Cuộc chiến chống săn bắt, buôn bán động vật hoang dã: Từ góc nhìn đa dạng sinh học

Thứ Ba, 05/01/2021, 21:08
Chuyên gia Lê Phát Quới, Trung tâm Khoa học Môi trường sinh thái TP Hồ Chí Minh nói, nếu nhìn nhận vấn đề một cách có trách nhiệm theo Luật đa dạng sinh học, có thể mọi việc đã khác...

Băn khoăn trước những thói quen cũ làm đau đầu các nhà quản lí khu bảo tồn, nhất là công tác bảo tồn, bảo vệ nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD) quý, hiếm, TS Lê Phát Quới bắt đầu câu chuyện từ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái (HST) đất ngập nước - một HST phổ biến tại Đồng bằng sông Cửu Long. 

“Nắng hạn gay gắt, trong khi đó, liên tiếp nhiều năm... đói lũ. Không có nước, đến mùa mưa, nước phèn tuôn xuống làm HST phía dưới thay đổi, nguồn thủy sản tự nhiên giảm theo, từ đó nhiều loài ĐVHD sẽ bị ảnh hưởng theo”, TS Quới nói. biến đổi khí hậu làm sản xuất nông nghiệp gặp khó, nhiều người sẽ bỏ đất, bỏ quê đi làm thuê. Cùng với “cơn lốc” đô thị hóa, đất tự nhiên bị thu hẹp, việc nuôi trồng thủy sản không tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường, HST,... sẽ tác động trực tiếp và rất tiêu cực tới đa dạng sinh học ra vùng lân cận. Nguồn nước mặt ngày càng ít, lại bị ô nhiễm, nước mặn “tấn công”, cá dưới kênh rạch không còn nhiều, trên đồng thì gần như... vắng bóng, người dân phải di chuyển đến khu vực có nhiều cá hơn - chính là các khu bảo tồn, để đánh bắt.

Đó là chưa kể do tuyên truyền chưa tới nên nhiều người dân vẫn nặng lối nghĩ cũ như cách nay vài chục năm rằng nguồn lợi tự nhiên thì họ có quyền tiếp cận, khai thác. Nhiều người nhận thức được nhưng vì áp lực của cuộc mưu sinh mà phải trở thành kẻ trộm, dù thực tâm chẳng muốn vậy. 

“Nhiệm vụ chính của các khu bảo tồn là bảo vệ HST và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước. Tuy nhiên, công việc này đang bị tác động bởi nhiều yếu tố khách quan. Một khi người dân không có được sinh kế tốt thì chính họ sẽ là tác nhân gây hại trực tiếp đến các khu bảo tồn cạnh nơi họ sinh sống”. Kể câu chuyện khi ông là thành viên thực hiện dự án EU cho hàng trăm hộ dân nghèo vùng đệm tại U Minh Thượng (Kiên Giang) và U Minh Hạ (Cà Mau), TS Quới nói: “Khi người dân quanh rừng có sinh kế tốt họ sẽ nhận thấy việc bảo vệ rừng, gìn giữ HST trong rừng chính là trách nhiệm của họ”.  

Chuyên gia Lê Phát Quới.

Từng nhiều lần ghé qua chợ Thạnh Hóa, TS Quới kể tiếp - ông rất đau xót khi thấy nhiều ĐVHD, có cả những loài quý, hiếm được bày bán công khai. “Tâm tình với hai vợ chồng nọ, họ nói là do nghèo quá mới làm cái nghề thất đức này”. TS Quới nhớ mãi lần ông cùng một số chuyên gia đi khảo sát để đề xuất thành lập khu bảo tồn Láng Sen. 

“Trong một cái chòi nhỏ nằm giữa mênh mông Đồng Tháp Mười, chúng tôi gặp vợ chồng người nông dân. Khi tôi cho xem ảnh một cá thể sếu đầu đỏ, ông chồng nói ngay loài chim này ông từng bắt được 2 con, đem về làm thịt, kho ăn ngon lắm. Khi tôi nói đấy là chim hạc mà ông bà ta thờ trong đình, chùa, hai vợ chồng mới thất sắc và lo sẽ gặp chuyện xui xẻo, bà vợ quay sang cằn nhằn ông chồng”. 

Nhắc lại chuyện này, ông cho rằng là do công tác tuyên truyền bảo vệ ĐVHD của ta còn nhiều điều bất cập. “Sau chuyến khảo sát đó, PGS-TS Lê Công Kiệt, khi đó là Trưởng Khoa Sinh học Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh tiếc rẻ nói nếu ngay từ đầu, mình gọi sếu đầu đỏ chính là chim hạc, chắc chắn chẳng ai dám đụng tới. Loài chim đang rất có giá trị về mặt bảo tồn và mặt tâm linh, mình gọi tên thành sếu, làm người dân không nhận ra và nghĩ rằng như loài chim thường. Tựa như đang là công chúa, mình hạ cấp xuống thành thôn nữ thì đó là lỗi của chính chúng ta chứ không thể trách người dân”, TS Quới kể tiếp.

Đồng quan điểm với chúng tôi, TS Quới cho rằng dân miền Tây có đời sống tâm linh rất phong phú. Chỉ riêng với loài rắn, người dân đã có những tên gọi cho thấy sự sùng bái, chẳng hạn như rắn hổ đất được gọi là “Thầy Ba”, rắn hổ mây được coi là “Xà Linh”, “Rắn Thần” hay “Mãng Xà Vương”, “Ông Mây”. Đến Đồng Tháp, chúng tôi được nghe kể nhờ “đạo binh rắn” mà Thiên hộ Võ Duy Dương đã 3 lần đánh lui được giặc Pháp. Hay như với loài rùa, giờ thì bị bắt, bán công khai ngoài chợ chứ trước đây chẳng ai dám. “Bà nội tôi, mỗi khi bắt được rùa đi lạc vào ruộng, vườn, bà dùng dao khắc nhẹ chữ thập trên mai, như làm dấu rồi thả về tự nhiên. Nếu sau đó ai gặp lại chú rùa này cũng tiếp tục phóng sinh như thế”, TS Quới kể.

Xem hình ảnh mấy cá thể Cò Nhạn mà chúng tôi chụp được tại chợ Thạnh Hóa, TS Quới khẳng định đây thuộc họ hạc nhưng vì nó hay ăn ốc nên quen được gọi là cò ốc. “Cò nhạn, vạc, giang sen, già đẫy, trích đầm lầy, rắn hổ mây, hổ gấm,... cũng đều là những thứ có tên trong sách đỏ. Nói sách đỏ là mình nói đến nguy cơ tuyệt chủng của loài. Cần nhìn vấn đề ở góc độ bảo vệ các loài ĐVHD để giữ được sự cân bằng HST chứ không chỉ dừng lại chỉ bảo vệ loài. Như những loài rắn thường, không có tên trong sách đỏ nhưng chúng góp phần quan trọng trong giữ cân bằng HST - rắn giảm thì chuột tăng lên. Bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ HST. Nếu hủy diệt HST thì không còn loài gì hết. HST là một chuỗi, nếu đứt một đoạn, coi như đứt toàn bộ. Nếu không đa dạng HST thì đừng nói chi tới mục đích đa dạng loài”.

Theo TS Quới, nhiều loài ĐVHD được bày bán dọc đường tại miền Tây hầu hết được bắt từ rừng, từ các khu bảo tồn. “Đặc điểm dễ thấy của loài chim là di chuyển. Chỗ nào môi trường sống ổn, có thức ăn, không bị ai săn bắt là chúng ở lại lâu. Nên nếu cứ bị tấn công, cùng với sự tác động do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, loài chim sẽ mất dần hoặc di trú đến nơi khác thích hợp hơn”.

Liên quan đến những bất cập trong công tác quản lý khiến tình trạng buôn bán ĐVHD tại miền Tây nói chung, nói riêng tại chợ Thạnh Hóa vẫn ì xèo, công khai, TS Quới nói: “Ngay từ đầu là sự lơ là của địa phương. Sau này, khi hình thành cái chợ thì chính quyền lại biện hộ là sinh kế. Sinh kế cho dân thì có nhiều cách khác. Dân tại chợ giờ chủ yếu chạy theo lợi nhuận, có lời là bán thôi. Pháp luật phải điều chỉnh hành vi con người chứ”. 

Một góc Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Đề cập đến thói quen thích ăn ĐVHD của nhiều người, TS Quới kể, một lần, chính ông được nhiều cán bộ trong đoàn đi thả rắn về rừng rủ ghé vào quán “đặc sản” để uống rượu pha với mật rắn. “Nhiệm vụ của anh là bảo tồn HST, bảo vệ nhưng bản chất anh không chịu thay đổi vậy thì nói gì nữa”. Theo TS Quới, thay đổi nhận thức là cả một quá trình, phải kết hợp hiệu quả từ khâu tuyên truyền, giáo dục, đến thực thi pháp luật. “Cái chợ chim Thạnh Hóa tồn tại tựa cái chợ dân sinh chuyên bán đồ trộm cắp ở Sài Gòn. Nếu mình quyết tâm dẹp chợ bán đồ gian, khi không còn người mua bán đồ gian nữa thì làm gì còn kẻ trộm”, TS Quới bày tỏ quan điểm.

Khi chúng tôi nhắc đến “bao điều khó” mà các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương kể ra, đặc biệt là những cái khó được cho là do pháp luật chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, dẫn tới khó xử lý..., TS Quới bức xúc: “Nói thế là ngụy biện”. Để giải quyết một vấn đề, luôn có nhiều giải pháp. “Nói quy định này không rõ, nghị định kia còn thiếu, sao không nhắc đến Luật Đa dạng sinh học. Hay như tinh thần tại Chỉ thị 29/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ vừa được ban hành vài tháng trước. Cùng một đối tượng nhưng được điều bởi nhiều luật thì mình càng tăng cường phối hợp tốt để thực thi cho tốt chứ”, TS Quới bày tỏ quan điểm.

Theo các chuyên gia, ngay sau khi tham gia vào Công ước CITES (năm 1994), trở thành thành viên thứ 121/178 quốc gia, để thực thi các nghĩa vụ đã cam kết, Việt Nam luôn tỏ ra tích cực nhất là đã xây dựng một hệ thống chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ và buôn bán động thực vật hoang dã tương đối đầy đủ ở nhiều mức độ.

Hình ảnh bày bán, giết chim rất phản cảm tại “địa ngục” động vật hoang dã Thạnh Hóa mà Phóng viên Chuyên đề ANTG ghi lại được.

Quy định pháp luật luôn được bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với thực tế ở Việt Nam cũng như các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó có CITES, CBD và Nghị định thư CARTAGENA, cụ thể như: Bộ luật Hình sự năm 2017 và Luật Lâm nghiệp năm 2017. Chỉ riêng từ năm 2006 tới nay, đã có đến 6 nghị định có liên quan. Gần đây nhất, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD.

Ông Trịnh Lê Nguyên - Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, cho rằng Chỉ thị 29 có ý nghĩa đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo vệ ĐVHD chứ nó không thay thế được các điều khoản trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới bảo vệ ĐVHD như Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Bộ luật Hình sự... Vì thế, trong chỉ thị này, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành xem xét, đề xuất đánh giá, sửa đổi các văn bản luật liên quan theo hướng chặt chẽ hơn, bổ sung chế tài.

Bức xúc khi nhận thấy tình trạng buôn bán bất hợp pháp ĐVHD tại nhiều nơi, trong đó có “địa ngục” ĐVHD tại Long An vẫn đang “nóng”, ông Trịnh Lê Nguyên đồng quan điểm với nhiều chuyên gia khi nhận định: Có sự thiếu thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương, thiếu chỉ đạo, kiểm tra, đốc thúc từ phía cơ quan chức năng. Theo ông Nguyên, công tác thực thi pháp luật là yếu tố căn bản để đảm bảo hiện trạng buôn bán ĐVHD đã xử lý rốt ráo. Tuy nhiên, điều đáng bàn là sau khi có phản ánh của báo chí, chứng cứ khá rõ ràng nhưng chính quyền địa phương không thực sự xử lý đến nơi đến chốn.

Ông Trịnh Lê Nguyên cho biết, để tiến hành đóng cửa thị trường buôn bán ĐVHD trái phép, cũng như kiểm soát chặt chẽ, xử lý các hành vi liên quan, trong thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ của 14 tổ chức bảo tồn thiên nhiên mới đây, một số giải pháp cụ thể cũng được nêu. Một khi Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm và có chỉ đạo quyết liệt thì các địa phương và các cơ quan chức năng cần thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ của mình. 

Lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra các vụ việc liên quan đến buôn bán ĐVHD trái phép trên địa bàn mình. Đối với các cơ quan thực thi pháp luật, cần có biện pháp kỷ luật nghiêm khắc, thích đáng với động thái tiếp tay, bảo kê cho buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trên địa bàn mình quản lý. Cần đánh giá lại chính sách cho phép nhân, nuôi ĐVHD, rà soát việc triển khai trên thực tế, không để các cơ sở bị biến thành “bình phong” cho việc hợp pháp hóa nguồn ĐVHD trái phép. Cần đóng cửa và xử lý nghiêm các cơ sở lợi dụng chính sách này.

“Để nâng cao hiệu quả các hoạt động bảo vệ ĐVHD, vấn đề phối hợp giữa các cơ quan chức năng là một khía cạnh cần cải thiện. Cần có sự phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng hơn về quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên và các loài hoang dã giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường để giảm thiểu chồng chéo, tăng cường tính hiệu quả trong việc xây dựng và thực thi chính sách, sử dụng nguồn lực con người và tài chính hiệu quả hơn”, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên Trịnh Lê Nguyên nói thêm.

Binh Huyền
.
.