Công ty TDYPE vẫn tiếp tục lừa đảo

Thứ Sáu, 16/03/2012, 21:30

Mặc dù Chuyên đề ANTG đã có bài cảnh cáo, nhưng những ngày qua mạng lưới công ty tài chính đa cấp TDYPE vẫn tiếp tục mời gọi, dụ dỗ khách hàng góp vốn mua cổ quyền. Đã có trên 1.300 người tham gia vào mạng lưới đa cấp bất chính này. Một nguy cơ đổ vỡ tài chính kiểu GOLDEN ROCK, COLONY, DIAMON HOLIDAY Tour… gây ra thiệt hại hàng trăm tỷ đồng sắp tái diễn.

Không hợp đồng!

Trong vai người muốn tham gia vào thị trường, chúng tôi tiếp cận một người tên V. ở Bình Dương. Ông V. là người được trực tiếp tiếp xúc với những người có chức vị cao nhất trong Công ty TDYPE. Ông V. sắp sửa tham gia vào công ty này và rủ chúng tôi cùng đầu tư.

Sau khi nghe các thông tin tư vấn, ông V đến văn phòng công ty số 964, đường Trần Hưng Đạo, phường 7, quận 5, TP HCM, để tìm hiểu thêm và dự định nếu tất cả đều ổn thì tham gia kinh doanh. Đây chính là quán sủi cảo Trung Quốc có tên Thực Vị Thiên được nêu trong bài trước trên Chuyên đề ANTG. Khi vào, ông V. đã giới thiệu rõ rằng, ông đến đây để tìm hiểu về bản hợp đồng tham gia kinh doanh. Một người phụ nữ, được biết là người tham gia vào công ty từ thời gian đầu bảo ông ngồi chờ. Sau đó người này quay sang tán gẫu với một số phụ nữ ngồi trong quán sủi cảo.

Đợi hơn nửa tiếng đồng hồ mà không thấy ai đoái hoài gì đến mình, ông V. phản ứng. Người phụ nữ giải thích vì 3 thông dịch viên tiếng Hoa chưa đến (lúc này đã hơn 10 giờ trưa), nên "chuyên gia tư vấn" chưa thể làm việc với ông V. được. Tuy nhiên, người phụ nữ này cũng cho biết, công ty không làm hợp đồng với những người tham gia đầu tư PE, tức người mua "cổ quyền" không có hợp đồng.

Thấy quá lạ lùng, ông V. gặng hỏi: nếu không có hợp đồng thì lấy gì cam kết về quyền lợi và bảo chứng cho việc thu tiền? Người phụ nữ này cho biết, khi thu tiền công ty có tờ phiếu thu, có đóng dấu của Công ty TDYPE (Việt Nam) và của… Tập đoàn TDY ở Malaysia! Có tập đoàn mẹ cam kết, thì không lo bị rủi ro. "Đã có con dấu của Tổng công ty, thì anh (tức Công ty TDY) bị nợ, có đi đến đâu người ta cũng tóm anh được, mình không lo bị mất", người phụ nữ này nói.

Cần nhớ rằng, giá "cổ quyền" cứ tăng 0,05 USD/cq/ngày, nên đến hôm nay giá đã lên đến 0,5 USD/cq, tức nếu hôm nay người tham gia vào công ty, nếu mua 50.000 "cổ quyền" phải bỏ ra số tiền là 25.000 USD, chứ không phải 5.000 USD nữa. Không cần phân tích cũng thấy khả năng rủi ro cho người tham gia là rất lớn bởi không có hợp đồng, công ty đã nắm đằng lưỡi, bất cứ điều gì xảy ra phần bất lợi cũng thuộc về người tham gia. Trong vụ Công ty bán hàng đa cấp Agel đóng cửa mà Chuyên đề ANTG đã đăng tải nhiều kỳ, hàng ngàn nạn nhân tham gia vào công ty đều không ký hợp đồng, nên không có cơ sở để kiện người đại diện pháp luật của công ty.

Đến gần trưa mới có nhân viên phiên dịch đến, ông Daniel mới hiểu được ý của người hỏi, và đưa ra bản “Hợp đồng đại lý”, chỉ dành cho người tham gia làm đại lý mở rộng thị trường cho công ty. Daniel giải thích, trước ngày 1-4-2012, ngày công ty chính thức khai trương, nếu người nào đã tham gia gói đầu tư 4-5 "sao", thì đương nhiên được làm đại lý của công ty. Quyền lợi của đại lý được giải thích chung chung là được hưởng thêm 5% số tiền từ công việc mở rộng thị trường. Khi có người tham gia vào mạng lưới, "đại lý" được lấy ngay 5% số tiền của người mới nộp vào. Sau ngày 1-4, nếu ai muốn làm đại lý, trước mắt phải tham gia gói đầu tư 4-5 "sao" (lúc này đã lên khoảng 30.000 USD), còn phải đóng thêm khoản tiền thế chân 30.000 USD nữa.

Ông Trần và người phiên dịch trong buổi tư vấn đầu tư.

Không trách nhiệm

Nhìn tờ "Hợp đồng đại lý" mà công ty cung cấp cho ông V., một người không am hiểu việc kinh doanh cũng phát hiện ra sự lừa đảo. "Hợp đồng" chỉ vẻn vẹn chưa tới 1,5 trang A4. Phần quan trọng nhất là "Quyền lợi và Nghĩa vụ" thì chỉ ghi nghĩa vụ của "bên B" tức người tham gia, mà hoàn toàn không có nội dung nào ghi nghĩa vụ của "bên A", tức phía công ty, là bên cầm tiền của người tham gia. Như vậy, khi số tiền đủ lớn đến vài triệu hay vài chục triệu USD, thì công ty này muốn hô biến kiểu như các Công ty Golden Rock, Colony hay mới đây nhất là Diamon Holiday Tour, thì pháp luật cũng khó bắt họ phải trả lại tiền, bởi trong hợp đồng không quy định gì về nghĩa vụ của "bên A" cả!

Thông thường các công ty kinh doanh có bán hàng, người muốn làm đại lý phải đặt cọc (thế chân) một khoản tiền khá lớn, mục đích là để phòng ngừa đại lý bán hàng không trả nợ. Công ty TDYPE hoàn toàn không có hàng hóa, có nghĩa người tham gia làm đại lý hoàn toàn không có điều kiện gây ra rủi ro cho công ty và cũng không có cơ hội chiếm tiền của công ty. Do vậy, việc buộc người tham gia làm đại lý phải đóng tiền là hành vi huy động tiền không chính đáng. Người nộp khoản tiền thế chân này khả năng bị mất tiền cũng rất cao vì trong hợp đồng không có các quy định về việc trả lại khoản tiền nếu hai bên ngừng hợp đồng. Chỉ cần TDYPE "giở quẻ" là sự hợp tác bị cắt và "đại" lý không được nhận số tiền mình đã nộp cho công ty.

Không cần phải tìm hiểu vòng vo đâu xa, chính một "chuyên gia" trong công ty, được gọi là "ông Trần" đã nói thẳng là công ty không có trách nhiệm gì với người tham gia. Ông Trần nói: "Chúng tôi (chỉ Công ty TDYPE) cũng cầm tiền đi đầu tư như anh. Vậy khi rủi ro xảy ra, chúng tôi và anh cùng mất tiền. Vậy chúng tôi đâu có trách nhiệm gì với anh".

Theo giới thiệu, thì Tập đoàn TDY Malaysia là đơn vị vừa đầu tư vào chuỗi khách sạn BigTree, vừa đại diện đứng ra bán "cổ quyền" đầu tư nguyên thủy BigTree, tức phải chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn phát hành. TDYPE còn một vi phạm khác, là nghiệp vụ phát hành cổ phiếu chưa được sự cho phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ mới được cấp phép thực hiện nghiệp vụ này.

Nói như ông Trần, có nghĩa cả Công ty TDYPE (Việt Nam) và Tập đoàn TDY Malaysia sẽ hoàn toàn không có bất cứ trách nhiệm nào với người tham gia đầu tư. Về quan hệ giữa hai đơn vị này, ông Trần cho biết: thực chất của Công ty TDYPE cũng chính là của Tập đoàn Malaysia mở, chỉ nhờ người Việt Nam đứng tên cho hợp lệ.

Bàn làm việc trong quán sủi cảo. Lọ mắm, muối, tương ớt được đẩy qua một bên để lấy chỗ đặt máy tính xách tay.

Việc nhờ người đứng tên để công ty nước ngoài núp danh tổ chức hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là chuyện không mới. Điều đáng lo ngại ở đây là kinh doanh đa cấp nhưng TDYPE hoàn toàn không đặt tiền ký quỹ theo quy định của luật pháp Việt Nam. Theo quy định của Nghị định 110/NĐ-CP năm 2005, tất cả các công ty hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đều phải đóng tiền ký quỹ ít nhất bằng 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 1 tỉ đồng. Với Công ty TDYPE, vốn điều lệ được đăng ký 80 tỉ, tức số tiền ký quỹ ít nhất là 4 tỉ đồng. Ông Trần lý giải, vì phương thức kinh doanh của TDY là hoàn toàn... không có rủi ro nên không cần đóng tiền ký quỹ!

Phương thức kinh doanh không hề rủi ro được TDY đưa ra là nhờ vào việc cứ mỗi tuần giá "cổ quyền" tự tăng lên 0,05 USD, nên trong vòng  6 tháng, chỉ cần bán đi một nửa số "cổ quyền" là đã thu hồi được vốn nên xem như đã an toàn. Một nửa số còn lại sẽ dành khi niêm yết để lấy giá bán cao gấp vài chục lần đến hơn 300 lần!

Lộ rõ công ty lừa đảo!

Đến đây đã có thể khẳng định, TDYPE là một công ty đa cấp bất chính và lừa đảo. Chứng cứ lừa đảo còn thể hiện ở một số yếu tố khác, trái với quy định của Luật Cạnh tranh và Luật Thương mại của Việt Nam.

Theo Luật Cạnh tranh, khái niệm "bán hàng đa cấp bất chính" được hiểu, là công ty hoạt động nhưng không có hàng hóa, số tiền người trước có được là lấy từ tiền tuyển dụng người vào sau. Điều này hoàn toàn đúng với cách làm, bản chất của Công ty TDYPE. Công ty này đã đưa ra một cái gọi là "cổ quyền". Theo giới thiệu thì cổ quyền này được công ty mua lại (với giá thấp hơn giá hiện tại). Như vậy cổ quyền này có giao dịch nội bộ và hạn chế, và vì vậy không phải là hàng hóa. Do đó, hoạt động của TDYPE là đa cấp bất chính vì không có hàng hóa để bán, mà chỉ huy động tiền và lấy tiền của người vào sau trả cho người vào trước, theo kiểu kim tự tháp.

Cái gọi là "cổ quyền" là khoản đầu tư ban đầu như TDYPE đưa ra, có phần tương tự "cổ phần" ở Việt Nam. Giá của cổ phần sau khi đã phát hành, được thị trường xác định, do căn cứ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty có hiệu quả hay không, không còn do công ty tự định đoạt được. Do đó, việc Tập đoàn TDY hoặc BigTree tự tăng giá "cổ quyền" 0,05 USD mỗi tuần chỉ là thông tin đưa ra để lừa bịp, nhằm dụ dỗ nhiều người tham gia đóng tiền vào đây. Với xu hướng này, khả năng đến lúc nào đó khi mạng lưới lớn lên thì sẽ xảy ra 2 trường hợp: Một là công ty ôm số tiền khổng lồ bỏ trốn, hai là công ty đổ vỡ do khoản tiền phải trả cho mạng lưới ngày càng lớn. Cả hai trường hợp, công ty đều không thiệt hại gì, còn người nộp tiền tham gia vào mạng lưới chắc chắn sẽ mất sạch số tiền đã góp.

Công ty TDYPE huy động vốn theo phương thức đa cấp nhưng trong giấy xin phép kinh doanh không ghi rõ điều này. Tuy nhiên, TDYPE vẫn đưa ra nhiều khoản hoa hồng theo phương thức đa cấp. Mô hình đa cấp nhị phân được giấu biệt không đưa ra trong quá trình tư vấn. Chỉ người nào đã có kiến thức về bán hàng đa cấp hỏi về mô hình thì mới được người tư vấn nói ra.

Còn nhiều dấu hiệu chụp giật khác. Ông Trần, người được giới thiệu là chuyên gia của TDYPE, công ty có khả năng giúp người ta trở thành tỉ phú đôla trong thời gian rất ngắn, khi làm việc tư vấn cho khách hàng mặc quần đùi, mang dép lê như ở nhà riêng. Còn trong quán sủi cảo 964 Trần Hưng Đạo quận 5, thực khách ngồi lẫn với "nhà đầu tư" rải rác ở các bàn ăn. Các cô hầu bàn cho thực khách ăn mặc ngắn cũn cỡn đi qua đi lại liên tục.

Sau khi Chuyên đề ANTG có đề cập về địa điểm này, TDYPE đã đưa chi nhánh về đường Lữ Gia, quận 11. Tại đây, những người tham gia vào mạng lưới vẫn tiếp tục đi kêu gọi người vào tham gia, bất chấp đã được cảnh báo. Thông tin từ công ty, đến đầu tháng 3/2012 tức mới mở ở Việt Nam chừng 2 tháng, mạng lưới này đã có đến hơn 1.300 người. Cứ lấy bình quân mỗi người tham gia 1.000 USD là mức 2 sao, cũng đã có đến hơn 1,3 triệu USD góp vào mạng lưới này.

Mặc dù TDYPE có đăng ký và xin được giấy phép kinh doanh, nhưng các phương thức hoạt động của TDYPE đều vi phạm pháp luật Việt Nam và đang đưa hàng ngàn, có khi đến hàng chục, hàng trăm ngàn người vào con đường tan nhà nát cửa. Lần nữa, theo chúng tôi, các cơ quan quản lý nên nhanh chóng vào cuộc, ngăn chặn ngay những "bàn tay đen" này

Đặng Vỹ
.
.