Công an Tây Ninh: Vất vả với cuộc chiến chống nạn mua bán người

Thứ Ba, 06/09/2016, 15:30
Tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (chủ yếu là tội phạm mua bán phụ nữ) ra nước ngoài có chiều hướng gia tăng. Chúng nghĩ ra rất nhiều hình thức như gả bán cho người khác làm vợ hoặc môi giới cho người khác đưa vào các nhà hàng, quán bar, karaoke, nhà chứa ở nước ngoài để bán dâm.

Các đối tượng lợi dụng những phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm ổn định, các phụ nữ có tâm lý hám giàu, thích hưởng thụ… để tìm cách tiếp cận, dụ dỗ thông qua việc hứa hẹn đưa đi nước ngoài làm thuê trong các nhà hàng, quán ăn có lương cao hoặc lấy chồng giàu có cuộc sống sung sướng…

Các đối tượng hoạt động có tổ chức chặt chẽ và tinh vi, có sự phân công vai trò cụ thể cho từng đối tượng để dụ dỗ, lôi kéo sau đó hợp thức hóa cho các phụ nữ bằng con đường đi du lịch. Khi xuống sân bay nước bạn, chúng phân công cho các đối tượng "bảo kê" quản lý chặt chẽ các phụ nữ và đưa thẳng đến các địa điểm của bọn chúng để đưa đi bán nên rất ít phụ nữ trốn thoát được.

Đối tượng Nguyễn Kim Ngân tại Cơ quan điều tra.

Chúng ít khi gặp mặt trực tiếp với nhau, chỉ liên lạc qua điện thoại, giao nhận tiền thông qua chuyển khoản. Chúng  thuê các khách sạn hoặc thuê nhà tại TP Hồ Chí Minh để "tập kết" nạn nhân và phân công người quản lý không cho tiếp xúc những người xung quanh. Bọn chúng cấu kết với các  đối tượng ở địa phương để tuyển chọn phụ nữ ở các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ, chuyển giao lại cho các đối tượng (chủ yếu là người Trung Quốc hoặc người Việt Nam sống tại Trung Quốc).

Sau đó chúng tổ chức cho đàn ông nước ngoài xem mặt chọn mua làm vợ, tạo thành một đường dây hoạt động khép kín, có quy mô xuyên quốc gia. Khi cô gái nào được chọn, các đối tượng yêu cầu họ về địa phương làm hồ sơ xin việc, giấy xác nhận độc thân…  rồi xin cấp giấy visa và đưa nạn nhân sang nước ngoài dưới hình thức đi làm (giúp việc nhà, giữ trẻ ...) nhưng thực chất là bán làm vợ.

Ngoài ra, các đối tượng còn tổ chức cho đàn ông nước ngoài coi mặt các cô gái (thông qua Internet hoặc chụp hình gửi qua điện thoại di động ...) để chọn mua làm vợ Sau khi chọn, các đối tượng làm thủ tục giấy tờ xuất cảnh cho các cô gái để bán sang các nước.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (CSĐTTP về TTXH) Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đã bắt quả tang 3 đối tượng gồm Wang Pei Cheng, Lý Thị Định và Châu Thị Thùy Trang đang làm thủ tục cho 3 phụ nữ Việt Nam cùng với 3 người đàn ông Trung Quốc tại sân bay Tân Sơn Nhất khi chúng đang làm thủ tục xuất cảnh.

Mở rộng điều tra, Phòng CSĐTTP về TTXH tiếp tục bắt khẩn cấp 3 đối tượng Huỳnh Thị Thìn, Dương Thị Nhịn và Huang Qin Lu, những mắt xích trong đường dây mua bán phụ nữ. Các đối tượng khai nhận từ trước đến nay đã bán trót lọt sang Trung Quốc 15 phụ nữ.

Một buổi tuyên truyền chống nạn mua bán phụ nữ, trẻ em.

Ngày 11-5 -2016 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh đã triệt phá thành công đường dây mua bán phụ nữ Việt Nam sang Malaysia để hoạt động mại dâm. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 2 đối tượng là Nguyễn Kim Ngân (26 tuổi, ngụ huyện Hòa Thành), Kim Eng Hoe (A Kim, 39, tuổi, người Malaysia), giải cứu 5 nạn nhân. Theo điều tra, vào khoảng tháng 11-2013, đối tượng Nguyễn Kim Ngân sang Malaysia để làm tiếp viên quán bar và đi bán dâm cho khách.

Qua đó Ngân quen biết Lão Bành (A Gỗ) người Malaysia và A.Kim (Ngân sống chung với A.Kim như vợ chồng). Đến cuối năm 2014, Lão Bành mở một quán bar và kêu Ngân cùng A Kim về Việt Nam tuyển chọn phụ nữ đưa sang Malaysia để làm phục vụ trong quán bar, mỗi phụ nữ tuyển chọn được Lão Bành trả công từ 3 triệu đến 4 triệu đồng, Ngân và A Kim đồng ý.

Về nước, Ngân tìm những thiếu nữ trẻ đẹp, dụ dỗ ra ngước ngoài làm nhà hàng, lương khoảng 20 triệu đồng một tháng. Ngân lo toàn bộ chi phí, thủ tục xuất cảnh, đồng thời còn cho họ mượn 2-3 triệu đồng để mua sắm đồ. Với thủ đoạn đó, Ngân đã tuyển chọn trót lọt 9 cô gái nhẹ dạ cả tin để đưa sang Malaysia làm việc.

Sang đến Malaysia, các cô gái bị ông chủ quán bar thu hết giấy tờ, bắt viết giấy nợ chi phí làm thủ tục xuất cảnh 18-20 triệu đồng và mỗi tháng phải trả thêm hơn 2,5 triệu đồng, tiền gia hạn visa. Tại đây các cô bị A Kim quản lý chặt chẽ, khi đi làm có người đưa rước.

Các cô gái bị bắt đi bán dâm, nếu không đồng ý thì bị đánh đập. Số tiền "đi khách" 260 ringgit (gần 1,5 triệu đồng) đều bị quản lý giữ hết, đến cuối tháng cộng lại trừ nợ. Các nạn nhân đã làm đơn kêu cứu gửi tới Cơ quan Công an. Phối hợp với Đại sứ quán Malaysia, Công an Tây Ninh đã giải cứu thành công và đưa được 5 cô gái về nước.

Hầu hết  nạn nhân sau khi bị bán sang nước ngoài trở về nước đều không đến Cơ quan Công an tố giác do mặc cảm, lo sợ bị cười chê, sợ bị trả thù …  Nhiều nạn nhân bị các đối tượng mua chuộc, ham lợi nhuận nên đã câu kết với các đối tượng mua bán người để quay về Việt Nam làm đầu mối lừa gạt, tuyển chọn các nạn nhân khác…

Công tác truy bắt, thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn bởi các đối tượng chủ mưu thường ở nước ngoài.  Ngoài ra, do bất đồng ngôn ngữ nên đa số các nạn nhân khó xác định được địa chỉ cụ thể ở nước ngoài nên công tác giải cứu cũng không phải dễ dàng.

Tạ Cơ quan điều tra phía Nam của Bộ Công an, chúng tôi đã có dịp gặp 2 cô gái vừa được giải cứu từ Trung Quốc về. Nạn nhân còn rất trẻ, một cô 20 tuổi, cô còn lại còn ở tuổi vị thành niên. Cô gái 20 tuổi chưa học hết THCS. Cha cô mới mất. Mẹ cô tần tảo sớm hôm kiếm tiền trả nợ cho những ngày thuốc thang cho chồng nên chẳng có thời gian chăm sóc con cái. Thương mẹ, cô lên Sài Gòn kiếm tiền phụ mẹ. Còn cô bé vị thành niên mới học hết lớp 6, mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Cả hai, kẻ kiếm tiền nuôi thân, người đỡ đần mẹ, nhưng tiền kiếm được đâu chưa thấy, các cô đã bị dụ dỗ và bị bán sang Trung Quốc cùng một nạn nhân khác. Tại Trung Quốc các cô bị bắt đi lao động, bị đánh đập. Rất may các cô đã trốn khỏi hang ổ của những kẻ mua bán người và được một tổ chức quốc tế giải cứu khi đang trên đường trốn chạy. Tại Cơ quan điều tra cả hai cho biết đều không nhớ gì về những kẻ đã hành hạ các cô và địa chỉ bị giam giữ ở nước ngoài.

Một cán bộ điều tra cho biết, để đưa được một vụ án mua bán người ra trước pháp luật là cực kỳ nan giải. Bắt thì dễ, nhưng rất khó xử lý và truy tố bởi công tác thu thập chứng cứ rất nhiêu khê. Muốn đưa đối tượng ra truy tố phải đầy đủ chứng cứ, có bị hại, đối tượng, nhân chứng…

Tuy nhiên với loại án này lại chủ yếu dựa vào lời khai của bị hại. Nạn nhân sau khi trở về còn mặc cảm, sợ bị người khác biết không chủ động tố giác, nên công tác thu thập chứng cứ về các đối tượng hoạt động mua bán người không kịp thời. Hầu hết bị hại là người ở nông thôn, vùng sâu vùng xa hoặc là người dân tộc thiểu số, trong đó có cả các cô gái còn đang ở tuổi vị thành niên, bị các đối tượng dụ dỗ.

Chứng cứ vật chất để chứng minh cho hành vi mua bán người gần như không có. Một điều khó khăn nữa trong công tác phá án là tội danh. Luật pháp quốc tế gọi là tội buôn người, còn Việt Nam gọi là tội mua bán người. Vấn đề là ai mua ai bán.

Do hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ một số bị hại nghe dụ dỗ ngon ngọt nên "lỡ" cầm tiền của đối tượng, họ không hề biết như vậy là đang đẩy con vào chỗ nguy hiểm, chính họ tiếp tay cho hành vi phạm pháp. Chỉ khi con cái họ báo về là bị hành hạ đánh đập, bị bán làm vợ hoặc bị ép làm gái mại dâm, lúc đó họ mới kêu cứu, tố cáo kẻ đã lừa bán con cái mình với cơ quan công an. Vì vậy lời khai của họ ít có giá trị pháp lý vì thiếu tính khách quan…

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có nhiều khu công nghiệp, tập trung rất nhiều công nhân ở các tỉnh thuê nhà trọ, đa số là nữ trong độ tuổi từ 18 đến 30. Đây là độ tuổi có nguy cơ cao dễ bị các đối tượng dụ dỗ, mua bán. Cuộc chiến  chống mua  bán phụ nữ, vì thế vẫn còn nhiều thách  thức.

Đức Hà
.
.