chẽ với cơ quan bài trừ ma túy Mỹ cũng không đem đến một kết quả nào đáng kể.

Gilberto Rodriguez Orejuela bị dẫn độ tới địa điểm bàn giao cho DEA - lực lượng đặc nhiệm phòng chống ma túy Mỹ.

Dư luận xã hội bắt đầu chỉ trích chiến lược đối đầu trực diện của chính phủ, họ ủng hộ một cuộc đàm phán chấp nhận sự “đầu hàng” và sự “hoàn lương” của những kẻ buôn ma túy. Áp lực của các vụ tấn công khủng bố và những vụ bắt cóc con tin xảy ra hàng ngày càng làm tăng thêm trọng lượng cho những đề nghị đàm phán. Chính quyền Colombia chịu sức ép ngày càng lớn từ hai phía: từ phía các băng đảng tội phạm ma túy và từ đòi hỏi của nhiều tầng lớp xã hội muốn có một giải pháp để chấm dứt bạo lực.

Vào năm 1991, Tòa án tối cao ra phán quyết cho phép Quốc hội lập hiến được quyền thảo luận và bỏ phiếu về mọi vấn đề. Từ nay Quốc hội có quyền thông qua những điều luật khuyến khích sự đầu hàng của những kẻ buôn ma túy, khoan hồng và giảm án cho những kẻ tự nguyện đầu thú, và quan trọng nhất là hủy bỏ hiệp định dẫn độ đã ký với Mỹ. Bất chấp những nỗ lực phản đối của Tổng thống Gaviria, luật dẫn độ cuối cùng đã bị hủy bỏ, Chính phủ Colombia đã mất đi vũ khí sắc bén nhất trong cuộc chiến chống ma túy.

Ngày 19-6-1991, Pablo Escobar đã ra đầu thú. Trong buổi họp cùng ngày, Quốc hội lập hiến Colombia đã biểu quyết điều 35 của Hiến pháp mới, cấm chính quyền dẫn độ các công dân Colombia.

Cuộc chiến tổng lực

Theo như thỏa thuận trước đó, Escobar được hưởng các tiện nghi hết sức xa hoa trong tù. Khi nghe tin chính quyền sẽ chuyển hắn đi nơi khác, Escobar liền tổ chức vượt ngục vào ngày 22- 7-1992. Với giải thưởng trị giá 6 triệu đôla, Escobar bị truy lùng khắp nơi và bị cảnh sát bắn hạ ngày 2-12-1993 khi tìm cách trèo lên mái nhà một khách sạn ở Bogota để chạy trốn.

Sau cái chết của Escobar, những capos khác của Cartel Medellín lần lượt bị ám sát như Gonzalo Rodriguez Gacha , bị đầu độc như anh em nhà Ochoa hay bị bắt và dẫn độ về Mỹ như Carlos Lehder. Cartel Medellín, tập đoàn tội phạm đã từng khuynh đảo đất nước Colombia đến đây được xem như đã bị xóa sổ.

Sự sụp đổ của cartel Medellín thoạt đầu có vẻ như là một tin tức tốt lành cho những ông trùm của cartel Cali. Từ nay kẻ cạnh tranh và đối đầu trực tiếp trong việc tranh giành lãnh địa buôn bán ma túy của chúng đã bị xóa sổ hoàn toàn.

Tuy nhiên chúng không biết rằng sau khi xóa sổ cartel Medellín thì chúng đã trở thành mục tiêu số một của chính quyền Colombia và Mỹ. Sau khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia, Đại tướng Rosso José Serrano đã mạnh tay cho nghỉ hưu hơn 3.000 cảnh sát và thay thế bằng những người trẻ tuổi, không dính líu gì với những kẻ buôn ma túy.

Tiếp đó, chính phủ treo giải thưởng 1,5 triệu đôla cho những ai cung cấp thông tin để có thể bắt giữ các capos của cartel Cali. Kết quả đến rất nhanh chóng: Trong 6 tháng, 6 thành viên chủ chốt của cartel Cali đã bị Serrano bắt giữ: Giblerto ngày 9-6-1995, Miguel ngày 6-8. Santacruz Londoo bị bắt tháng 7.

Tuy vậy, việc bắt giữ này không hề là dấu chấm hết cho các hoạt động buôn bán ma túy của băng đảng này. Từ trong tù chúng vẫn tiếp tục điều hành đường dây buôn bán ma túy hoạt động mạnh mẽ. Vào tháng 11-2002, Giberto còn được thả trước thời hạn vì “hạnh kiểm tốt” một quyết định bê bối đã làm dấy lên những lời phản đối.

Nhưng một yếu tố mới xuất hiện đã làm thay đổi số phận của những kẻ buôn bán ma túy Colombia. Giữ lời hứa khi vận động tranh cử, Tổng thống mới Álvaro Uribe đã quyết định áp dụng trở lại Hiệp ước Dẫn độ với những kẻ buôn ma túy. Giblerto và Miguel Rodriguez Orejuela nằm trong số những kẻ đầu tiên bị dẫn độ sang Mỹ (Santacruz Londoo - ông trùm thứ ba của băng đảng Cali đã bị cảnh sát bắn chết vào năm 1997 khi tìm cách vượt ngục).

Cả hai đã phải ra trước một tòa án Mỹ để trả lời về những tội ác mà chúng đã phạm phải. Với án tù chung thân, giờ đây chúng vẫn còn đang thụ án sau song sắt nhà tù Mỹ.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.