Công an ở “thành phố thép”

Thứ Tư, 16/04/2008, 15:00
Đã mấy chục năm nay, Thái Nguyên được gọi là "thành phố thép". Với hơn 20 vạn dân, 17 trường đại học, cao đẳng và dạy nghề, Thái Nguyên được xác định là trung tâm kinh tế - văn hóa - giáo dục của cả vùng Việt Bắc. Góp phần quan trọng vào công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của thành phố này là Công an thành phố Thái Nguyên, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...

Theo giới thiệu của Trung tá Nguyễn Tiến Thành, Đội trưởng Đội Chính trị - Hậu cần Công an thành phố, tôi xuống Công an phường Quang Trung, một trong những phường trọng điểm về an ninh trật tự.

Nằm lọt thỏm ở một góc khuôn viên trụ sở Ủy ban, trụ sở Công an phường là 5 gian nhà cấp bốn cũ kỹ, tường mốc loang lổ. Thấy tôi ngạc nhiên, Trung tá Nguyễn Hữu Vịnh, Trưởng Công an phường, nói như phân trần: “Đây là chúng tôi đi ở nhờ chứ Công an phường đã có trụ sở riêng đâu”.

Phường Quang Trung bây giờ trước kia là phường Đồng Quang. Năm 1994, do phường quá lớn nên tách làm hai. Cơ sở vật chất cũ thì dành cho phường Đồng Quang. Khi Công an phường thành lập, do không có trụ sở nên ban đầu anh em phải ở tạm trong dãy nhà trọ của Bến xe thành phố Thái Nguyên. Nhưng được hơn một năm thì họ dỡ dãy nhà trọ, vậy là anh em lại phải chạy đến ở nhờ trong trụ sở cũ của ngân hàng.

Năm 2001, ngân hàng lấy khu  trụ sở cũ để chia đất cho cán bộ của họ làm nhà. Thấy Công an phường trong tình cảnh “không mảnh đất cắm dùi” mà chẳng có chỗ nào khác để nhờ nên UBND phường cho về đây ở chung.

Trụ sở UBND phường trước kia là trụ sở của Công ty Lương thực, còn dãy nhà này vốn dĩ là kho chứa thóc. Khi Công ty Lương thực giải thể, trụ sở được bàn giao cho UBND phường Quang Trung. Do đã có đủ phòng làm việc nên dãy nhà kho bị bỏ không. Thời gian cùng với mưa nắng đã làm cho toàn bộ phần mái của dãy nhà kho cũ sập xuống, chỉ còn lại bốn bức tường.

May mà phường chưa đập nốt cái đống hoang tàn này nên khi Công an phường bị ngân hàng đòi đất để chia cho cán bộ làm nhà, UBND phường mới bỏ tiền tu sửa, làm mái, quét vôi ve lại để cho anh em công an có chỗ làm việc. Ngày ấy ai cũng nghĩ là ở tạm thêm một, hai năm là cùng nhưng suốt từ năm 2001 tới giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Chỉ những khoảng mốc loang lổ trên tường, Trung tá Vịnh bảo: đấy là do nước mưa ngấm, bởi nhà đại tu lại nên bây giờ hễ cứ mưa là dột, ngấm tứ tung. Nhưng vì chỉ là nhà ở tạm nên Công an phường không được cấp kinh phí để duy tu bảo dưỡng; dột nát cũng không được sửa, thành ra cứ mỗi khi trời mưa là anh em lại phải khắc phục bằng cách “huy động” hết các loại xô, chậu vào phòng để hứng nước. 

Tuy nhiên đi ở nhờ chỉ là chuyện nhỏ, bởi dù sao cũng là có chỗ để làm việc và nhất là không lo... bị đòi nhà như hai lần trước. Cái lo nhất của anh em ở đây là thiếu người. Phường này rộng 2,5km2, chia thành 39 tổ dân phố với 11.630 khẩu (trong đó có 125 đối tượng tù tha về; 119 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý); ngoài ra còn thường xuyên có khoảng hơn 16.000 sinh viên của 2 trường Đại học Y và Đại học Sư phạm Thái Nguyên; 1 ga tàu, 1 bến xe, 3 chợ, 6 trường phổ thông, trong đó 3 trường PTTH và 424 gia đình kinh doanh nhà trọ. Đấy là chưa kể mỗi năm có khoảng 30.000 lượt khách tạm trú tại các nhà nghỉ quanh bến xe, ga tàu và khoảng 1.000 lượt người nước ngoài tạm trú tại các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn...

Quản lý địa bàn như vậy, theo quy định của Bộ Công an thì Ban Chỉ huy Công an phường ngoài 1 trưởng phải có 2 hoặc 3 phó và 4 tổ. Nhưng Công an phường hiện chỉ có 14 người, trong đó 1 người chờ nghỉ hưu, nên chỉ có 1 trưởng, 1 phó và 2 tổ: hình sự và cảnh sát khu vực, mà Tổ Hình sự chỉ có 2 cán bộ thôi.

Với từng ấy con người nên anh em cứ phải căng ra mà làm, bởi công an phải làm hầu như mọi việc, từ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, quản lý nhân hộ khẩu, phòng chống ma túy, quản lý đối tượng nghiện cho tới quản lý đô thị...

Mặc dù thiếu thốn mọi bề nhưng năm 2007, ngoài lập hồ sơ làm rõ 27 vụ việc chuyển Công an thành phố xử lý theo thẩm quyền, Công an phường lập hồ sơ giải quyết 35 vụ việc, phối hợp bắt 1 đối tượng truy nã, vận động ra đầu thú 1 đối tượng, xóa 2 tụ điểm ma túy; bắt 5 vụ buôn bán tàng trữ ma túy, làm thủ tục đăng ký tạm trú cho 994 lượt người nước ngoài và hơn 5.000 sinh viên thuê nhà trọ trong phường...

Tuy nhiên, Công an phường Quang Trung không phải đơn vị duy nhất của Công an thành phố Thái Nguyên bị thiếu thốn mọi thứ như vậy. Thành phố có 18 phường nhưng hiện mới chỉ có 4 công an phường có trụ sở kiên cố, còn lại vẫn hoặc đi ở nhờ, hoặc có trụ sở nhưng vẫn là nhà tạm bợ.

Hôm xuống Công an phường Tân Thành, tôi tưởng mình nghe nhầm khi Trung tá Lưu Ngọc Lương, Phó Công an phường, cho biết đơn vị này chỉ có 5 cán bộ, chiến sĩ (CBCS); mặc dù thành lập từ năm 1981 nhưng 27 năm qua, đơn vị vẫn chưa có trụ sở mà hiện vẫn phải tá túc trong mấy gian nhà của trụ sở UBND phường.

Về chuyện thiếu trụ sở làm việc và thiếu người thì ngay trụ sở Công an thành phố hiện cũng rất chật chội, tới mức Đội Điều tra cũng không đủ bàn để hỏi cung. Trong câu chuyện với tôi, Trung tá Thành cho biết, với hơn 300 CBCS, Công an Thái Nguyên là đơn vị ít người nhất trong các đơn vị công an cấp thành phố trực thuộc tỉnh ở phía Bắc hiện nay.

Trong khi đó việc quản lý địa bàn này lại rất phức tạp. Với 17 trường đại học, cao đẳng và dạy nghề, đây là thành phố đứng thứ 3 cả nước về số lượng các trường; không những thế đây còn là thành phố đứng thứ 5 cả nước về số người nghiện ma túy...

Làm thế nào để với từng ấy con người mà vẫn phải đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thực sự là bài toán khó nhưng phải làm. Một kinh nghiệm được lãnh đạo Công an thành phố thực hiện từ nhiều năm nay là cùng với thường xuyên chủ động tấn công, trấn áp tội phạm, thì một việc làm quan trọng là phải dựa vào cấp ủy, chính quyền các cấp để xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hàng năm, Công an thành phố đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác cụ thể, trọng tâm trong từng thời gian để tập trung giải quyết và quán triệt CBCS ký cam kết thực hiện...     

Những năm gần đây ở cơ sở, lực lượng Công an thành phố được Đảng, chính quyền và các đoàn thể và nhân dân tham gia góp ý, giám sát. Chính bằng cách làm này mà 5 năm trở lại đây, tinh thần trách nhiệm với công việc và phong cách ứng xử của CBCS khi tiếp xúc với nhân dân đã chuyển biến tiến bộ rất rõ trong nhận thức và hành động của từng CBCS...

Kết quả của việc làm này là liên tục từ năm 1999 đến 2007, Công an thành phố luôn là đơn vị thi đua xuất sắc dẫn đầu khối nội chính. Năm 2007 và quý 1 năm 2008, mặc dù tình hình khiếu kiện của dân về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng có lúc diễn ra khá “nóng”, nhưng do làm tốt công tác nắm tình hình, nên lực lượng Công an đã không để phức tạp kéo dài, ngăn chặn kịp thời việc kẻ xấu kích động nhân dân, đảm bảo tốt an ninh chính trị, bảo vệ an toàn tuyệt đối các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh và quốc gia diễn ra trên địa bàn.

Đặc biệt, đơn vị đã khám phá rất nhanh các vụ án. Điển hình là vụ trọng án giết người, cướp tài sản tại tiệm vàng Hoa Lương xảy ra ngày 10/7/2007, chỉ sau 30 giờ truy xét, Công an thành phố đã bắt được thủ phạm gây án. Mới đây nhất, đêm 30 tết Mậu Tý, Công an thành phố đã bắt giữ 7 chiếc xe tải hạng nặng đang vận chuyển lậu 300 tấn quặng sắt về cảng Đa Phúc tiêu thụ...

Đưa cho tôi một cặp hồ sơ dày, Trung tá Thành bảo: “Nghe báo cáo thì rất khô khan, nhà báo chịu khó đọc tập thư này sẽ thấy người dân nói gì về chúng tôi”. Quả thực trong tập thư dày ấy, có những lá thư dài đến mấy trang, nhưng có bức thư chỉ có vài dòng, nhưng đó là tình cảm chân thành của dân đối với anh em công an.

Đó là lá thư đề ngày 16/7/2007 của ông Lương Văn Trung ở Yên Bài, Ba Vì, Hà Tây: “Vừa qua con gái tôi là Lương Thị Thu Thủy, sinh viên Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên, bị đối tượng ở Hà Nội lấy trộm chiếc xe máy Wave alpha. Khi đến Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội khai báo, gia đình tôi rất cảm kích trước thái độ hết sức tận tình trong tiếp đón, hướng dẫn làm thủ tục khai báo của Cơ quan điều tra.

Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Mạnh Dương, cán bộ trực tiếp điều tra đã không quản ngại thời gian làm ngoài giờ, đường sá xa xôi, đã tìm ra đối tượng và nơi tiêu thụ xe máy ở Hà Nội. Được nhận lại chiếc xe bị mất, gia đình tôi rất biết ơn các đồng chí Đội CSĐT tội phạm về TTXH. Để kịp thời động viên các đồng chí, bằng tấm lòng chân thành, tự nguyện, chúng tôi đề nghị bồi dưỡng số tiền 3 triệu đồng cho các đồng chí, nhưng các đồng chí từ chối và giải thích, động viên gia đình yên tâm vì đây là nhiệm vụ của công an...”.     

Còn nhiều câu chuyện về Công an “thành phố thép”. Bởi suốt nhiều năm qua thành phố trung tâm kinh tế - văn hóa - giáo dục của vùng Việt Bắc này luôn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển đều có dấu ấn của các anh. Và nói như một đồng chí chỉ huy đơn vị thì “chúng tôi đã, đang và sẽ phấn đấu để mãi mãi xứng danh đơn vị Anh hùng”

Nguyễn Thiêm
.
.