Colombia và Venezuela bên bờ vực xung đột vũ trang

Thứ Hai, 01/10/2018, 19:18
Một sự leo thang mới trong các hành động ngoại giao và quân sự chống lại Venezuela đã bắt đầu trong tuần này tại Colombia. Chính phủ Colombia đã đưa ra những dấu hiệu nghiêm trọng trong những tháng gần đây rằng họ đã sẵn sàng cho một cuộc xâm lược trực tiếp chống lại quốc gia hàng xóm của mình.

Nhưng, sự đồng thuận về vấn đề này vẫn chưa đạt được, ngay trong tầng lớp chính trị gia của Colombia. Trong khi cựu Tổng thống Álvaro Uribe và giới thân cận của ông trong chính phủ hiện tại khẳng định ý chí đưa Colombia tham gia vào một cuộc xâm lược quân sự thì Tổng thống đương nhiệm Iván Duque Márquez và vị phó của ông lại tỏ ra lưỡng lự.

Sau khi Chính phủ Colombia từ chối ký vào tuyên bố của Nhóm Lima, theo đó nhóm này bác bỏ các tuyên bố của ông Luis Almagro, Tổng Thư ký Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS/OEA), Bộ Ngoại giao Colombia đã tuyên bố mơ hồ về những lý do cho quyết định của mình để không gây mất lòng Tổng Thư ký của OAS.

Nhóm Lima được thành lập vào tháng 8-2017 với sự tham gia của Argentina, Brazil, Canada, Chile, Colombia, Peru và một số nước khác, được sự hẫu thuẫn của Mỹ, trong bối cảnh không đạt được một nghị quyết về Venezuela tại Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS) do vấp phải sự phản đối của các nước vùng Caribbean.

Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Colombia Holmes nói rằng vẫn tiếp tục con đường đối thoại với Venezuela thì đại sứ mới của Colombia tại Hoa Kỳ - Francisco Santos, công khai tuyên bố rằng hành động quân sự chống lại Venezuela không nên bị loại trừ.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Colombia, Kevin Whitaker, nói với các phóng viên tuần trước rằng trong trường hợp bị tấn công từ Venezuela, quốc gia của ông sẽ bảo vệ Colombia. Những lời này tái khẳng định rằng lý do "can thiệp quân sự vào Venezuela vì nhân đạo" đã sụp đổ do sự phản đối của Liên Hiệp Quốc, do sự cương quyết của ông Almagro đã buộc nhóm Lima nhượng bộ và đặc biệt do sự thành công của Kế hoạch Vuelta a la Patria (đưa người tị nạn Venezuela hồi hương).

Theo số liệu của Chính phủ Venezuela, khoảng 3.000 người đã hồi hương thông qua kế hoạch trên. Liên Hiệp Quốc cho biết, từ năm 2015, 1,6 triệu người Venezuela đã phải rời bỏ đất nước vì siêu lạm phát, nạn khan hiếm thương thực và thuốc men chữa bệnh.

Chỉ trong 2 tháng vừa qua, Chính phủ Colombia đã tố cáo 2 vụ xâm nhập của quân đội Venezuela vào lãnh thổ của mình. Vào tháng 8-2018, họ cáo buộc Lực lượng vũ trang Venezuela (FANB) vi phạm không phận Colombia và vào tháng 9 này, đã tiến vào bằng đường sông, sau đó bắt cóc 3 công dân Colombia. Bộ Ngoại giao Venezuela trả lời không ngần ngại rằng đó là những điều ngụy tạo.

Hoa Kỳ đã đề nghị Colombia đảm nhận vai trò này nhưng cũng có những lợi ích ở đất nước Venezuela mà các nhóm quyền lực bên ngoài quan tâm tới. Một trong những lợi ích đó là Venezuela nằm trong cửa ngõ vào vùng Caribbean từ hồ Maracaibo. Đây là một vị trí chiến lược quan trọng của toàn vùng Caribbean. Cà phê và tất cả các khoáng sản của Colombia - hầu như chỉ nằm trong tay các tập đoàn xuyên quốc gia - nhất là than, nếu đi qua hồ Maracaibo ra biển Caribbean sẽ gần hơn rất nhiều và lại dễ tiếp cận hơn các cảng của Colombia.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và cựu Tổng thống Colombia Álvaro Uribe trong một trang minh họa: “Chiến tranh ai được lợi?”.

Nhưng mạng lưới buôn bán ma túy lớn ở Colombia, nhà sản xuất cocaine lớn nhất thế giới, cũng muốn thống trị thị trường Venezuela. Điều này có nghĩa là có những nhóm lợi ích nước ngoài khác đang cố gắng xúi giục can thiệp quân sự chống lại Venezuela.

Một lợi ích chiến lược khác, không nghi ngờ gì, là nhiên liệu. Theo một báo cáo do Tổng Kiểm soát viên về tài chính của Colombia, nước này sẽ mất khả năng độc lập năng lượng từ năm 2021 nhưng ngay từ năm sau (2019), sự suy giảm trong sản xuất năng lượng sẽ bắt đầu tác động tới kinh tế Colombia.

Nếu thành công, một sự can thiệp quân sự vào Venezuela sẽ tạo cơ hội để kiểm soát trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh là lớn nhất thế giới và sẽ bù đắp cho sự suy giảm trong sản lượng dầu của Colombia.

Vì những lý do trên, nhà nước Colombia dường như đang chuẩn bị đơn phương khởi xướng một hành động quân sự bắt đầu bằng lý do bảo vệ an ninh quốc gia. Một khi được khởi xướng, hành động của Colombia sẽ nhận được hỗ trợ của Hoa Kỳ. Áp lực mạnh nhất để hành động này diễn ra xuất phát từ Chính phủ Mỹ, từ giới tài phiệt bảo thủ ở Colombia và nhất là từ cựu Tổng thống Álvaro Uribe, người đang cố gắng chứng minh rằng ông đã không nắm quyền đủ lâu để tiến hành xâm chiếm Venezuela.

Trả lời phỏng vấn trên kênh Fox News ngày 21-9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington đang chuẩn bị tiến hành “một loạt hành động” trong những ngày tới đây nhằm tăng cường sức ép đối với chính quyền Venezuela.

Trước đó, dựa trên tiết lộ của nhiều viên chức Mỹ ẩn danh và một cựu sĩ quan cao cấp Venezuela, báo New York Times ra ngày 8-9 xác định là trong năm 2018, đã có nhiều cuộc tiếp xúc bí mật giữa chính quyền Mỹ với một số sĩ quan Venezuela để bàn chuyện đảo chính, lật đổ chế độ của Tổng thống Nicolas Maduro. Caracas phản ứng ngay lập tức.

Qua Twitter, Ngoại trưởng Jorge Arreaza “tố cáo kế hoạch can thiệp và âm mưu đảo chính của Mỹ nhắm vào Venezuela mà bằng chứng do chính báo chí Mỹ cung cấp”. Về phần Washington, ông Garett Marquis, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia cho rằng chủ trương nhất quán của Chính phủ Mỹ là tái lập trong hòa bình và trật tự chế độ dân chủ ở Venezuela, tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản.

Theo nhận định của AFP, nếu thông tin của báo New York Times chính xác, Hoa Kỳ lập kênh liên lạc bí mật với lực lượng đối lập Venezuela để chuẩn bị một cuộc đảo chính thì tiết lộ này sẽ gây sóng gió. Trong quá khứ, Hoa Kỳ vẫn thường bí mật can thiệp vào tình hình châu Mỹ Latinh. Hãng tin AP ngày 4-7 đã tiết lộ rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng nghiêm túc nghĩ đến ý định đưa quân đổ bộ và lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro.

Tiết lộ này đã gây ra một làn sóng phản đối ở Nam Mỹ và làm Caracas tức giận. Washington phải điều chỉnh với lập luận “không có hành động quân sự trong tương lai gần”.

M.T. (tổng hợp)
.
.