Cộng hòa Áo từ chối dẫn độ tỉ phú nổi tiếng người Ukraine sang Mỹ

Thứ Bảy, 09/05/2015, 08:30
Ngày 13/3/2014, Bộ Nội vụ Áo đã bắt giữ nhà tài phiệt Dmytro Firtash người Ukraine, ngay khi ông này vừa đặt chân xuống sân bay quốc tế ở thủ đô Vienna, theo lệnh truy nã của các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ thông qua Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol).

Theo tạp chí Forbes của Mỹ thì siêu doanh nhân D. Firtash sở hữu số tài sản ước tính vào khoảng 3,3 tỉ USD, đứng thứ 4 trong bảng danh sách xếp hạng 200 người  giàu nhất ở Ukraine. Sau một thời gian ngắn bị bắt giam, tỉ phú D. Firtash đã được hưởng quy chế tại ngoại, do đã đóng 125 triệu euro (173 triệu USD) cũng là khoản tiền bảo lãnh lớn nhất trong lịch sử tư pháp Áo; đồng thời đương sự cũng bị cấm rời khỏi nước này để phục vụ công tác điều tra trước khi xét xử.

Theo văn bản truy nã đỏ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), D. Firtash bị cáo buộc đã chuyển ngân số tiền 18,5 triệu USD thông qua chi nhánh của các tổ chức tài chính Mỹ ở nước ngoài, nhằm hối lộ giới quan chức biến chất để được quyền khai thác các mỏ titan ở bang Andhra Pradesh, Ấn Độ. Cùng bị truy nã với tỉ phú D. Firtash là 5 quan chức cao cấp khác, trong đó có một người là thành viên của Quốc hội Ấn Độ về tội nhận hối lộ.

Doanh nhân D. Firtash là nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn DF Group, một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và khí đốt ở châu Âu, có trụ sở chính đặt tại Vienna bên cạnh trụ sở của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu hỏa (OPEC), với nhiều nhà máy và công ty trực thuộc tại: Ukraine, Đức, Italia, Síp, Tajikistan, Thụy Sĩ, Hungary, Áo và Estonia.

Doanh nhân D. Firtash (phải) cùng Tổng thống Yanukovych trong lễ khai trương một cơ sở vận hành khí đốt ở bán đảo Crimea, năm 2013.

Ông D. Firtash cũng là nhà hảo tâm nổi tiếng, từng hiến tặng những khoản tiền khổng lồ vào lĩnh vực giáo dục dưới thời cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych. Ngoài ra, tỉ phú D. Firtash còn đảm nhiệm những chức vụ quan trọng khác, như thành viên Ủy ban Cải cách kinh tế trực thuộc Tổng thống Ukraine, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế xã hội Quốc gia (ESCN), đồng Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đầu tư của Bộ Giáo dục, Khoa học, Thanh niên và Thể thao Ukraine...

Từ năm 2006 đến 2009, với vai trò là đối tác chủ chốt của Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Gazprom lớn nhất nước Nga, Tập đoàn DF toàn quyền kiểm soát việc cung cấp và phân phối khí đốt từ Nga sang Ukraine.

Trong 7 năm từ 2006 đến 2013, FBI Mỹ đã bí mật theo dõi các giao dịch qua hộp thư điện tử trên mạng Internet và nghe trộm các cuộc trao đổi bằng điện thoại từ văn phòng Tổng giám đốc D. Firtash tại trụ sở Tập đoàn DF, liên lạc trực tiếp tới thành phố Hyderabad, thủ phủ bang Andhra Pradesh về việc DF tham gia đầu tư khai thác quặng titan.

Ông D. Firtash khi còn đương chức.

Theo ước tính của các chuyên viên thuộc DOJ, nếu "phi vụ titan" thành công có thể mang lại nguồn lợi nhuận cỡ nửa tỉ USD/năm cho Firtash, nên ông không ngần ngại chi đậm cho giới quan chức địa phương để giành được bản hợp đồng khai thác béo bở này.

Tuy nhiên, khi Chính phủ mới của Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền ở Ấn Độ vào cuối tháng 5/2014, đã mở chiến dịch tổng rà soát các hợp đồng kinh tế có giá trị để ngăn ngừa nạn tham nhũng, từ đó phát hiện giới chức bang Andhra Pradesh đã không tổ chức đấu thầu công khai minh bạch, đơn phương chỉ định DF được quyền khai thác titan không thông qua chính quyền trung ương ở New Delhi nên đi đến quyết định chấm dứt hợp đồng mà không bồi hoàn cho DF,

Tỉ phú D. Firtash khi ra trước Tòa án Áo đã khẳng định mình là "nạn nhân của một chiến dịch bôi nhọ chính trị có hệ thống, do mối quan hệ gần gũi với cựu Tổng thống Yanukovych đã bị chính quyền mới ở Kiev lật đổ, cũng như có quan điểm nhất quán ủng hộ phía Nga trong cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine".

Ông Firtash đã trưng ra bằng chứng là biên lai hóa đơn, chứng minh số tiền 18,5 triệu USD mà FBI cáo buộc dùng để hối lộ, thực ra đã được thanh toán mua máy móc từ Mỹ nhập về Ấn Độ phục vụ cho việc khai thác titan...

Tỉ phú D. Firtash trong một phiên xử tại Áo.

Mặt khác, ông Firtash đã thuê một đội ngũ luật sư hùng hậu để biện hộ cho mình, trong đó có chuyên viên pháp lý nổi tiếng như ông Dietmar Beiersdorfer, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Áo, hay luật gia người Mỹ Lanny Davis, từng là cố vấn pháp lý tại Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton...

Ngày 30-4 vừa qua, Tòa Hình sự thuộc Tòa án Tối cao Áo đã ra quyết nghị, chính thức từ chối việc dẫn độ nghi phạm Dmytro Firtash, theo yêu cầu từ phía Mỹ, do thiếu bằng chứng để cấu thành tội phạm. Bà Christina Zalzborn, phát ngôn viên của Chánh tòa Hình sự Áo cho biết: "Tòa thấy không đủ bằng chứng thuyết phục để buộc tội đương sự. Do vậy không thể chuyển giao cho phía Mỹ như văn bản yêu cầu truy nã được".

Quang Phú (theo International Business Times)
.
.