Cấy bom vào người để khủng bố:

Cơn ác mộng của các cơ quan an ninh phương Tây

Chủ Nhật, 01/09/2013, 15:15

Chiếc máy bay Boeing 747 từ London, Anh đi Chicago, Mỹ đã được vài phút. Khi đèn hiệu cài dây an toàn trên máy bay đã tắt, một thanh niên đứng dậy, bước vào nhà vệ sinh. Khóa kỹ cánh cửa, anh ta rút thuốc vào bơm tiêm, nhưng thay vì tiêm dưới da như những bệnh nhân tiểu đường khác, anh ta đâm thẳng kim tiêm vào vùng bụng, vị trí dạ dày.

Quay trở lại chỗ ngồi của mình, mắt anh ta nhắm nghiền, môi mấp máy như đang cầu kinh. Thế rồi, một chớp lửa lóe lên kèm theo đó là một tiếng nổ kinh hồn. Sức công phá của quả "bom người" đã xé thủng một lỗ trên máy bay, gây ra tình trạng mất áp suất, đồng thời làm vỡ thùng nhiên liệu.

Chiếc Boeing 747 số hiệu 4201 với 416 hành khách và phi hành đoàn như một quả cầu lửa, lao vùn vụt xuống và nổ tung khi chạm mặt đất. Không một ai sống sót bởi lẽ chất thuốc mà người thanh niên tiêm vào người không phải là isulin, mà là triperoxide triacetone lỏng (TATP), có tác dụng như ngòi nổ, còn trong dạ dày anh ta là một lít thuốc nổ lỏng đã được uống trước đó nửa giờ.

Đây chỉ là tình huống hư cấu - nhưng dựa trên thực tế là tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở Yemen đã có kế hoạch thực hiện những vụ đánh "bom người" mà mục tiêu là máy bay, tàu thuyền và các cơ sở của Mỹ và phương Tây.

Thoạt đầu, "bom người" được Taliban áp dụng vào năm 2012 để ám sát Asadullah Khalid, người đứng đầu Cơ quan An ninh Afghanistan (NDS). Xuất thân là một nhà chính trị, từ năm 1996 đến 2001, Asadullah Khalid đã cộng tác với CIA trong việc chống lại Taliban. Đầu năm 2007, Khalid sống sót sau một vụ đánh bom tự sát vào đoàn xe hộ tống của ông nhưng ông cũng bị nhiều vết thương trên người. Với một mục tiêu lớn như vậy, Taliban không thể bỏ cuộc.

Máy quét của hãng Rapiscan có thể phát hiện chất nổ cấy trong người.

Đầu tháng 11/2012, Khalid nhận được thông tin do một tình báo viên gửi về, rằng Hội đồng Shura của Taliban đã cử một "sứ giả hòa bình" là Burhanuddin Rabbani đến gặp ông để bàn về vấn đề mở ra những cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Taliban và chính quyền Afghanistan nhằm tiến đến một cuộc ngừng bắn. Vì đã 2 lần bị ám sát nên Khalid cho xác minh  tất cả những thông tin cần thiết và cuối cùng, ngày 6/12/2012, ông đồng ý tiếp xúc với "sứ giả hòa bình" của Taliban tại một nhà khách cực kỳ an toàn nằm trong khu vực Taymeni thuộc thủ đô Kabul.

Tiến hành kiểm tra "sứ giả", các nhân viên của Cơ quan An ninh Afghanistan không phát hiện điều gì bất thường - nghĩa là trong người của Burhanuddin Rabbani không có vũ khí, không chất nổ. Thế nhưng chỉ vài phút khi gặp Asadullah Khalid và khi hai bên đang đứng đối diện để chào nhau thì bất ngờ từ vùng bụng dưới của "sứ giả" lóe lên một ánh chớp kèm theo một tiếng nổ. Do lượng thuốc nổ ít, Tư lệnh Cơ quan An ninh Afghanistan Asadullah Khalid chỉ bị thương ở bụng, cánh tay, bàn tay và mất khá nhiều máu, còn "sứ giả hòa bình" thì tan xác.

Được đưa vào Trung tâm Y tế Walter Reed cấp cứu nhưng tháng 6/2013, ông Khalid vẫn phải sang Mỹ để điều trị những di chứng của các vết thương này. Máy quay an ninh của NDS cho thấy điểm nổ phát xuất từ vùng bụng dưới của Burhanuddin Rabbani nhưng không xác định được chất nổ đặt trong bìu hay trong hậu môn trực tràng.

Cuối tháng 12/2012, sau vụ ám sát Tư lệnh Asadullah Khalid, một kẻ đánh bom tự sát ở Kabul, Afghanistan đã thành công với phương pháp "bom người", gây ra cái chết cho 4 người và làm bị thương 8 người khác trong một buổi cầu nguyện. Sở dĩ một lượng chất nổ nhỏ nhưng lại gây ra hậu quả lớn như thế là vì hơn 80% cấu tạo cơ thể con người là nước, và nó là môi trường lý tưởng để hấp thu sóng nổ (sóng xung kích).

Một chuyên gia chống khủng bố của Mỹ, cho biết: "Theo tin tình báo thì Al-Qaeda đã chế tạo một loại chất nổ lỏng có thể thấm vào quần áo, rất khó phát hiện. Hãy tưởng tượng một hành khách lên máy bay với vài vali hành lý - trong đó có những bộ quần áo đã được tẩm chất nổ. Nửa chừng, ông ta lấy ngòi nổ ra - và có thể đó chỉ là một ống thuốc phun cắt cơn hen suyễn, phun vào bộ quần áo. Nếu như ở dưới đất, vụ nổ khó có thể gây thương tích cho người hoặc phá hủy đồ vật xung quanh, còn nếu ở trên máy bay thì nó sẽ là một thảm họa".

Để ngăn chặn, cơ quan an ninh các nước phương Tây một mặt tập trung nghiên cứu, tìm hiểu thành phần cấu tạo của loại chất nổ lỏng có thể nuốt được vào dạ dày, hoặc cấy dưới da và nguyên tắc kích nổ của nó. Mặt khác, họ phát triển một loại máy soi mới, có khả năng phát hiện chất nổ trong dạ dày, hậu môn trực tràng hoặc cấy ở vùng ngực, bụng, đùi, mông - thậm chí cả ở bìu và cơ quan sinh dục phụ nữ.

Vẫn theo các chuyên gia chống khủng bố, thì: "Khi khối chất nổ được đặt ở một vị trí thích hợp trong cơ thể và khi được kích nổ, những mảnh xương bắn ra từ xác của thủ phạm có sức sát thương chẳng khác gì mảnh đạn hoặc bom bi. Trong vụ khủng bố xảy ra ở London năm 2005, 7 trong số 12 người chết là do những mảnh xương và 1 người bị mù cũng vì nguyên nhân này".

Gần đây nhất, bộ phận theo dõi mạng Internet của CIA đã ghi lại được một buổi thảo luận trực tuyến của Al- Qaeda với đề tài "Ý kiến của bạn về một ca phẫu thuật, trong đó tôi cấy ghép chất nổ vào người".

Theo các chuyên gia, cơ thể con người có thể chứa tối đa 2kg chất nổ lỏng mà không gây ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của các cơ quan. Thậm chí khi mổ lấy ra hai tinh hoàn, thì bìu biến thành một cái túi, chứa 400gr chất nổ lỏng

Xuân Hòa (tổng hợp)
.
.