Cuộc chiến chống ma túy ở Tam giác Vàng

Thứ Năm, 16/11/2017, 14:25
Từ lâu, Tam Giác Vàng - khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới 3 quốc gia Myanmar, Lào và Thái Lan - nổi tiếng là căn cứ sản xuất ma túy trong khu vực Đông Nam Á với hơn 3.000 tấn tiền chất ma túy và hóa chất được sử dụng để chế tạo ma túy.

Hành trình dọc theo con đường núi dài 160km từ thị trấn Tachileik của Myanmar (giáp giới với thành phố Chiang Mai miền bắc Thái Lan) đến Kengtung thuộc bang Shan ở miền đông mất đến 4 giờ. Kengtung hiện nay là nơi đặt trụ sở chính của Trung tâm Phối hợp Mekong An toàn (SMCC) - lực lượng phối hợp chống ma túy bao gồm các quốc gia trong khu vực sông Mekong như Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar trong chiến dịch chống ma túy quy mô mang tên “Chiến dịch Tam Giác Vàng”.

Cảnh sát biên giới Thái Lan tuần tra dọc sông Mekong.

Sự ra đời của SMCC

Đây không phải là lần đầu tiên, giới chức chống ma túy thuộc các vùng sông Mekong tiến hành một chiến dịch phối hợp quy mô như thế. Khu vực biên giới này, nơi nối các phần đất hẻo lánh của Thái Lan, Myanmar và Lào, đầy rẫy các chế phẩm ma túy do các trùm sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới ở vùng biên giới Myanmar cung cấp và cũng có thời điểm - các năm đầu thế kỷ này - loại ma túy được ưa thích nhất là methamphetamine, thường được gọi theo tiếng Thái là “yaba” tức là “thuốc điên”.

Băng qua khu Tam Giác Vàng, điểm đến của thuốc điên là các đường phố và hộp đêm ở châu Á. Người ta dự kiến hằng năm khu vực này sản xuất ra 1,4 tỷ viên yaba với trị giá bán lẻ trên đường phố là 8,5 tỷ USD. Thứ thuốc này chủ yếu được chế biến trong các phòng tinh cất di động và biệt lập trong các khu rừng ở bang Shan.

Chiến dịch mang tên “Mekongg an toàn”, do Bắc Kinh khởi xướng với sự tham gia của các nước trong khu vực Tam Giác Vàng, bắt đầu cuối tháng 4 đến cuối tháng 6-2013 đã bắt được 2.534 đối tượng và thu giữ gần 10 tấn ma túy. Trung Quốc đã xử tử hình trùm ma túy Naw Kham vì tội giết những thủy thủ Trung Quốc. Hai chiếc tàu liên quan đến vụ án bị phát hiện chở 900.000 viên methamphetamine và chi chít vết đạn, đã bị bỏ hoen gỉ tại cảng Chiang Saen. Tuy nhiên chiến dịch này cũng không thể ngăn cản tình trạng buôn lậu.

Khi tình hình an ninh trên sông được siết chặt, những kẻ buôn ma túy vũ trang đến tận răng vẫn lẩn lút xuyên rừng, đưa món hàng lậu giá trị rất, rất nhiều tiền của chúng trên những chiếc xe ôtô. Pierre-Arnaud Chouvy, một nhà địa lý tại Trung tâm Nghiên cứu quốc gia CNRS của Pháp, cho biết ông “không thấy bị thuyết phục bởi hiệu quả” từ các cuộc trấn áp trên sông.

"Chúng tôi có biết một vài trường hợp bắt giữ có giá trị lớn, nhưng chưa có đánh giá thực tế những cuộc tuần tra này đã có hiệu quả như thế nào”. Chouvy nói thêm rằng mạng lưới buôn lậu ma túy có xu hướng quy mô nhỏ và “linh hoạt”, nên rất khó theo dõi.

Theo một cuộc điều tra được tiến hành vào năm 2015 của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC), Myanmar là quốc gia thứ 2 (đứng sau Afghanistan) về sản xuất thuốc phiện - nguyên liệu chính để chế tạo heroin - và phần lớn hoạt động diễn ra tại bang Shan. Năm 2015, Myanmar và Lào chiếm 25% sản lượng ma túy toàn cầu.

Theo báo cáo UNODC, cả hai quốc gia này cung cấp từ 731 đến 823 tấn thuốc phiện có thể được sử dụng để sản xuất từ 72,3 đến 73,1 tấn heroin. Sau thành công bước đầu của chiến dịch “Mekong an toàn”, Trung Quốc cùng Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia tiếp tục triển khai SMCC. Trung tâm ban đầu đặt trụ sở chính tại khu tự trị dân tộc Thái Xishuangbanna (Tây Song Bản Nạp) thuộc tỉnh Vân Nam miền nam Trung Quốc trước khi chuyển đến Kengtung.

Lực lượng chống ma túy Thái Lan cập nhật thông tin chia sẻ tại chi nhánh SMCC ở Chiang Mai.

Sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của chính quyền 5 nước dẫn đến một loạt vụ bắt giữ các đối tượng buôn ma túy đồng thời tịch thu được lượng lớn ma túy và tiền chất ma túy.

Ngày 19-2-2016, chính quyền Thái Lan đề xuất kế hoạch chống ma túy mới kéo dài trong 3 năm. Naramon Chuangrungsi, nữ Phó Tổng thư ký Văn phòng Ủy ban Quốc gia kiểm soát ma túy (ONCB) trực thuộc Bộ Tư pháp Thái Lan, báo cáo chiến dịch Mekong An toàn dẫn đến một loạt vụ bắt giữ liên quan đến 325 vụ án ma túy từ tháng 1 đến tháng 6-2017.

Trong suốt giai đoạn này, 354 nghi phạm ma túy bị bắt giữ cùng số lượng lớn ma túy bị tịch thu bao gồm: 94,5 triệu viên yaba, 1,4 tấn ya ice, 6,7 tấn cần sa, 12 tấn tiền chất ma túy và hóa chất. Bà Naramon cho biết: “Chính quyền các nước phát hiện được thêm nhiều loại ma túy mới ở dọc biên giới ở Tachileik như là ketamine và ecstasy.

Trong quá khứ, chúng được vận chuyển bằng phà từ châu Âu và Mỹ”. Thông tin chia sẻ giữa các quốc gia giúp bắt giữ được vài “con cá lớn” bao gồm 2 trùm ma túy người Lào Xaysana Keopimpha và Thao Konprasong Sukkasem.

Chính quyền Myanmar cũng triệt phá được 12 khu vực mục tiêu ở vùng phía đông nước này trong nỗ lực cắt đứt tuyến đường vận chuyển ma túy với khu vực Tam Giác Vàng. Trong chiến dịch tiến hành hồi tháng 8-2017 tại bang Shan, binh sĩ Myanmar thu được 30 triệu viên methamphetamine và nhiều loại tiền chất ma túy. Chiến dịch này cũng giúp ngăn chặn ma túy vận chuyển từ bang Shan vào đất nước Thái Lan.

Trước đó hồi tháng 5-2017, quân đội Thái Lan bắt được 15 đối tượng chuyển ma túy vào nước này từ Myanmar. Giới chức chính quyền Myanmar chỉ trích các nhóm dân tộc thiểu số làm trầm trọng thêm vấn đề ma túy ở nước này.

Myint Thein, Phó Tổng thư ký Ủy ban Trung ương kiểm soát sự lạm dụng ma túy của Myanmar (CCDAC), tuyên bố: “Bất cứ khi nào có bằng chứng chỉ rõ nhóm dân tộc thiểu số nào liên quan đến sản xuất ma túy thì chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp kiên quyết xóa sổ nó ngay”. Chủ tịch CCDAC là Thủ tướng Chính phủ Myanmar và Phó Chủ tịch thường trực là Bộ trưởng Nội vụ.

Cuộc chiến chưa hồi kết

Ông Jeremy Douglas, người đứng đầu văn phòng khu vực Đông Nam Á của UNODC, cho rằng các chính quyền khu vực này nên tập trung xử lý bọn trùm các mạng lưới ma túy lớn - thành phần sở hữu lượng tiền khổng lồ hơn cả GDP của một quốc gia trong khu vực - hơn là bắt giữ và tống vào tù đám bán lẻ hay con nghiện ma túy.

Tam Giác Vàng từ lâu nổi tiếng là vùng trồng số lượng lớn thuốc phiện nhưng trong những năm gần đây chuyển sang sản xuất ồ ạt methamphetamine và “ice” (ma túy đá) với số lượng lớn tiền chất ma túy được mua từ Ấn Độ và Trung Quốc. Hiện nay, ma túy đá xuất hiện khắp nơi ở Myanmar, Thái Lan cũng như nhiều quốc gia láng giềng khác.

Jeremy Douglas đánh giá mặc dù các chính quyền thường xuyên bắt giữ ma túy nhưng “chúng tôi cho rằng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”. Các cartel (tập đoàn) ma túy xuyên quốc gia đang kiểm soát dây chuyền “sản xuất methamphetamine trên quy mô công nghiệp” với “hàng loạt cơ sở thí nghiệm sản xuất hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn kg trong một chu kỳ”.

Ngày 8-8-2017, lực lượng an ninh Myanmar đã thu giữ 20 triệu viên meth, 600.000 viên ecstasy, 200 kg ma túy đá. Tại Myanmar, mỗi viên meth có giá từ 2-5 USD. Tuy nhiên, giá trị của loại ma túy tổng hợp này sẽ tăng vọt sau khi được vận chuyển ra ngoài biên giới Mymamar sang Thái Lan và xa hơn.

Cũng trong ngày này, giới chức Myanmar đã lục soát 4 ngôi nhà ở thị trấn biên giới Tachileik, bang Shan giáp với Thái Lan và một đường cống xả nước chuyên được sử dụng để đưa ma túy tới thị trường Đông Nam Á.

Ông Jeremy Douglas.

Jeremy Douglas phát biểu trong cuộc thảo luận về ma túy tại Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài (FCCT) ở thủ đô Bangkok của Thái Lan hồi đầu tháng 10-2017: “Ma túy đá gây nghiện nặng, tác hại rất lớn đến người sử dụng và cũng làm hình thành nền kinh tế riêng biệt. Tại nhiều phần của bang Shan, đó là nền kinh tế ma túy với hàng ngàn người trồng cây anh túc và buôn ma túy. Tuy nhiên, sản xuất methamphetamine sinh lợi cao hơn”.

Theo báo cáo đánh giá từ UNODC, các cartel ma túy kiếm được từ 30 đến 35 tỷ USD/năm chỉ riêng từ methamphetamine và heroin/thuốc phiện. Jeremy Douglas nhận định: “Các tổ chức tội phạm hoạt động chủ yếu tại những vùng đặc biệt hay những phần ở miền bắc Myanmar bởi vì khu vực có sự chênh lệch giàu nghèo khá lớn, ma túy được sử dụng nhiều hơn tại một số khu vực do chiến tranh và bởi vì người dân không có sự lựa chọn nào khác cho cuộc sống. Các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số cũng cần nguồn tài chính để hỗ trợ cho cuộc xung đột sắc tộc”.

Cảnh sát chống ma túy Trung Quốc trong SMCC.

Bọn tội phạm thường làm ăn trong 2 hay 3 quốc gia và di chuyển cơ sở rất nhanh, ví dụ như tháng này ở Campuchia và tháng sau có thể ở Philippines. Tội phạm ma túy gây áp lực rất lớn đến các quốc gia Đông Nam Á. Hệ thống nhà tù ở Thái Lan trở nên quá tải khi chứa hàng ngàn tù nhân, trong đó phần đông chỉ phạm tội nhẹ như là sử dụng hay bán lẻ ma túy. Do đó, Jeremy Douglas khuyên các chính quyền Đông Nam Á nên có sự cân bằng trong chiến dịch chống ma túy nghĩa là không nên tập trung quá nhiều vào việc bắt giữ người sử dụng ma túy.

Đại tá cảnh sát Zaw Lin Tun, lãnh đạo dự án tại CCDAC, phát biểu tại FCCT rằng vấn đề ma túy tại Myanmar “vẫn không bị xem nhẹ và chúng tôi đang nghiên cứu đề ra chính sách cũng như luật mới”. Ông cũng thừa nhận sự yếu kém về hệ thống chăm sóc y tế, giáo dục cũng như thu nhập thấp khiến cho người dân một số vùng biên giới dễ trở thành mồi ngon của bọn tội phạm ma túy.

Cửa khẩu Lào tại Tam giác Vàng.

Zaw Lin Tun cho biết có đến 40% tù nhân bị giam trong các nhà tù ở Myanmar là người nghiện hay bán lẻ ma túy và con số tăng gấp đôi tại bang Kachin miền cực bắc đất nước, nơi diễn ra xung đột trong những năm gần đây. Quốc hội Myanmar đang xem xét giảm nhẹ án tù hơn nữa đối với đối tượng con nghiện ma túy nhằm tránh quá tải cho hệ thống nhà tù.

Diên San - Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.