Cuộc chiến chống thuốc phiện của Anh ở Afghanistan

Chủ Nhật, 30/05/2021, 22:07
"Cơn ác mộng" heroin đang tràn qua nước Anh. Khách bộ hành không hiếm khi bắt gặp cảnh từng hàng người đứng chờ trước cửa các trung tâm cai nghiện để chờ nhận thuốc methadone. Còn ở những chỗ như gầm cầu luôn có các toán ba, bốn người dấm dúi mua bán heroin cho nhau, người nào cũng quần áo rách nát, da vàng.

Nhiều làng mạc, thị trấn từng một thời trù phú nhưng chỉ vì bất ổn kinh tế và heroin đã rơi vào cảnh nghèo đói, hoang tàn. Vấn nạn nghiện heroin ở Anh diễn ra nghiêm trọng nhất tại các địa phương nghèo. Nước Anh đã phải đặt câu hỏi vì sao một loại ma tuý đắt đỏ như heroin lại được nhiều người nghèo sử dụng đến vậy? Câu trả lời nằm trên những cánh đồng thuốc phiện ở Afghanistan.

Một người lính Anh tuần tra bên cánh đồng thuốc phiện ở Afghanistan

Để sinh tồn

Kể từ khi chính quyền Taliban ở Kabul sụp đổ vào năm 2001, hoạt động trồng, chế biến và buôn bán ma tuý của Afghanistan đã tăng nhảy vọt. Năm 2003, sản lượng thuốc phiện toàn quốc ước tính đạt 3.600 tấn, cao gấp 570% lần so với năm 2001. Con số này vào năm 2019 là 6.400 tấn. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, 90% lượng heroin trên toàn cầu có nguồn gốc từ Afghanistan. Việc sản lượng heroin nhảy vọt đã khiến giá của loại ma tuý này giảm mạnh, tiếp tay gây ra "đại họa” con nghiện ở Anh.

Hầu hết diện tích anh túc ở Afghanistan tập trung tại Helmad, địa phương mà NATO đã giao cho quân đội Anh trọng trách bảo vệ. Nơi đây từ 20 năm qua không một ngày im tiếng súng. Sống giữa cảnh bom đạn, nhiều người nông dân không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc trồng thuốc phiện. Trong một báo cáo của Bộ Ngoại giao Anh đã ghi: "Anh túc là loại cây trồng rất thích hợp với một đất nước bị chiến tranh tàn phá như Afghanistan. Nhờ vào khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, thuốc phiện rất dễ trồng, thu hoạch và vận chuyển… Một cân thuốc phiện hiện có giá 63 USD. Chỉ có cây anh túc mới kiếm được đủ tiền để nuôi sống nhiều gia đình trong bối cảnh giá lương thực thực phẩm tăng mạnh".

Nông nghiệp công nghệ cao hiện đang được áp dụng triệt để vào việc trồng thuốc phiện ở Afghanistan. Người nông dân sẽ dùng pin mặt trời để tạo ra điện chạy máy bơm kéo nước từ sâu dưới lòng đất lên. Lượng nước này lại được phân bổ trên những cánh đồng nhờ các hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại nhập về từ Israel và Ả-rập Xê-út. Nhờ vậy mà ngay cả những mảnh đất cằn cỗi cũng rực lên sắc hồng của hoa anh túc.

Một nông dân Afghanistan gieo hạt cây thuốc phiện

Người Afghanistan đã trồng thuốc phiện từ nhiều thế kỷ nay, nhưng trước đây anh túc không phải loại cây trồng chủ lực của họ. Nhận ra khả năng sinh lời của ma tuý, các nhóm phiến quân Hồi giáo bắt đầu thu thuế anh túc. Họ cũng mở các nhà máy chế biến thuốc phiện thô thành heroin. Số heroin này sẽ được dùng thay tiền để mua vũ khí và các nhu yếu phẩm khác từ Pakistan. Cả Islamabad lẫn Washington đều "làm ngơ" cho việc buôn lậu heroin do khi đó họ là đồng minh với những nhóm phiến quân Hồi giáo để chống lại Liên Xô (cũ). Kết quả là chưa đầy năm năm sau khi Liên Xô (cũ) đưa quân vào Afghanistan, heroin đã tràn ngập thị trường chợ ở Mỹ và Pakistan.

Liên Xô (cũ) rút quân khỏi Afghanistan để lại một khoảng trống quyền lực lớn. Những toán quân bắt đầu tranh giành quyền kiểm soát đất nước. Để có tiền mua vũ khí và trả lương lính,  người ta  lại càng đẩy mạnh việc mua bán ma tuý. Một trong những đồng minh quan trọng nhất của CIA khi đó là các nhóm dân quân người dân tộc Pashtun. Họ đồng thời cũng kiểm soát luôn mạng lưới vận chuyển, phân phối ma tuý miền Tây Nam Afghanistan giáp Pakistan. Sau khi tàn quân Taliban bỏ chạy lên vùng biên giới, họ liên minh với người Pashtun và sử dụng heroin làm phương tiện phục hồi lực lượng của mình.

Heroin và chiến tranh

Trong khi Mỹ, Anh và các quốc gia khác trong liên quân NATO coi nhẹ ma tuý, chính quyền cựu Tổng thống Hamid Kharzai đã sớm nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Istanbul ban lệnh cấm trồng cây anh túc và sử dụng heroin vào năm 2002. Cùng tháng 10 năm đó, họ thành lập Cơ quan Chống ma tuý Quốc gia và đề ra Chương trình Kiểm soát ma tuý toàn quốc. Vấn đề là quyền lực của chính phủ trung ương hiếm khi vượt ra ngoài giới hạn các thành phố lớn. Phiến quân Taliban nắm quyền kiểm soát gần như hoàn toàn các vùng nông thôn nơi trồng và chế biến thuốc phiện.

Nhờ có điện mặt trời mà người Afghanistan có thể biến những mảnh đất khô cằn trở thành cánh đồng thuốc phiện tươi tốt

Phải đến năm 2004 Mỹ mới thực sự coi ma tuý là mối nguy cơ đến an ninh quốc gia Afghanistan. Tổng thống George W. Bush đã mở nhiều chiến dịch quân sự nhắm vào các vùng trồng cây thuốc phiện. Ngoài việc giành lại quyền kiểm soát từ tay Taliban, quân Mỹ có nhiệm vụ sử dụng thuốc trừ sâu hay lửa để phá bỏ những cánh đồng thuốc phiện.

Tổng thống Obama sau khi lên nắm quyền tiếp tục lối chính sách này của người tiền nhiệm. Ông thậm chí còn đổ thêm nhiều nguồn lực vào Afghanistan hơn. Chỉ riêng trong chiến dịch Moshtarak năm 2010, tướng Stanley McChrystal dẫn 15.000 lính NATO và Afghanistan tấn công thị trấn Marjah, một trong những trung tâm trồng và sản xuất ma tuý lớn nhất đất nước.

Ngay vào thời điểm đó, Đại sứ Afghanistan tại Mỹ, ông Zalmay Khalizad, đã trình lên Quốc hội Mỹ một bản báo cáo do Bộ trưởng Tài chính Ashraf Ghani soạn thảo. Vị bộ trưởng cảnh báo về tính bất khả thi của việc dùng sức mạnh quân sự để tiêu diệt ma tuý. Người dân Afghanistan không còn sự lựa chọn nào khác để nuôi sống mình ngoài cây anh túc.

Bất kỳ hành động nào của quân đội Mỹ cũng chỉ mang lại tác dụng tích cực nhất thời, nếu không muốn nói là đã đẩy người dân Afghanistan vào cảnh cùng cực. Những kết luận của ông Ashraf Ghani mới đầu không nhận được nhiều sự chú ý. Phải nhiều năm sau người ta mới nhận ra tính chính xác của chúng, nhưng khi đó thì đã quá muộn.

Heroin đã trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế Afghanistan. Không chỉ mình Taliban hay người nông dân Afghanistan hưởng lợi từ ma tuý, mà còn có cả tội phạm có tổ chức, lãnh đạo bộ tộc, cảnh sát, quan chức chính phủ,… Một người nông dân trồng thuốc phiện sẽ phải trả nhiều khoản khác nhau như tiền thuê đất, tiền vay hạt giống, tiền "mãi lộ" cho cảnh sát,… Ở cấp cao hơn, những "ông trùm" ma tuý chi ra nhiều triệu USD để đổi lấy sự "làm ngơ" của các quan chức. Mọi công đoạn trong quá trình trồng, chế biến, vận chuyển và chế biến heroin đều có những thế lực ngầm lớn đứng đằng sau.

Cơ hội để thay đổi(?!)

Với việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Anh nhiều khả năng sẽ đảm nhận một vai trò quan trọng hơn đối với quốc gia Trung Đông này. Một số nhà quan sát đang tự đặt câu hỏi liệu người Anh sẽ đem lại một sự thay đổi trong chính sách phòng chống ma tuý?

Nước Anh đang đầu tư vào việc phát triển cây lương thực ở Afghanistan

Toàn bộ nguồn lực của nền nông nghiệp Afghanistan - đất  nước và sức người - đều đã đổ vào cây anh túc. Việc giúp người dân Afghanistan từ bỏ cây anh túc mà đa dạng hoá cây trồng là một nhiệm vụ cần phải được thực hiện ngay.

Trước khi Mỹ tấn công những khu vực sản xuất ma tuý, Anh đã có một chính sách chống thuốc phiện hiệu quả ở Afghanistan. Người Anh sẽ trả cho nông dân 1.750 USD cho 1ha cây anh túc mà họ phá bỏ. Dự án này bước đầu đã có những kết quả khả quan, và Chính phủ Anh đã chi ra tổng cộng 34 triệu USD để trả cho nông dân Afghanistan trước khi dự án buộc phải ngừng lại do hết kinh phí. Nếu Anh dự định tái khởi động chương trình, chắc chắn họ sẽ phải phân bổ nhiều ngân sách hơn để có thể đối đầu với giá ma tuý đang ở mức cao.

Ngay từ trước khi quân Mỹ chính thức rút đi, chính quyền Kabul đã mở một số kênh liên lạc đến Taliban, các nhóm phiến quân và lãnh đạo nhiều bộ tộc nhằm bàn thảo về tương lai đất nước. Triển vọng của những cuộc đàm phán còn chưa rõ, nhưng đây là một bước tiến đáng hoan nghênh. Thay vì sử dụng vũ lực, việc thương lượng sẽ giúp các bên có thể đi đến một thoả thuận chia sẻ quyền lực, từ đó chấm dứt hoàn toàn cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 30 năm nay.

Mặt khác Anh đã dành riêng ra trong gói viện trợ trị giá 155 triệu bảng Anh cho Afghanistan một khoản để phát triển nông nghiệp. Số tiền này sẽ được dùng để mua sắm hạt giống, phân bón, máy móc,… đồng thời thuê chuyên gia giúp đỡ nông dân Afghanistan chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Anh cũng đã đóng góp cho Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc 15 triệu bảng Anh để tổ chức này viện trợ lương thực cho các hộ gia đình Afghanistan. Mục tiêu của Anh là đưa 94% trẻ em nghèo Afghanistan thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng.

Tình trạng nghiện ma tuý ở Afghanistan hiện đang ở ngưỡng nguy hiểm. Có khoảng 1 triệu người Afghanistan thuộc mọi độ tuổi sống phụ thuộc vào heroin. Họ sử dụng các chất gây nghiện nhằm xoa dịu cuộc sống hằng ngày khó khăn. Anh đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống hỗ trợ cai nghiện hiệu quả ở Afghanistan.

Cho đến nay hoạt động này vẫn chủ yếu dựa vào các tổ chức nhân đạo như Hội Chữ Thập Đỏ phân phát thuốc methadone. Anh có kế hoạch giúp chính quyền Afghanistan xây dựng các cơ sở hỗ trợ cai nghiện có đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Đồng thời hai bên sẽ phối hợp triển khai các chiến dịch kê khai người nghiện và tuyên truyền cho họ, gia đình, bạn bè… về tác hại của heroin và cách cai nghiện, ngăn ngừa tái nghiện.

Trở ngại lớn nhất của Anh là các nhóm lợi ích cản trở hoạt động bài trừ ma tuý. Không ít cá nhân, tổ chức quyền lực tại Afghanistan đang hưởng lợi từ "ngành công nghiệp tỷ đô" này. Thành công hay thất bại trong công tác loại trừ cây anh túc khỏi Afghanistan phụ thuộc rất nhiều vào cam kết chống tham nhũng của Kabul. Nhưng khi xét về những chính sách gần đây của Anh, nước này đang đi đúng hướng.

Tiếp cận vấn đề từ góc nhìn kinh tế - xã hội như nước Anh đang làm ở Afghanistan sẽ giúp các bên nhìn nhận rõ hơn bản chất của hiện tượng và cùng tìm ra một phương thức giải quyết có lợi cho tất cả mọi người. Nhiều nhà quan sát đang hy vọng mô hình hợp tác phát triển hiện được Anh triển khai sẽ là hình mẫu để giải quyết vấn nạn ma tuý ở nhiều "điểm nóng" khác.

Lê Công Hội (Tổng hợp)
.
.