Cuộc chiến bảo vệ cá mập

Thứ Tư, 12/12/2018, 08:04
Bộ phim tài liệu điều tra "Sharkwater: Extinction" (tạm dịch: "Cá mập biển cả: Sự tận diệt") phát hành tháng 10-2018 tại Mỹ và Canada đã phơi bày mặt tối ngành công nghiệp đánh bắt cá mập bất hợp pháp dẫn đến thảm họa 150 triệu con cá sở hữu hàm răng sắc nhọn bị giết chết mỗi năm.

Bộ phim là đứa con tinh thần của đạo diễn người Canada Rob Stewart - người đã chết năm 2017 ở tuổi 37 trong một tai nạn lặn liên quan đến oxy. Rob Stewart đã đi vòng quanh thế giới để tìm hiểu cách cá mập được đánh bắt nhằm khai thác vây của chúng. Đoàn làm phim khám phá thịt cá mập "thường được gắn nhãn khác" và đưa vào thực đơn như cá trắng hoặc cá hồi để đánh lừa thực khách.

Cảnh báo thế giới từ một bộ phim gây tiếng vang

Will Allen - nhiếp ảnh gia và nhà quay phim hợp tác với Rob Stewart thực hiện bộ phim tài liệu, cho biết một trong những phát hiện gây sốc nhất khi làm bộ phim là thịt cá mập "thường được gắn nhãn khác" và đưa vào thực đơn nhà hàng như "cá trắng đại dương" và "cá hồi đá". Trong một cảnh, đống cá mập chết được nhìn thấy ngư dân đánh bắt trên bờ nhưng không rõ cảnh quay được thực hiện ở đâu.

Bộ phim "Sharkwater: Extinction" là đứa con tinh thần gây tiếng vang trên thế giới của đạo diễn người Canada - Rob Stewart.

Will Allen nói thêm: "Thịt cá mập cũng được dùng để sản xuất một loạt sản phẩm như thức ăn cho mèo, phân bón và dầu từ gan của chúng thậm chí còn được sử dụng trong mỹ phẩm - chẳng hạn như kem chống nắng, son môi và trang điểm mắt". Trong khi làm phim, Stewart và Allen cũng phát hiện một số khu vực được bảo vệ - như đảo Cocos ở Ấn Độ Dương và Galapagos - không hề có các quy định đúng đắn để giám sát hiệu quả hoạt động đánh bắt cá mập bất hợp pháp.

Will Allen giải thích: "Thực tế cho thấy rất khó để giám sát và ngăn chặn một cách hiệu quả khi mà hoạt động đánh bắt cá mập bất hợp pháp diễn ra ở các địa điểm xa xăm như vậy. Nhu cầu tiêu thụ thịt cá mập cần phải được cắt giảm để chấm dứt tình trạng giết mổ loài này. Ngoài ra, chính phủ cần phải đặt ra những chính sách mới để thay đổi".

Khác với bộ phim kinh dị năm 1975 - "Jaws" (Hàm cá mập), bộ phim tài liệu của Rob Stewart cố gắng cho thấy cá mập không thích ăn thịt người. Những bức ảnh từ phim và các bức ảnh hậu trường cho thấy Allen và Stewart cùng với các thành viên đoàn làm phim bình tĩnh bơi cùng với một loạt các loài cá mập - từ cá mập trắng khổng lồ đến cá mập đầu búa.

Trong một cảnh quay, Stewart được nhìn thấy đang bơi với một con cá mập đầu búa mà không hề có công cụ bảo vệ. Will Allen khẳng định "9 trong 10 lần cá mập sẽ bơi xa bạn nếu chúng nhìn thấy bạn trong nước", trong khi đó con người lại sát hại chúng với một tốc độ khủng khiếp.

Đạo diễn Rob Stewart.

Trong một cảnh đồ họa, đống cá mập chết được nhìn thấy đang được kéo lên bờ và ném vào một kho lưu trữ nhuộm màu máu. Một cảnh quay khác từ bộ phim cho thấy Rob Stewart đến thăm nhà một ngư dân và chứng kiến hàng trăm xương hàm cá mập treo trong tầng hầm của gia chủ như muốn thể hiện chiến tích.

Will Allen nhấn mạnh rằng "nếu nhu cầu tiêu thụ cá mập dừng lại thì những vụ sát hại cá mập hàng loạt sẽ dừng lại. Điều đó đơn giản thôi". Mỗi USD chi cho các sản phẩm chứa thành phần từ cá mập đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp đánh bắt loài cá này bất hợp pháp tiếp tục tồn tại. Mọi người cần phải được giáo dục và tìm hiểu kỹ nhãn dán trên các sản phẩm cá. Người tiêu dùng cũng có thể lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da và son môi không chứa thành phần từ cá mập".

Bộ phim "Sharkwater: Extinction" với độ dài 88 phút thực hiện năm 2006 của Rob Stewart cũng đưa vấn đề về vây cá mập được sử dụng để chế biến món súp vây cá mập như thế nào. Ngày nay, hơn 90 quốc gia trên thế giới nghiêm cấm buôn bán các sản phẩm có thành phần từ cá mập nhưng bộ phim nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều việc phải làm. Bộ phim tài liệu gây tiếng vang của Rob Stewart hiện được chiếu tại Canada và ra mắt tại Anh trong sự kiện Liên hoan phim Totnes vào ngày 17-11-2018.

Will Allen kết luận: "Chúng tôi ước tính rằng quần thể cá mập trên toàn thế giới đã giảm hơn 90% trong vài thập niên qua. Với tốc độ này, trong thời gian không mấy xa nữa chúng ta sẽ chứng kiến các đại dương không có cá mập. Hiện thực đó về cơ bản cũng giống như một thế giới không có nước, hoặc rừng không có cây cối. Loài cá mập  rất quan trọng đối với sức khỏe của đại dương. Nếu không có chúng, tất cả chúng ta sẽ chết". Hiện thời, một quỹ được thiết lập nhằm tưởng nhớ Rob Stewart và số tiền thu được sẽ được chuyển đến WWF Canada - tổ chức bảo tồn đời sống hoang dã của Canada - để hỗ trợ duy trì hoạt động bảo tồn loài. 

Elain Tan, giám đốc điều hành WWF Singapore, phát biểu: "Việc Singapore bị đánh giá là quốc gia kinh doanh vây cá mập lớn hàng thứ 2 trên thế giới có nghĩa là giải pháp cho cuộc khủng hoảng cá mập toàn cầu nằm ngay trên vùng bờ biển nước ta. Biện pháp tăng cường giám sát hoạt động đánh bắt cá mập để cắt vây nhằm bảo vệ loài sẽ giúp tạo dựng tiền lệ tích cực cho các quốc gia khác đồng thời góp phần duy trì quần thể cá mập mạnh khỏe hơn cũng như bảo vệ đại dương". Theo các nhà bảo tồn thiên nhiên hoang dã, hiện nay có 74 loài cá mập đang bị đe dọa tuyệt chủng; 11 loài khác bị đe dọa nghiêm trọng và 15 loài (bao gồm cá mập đầu búa lớn) được xếp vào loại nguy cấp.

Cuộc chiến bảo vệ loài

Để bảo vệ loài cá mập, các công ty vận tải đường hàng không và đường biển như Cathay Pacific (Hồng Công) và Maersk (Đan Mạch) cấm vận chuyển mặt hàng vây cá mập. Trong vòng 2 tháng đầu năm 2017, hơn    một tấn vây cá mập đầu búa - loài đang gặp nguy cơ tuyệt chủng - và cá mập vây trắng đại dương bị lực lượng hải quan Hồng Công bắt giữ.

Những cảnh quay gây ấn tượng trong bộ phim tài liệu của Rob Stewart.

Ngoài ra, 1,3 tấn vây cá mập chứa trong 4 container được phát hiện tại cảng biển Hồng Công được xác định đến từ 3 quốc gia: Ai Cập, Kenya và Peru. Theo luật pháp Hồng Công, bất cứ ai bị phát hiện kinh doanh những sản phẩm có nguồn gốc từ các loài có nguy cơ tuyệt chủng có thể đối mặt với mức tiền phạt 5 triệu HKD (643.952 USD) cùng với bản án tù 2 năm. Năm 2013, chính quyền Hồng Công cấm phục vụ món ăn chế biến từ vây cá mập tại những buổi họp quan chức, trong khi chuỗi nhà hàng sang trọng Shangri-La và Peninsula Hotels cũng rút món ăn này khỏi thực đơn của họ tuần tự trong năm 2011 và 2012.

Mặc dù vậy, người ta cũng dễ dàng tìm thấy món vây cá mập trong thực đơn của rất nhiều nhà hàng hải sản ở Hồng Công. Theo báo cáo gần đây từ tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ môi trường biển Sea Shepherd đặt trụ sở tại Washington (Mỹ), một lượng lớn vây cá mập vẫn tiếp tục đổ tới Hồng Công bất chấp lệnh cấm và chúng được ngụy trang với nhãn hiệu giả như  "hải sản", "sản phẩm biển sấy khô" hay "thực phẩm sấy khô".

Cuộc điều tra của Sea Shepherd cũng tiết lộ Hồng Công "tiếp nhận" những container 45 feet (13,7 mét) chứa đầy vây cá mập đến từ Trung Đông! Air China trở thành hãng hàng không đầu tiên ở Trung Quốc có lệnh cấm mặt hàng vây cá mập vận chuyển qua phương tiện của hãng này. Alex Hofford, nhà hoạt động bảo vệ thiên nhiên hoang dã của tổ chức WildAid ở Hồng Công, nhận định: "Các nhà khoa học đánh giá vây của 73 triệu con cá mập khai thác trong 1 năm được cung cấp cho các nhà hàng chế biến món súp đắt tiền". Alex Hofford hoan nghênh quyết định sáng suốt của Air China thể hiện "quan điểm đạo đức" giúp bảo vệ loài cá mập và hệ sinh thái biển trên thế giới. Alex cũng cho rằng quyết định của Air China "khiến cho FedEx phải hổ thẹn".

Cắt vây cá mập ở bang Florida (Mỹ).

FedEx là tập đoàn chuyển phát nhanh hàng hóa đa quốc gia của Mỹ chống lại những lời kêu gọi lặp đi lặp lại về việc ngăn chặn mạng lưới kinh doanh vây cá mập từ tập thể 300.000 người cũng như liên minh các nhóm bảo tồn động vật hoang dã trên khắp thế giới. Sự làm ngơ của FedEx rõ ràng đã vi phạm Công ước Quốc tế về kinh doanh động-thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Trong khi đó, công ty chuyển phát hàng hóa quốc tế United Parcel Service (UPS) nhượng bộ trước sức ép ngăn cấm vận chuyển mặt hàng vây cá mập vào tháng 8-2015. Năm 2014, công ty cạnh tranh DHL cũng có động thái tương tự. Hiện nay, có ít nhất 35 hãng hàng không khác ngoài Air China và 17 công ty vận tải container toàn cầu trên thế giới đồng ý tham gia chiến dịch cấm vận chuyển vây cá mập - trong đó bao gồm China Cosco Shipping của Trung Quốc.

Năm 2016, chính quyền Bắc Kinh công bố dữ liệu cho thấy lượng nhập khẩu vây cá mập vào Trung Quốc đã giảm đến 82% giữa các năm 2011 và 2014. WildAid báo cáo giá bán sỉ vây cá mập giảm từ 50% đến 67% - từ 270 USD đến 300 USD/kg năm 2011 xuống còn 90 USD đến 150 USD năm 2014. Sự giảm giá mạnh này là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi lớn lao ở Trung Quốc, nơi tiêu thụ mạnh món ăn gọi là "súp vây cá" vốn hình thành từ hơn 1.000 năm trước đây. Món súp vây cá rất phổ biến trên bàn tiệc long trọng đãi quan khách cao cấp ở Trung Quốc cũng như trong đám cưới giới nhà giàu nước này.

Giới khoa học đánh giá hàng năm có khoảng 100 triệu con cá mập bị giết chết - phần lớn do bị cắt lấy phần vây. Theo kết quả phân tích của tổ chức phi chính phủ TRAFFIC - mạng giám sát hoạt động buôn bán động-thực vật hoang dã toàn cầu, đặt trụ sở chính tại thành phố Cambridge (Anh) - về dữ liệu kinh doanh vây cá mập của Singapore từ năm 2005 đến 2007 (cũng như từ năm 2012 đến 2014), nước này nhập khẩu 14.114 tấn và xuất khẩu 12.402 tấn mặt hàng này trong những năm này. Còn theo dữ liệu từ 2 năm 2012 và 2013, Singapore xuất khẩu số lượng vây cá mập trị giá đến 40 triệu USD - xếp sau Hồng Công (45 triệu USD).

Cũng trong giai đoạn này, hơn 72% sản lượng vây cá mập xuất khẩu đến Hồng Công, Trung Quốc và Nhật Bản. Một số loài thường bị săn là cá mập hồi (tên khoa học là Lamna nasus), cá mập vây trắng đại dương (Carcharhinus longimanus), cá mập phơi nắng (Cetorhinus maximus), cá mập đầu búa (Sphyrna ewini), cá mập đầu búa không rãnh ((Sphyrna mokarran) - tất cả 5 loài này đều nằm trong Danh sách Đỏ của Tổ chức bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Diên San (tổng hợp)
.
.