Cuộc chiến chống mafia vùng nông thôn Sicily

Thứ Sáu, 04/08/2017, 11:35
Thế hệ mafia hiện đại ở đảo Sicily của Italy dường như đã bắt đầu "chán" cách thức kiếm tiền từ một hoạt động thuộc loại cổ điển nhất của chúng là bắt người kinh doanh phải nộp tiền bảo kê mà xoay ra kiếm chác từ quỹ tài trợ nông nghiệp của EU.


Từ thu tiền bảo kê, khống chế phân phối nông phẩm…

Trong nhiều năm ròng, các hộ kinh doanh ở Bagheria, một thành phố nhỏ và xinh đẹp ở gần Palermo, thủ phủ đảo Sicily đã phải trả tiền "pizzo" (tiền bảo kê) cho mafia bằng những đồng lire, tiền cũ của Italy, và khi Italy gia nhập Liên minh Châu Âu, họ lại tiếp tục è lưng trả pizzo bằng đồng euro.

Tình trạng này cứ kéo dài không biết đến bao giờ nếu như giới chủ các doanh nghiệp không đủ can đảm để tập hợp lại và quyết định phá vỡ luật "omerta" (luật im lặng), tố cáo với cảnh sát về những gì họ đã trải qua trong bao năm, trong sự khủng bố, đe dọa của mafia.

Giuseppe Antoci và chiếc ô tô bị trúng đạn của mafia.

Bagheria từng là chỗ ẩn náu an toàn trong nhiều năm của bố già Bernardo Provenzano, người cầm đầu hệ thống Cosa Nostra (mafia Sicily) sau khi trùm Toto Riina bị bắt vào năm 1993, là một trong những địa phương ở hòn đảo này mafia kiếm nhiều tiền nhất từ một hoạt động thuộc loại truyền thống và cổ xưa nhất của chúng: bắt người kinh doanh phải nộp pizzo hàng tháng và mọi sự chống đối đều có thể phải trả giá rất đắt, thậm chí bằng mạng sống. Chúng đập phá nhà họ, đốt xe của họ, đe dọa con cái họ, hoặc xa hơn nữa, bắt cóc người nhà của ai dám ra mặt chống đối, làm nhục hoặc giết họ.

Không hiếm các nạn nhân vì bế tắc đã tự tìm đến cái chết. Điều đó đã xảy ra với Domenico Toia, người đứng đầu một công ty xây dựng lớn ở thành phố này. Toia đã im lặng còng lưng nộp pizzo cho một băng mafia từ những năm 1980, nhiệm vụ này không được "xao lãng" kể cả khi doanh nghiệp đã thua lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản. Toia quyết định tố cáo cảnh sát, để rồi sau đó, ông chỉ có thể quanh quẩn trong nhà vì sợ trả thù và rồi cuối cùng chết vì chảy máu não.

Còn với Gioacchino Sciortino, người đã chống lại mafia khi quyết định không trả pizzo cho chúng nữa, trong nỗi sợ hãi và ám ảnh bị trả thù, ông đã treo cổ tự vẫn trong cửa hàng của mình. Nhưng 36 người kinh doanh khác, không muốn điều đó xảy đến với mình, đã đồng loạt tố cáo cảnh sát và bằng cách ấy, họ tự giải thoát mình khỏi gông xiềng mafia.

Tháng 7-2015, chuyên án mang tên Gea của Cơ quan bài trừ mafia quốc gia Italy, chi nhánh Rome, với sự phối hợp của cảnh sát các thành phố Napoli, Salerno, Palermo, Caltanisetta, Catania và Bologna kết thúc bằng vụ truy quét lớn nhất đối với "mafia nông sản".

20 tên đã bị bắt, 40 người bị điều tra và hơn 100 triệu euro giá trị tài sản có liên quan đến các đường dây mafia kiểm soát việc phân phối nông sản của các chợ lớn ở nhiều vùng của Italy. Những người bị bắt và điều tra hầu hết là các doanh nhân trong lĩnh vực phân phối và bán nông sản. Họ bị cáo buộc cấu kết với mafia, cạnh tranh không lành mạnh bằng đe dọa hoặc vũ lực và nhiều tội danh khác.

Theo các nhà điều tra, trong một thời gian dài, băng Casalesi, mafia của vùng Campania và Mallardo, băng mafia ở Catania, trên đảo Sicily đã thông qua những người này để tiến hành việc kiểm soát việc phân phối nông phẩm ở các chợ lớn nhất của miền Trung và miền Nam Italy.

Theo Cơ quan Bài trừ mafia quốc gia Italy, mafia đã tạo ra và kiểm soát những kênh phân phối gần như độc quyền đối với nhiều chợ nông sản. Chúng đưa các nông sản do các trang trại "thân quen" với chúng, có đóng tiền bảo kê cho chúng, vào các chợ bằng các xe tải do chúng kiểm soát. Sau khi các nông sản đã vào chợ, mafia áp đặt một mức thuế đặc biệt lên đó và buộc người kinh doanh phải trả. Số tài sản thu giữ trị giá 100 triệu euro, bao gồm nhiều xe vận tải, các bất động sản khác, thuộc về các doanh nghiệp vận tải do mafia chi phối.

Hiệp hội những người làm nông nghiệp Italy (Coldiretti) cho rằng, giá nông phẩm trên thị trường luôn cao hơn giá sản xuất thực tế 2-3 lần, do tác động của mafia thông qua hình thức độc quyền kiểm soát kênh phân phối và nguồn cung sản phẩm của chúng.

Đến đầu tháng 11-2015, 22 tên mafia đã bị bắt và nhiều tên khác bị truy nã vì dính líu đến tiền bảo kê. Đối với không ít người ở Bagheria, đó là một chiến tích nhiều ý nghĩa. Mafia đã treo lưỡi hái thần chết ngay trên đầu họ trong nhiều năm ròng, cho đến khi họ lên tiếng. Thủ tướng Italy Matteo Renzi cũng đã chia vui với mọi người bằng một thông điệp trên trang Twitter cá nhân: "Nhờ sự dũng cảm của những người đã từ chối nộp pizzo, nhờ cảnh sát và những nhà điều tra mà Bagheria không còn là của chúng".

Một tên mafia bị cảnh sát Italy bắt giữ.

Những thống kê của Quỹ Rocco Chinnici, mỗi năm, hệ thống Cosa Nostra thu được khoảng 1,3 tỉ euro "lợi nhuận" từ các hoạt động tội phạm liên quan đến việc ép các doanh nghiệp phải trả tiền bảo kê cho chúng. Tại Palermo, thủ phủ của Sicily, có khoảng 80% các doanh nghiệp lớn nhỏ phải cống nạp cho mafia hàng tháng. 

Trên toàn Italy, số doanh nghiệp phải nộp pizzo lên tới con số 160.000, với tổng số tiền lên tới gần 10 tỉ euro/năm. Nhưng có một xu hướng ngày càng tăng lên: những người buôn bán và kinh doanh thuộc các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã không còn sợ mafia nữa, cương quyết đứng dậy và tố cáo chúng với cảnh sát. Cuộc suy thoái kinh tế, thuế khóa cao và những nỗi lo sợ phá sản đã buộc họ chống cự khi đã bị dồn đến chân tường.

Nỗ lực vực dậy doanh nghiệp bị mafia tàn phá, Tommaso Toia, con trai của Domenico Toia, nói trên nhật báo La Repubblica: "Tôi tự hào về cha tôi. Ông đã làm tất cả những gì có thể để chúng tôi xa nơi này, xa mafia. Nhưng tôi quyết ở lại. Các doanh nghiệp phải đứng lên, càng nhiều càng tốt. Như thế, mafia sẽ bị đánh bại".

…Đến bòn rút cả quỹ tài trợ phát triển nông thôn của EU

Từ trên sân thượng nhà máy sản xuất rượu vang gần thị trấn Caltagirone trên đảo Sicily miền nam Italia, ông chủ Cesare Nicodemo cầm ly rượu trong tay, lặng lẽ lướt mắt khắp cánh đồng nho đang chín của mình phủ một màu vàng rực trong ánh chiều tà.

Cesare Nicodemo.

Đây sẽ là một bức tranh hoàn hảo về một miền thôn quê bình yên nếu người thưởng lãm không nhìn thấy rất nhiều camera an ninh lắp trên những cây cột cao hiện lên lấm chấm khắp vành đai mảnh đất trồng nho của Cesare Nicodemo. Những cánh cổng sắt dẫn vào nhà máy rượu vang của ông cũng luôn đóng chặt một cách an toàn. Theo Cesare, đó là "cách quản lý doanh nghiệp hiện đại" ở Sicily năm 2017.

Cesare Nicodemo thường xuyên bị mafia đe dọa, cánh đồng nho liên tục bị xâm phạm, những tòa nhà bị tấn công và những thân cây nho cũng bị chặt phá hay đốt cháy. Cesare thú thật sau khi nhấp một ngụm rượu vang: "Bọn mafia vùng nông thôn luôn cố sức hủy hoại chuyện làm ăn của chúng tôi và còn muốn tống khứ chúng tôi khỏi vùng đất màu mỡ này".

Nhưng bọn mafia nông thôn đích thực là ai? Đó là bọn tội phạm nhưng nhiều người tin chúng hành động móc ngoặc với giới luật sư, kế toán viên hay có thể cả chính khách ở địa phương.

Cesare cho biết những cọc gỗ - trên đó bọc tờ giấy trắng như dấu hiệu muốn tuyên bố "mảnh đất này thuộc về bọn tao" -  được cắm rải rác khắp vùng đất bao quanh cánh đồng nho của ông chính là dấu hiệu của mafia nông thôn. Những cây cọc này xuất hiện nhiều hơn nữa dưới chân núi Etna cách vườn nho của Cesare chừng 100km - nơi thuộc sở hữu của Sebastiano Blanco. 

Sebastiano Blanco bên căn nhà bị phóng hỏa của mình.

Năm 2016, căn nhà của Sebastiano bị bọn mafia phóng hỏa và kết luận điều tra từ cảnh sát cho rằng hung thủ là một kẻ vô gia cư. Nhưng Sebastiano không cho là như vậy;  vụ đốt nhà ông xảy ra vào lúc hàng loạt cọc gỗ quấn tờ giấy trắng mọc lên trên mảnh đất trồng nho của ông.

Bọn mafia nông thôn này muốn gì? Giuseppe Antoci - Chủ tịch công viên quốc gia Nebrodi lớn nhất Sicily và là điều phối viên Federparchi Sicilia (Liên đoàn các công viên quốc gia Sicily) - đang điều tra vấn đề này trong vài năm qua. Những gì mà Antoci phát hiện là sự gian lận trên diện rộng liên quan đến quỹ tài trợ phát triển nông thôn và nông trại của Liên minh châu Âu (EU).

Trong cuộc điều tra hợp tác với phó thanh tra Daniele Manganaro thuộc Sở cảnh sát Messina miền bắc Sicily, Antoci tìm thấy các mạng lưới tội phạm địa phương ra sức tung tin giả với nội dung đất đai thuộc sở hữu của chúng - hoặc chúng làm giả giấy tờ chứng nhận thuê đất- để có cơ sở nhận được khoản tiền tài trợ từ EU.

Phó thanh tra Manganaro giải thích: "Chúng ta đang chứng kiến sự tiến hóa của mafia tại đảo Sicily. Đây không phải là mafia buôn lậu ma túy hay vũ khí. Chúng ta không đề cập đến tổ chức tội phạm mafia tồn tại cách đây 30 năm với hoạt động bắt cóc đòi tiền chuộc hay kiếm tiền từ bảo kê doanh nghiệp. Mà đây là bọn mafia lừa đảo quỹ tài trợ nông nghiệp của EU. Để tiến hành loại lừa đảo này, bọn chúng tất nhiên phải có năng lực trí tuệ và học vấn cao. Bởi vì, bước đầu tiên là phải thành lập một công ty để thực hiện hành vi lừa đảo tinh vi".

Những cọc gỗ quấn giấy trắng đánh dấu "lãnh thổ" của mafia.

Những gì mà Giuseppe Antoci đang cố gắng là ngăn chặn loại tội phạm lừa đảo này bằng cách vận động chính quyền thành lập một luật mới đòi hỏi bất cứ ai đệ đơn xin tài trợ từ quỹ EU phải trình giấy xác nhận chống mafia. Nhưng những người hoài nghi không tin vào sáng kiến của Antoci, cho rằng bọn tội phạm có thể tìm kiếm sự ủy quyền từ ai đó có lợi cho chúng.

Hiện thời, Cơ quan Chống gian lận của EU (OLAF) đang xem xét 35.000 đơn xin trợ cấp từ quỹ tài trợ phát triển nông thôn. Francesco Albore, lãnh đạo đội điều tra vấn đề này của OLAF, phát biểu: "Tôi cho rằng EU và các tổ chức chính quyền phải hợp tác với nhau để chống lại loại tội phạm gian lận này". Hiện nay, EU và chính quyền Italia đang dành ra 2,2 tỷ euro tài trợ cho dự án phát triển nông thôn và nông nghiệp kéo dài đến năm 2020.

Về phần cá nhân, Giuseppe Antoci cũng phải trả giá đắt cho nỗ lực chống mafia gian lận ở Sicily. Do bị thường xuyên đe dọa sát hại mà Antoci luôn phải sống dưới sự bảo vệ của cảnh sát vũ trang. Năm 2016, khi lái xe vào đêm khuya từ công viên quốc gia Nebrodi về nhà, chiếc xe của ông hứng phải một loạt đạn tấn công của bọn mafia. Antoci cho biết ông còn sống được đến hôm nay là nhờ sự bảo vệ chặt chẽ của đội cảnh sát vũ trang. Antoci nói: "Những quả bom xăng có thể được tìm thấy trong những bụi cây. Bọn chúng muốn tôi phải chết.

Duy Minh- Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.