Comlombia: Ma túy và tham nhũng hoành hành Buenaventura

Thứ Bảy, 26/04/2014, 16:55

Thành phố cảng Buenaventura miền tây Comlombia ven Thái Bình Dương đang bị hoành hành bởi cuộc chiến tranh ma túy đẫm máu và nạn tham nhũng gây nhiều đau khổ cho người dân vốn đã sống trong khốn khó ở nơi đây. Buenaventura là cửa ngõ kết nối Colombia với 300 cảng trên khắp thế giới. Trong 18 tháng qua, Buenaventura rơi vào vòng xoáy bạo lực liên quan đến các tổ chức ma túy bán quân sự tranh nhau quyền kiểm soát thành phố. Những thi thể mất chi hay mất đầu trôi lềnh bềnh trong vịnh, những cuộc đọ súng xảy ra thường xuyên và những nấm mồ tập thể cứ được đắp mới mỗi ngày ở Buenaventura.

Một vùng đất kinh hoàng

“Tuyến đầu” của cuộc chiến tranh ma túy chính là những khu nhà ổ chuột nằm ven biển của Buenaventura - thành phố cảng lớn nhất Colombia - vốn được coi là cửa ngõ chiến lược tiến ra biển cho hoạt động buôn lậu ma túy và vũ khí.

Theo người dân thành phố, nỗi sợ hãi cũng như tình trạng hỗn độn dẫn đến nhiều vụ bỏ nhà cửa đi nơi khác do cuộc chiến tranh ma túy gây ra hiện đang trở thành lợi thế cho các nhà đầu tư muốn chiếm dụng đất đai. Những phát súng đầu tiên trong cuộc chiến tranh ma túy ở Buenaventura giết chết tên gangster nổi tiếng Ramiro vào tháng 10/2012. Kể từ đó, xung đột vũ trang đã cướp đi mạng sống của hàng trăm người, buộc hàng ngàn người phải bỏ nhà cửa ra đi và gieo rắc kinh hoàng cho cả thành phố.

Liliana, lãnh đạo một tổ chức phụ nữ địa phương không muốn tiết lộ tên thật vì lo sợ cho tính mạng, cho biết: "Chúng tôi trở thành những mục tiêu tấn công. Quyền duy nhất mà chúng tôi có được là chôn cất người chết, giữ im lặng và hy vọng họ không giết chúng tôi".

Buenaventura bị phân chia thành những vùng đất nằm dưới sự cai quản của nhiều phe phái thù địch. Những ai dám vượt qua lằn ranh vô hình do các nhóm vũ trang liên quan đến ma túy đặt ra đều được coi là "kẻ thù" phải thủ tiêu. Một bên lằn ranh giới là La Empresa (Doanh nghiệp), tổ chức mafia do nhóm doanh nhân địa phương tham nhũng cầm đầu.

Trước đây, La Empresa cai quản Buenaventura bằng quyền lực và tiền bạc dồi dào của đội quân buôn lậu ma túy quốc tế Rastrojos và sức mạnh của các cựu thành viên tổ chức bán quân sự cánh hữu có tên gọi Lực lượng Tự vệ thống nhất Colombia (AUC) - nhóm này bị Washington xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế. Một bên khác của các lằn ranh giới là nhóm tội phạm quyền lực nhất Colombia - Urabenos. Cả hai phía xung đột khốc liệt để giành quyền kiểm soát một trong những hành lang buôn lậu ma túy đầu tiên của Colombia.

Hiện trường một vụ đánh bom ôtô giết chết ít nhất 6 người và làm bị thương hơn 40 người ở Buenaventura.

Theo lực lượng bảo vệ bờ biển Colombia, mỗi năm ước khoảng 250 tấn cocaine được chất lên những chiếc xuồng máy cao tốc chuyển cho các cartel Mexico để vận chuyển đến Mỹ. Sau khi bắn chết Ramiro và kiểm soát con đường này, Urabenos mở một cuộc tấn công "trừng phạt" giết chết 33 người. Kể từ đó, Urabenos nhanh chóng phát triển thành lực lượng vũ trang bất hợp pháp hùng mạnh.

Các băng nhóm tội phạm áp đặt trật tự xã hội tàn bạo của chúng, tự do xâm hại tình dục các cô gái trẻ và phụ nữ, tống tiền các doanh nghiệp nhỏ làm ăn lương thiện và thậm chí cả các hộ gia đình, tuyển mộ trẻ con làm lính đánh thuê, đánh đập và giết chết bất cứ ai dám thách thức quyền lực của bọn chúng. Người dân sống dưới sự bạo ngược của các nhóm vũ trang tội phạm này và lạc lõng giữa cuộc chiến tranh ma túy khốc liệt chỉ có 2 lựa chọn: ở lại chịu đựng hoặc bỏ đi nơi khác.

Theo người dân thành phố, những căn nhà bỏ hoang thường bị các băng nhóm vũ trang niêm phong và không cho chủ nhân của chúng trở về lấy tài sản, đôi khi bị phá sập ngay lập tức.

Cảnh sát canh gác các hộp đựng cocaine bắt giữ ở Buenaventura.

Mối quan hệ mập mờ giữa chính khách và tội phạm ma túy

Buenaventura là cảng sầm uất nhất của Colombia và là nơi diễn ra hơn một nửa các hoạt động ngoại thương của nước này. Tuy nhiên, sự giàu có ít tác động đến thành phố. Khoảng 90% dân số Buenaventura là người Colombia gốc Phi, trong đó 63% sống trong nghèo khó 64% dân số đó thất nghiệp. Cảng Buenaventura là nơi sử dụng lao động lớn nhất thành phố nhưng nơi đây nổi tiếng là trả tiền công chết đói và bóc lột lao động. Những khu vực nằm trong kế hoạch mở rộng cảng thuộc diện nghèo nhất.

Hiện nay, người dân không chỉ chịu đựng sự nghèo khổ và bạo lực từ các nhóm vũ trang mà còn là nạn nhân của sự đe dọa từ những nhân vật trong bóng tối tìm cách ép buộc họ phải rời bỏ nhà cửa đi nơi khác. Các cộng đồng ở Buenaventura cũng than phiền về làn sóng những "người ngoài" xuất hiện đặt ra những yêu sách về đất đai với những người dân đã sống ở đây hơn nửa thế kỷ.

Một người dân tên là Santiago cho biết, từ khi giá đất tăng cao cùng với các dự án mở rộng cảng, những người lạ xuất hiện chụp hình và đo đạc đất rồi sau đó quay trở lại với những yêu sách giành đất. Trong một khu vực, các doanh nghiệp đứng đằng sau chương trình mở rộng cảng của chính quyền thậm chí không chờ đợi phán quyết của tòa án về tranh chấp đất đai mà họ tự ý chiếm đất rồi đưa máy móc thiết bị đến để đào xới, trong đó một vụ có sự hỗ trợ của cảnh sát!

Sự xuất hiện cùng lúc giữa bạo lực tăng cao và sự dồn dập của các dự án mở rộng cảng cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng đã khiến người dân Buenaventura đặt câu hỏi liệu có sự câu kết giữa chính quyền và bọn tội phạm hay không? Cứ mỗi khi có một dự án mới thì bạo lực lại tăng mạnh trong khu vực được thực hiện dự án. Nhiều người dân đột ngột biến mất, họ bị giết và chôn trong các nấm mồ tập thể".

Sau đó, chẳng có cuộc điều tra nào được tiến hành và không có gì hơn là những lời đồn đại về mối liên kết ngầm giữa các nhóm vũ trang và giới chính khách đứng đằng sau các dự án. Tuy nhiên, Văn phòng thị trưởng Buenaventura luôn bác bỏ cáo buộc quan hệ với các nhóm tội phạm.

Chiếc tàu ngầm tự chế của bọn buôn lậu ma túy dùng để vận chuyển ma túy bị bắt giữ ở Buenaventura ngày 13/6/2008.

Cựu Thị trưởng Buenaventura - Juan Carlos Martinez - đang ngồi tù vì dính líu đến các hoạt động của một nhóm bán quân sự nổi tiếng và các thành viên nhóm này về sau đã gia nhập La Empresa và Urabenos, trong khi các đồng minh chính trị của Martinez vẫn còn hiện diện vững chãi trong hội đồng thành phố đồng thời chiếm giữ nhiều vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền.

Thị trưởng mới của Buenaventura - Bartolo Valencia - cũng bị buộc tội đứng đằng sau vụ ám sát một chính khách đối đầu tố cáo ông dính líu vào một vụ bê bối tham nhũng - một cáo buộc mà Valencia luôn bác bỏ. Trái ngược với lời trấn an của Cảnh sát trưởng Oscar Gomez cho rằng, lực lượng an ninh đã kiểm soát và làm suy yếu cả hai nhóm La Empresa và Urabenos, thực tế những thi thể vô danh liên tục nổi lên trên mặt nước biển quanh Buenaventura.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Buenaventura đã dẫn đến chuyến viếng thăm của quan chức Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) Todd Howland vào tháng 11/2013. Trong chuyến viếng thăm này, Todd Howland kêu gọi Chính phủ Colombia phải có "những biện pháp khẩn cấp" giải quyết tình hình bạo lực lan rộng tại thành phố Buenaventura từ năm 2012 sau khi nhóm bán quân sự Urabenos đối đầu quyết liệt với nhóm Rastrojos. Ngay sau đó, chính quyền thành phố tuyên bố đã bắt giữ 33 thành viên của Urabenos nhưng thực tế cho thấy bọn tội phạm vẫn tiếp tục kiểm soát những con đường buôn lậu ma túy.

Các số liệu thống kê cũng tiết lộ tỉ lệ án mạng ở Buenaventura tăng từ 150 vụ năm 2012 lên 187 vụ năm 2013, tức tăng 25%! Tổ chức phi chính phủ Process of Black Communities (PNC) vừa báo cáo có 40 vụ án mạng xảy ra từ đầu năm 2014 đến nay. Những con số đã chứng minh sự bất lực của chính quyền thành phố Buenaventura.

Lính thủy đánh bộ Colombia tuần tra các khu ổ chuột ở Buenaventura.

Cảnh sát bất lực

Được biết, vào đầu năm 2014 nay có 600 sĩ quan cảnh sát được tăng cường đến Buenaventura để tuần tra nhưng những vụ giết người vẫn không giảm. Sau đó, các cộng đồng ở Buenaventura đã tập hợp khoảng 200 người xuống đường tuần hành với khẩu hiệu "Chấm dứt bạo lực ở Buenaventura". Mario Angula, một trong những người tổ chức cuộc tuần hành, cho biết mục đích của cuộc tuần hành là "nhắc nhở về những vấn đề đang tồn tại ở Buenaventura và cảnh báo đến giới chức quân sự lẫn dân sự" và đòi hỏi chính quyền phải "chấp nhận tình trạng khẩn cấp".

Thêm vào đó, chính sách cải cách xã hội cũng cần được quan tâm bên cạnh trách nhiệm giữ gìn an ninh của lực lượng cảnh sát.  Không chỉ có ma túy mà các nhóm vũ trang ở Buenaventura còn kiểm soát cả thực phẩm và các dịch vụ kinh doanh - đánh thuế các doanh nghiệp, yêu cầu các tài xế taxi khi chạy vào thành phố phải đóng một mức "phí" nếu không muốn bị giết chết. Thực phẩm - từ trứng đến rau củ - cũng nằm dưới sự kiểm soát của các tổ chức tội phạm. Chính những mức "phí" và "thuế" này đã đẩy giá cả thực phẩm và dịch vụ tăng cao dẫn đến thực tế bần cùng hóa các cộng đồng dân cư

Duy Ân (tổng hợp)
.
.