Cuộc chiến chống buôn lậu vùng giáp biên

Thứ Sáu, 29/12/2017, 10:58
Kể từ sau khi Công an Long An đổ quân dọc tuyến biên giới thì tình hình buôn lậu không còn sôi động như trước nữa. Các tay trùm buôn lậu chuyển sang thủ đoạn bám sát lực lượng chức năng để tìm cách tuồn hàng vào nội địa.

“Luật máu” của những ôm trùm

Trong thời gian chúng tôi còn lưu trú tại Công an huyện Đức Huệ, lực lượng Cảnh sát Kinh tế huyện đã phối hợp cùng lực lượng đặc nhiệm 389 bất thần xuất quân đánh úp một “bến” thuốc ở ấp 4, xã Mỹ Quý Tây, thu giữ hơn 60.000 cây thuốc lá lậu vào lúc nửa đêm 8-12. Có thể nói, đó là “trận đánh” thu giữ số lượng thuốc lá lậu lớn nhất trên địa bàn huyện Đức Huệ, kể từ khi lực lượng đặc nhiệm đổ quân dọc tuyến biên giới cho đến nay.

Để có được “trận đánh” lớn như vậy, các trinh sát đã phải ngủ cùng muỗi, ăn cùng gió suốt cả tháng để nắm rõ di biến động của đường dây này với rất nhiều biện pháp nghiệp vụ.

Hiện có hơn 10 trường hợp bắt quả tang buôn lậu thuốc lá nhưng vướng quy định pháp luật nên các cơ quan hành pháp huyện Đức Huệ không truy cứu trách nhiệm hình sự được. Trường hợp của đối tượng Lê Anh Tuấn - một đầu nậu vận chuyển, cư ngụ ở Hà Tĩnh - là một ví dụ.

Thượng tá Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Long An.

Ngày 12-8-2016, Tuấn bị bắt quả tang khi đang dùng xe tải chở 36.000 bao thuốc lá lậu từ khẩu Tho Mo về TP Hồ Chí Minh. Sau khi bị bắt, Tuấn khai chở thuê cho một đối tượng tên Vinh, không rõ lai lịch, địa chỉ. Căn cứ vào hồ sơ của Công an huyện Đức Huệ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp truy tố về tội “vận chuyển hàng cấm” theo quy định tại khoản 3, Điều 155 Bộ luật Hình sự (sửa đổi bổ sung năm 2009). Ngay khi đang thụ lý vụ án chưa kịp xét xử thì Quốc hội thông qua Nghị quyết số 41/2017/QH14 vào ngày 20-6-2017.

Từ nghị quyết đó, Tòa án nhân dân Tối cao ban hành công văn “về việc xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa từ ngày 1-7-2015 đến 1-1-2018 không xác định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm”. Do yếu tố đó, buộc lòng Tòa án nhân dân huyện Đức Huệ đình chỉ vụ án đối với bị can Lê Anh Tuấn.

Bám vào yếu tố “luật có lợi” đó, các tay trùm thực hiện “chiến lược” mới xâm nhập hàng lậu.

Các tay trùm thuê dân “đai” (tức cửu vạn) cõng hàng lậu từ các “tổng kho” trong nội địa Campuchia áp sát đường biên giới rồi thuê người “canh đường” bám lưng các đơn vị chống buôn lậu của Việt Nam. Khi nhận được tin “tốt lành” từ giới “canh đường”, các dân “đai” lũ lượt cõng hàng vượt biên giới, tập kết tại một “bến” được thuê trước đó - thường là nhà trống, vườn rậm của cư dân sát đường biên.

Các tay sai của trùm thuê nài xe gắn máy, ô tô, xuồng cao tốc được thuê đến tận “bến” nhận hàng với mức giá từ 10.000 đồng/ 1 cây thuốc cho đến 30.000 đồng/ 1 cây thuốc tùy theo tuyến đường gần, xa. Sau khi đóng hàng lên phương tiện vận chuyển, các “nài” phải chờ các nhóm “canh đường” báo tin “tốt lành” mới bắt đầu xuất phát. Các “nài” không chạy đơn lẻ mà thành chùm.

Trước mỗi chùm đều có một “hoa tiêu” chạy trước mở đường. Nếu gặp lực lượng chức năng, “hoa tiêu” sẽ ra ám hiệu để “chùm nài” tấp vào đâu đó ẩn nấp. Không chỉ vậy, “hoa tiêu” còn có nhiệm vụ chạy “cản địa” sự truy đuổi của lực lượng chức năng. Thậm chí “hoa tiêu” còn gây tai nạn giao thông chủ động đối với phương tiện truy đuổi của lực lượng chức năng.

Ngày 21-5-2017, Trung úy Phan Thế Anh - Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Đức Huệ đang cùng đồng đội tuần tra trên tuyến đường 838 thì gặp một “chùm nài” ô tô chạy với tốc độ kinh hoàng về hướng Đức Hòa. Cùng lúc đó, trinh sát từ biên giới báo về, đó là xe chở thuốc lá lậu. Phan Thế Anh cùng đồng đội ra hiệu lệnh dừng xe. Bất chấp hiệu lệnh, “chùm” ô tô vẫn lao vun vút. Phan Thế Anh cùng đồng đội dùng xe đặc chủng truy theo.

Khi đến trước cổng Công an huyện, Phan Thế Anh phóng xe đặc chủng vượt được chiếc ô tô dẫn đường. Thấy vậy, gã “nài” bất ngờ đánh vô lăng húc thẳng vào xe của Phan Thế Anh. Cú húc cố sát ấy khiến xe của anh văng vào lề đường. Trung úy Phan Thế Anh bị trọng thương, phải nằm viện hơn 2 tháng mới hồi phục.

Trung úy Phan Thế Anh dũng cảm chặn xe của bọn buôn lậu và bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

Với hình thức phân cấp mới, luật ngầm mới, khi bị “rớt hàng” (bị cơ quan chức năng bắt), các tay sai, các nài không phải mất tiền bồi thường cho các tay trùm nhưng không được “khai chủ hàng”. Vì vậy, hầu hết những kẻ chở thuê hàng lậu, khi bị bắt đều khai rằng, mua của một người không rõ nhân thân, lai lịch.

“Luật bảo hiểm”

Từ khi các đội đặc nhiệm 389 đổ quân dọc tuyến biên giới, một số tay trùm không đầu tư tiền buôn thuốc nữa mà đứng ra làm trùm “bảo hiểm”. Có nghĩa là, những tay này khi còn làm trùm buôn thuốc đã có sẵn trong tay một số đàn em “canh đường” chuyên nghiệp.

Bây giờ, trước sự quyết liệt của các đội đặc nhiệm chống buôn lậu, biết càng buôn càng “thua” nên các tay trùm nhỏ vốn chuyển sang “kinh doanh bảo hiểm”, tức làm nhiệm vụ tổ chức các ổ nhóm “hoa tiêu”, “canh đường” thuê cho các đường dây buôn thuốc quy mô lớn.

 Ở khu vực ven biên có trùm T, cư ngụ Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ. Khu vực “bến” Vàm Cỏ là của trùm B, cư ngụ Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ. Đoạn đường Đức Hòa (Long An) về đến Hóc Môn, Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) là địa bàn của trùm Kh. Có rất nhiều đường dây “bảo hiểm” như thế chạy tua tủa từ biên giới về đến tận TP Hồ Chí Minh. Bọn chúng tự phân chia địa bàn cho nhau.

Hàng lậu từ biên giới muốn xâm nhập vào đường biên thì mua “bảo hiểm” từ trùm T với giá 20.000 đồng/ 100 cây thuốc lá. Khi vào đến địa bàn của trùm B thì gói “bảo hiểm” có giá 25.000 đồng/ 100 cây thuốc lá. Khi vào cửa ngõ TP Hồ Chí Minh thì phí “bảo hiểm” có giá 30.000 đồng/ 100 cây thuốc lá.

Sau khi nhận tiền của trùm buôn thì trùm “bảo hiểm” phải tổ chức từng tổ, nhóm “canh đường” và “hoa tiêu” cho từng “chùm nài”. Luật ngầm quy định, các đường dây “bảo hiểm” phải báo chính xác vị trí di chuyển của tất cả các lực lượng chức năng chống buôn lậu. Nếu báo đúng mà các nài vẫn “rớt hàng” thì trùm buôn đành chịu mất vốn. Nếu báo sai, trùm “bảo hiểm” phải bồi thường toàn bộ số vốn thuốc lá bị các cơ quan chức năng bắt giữ. Để không phải bồi thường, khi nài bị “rớt hàng”, dân “hoa tiêu” và “canh đường” đều tìm đủ mọi cách, kể cả tấn công lực lượng chức năng để giải cứu hàng.

Kẻ mặc áo sọc trong dấu khoanh tròn là “hoa tiêu” của “chùm nài” chạy phía sau.
Dân “nài thuốc” (trong dấu khoanh tròn) thường xuyên chạy lấn làn, ngược chiều để tránh bị lực lượng chức năng bám đuổi.

“Luật” là vậy nhưng chuyện lấn địa bàn, chiếm địa bàn rất thường xuyên xảy ra ở các “tuyến vận chuyển” hàng lậu. Ẩu đả, đâm chém, bắn nhau cũng đã xảy ra ở cả 2 bên biên giới. Thế nhưng sau những trận huyết chiến ấy, cả hai phía đều bất hợp tác với cơ quan chức năng.

Hồi tháng 6-2017, nửa khuya, người dân khu vực Cầu Thầy Cai (Đức Hòa, Long An) giật mình thức giấc vì 1 loạt tiếng súng vang lên. Người dân chạy ra xem thì trông thấy 2 nhóm buôn lậu đang ẩu đả trên sông. Sau khi rình rập nhau khoảng 15 phút thì 2 nhóm lên xuồng bỏ đi.

Theo những người dân thạo tin giới buôn lậu thì đó là vụ tranh giành địa bàn “bảo hiểm” giữa 2 ông trùm người Việt nhưng sống ẩn nấp bên Chanhtrea, Campuchia. Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Long An đang thụ lý vụ án.

Cần có chế tài nặng hơn

Theo đánh giá của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, trong năm 2015, số lượng thuốc lá lậu xâm nhập vào Việt Nam hơn 1 tỷ gói (chiếm khoảng 25% thị trường nội địa). Thuốc lá lậu xuất hiện tràn lan ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước và gia tăng về số lượng, chủng loại. Nếu như trước đây, thuốc lá lậu chủ yếu là Hero, Jet, thì gần đây đã xuất hiện nhiều loại thuốc lá lậu giá rẻ, kém chất lượng như: League, Luxury, Cambo, Ram Rainson (giá từ 2.700 - 4.000 đồng/bao) Mine, Gem (4.000 đồng/bao), Elephant (5.500 đồng/ bao).

Thuốc lá rẻ đã thu hút sức mua của dân nghiện sính hàng ngoại. Họ không quan tâm rằng, trong những gói thuốc ngoại giá rẻ đó có chứa rất nhiều thành phần độc tố gây chứng ung thư phổi.

Tình trạng thuốc lá điếu ngoại nhập lậu vào với số lượng ngày càng tăng đã gây thất thu thuế nặng cho ngân sách. Nếu như năm 2012, con số thất thu thuế khoảng 6.500 tỉ đồng, sang năm 2013 là 6.700 tỉ đồng và 2 năm gần đây, con số này đã lên đến 10.000 tỉ đồng mỗi năm; làm mất sản lượng nguyên liệu 18.000 tấn/năm (tương đương diện tích trồng 10.000 hecta); làm mất 5 triệu công lao động/năm của nông dân; mất việc làm của 600.000 công nhân lao động/năm và rất nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng khác.

Thượng tá Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Long An cho biết: “Trong năm 2017, tình hình buôn lậu thuốc lá giảm rõ rệt so với các năm trước nhờ sự quyết tâm của lực lượng đặc nhiệm 389. Tuy nhiên, không thể xóa bỏ hoàn toàn nạn buôn lậu. Trong những ngày cuối năm này, chúng tôi đẩy mạnh công tác rà soát, quản lý, nắm chắc các đối tượng cầm đầu. Song song đó, chúng tôi còn liên kết với Công an Đồng Tháp và Công an Tây Ninh phối hợp chặt việc truy quét, chống hàng lậu xâm nhập biên giới”.

Với những chiêu thức mới của bọn buôn lậu, việc bám địa bàn ngăn chặn hàng lậu xâm nhập nội địa cũng chỉ là biện pháp tình thế. Hiện tại, những công cụ chuyên dụng phục vụ cho nghiệp vụ trấn áp, bắt giữ buôn lậu của lực lượng đặc nhiệm 389 còn hạn chế, chưa hiện đại, chưa theo kịp diễn biến của tình hình buôn lậu. Ngoài ra, hệ thống pháp luật cần minh định những khung hình phạt mạnh hơn mới đủ sức răn đe giới buôn lậu.

Nông Huyền Sơn
.
.