Công nghiệp cờ bạc bần cùng hóa các bộ lạc thiểu số

Thứ Bảy, 31/01/2015, 20:30
Buổi chiều cuối tuần mưa rơi tầm tã, Mike Justice đặt cậu con trai 2 tuổi lên một chiếc xe đẩy, anh hộc tốc đẩy con lên một ngọn đồi thuộc vùng đất của bộ lạc Siletz. Gửi con ở đấy, anh vội vã đi làm. Mặc dù sòng bạc (casino) gần nhà có thể tạo ra công ăn việc làm, nhưng anh Justice, một thành viên trong tổng số gần 5.000 người bộ lạc Siletz vẫn thất nghiệp.
Anh và vợ của mình, chị Jamine, một người nghiện ma túy hoàn lương, sống lay lắt nhờ vào khoản trợ cấp phúc lợi xã hội chỉ vài trăm đôla một tháng, cộng với 1.200 USD mà anh Mike nhận được nằm trong "số tiền thanh khoản theo đầu người”, số tiền mà bộ lạc phân phát hằng năm từ lợi nhuận casino. Với thu nhập chỉ ngần ấy nên gia đình 3 thành viên của anh thuộc loại "dưới mức nghèo khổ".

Số tiền đó dù không đủ trang trải cuộc sống, anh Justice ngậm ngùi thừa nhận, nhưng vẫn tốt hơn so với phải làm việc quần quật nhiều giờ liên tục trong casino mà chỉ được hưởng đồng lương rẻ bèo và hầu như chẳng có chi phí đi lại.

Chỉ có khoảng 13% người dân thuộc bộ lạc của anh Justice có việc trong casino Chinook Winds, như mẹ anh.

Từ nhà anh đến Casino phải mất chừng 1 giờ chạy xe. Anh không có xe, và phải đi xe buýt vài chặng một ngày.

"Khi bạn nhận ra mình lỡ chuyến xe, bạn sẽ phải đợi 3 tiếng đồng hồ cho chuyến tiếp theo và sau đó mất khoảng 1 giờ nữa để đi trên đường. Đối với tôi, quãng thời gian đó thật là phí phạm” - anh Justice trần tình.

Tình cảnh của anh Justice không phải là cá biệt. Sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết vào năm 1987 cho phép cộng đồng các  bộ lạc thiểu số ở Mỹ được đánh bạc, thế là casino mọc lên ở khắp mọi nơi.

Ngày nay, có gần một nửa trong tổng số 566 bộ lạc bản địa và làng mạc tham gia ngành công nghiệp casino. Các bộ lạc nhỏ có đất đai tiếp giáp với thành thị lớn, đông dân rất ăn nên làm ra.

Nhưng một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí Luật Thổ dân Hoa Kỳ nêu lên quan ngại sâu sắc: Tăng trưởng doanh thu từ hoạt động đánh bạc trong cộng đồng các bộ lạc có thể khiến tình trạng đói nghèo trở nên tồi tệ hơn.

Nghiên cứu nhắc đến 20 bộ lạc ở phía tây bắc Thái Bình Dương từ năm 2000-2010. Trong khoảng thời gian đó, nhiều bộ lạc quản lý casino đã tăng gấp đôi lợi nhuận ròng hàng năm, lên đến 2,7 tỉ USD. Tuy nhiên, thật đáng buồn, tỉ lệ đói nghèo của các bộ lạc tăng từ 25-29%.

Các chuyên gia đưa ra hàng loạt lý giải. Nạn lạm dụng ma túy và rượu tràn lan ở các vùng đất tự quản, đến nỗi nhiều người bộ lạc thiểu số khó tìm được việc làm ổn định. Khoảng 27% người dưới 65 tuổi không có bảo hiểm y tế so với 17% người Mỹ (da trắng).

"Nhiều người dân trong những cộng đồng này đang sống trong cảnh bần hàn, sức khỏe yếu” - ông Greg Guedel, công tố viên bang Seatle đưa ra kết luận như vậy trong nghiên cứu.

Nhưng vấn đề nan giải nhất nằm ở cách phân phối lợi nhuận thu được từ casino. Thanh khoản bình quân đầu người tăng thì doanh thu đánh bạc cũng tăng theo. Tức là, theo như phân tích của đại luật sư (ở các nước phương Tây, luật sư chia thành 2 hạng: luật sư thường và đại luật sư (professional lawyer/attorney), những người có trình độ chuyên môn cao, cấp từ tiến sĩ trở lên).

Ron Whitener, thẩm phán kiêm thành viên bộ lạc Squaxin, bang Washington: "Những khoản thanh toán như thế này có thể gây hại bởi vì người ta sẽ trở nên tham lam hơn, vậy là người ta ngày càng sa vào cái bẫy của thói ăn không ngồi rồi.

Thanh khoản (lợi nhuận casino) bình quân đầu người dao động từ vài trăm USD đến 100.000 USD/năm. Ở một số bộ lạc, các thành viên khi bắt đầu bước sang tuổi 18 sẽ nhận khoản thanh toán bình quân đầu người liên tục 18 năm.

"Có rất nhiều đại lý bán xe ôtô vớ bẫm vì kiếm được tiền từ những người đủ 18 tuổi trở lên ở các khu vực mà người thiểu số sinh sống” - ông Whitener cho biết.

Có một bộ lạc nhỏ tên là Jamestown S'Klallam không phân chia bất kỳ khoản thanh toán theo đầu người nào và sử dụng lợi nhuận có từ hoạt động casino để đa dạng hóa các ngành kinh doanh khác, chẳng hạn như nuôi trồng, xuất khẩu động vật thân mềm sang Trung Quốc.

Đảo Squaxin sử dụng lợi nhuận thu từ casino đầu tư vào công nghiệp sản xuất thuốc lá cách đây khoảng 10 năm. Ngược lại, các tù trưởng của bộ lạc Siletz, thì phân bổ 40% lợi nhuận ròng từ casino cho thanh khoản tính theo bình quân đầu người và chỉ dành 17% cho phát triển kinh tế.

Trong số những bộ lạc được khảo sát, thì bộ lạc Siletz có tỉ lệ đói nghèo cao nhất. Những khoản thanh toán trực tiếp đó đang bị sử dụng bừa bãi, không đem lại lợi ích thiết thực, do đó các tù trưởng bộ lạc thường phải miễn cưỡng cắt giảm chúng. Và một số chuyên gia cho rằng họ cần giúp đỡ.

"Tôi vô cùng bức xúc vì người ta cho rằng một khi chỉ cần có khoản thu nhập ít ỏi, thì người dân thiểu số ở đây sẽ trở nên siêng ăn, nhác làm” - David Wilkins, giáo sư khoa Nhân chủng Anh-điêng Hoa Kỳ, Đại học Minnesota phát biểu.

Ông cho biết ông chưa từng biết đến cuộc tranh cãi thường xuyên được sử dụng để chống lại người Mỹ phi bản địa giàu sang có những quỹ tín dụng.

Tạp chí Kinh tế Mỹ (The Economist) phê bình nhận xét của ông về người thiểu số như vậy là thiếu thiện chí, bằng ngôn từ châm biếm, giáo sư chỉ ngồi bàn giấy mà chưa từng xem qua bộ phim truyền hình rất nổi tiếng - "Arthur".

Ông Kevin Goodell, 51 tuổi, người bộ lạc Siletz, làm việc trong đội kiểm lâm bảo vệ rừng đầu nguồn của bộ lạc cho biết năm ngoái cơ quan ông có tổ chức nhiều đợt tuyển dụng nhưng không có ứng viên nào đạt chất lượng.

Bằng giọng buồn buồn, ông kể rằng bản thân ông đã rất cố gắng thuyết phục lớp trẻ quan tâm đến công việc đó, thế nhưng cánh thanh niên trai tráng một mực nói với ông rằng họ không muốn làm việc trong rừng mà chỉ thích hưởng các khoản "phúc lợi".

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.