Thế giới ảo, cư dân mạng và trách nhiệm bên bàn phím

Thứ Năm, 02/07/2015, 06:40
Có thể nói sự phát triển của mạng xã hội đang ngày một tác động sâu đến cuộc sống của mỗi người, thậm chí có thể "nhấn chìm" một cá nhân nào đó. Đã đến lúc bản thân mỗi cư dân mạng và cả cộng đồng cần nhận thức được trách nhiệm của mình khi đăng hay chia sẻ thông tin trên mạng, nhất là những thông tin có thể ảnh hưởng xấu đến người khác.

1. Mới đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một video clip quay cảnh ân ái giữa một cặp nam nữ còn rất trẻ. Clip này nhanh chóng bị phát tán và đã gây ra một kết cục rất đau lòng.

Chỉ vài ngày sau khi clip kia xuất hiện, nữ sinh N.T.A.T. (SN 1999, đang học lớp 9, trú tại xã Xuân Đông, Cẩm Mỹ, Đồng Nai) - người bị tung clip - đã tử vong vì uống thuốc diệt cỏ. Nhân vật nam trong clip được làm rõ là Phạm Tấn Lộc (SN 1994, trú tại xã Xuân Tây, Cẩm Mỹ, Đồng Nai) - là người yêu của T. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hành động dại dột của T. là clip bị lan truyền quá nhanh cùng những bình luận vô tâm, chế giễu cô bé.

Theo người nhà của nữ sinh T., giữa em và Lộc nảy sinh tình cảm từ đầu năm 2015. Ban đầu gia đình ngăn cản nhưng không được, cuối cùng đành chấp nhận để T. và Lộc yêu nhau với điều kiện khi nào T. học xong lớp 12 thì mới tiến tới chuyện hôn nhân.

Thời gian gần đây giữa T. và Lộc thường xảy ra mâu thuẫn nên gia đình khuyên T. chia tay Lộc để tập trung vào học tập. Nghe theo lời khuyên của cha mẹ, T. quyết định chia tay với Lộc nhưng Lộc không đồng ý. Lộc còn thường xuyên chửi bới, đe dọa T. về chuyện cắt đứt tình cảm.

Trưa ngày 17/6, Lộc đến nhà T. nói chuyện thì xảy ra mâu thuẫn. Lộc nổi nóng đuổi đánh T. Sự việc chỉ dừng lại khi gia đình T. can thiệp. Sau đó Lộc bỏ về và đoạn clip ghi lại cảnh ân ái như "vợ chồng" của Lộc và T. xuất hiện trên mạng. Đến chiều 18-6 thì người nhà phát hiện T. uống thuốc diệt cỏ tự tử. Trước khi chết, T. có để lại lời nhắn cho bố mẹ thể hiện: "Con chết là vì Lộc...".

Nhà T. và Lộc ở gần nhau nên khi vụ việc xảy ra ai cũng bàng hoàng, đau xót. Dù trước đó, gia đình hai bên đã đồng ý cho T. và Lộc qua lại với nhau nhưng luôn khuyên nhủ cả hai phải chờ đến khi T. trưởng thành mới tính chuyện hôn nhân.

Sau khi T. tự tử, Công an huyện Cẩm Mỹ đã tạm giữ Lộc để làm rõ các vấn đề có liên quan. Bước đầu, Cơ quan Công an xác định Lộc và T. đã quan hệ tình dục nhiều lần.

Một người hàng xóm của gia đình T. chia sẻ: "Cháu T. đã đi rồi nhưng những hình ảnh đáng tiếc của cháu vẫn còn trên mạng. Tôi cũng có con gái, chỉ mong mọi người đừng lan truyền clip đó nữa. Hãy để T. được an nghỉ và cho ba mẹ em - những người ở lại được thanh thản".

Hình ảnh của N.T.A.T. và bạn trai khi còn quen nhau.

Đây không phải là lần đầu tiên một vụ việc đáng tiếc xảy ra, khi các bạn trẻ bị tác động của Internet mà nghĩ quẩn dẫn đến những hành động dại dột.

Tháng 6/2013, nữ sinh Nguyễn Thị C.L. (vừa tốt nghiệp lớp 12,  ở một trường ngoại thành Hà Nội đã uống thuốc diệt cỏ tự tử, cũng do tác động của mạng Facebook. Trước khi mất, L. kể với người thân: "Trong buổi học thêm môn toán tuần trước, một bạn trai trong lớp đã lấy ảnh của L. ghép vào một bức hình hở hang rồi đăng lên mạng xã hội Facebook của lớp. L rất xấu hổ và bực tức, đòi bạn phải xóa bức hình đó đi, nhưng các bạn lại càng trêu hơn. L dọa sẽ tự tử vì bức ảnh đó…".

Người thân của L. chia sẻ. L. vốn tính nhút nhát, dễ xúc động. L. ngoài  giờ đến trường thì chỉ biết học và chăm lo việc nhà, ít khi giao du với ai.

"Có lẽ chính vì tính tình khép kín, sống tình cảm nên khi bị bạn bè tung ảnh lên mạng, trêu chọc thì em thấy vô cùng xấu hổ. Tôi nghe các bạn nó kể rằng L. cũng đã lên mạng và chính mắt thấy ảnh mình bị ghép với một cô gái ăn mặc hở hang, bên dưới là nhiều lượt "like" và "bình luận" thiếu ý thức. Vì thế mà L. đã rất tức giận, và dọa sẽ tự tử". Có lẽ sự tinh nghịch, vô tư và sự nông nổi, bồng bột của tuổi trẻ đã khiến cho mấy cô cậu học trò tiếp tục "đổ thêm dầu vào lửa" bằng những lời bình luận thái quá, thậm chí cổ xúy bạn… tự tử!

Và trong một phút mất bình tĩnh, L. đã đi mua 3 lọ thuốc diệt cỏ. Khoảng 2h sáng ngày 28/6/2013, sau khi học bài xong L. nghĩ quẩn thế nào mà uống một lúc cả 3 lọ. Khoảng nửa giờ sau, L. đau bụng quá lăn lộn trên giường, người nhà vội đưa L. đi bệnh viện cấp cứu. Song đã quá muộn…

Vụ việc nữ sinh K.P (học sinh lớp 6 một trường THCS tại Hà Nội) đã bị cậu bạn trai N.Q tung một loạt ảnh hở hang lên mạng xã hội Facebook suýt chút nữa cũng trở thành bi kịch. Theo N.Q những tấm ảnh đó là do chính K.P gửi cho N.Q để đổi lấy… một chiếc thẻ cào điện thoại trị giá 100 ngàn đồng. Vậy là trong một phút thiếu suy nghĩ, K.P đã tự biến mình thành trò đùa cho cư dân mạng. Hàng trăm hàng ngàn lượt bình luận (mà đa số là bỡn cợt, thậm chí xúc phạm danh dự của nữ sinh này) đã khiến K.P. hoảng sợ.

Lời khẩn cầu của nữ sinh K.P. khi bị bạn trai tung ảnh nóng lên mạng.

Cô bé vội vàng thanh minh: "Nếu em có làm gì sai trước đây thì xin mọi người bỏ qua cho em. Mọi người cứ xô đẩy em thế này thì em chỉ có nước chết mất thôi. Cảm ơn những ai đã bênh vực và đứng về phía em. Nhưng thực sự em không muốn chuyện này đến tai bố em. Nên mong mọi người tha thứ cho em nếu em có làm gì sai. Em thực sự xin lỗi!". May mắn cho K.P rồi sau đó sự việc cũng tạm lắng xuống.

2. Vụ việc nữ sinh ở Đồng Nai tự vẫn do bị tung clip nhạy cảm đã vang lên tận nghị trường. Bà Nguyễn Thanh Hải, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nêu ý kiến: "Việc clip bị đưa lên mạng xã hội ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý của nữ sinh. Chỉ trong vòng hai ngày, có tới hơn 15.000 người xem clip này. Nữ sinh đó không chịu được áp lực dư luận và đã tự tử. Có một câu nói của người thân nữ sinh khiến tôi hết sức suy nghĩ: Xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu".

Bà Hải cho biết sau khi trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son, bà khẳng định rằng clip do bạn trai của nữ sinh đưa lên mạng thuộc loại thông tin riêng. Nhưng "việc bảo vệ thông tin riêng còn chưa được quy định rõ ràng trong dự luật".

"Có thể nói mạng xã hội đã góp phần đẩy nữ sinh đến kết cục đau lòng như trên, nhưng câu hỏi đặt ra là có cách nào, có biện pháp nào để ứng cứu khẩn cấp đối với người thân, gia đình của nữ sinh đó khi phát hiện ra vấn đề này. Cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp gì khẩn cấp để ứng cứu gia đình này không".

"Tôi nghĩ trong khoảng thời gian ngắn ba ngày đó thì gia đình đã không biết cầu cứu ở đâu, không biết liên hệ với ai để ngăn chặn việc phát tán clip này. Việc bảo vệ thanh thiếu niên trước những ảnh hưởng xấu của Internet, mạng xã hội đã được nhiều nước quan tâm. Xây dựng luật an toàn thông tin mạng là cơ hội để đạt được mục tiêu này, do vậy bổ sung quy định bảo vệ thông tin riêng trên mạng là hết sức cần thiết" - bà Hải đề nghị.

Tự nhận mình là người hay tham gia mạng xã hội và mỗi ngày truy cập vài lần, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho biết: "Mỗi lần vào mạng tôi có cảm giác như sự truy cập của mình đang bị người khác kiểm soát, theo dõi, thậm chí là họ sử dụng thông tin của mình cho mục đích của riêng họ. Tôi cảm thấy bất an".

Ông Hùng bày tỏ: "Tôi nghĩ quy định về sự công khai, minh bạch trong cung cấp dịch vụ là rất quan trọng. Thứ hai, luật cần điều chỉnh những hành vi thu thập, sử dụng, lưu trữ thông tin cá nhân trên mạng để hạn chế việc truy cập, sử dụng trái phép các thông tin cá nhân".

Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ tâm lý học Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCHTW Hội Tâm lý xã hội Việt Nam phân tích:

Để hạn chế những sự cố đáng tiếc như vụ việc nữ sinh ở Đồng Nai hay ở Thạch Thất (Hà Tây) thì rất cần sự quan tâm sát sao của những bậc làm cha làm mẹ. Gia đình chính là thành trì vững chắc nhất để giúp cho con em mình vượt qua những cú sốc. Trong công việc hàng ngày, thạc sĩ tâm lý học Đào Lê Hòa An nhận được không ít cuộc điện thoại từ các ông bố bà mẹ để bày tỏ sự thất vọng, xấu hổ khi con em mình yêu sớm và có những hành động đi quá giới hạn. Trong trường hợp đó, thạc sĩ luôn tư vấn phụ huynh cần phải dùng những lời lẽ nhẹ nhàng phân tích, động viên và dang rộng vòng tay che chở cho con. Có như vậy mới có thể hạn chế được những tình huống đáng tiếc, đau lòng.

Thạc sĩ tâm lý học Đào Lê hòa An.

Còn bản thân các nữ sinh, không may bị "vướng" vào tình trạng này thì cũng cần nhận thức rằng, đó sẽ là bài học lớn trong trường đời. Và thời gian sẽ chữa lành những đớn đau. "Mình cần phải tiếp tục sống và phấn đấu cho tương lai. Hãy nghĩ rằng một mũi tên chỉ được bắn về phía trước là do nó đã được kéo ngược về phía sau. Bởi vậy nên khi cuộc sống kéo bạn về phía sau thì hãy nghĩ rằng nó đang khởi động để đưa bạn về phía trước".

Thạc sĩ Đào Lễ Hòa An cũng nhắn nhủ với các bạn trẻ khi yêu cần phải có tầm "nhìn xa trông rộng". Đa số các bạn tuổi "teen" khi yêu chỉ nghĩ đến những cảm xúc trước mắt mà không nghĩ đến tương lai, dễ có những hành động thiếu suy nghĩ. Cần phải yêu bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh, thận trọng với những việc nên và không nên làm, những giới hạn không thể vượt qua. Đừng "tặc lưỡi" đồng ý chuyện chụp ảnh, quay phim những hình ảnh riêng tư. Bởi dù bạn có cố gắng bảo mật đến đâu, thì vẫn chẳng thể chắc chắn rằng một ngày nào đó những bức ảnh, clip kia sẽ bị lộ và phát tán lên mạng.

Cũng theo thạc sĩ Hòa An, hiện mạng Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung ngày một phát triển và có những tác động sâu sắc đến giới trẻ Việt Nam. Đặc biệt, với sự kết nối chia sẻ nhanh chóng thì bên cạnh những mặt tích cực thì có rất nhiều nguy cơ.

Nhiều bạn trẻ sử dụng mạng xã hội mà thiếu sự cẩn trọng, viết status, đăng ảnh, đăng clip và comment (bình luận) vô tội vạ. Bạn không cần biết nguồn gốc, không cần lường tới hậu quả có thể xảy ra đối với những người trong bức ảnh, trong clip mà cứ share "lấy được". Điều này là vô cùng nguy hiểm, đôi khi có thể tước đi tính mạng của một con người.

Bởi vậy, mỗi cá nhân người sử dụng Facebook và cộng đồng mạng cần phải có trách nhiệm với từng lời nói, hành vi của mình trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải có một bộ quy tắc ứng xử hoặc những quy định cụ thể về việc phát ngôn, đăng tải thông tin trên mạng xã hội. Bởi việc phát tán, chia sẻ những clip riêng tư của một cá nhân đã là tiếp tay cho một hành vi vi phạm pháp luật - thạc sĩ Hòa An nhấn mạnh.

Minh Tiến
.
.