Cơn sốt tìm vàng ở Niger

Thứ Sáu, 13/04/2018, 07:59
Để thoát khỏi đói nghèo, nhiều người dân Niger đã đến làm thuê cho các ông chủ mỏ vàng với mong muốn được đổi đời. Thế nhưng, cuộc sống phu đào vàng đã khiến họ phải đánh đổi về sức khỏe, thậm chí cả tính mạng.

Phóng viên tờ ParisMatch đã có chuyến thâm nhập thực tế để tìm hiểu về cuộc sống của người thợ đào vàng trong một mỏ vàng ở Niger.

Món quà của Thượng đế

Niger là một trong những nước nghèo nhất thế giới, thường xuyên bị hạn hán và các cuộc khủng hoảng lương thực. Dân số là một trong những nước phát triển nhanh nhất trên thế giới và là một nước không giáp biển, đây cũng là nơi dễ bị bất ổn chính trị và các thảm họa tự nhiên, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB).

Mặc dù Niger có số lượng urani lớn nhất thế giới nhưng nước này vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, có nền kinh tế tập trung vào các cây trồng tự cung tự cấp và chăn nuôi. Đối với hơn 16 triệu người Niger, cuộc sống là không dễ dàng. Đó là lý do vì sao người Niger thường đổ xô đi tìm vàng. 

Thợ đào vàng làm việc tại một giếng khai thác vàng ở Tagharaba. Ảnh: ParisMatch.

Các trữ lượng vàng hiện được biết đến ở Niger nằm trong vùng giữa con sông Niger và biên giới với Burkina Faso. Ngày 5-9-2004, Tổng thống Tandja công bố chính thức mở cửa mỏ vàng Samira Hill ở tỉnh Tera và thỏi vàng tìm thấy đầu tiên của Niger được trao tặng cho ông.

Điều này đánh dấu thời điểm lịch sử khi mà mỏ vàng Samira Hill trở thành nơi sản xuất vàng thương mại đầu tiên trong cả nước. Samira Hill là sở hữu của một liên doanh là công ty SML (Societe des Mines du Liptako) được thành lập do Societe Semafo, một công ty của Moroc, và Etruscan Resources, một công ty Canada. Cả hai nắm giữ 80% (40% - 40%) cổ phần của SML và Chính phủ Niger nắm 20% cổ phần.

Sahara, vùng sa mạc hẻo lánh này là một trong những nơi tập trung nhiều tài nguyên khoáng sản nhất ở châu Phi, trong đó quan trọng nhất là dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên. Ngoài ra, còn có các khoáng sản khác như vàng, uranium, sắt,  manga, đồng. Nguồn Uranium được khai thác từ các mỏ Arlit với sản lượng hơn 3.400 tấn mỗi năm đều được cung cấp cho các nhà máy điện hạt nhân và vũ khí hạt nhân của Pháp. Ngày nay, Sahara còn phát hiện thêm nhiều mỏ vàng nữa. Kể từ  đó, hàng ngàn người từ khắp nơi đã đổ đến đây để tìm kiếm cơ hội làm giàu. 

Vùng đất vàng này còn có biệt danh là "Guantanamo" nằm ở Tagharaba, trên sa mạc Sahara. Để đến được đây, người ta phải vượt qua cửa ngõ Salvador-vùng tam giác giữa Niger, Libya và Algeria, chiến địa của các chiến binh Hồi giáo, nhóm buôn lậu ma túy và vũ khí. Vùng đất này từng được xếp vào loại “nguy hiểm” và cho đến nay chưa từng có người phương Tây nào đặt chân tới.

“Dọc đường từ Agadez tới Tagharaba, trong suốt ba ngày, xe của chúng tôi vượt qua các xe chở máy cưa và xe tải chứa đầy nước hoặc xăng. Chúng tôi cũng nhìn thấy khoảng 50 phu đào vàng miệt mài làm việc dưới sự giám sát của hai toán lính. Khuôn mặt của họ nhem nhuốc bụi đất. Anh lái xe  đã giải thích với chúng tôi rằng, ở đây có rất nhiều cướp đường, những toán cướp nhỏ đi bằng mô tô. Vì vậy, những thợ đào vàng đều được quân đội bảo vệ”, phóng viên của tờ ParisMatch cho biết.

Một thợ mỏ mặt đầy bụi sau khi từ giếng khai thác vàng chui lên. Ảnh: ParisMatch.

Mỏ vàng "Guantanamo" hiện nay nằm dưới sự quản lý của “ông chủ vàng” Saley mà dân đào vàng thường gọi ông bằng cái tên “Boss”. Boss là người Touareg, khoảng 45 tuổi. Từ một người chăn gia súc trên sa mạc, Saley bỗng chốc trở thành triệu phú sau khi “nhặt” được những thỏi vàng ở Tagharaba. Boss cho biết, trước đây, nguồn tài nguyên giàu có duy nhất ở vùng này thuộc về mỏ uranium Arlit, cách Tagharaba khoảng 450km.

Năm 1999, một công ty khai thác vàng cũng đã tìm kiếm vàng tại Tagharaba, nhưng họ bỏ rơi nó khi nó quá xa, thiếu thốn đủ thứ và khó cung cấp nước hay nhiên liệu. Cơn sốt tìm vàng thực sự bắt đầu từ năm 2014 khi người ta tìm thấy những cục vàng nặng tới 300 gram ở Djado, cách Tagharaba khoảng 470 km.

“Tôi là một trong những người đầu tiên tới Djado. Vàng ở ngay trên mặt đất và chỉ cần máy dò kim loại và đào bới là thấy vàng nguyên chất, thậm chí chẳng cần dùng đến thủy ngân. Một món quà lớn mà Thượng đế ban tặng cho Niger”, Boss nhớ lại. Đó là lý do vì sao anh ta dấn thân vào cuộc tìm kiếm mạo hiểm ở Tagharaba. Tuy nhiên, anh ta không ở đây một mình.

Mỏ vàng tự nhiên này nhanh chóng được biết tới và những dòng người nhanh chóng đổ về đây để tìm vận may. Ốc đảo yên bình bỗng chốc trở nên náo nhiệt. Các vụ đụng độ nổ ra nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ.

“Một cuộc dàn xếp đã nhanh chóng được đưa ra, đó là nhà nước nhắm mắt cho việc khai thác trái phép và đổi lại là sự ổn định của khu vực này”, ông Assayad Ibnou, một chủ giếng giải thích. Một ủy ban mang tên Ủy ban Tagharaba được thành lập năm 2014 để quản lý tất cả những thợ đào vàng ở đây. Thị trường mua vàng thô cũng được thành lập.

Những người đi tìm vận may

Hiện nay ở Tagharaba có khoảng 10.000 phu đào vàng. Những thợ mỏ bất đắc dĩ này đến từ những bãi rác nghèo nàn, những trại du mục bên sông Niger, từ Cộng hòa Chad hay Sudan. Sau hai ngày vượt qua sa mạc, với đôi mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ, khuôn mặt được phủ bởi một lớp bụi cát đặc trưng của miền đất sa mạc này, nhiều người tình nguyện làm việc cho Boss. Ngày đêm, hàng nghìn đàn ông đào giếng, chuyển những cuộn dây thừng khổng lồ suốt chiều dài 2km. Người làm thuê sẽ được 1/3 số đất đá đào lên, còn lại thuộc về ông chủ.

"Ở đây không có ai thất bại và họ có được những gì họ kiếm được", Hamada Atako, một chủ giếng chia sẻ. Cách đây 2 năm, Hamada Atako đầu tư cho một giếng và thuê 7 nhân viên.

“Trước đây, tôi chỉ cần đào 20m đã tìm thấy vàng, còn bây giờ phải đào tới 100m, mới có vỉa vàng. Công việc rất nặng nhọc”, Hamada chia sẻ. Trong khi đó, một công nhân cho biết, tai nạn rất hiếm khi xảy ra, cho dù phương tiện lao động rất thô sơ. Ở độ sâu 100m, có thể nguy cơ tai nạn cao hơn.

Từ một người chăn gia súc trên sa mạc, Saley bỗng chốc trở thành triệu phú. Saley thừa nhận anh ta gặp may mắn: “Trong 3 năm, tôi kiếm được 700gr vàng, tương đương khoảng 21.350 euro. Một tài sản lớn so với mức thu nhập của một người dân châu Phi. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập bình quân đầu người ở Niger  chỉ có 1 USD/ngày.

Sơ đồ khu vực Tagharaba, nơi có trữ lượng vàng lớn ở Niger. Ảnh: ParisMatch.

Ở Tagharaba, ông Saley còn xây tòa biệt thự dát vàng. Tuy nhiên, may mắn không phải luôn mỉm cười với tất cả. Có những giếng đào mãi mà không tìm thấy vỉa vàng. Trong khi đó, hầu hết các mỏ có kiến tạo phức tạp, công nghệ khai thác lạc hậu, lao động thủ công là chủ yếu, điều kiện môi trường lao động khắc nghiệt, người lao động phải làm việc dưới hầm sâu, chật hẹp, gò bó, tối tăm, thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh nghề nghiệp và bệnh liên quan đến nghề nghiệp như bụi than, đá, kim loại (cadimi, man gan...), phóng xạ; bùn nước ứ đọng... Thậm chí, nhiều thợ mỏ đã chết trước khi cầm được vàng trong tay vì thời tiết quá khắc nghiệt, vì bệnh tật...

Dưới màn đêm, công việc đào vàng  vẫn tiếp tục. Dưới ánh đèn từ máy phát điện, những công nhân luân phiên đổ đất cát vào các máy xay làm vỡ đá. Không có hạt bụi nào thoát khỏi sự chú ý của người thợ. Trong khi đó, ngồi trong phòng làm việc, Boss xòe tay đổ một nắm vàng lên cân: "460 gram vàng nguyên chất, không có thủy ngân hoặc phải qua xử lý hóa học", ông nói với niềm tự hào.

Ông muốn làm những điều "đúng" để tránh gặp vấn đề với nhà nước: Tagharaba không phải trở thành “một Arlit thứ hai” gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.

Một vùng đất nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước sẽ dẫn tới sự phát triển không có quy hoạch, khó kiểm soát nội bộ. Không điện, không nước, không có mạng điện thoại, những cửa hàng ăn uống tự phát mọc lên cùng những hiệu cắt tóc trong các lều bạt. Tất cả đều được mua bán bằng vàng.

Ủy ban Tagharaba chịu trách nhiệm giải quyết những tranh chấp giữa các chủ mỏ và thu phí quản lý trong vùng đất khai thác hiện đang có chiều dài tới 40km. Và theo chủ tịch của ủy ban này, vàng hiện diện ít nhất trong chiều dài 1.000km. Cơ hội làm giàu còn rất nhiều và chắc chắn, cơn sốt vàng điên cuồng này sẽ còn tiếp tục ở vùng đất chỉ có đàn ông và họ cũng sẽ chỉ chết đi, chứ không hề được sinh ra tiếp đó, bởi vì không có người phụ nữ nào bén mảng tới nơi đây.

Hằng ngày, dòng người tiến đến vùng đất này ngày càng nhiều, không biết họ tự nguyện hay núp dưới bóng hình khai thác vàng để trở thành những nô lệ hay di cư bất hợp pháp. Chẳng ai trả lời được câu hỏi đó, khi nó nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ. Chính vì vậy, ưu tiên của Boss hiện nay là đảm bảo an ninh ở khu vực này.

"Nhà nước đã gửi cho chúng tôi 300 binh sĩ. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là giải quyết tranh chấp giữa các chủ giếng. Trước đây, mạnh ai người nấy làm. Mỗi người đến để đào bới nơi anh ta muốn, người này luôn muốn chiếm giếng của người kia. Chúng tôi cố gắng giải quyết những tranh chấp đó. Khi sự việc vượt qua tầm kiểm soát, chúng tôi sẽ chuyển sang cho quân đội giải quyết”, Boss nói.

Yên Phúc
.
.