Cuộc chiến chống tin giả bước vào giai đoạn mới

Thứ Ba, 09/01/2018, 16:56
Tin giả, tin sai sự thật trên các mạng xã hội đang trở thành vấn nạn của nhiều quốc gia. Nếu như trước đây các nhà mạng mới chỉ đề ra một số biện pháp mang tính kỹ thuật để ngăn ngừa luồng tin độc hại này thì nay chính phủ nhiều nước đã ban hành luật để xử phạt cả người tung tin giả lẫn các trang web dung túng điều đó.

Ngày 3-1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo một dự luật chống lại các thông tin giả mạo trên Internet. Như vậy, Pháp là quốc gia gần đây nhất muốn dùng luật để quản lý tin tức giả mạo trên các mạng xã hội. Tại cuộc gặp mặt đầu năm với các nhà báo tại Phủ Tổng thống, ông Macron khẳng định Pháp sẽ tăng cường hệ thống luật pháp để bảo vệ nền dân chủ trước tin tức giả.

Theo ông Macron, những âm mưu cố tình đưa thông tin theo kiểu mập mờ giữa sự thật và dối trá đã làm xói mòn niềm tin của người dân về nền dân chủ tự do. “Nếu có việc phát tán tin tức giả, cần có một sự phán xử để gỡ bỏ nội dung đó, xóa bỏ tài khoản người dùng và cần thiết thì chặn các trang web tung tin giả”, ông Macron nói.

Chủ nhân Điện Élysée khẳng định, những trang web phát tán tin giả sẽ đối mặt với việc bị trừng phạt và các cơ quan quản lý truyền thông sẽ được trao thêm quyền lực để đối phó thực tế này.

Trước Pháp, luật xóa bỏ các phát ngôn thù hận trên các mạng xã hội đã được thông qua tại Đức hồi mùa hè năm 2017 và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2018. Theo đó, Facebook cũng như nhiều trang mạng xã hội lớn ở Đức phải sàng lọc và xóa các nội dung, thông điệp thù hận, nếu không sẽ bị phạt tiền, có thể lên tới 50 triệu euro. Việc phát tán tin giả mạo cho dù là cố ý hay đưa tin do nhầm lẫn cũng nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật này.

Đối với các trường hợp phức tạp, các mạng xã hội có tối đa 7 ngày để quyết định xem liệu một nội dung có mang tính thù hận hay không. Và danh tính của người đăng tải các phát ngôn thù hận đó phải được công bố.

Tại châu Á, Indonesia và Philippines cũng đã ban hành đạo luật phạt tội tung tin giả mạo. Mới đây, ngày 3-1-2018, Indonesia đã đưa vào hoạt động cơ quan an ninh mạng mới nhằm đối phó với vấn đề tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan trên Internet và ngăn chặn tin tức giả trên các phương tiện truyền thông xã hội, trong bối cảnh hàng triệu người của quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới này đang ngày càng lo ngại về những trò lừa đảo trên Internet.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn ra luật xử phạt tin giả trên các mạng xã hội và bảo vệ báo chí truyền thống.

Cơ quan an ninh mạng này sẽ có nhiệm vụ triệt phá các mạng lưới khủng bố và xử lý các nội dung thù địch trên mạng. Ông Setiadi, người đứng đầu cơ quan an ninh mạng khẳng định sẽ kiểm soát không gian ảo.

Ngày 31-8-2017, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký ban hành đạo luật mới, theo đó việc truyền bá các thông tin giả mạo tại nước này bị coi là phạm tội hình sự và hình phạt tối đa đối với đối tượng vi phạm có thể lên tới 6 tháng tù giam, kèm khoản nộp phạt 200.000 peso (khoảng 3.900 USD). Đạo luật bổ sung Bộ luật Hình sự sửa đổi trước đó cũng đã được Quốc hội Philippines thông qua, với nhiều quy định xử phạt nghiêm ngặt hơn.

Luật mới cũng quy định xử phạt bất kỳ phần tử nào thông qua các tài liệu in ấn hoặc các từ ngữ, các phát ngôn cũng như thể hiện thái độ nhằm kích động chống đối luật pháp hoặc nhà chức trách; hoặc cổ xúy, bào chữa cho bất kỳ hành động nào từng bị xử phạt theo luật.

Theo Phủ Tổng thống Philippines, đạo luật trên còn nêu các điều khoản quy định các mức tiền phạt, cùng hình phạt được áp dụng dựa trên việc đánh giá mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Bên cạnh đó, đạo luật cũng điều chỉnh mức phạt đối với tội danh phá hoại an ninh quốc gia, chẳng hạn như phản quốc, và các tội danh phá rối trật tự công cộng, như xúi giục nổi loạn.

Quân đội Philippines vẫn đang nỗ lực truy quét các phiến quân có liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại thành phố Marawi trên đảo miền Nam Mindanao trong 4 tháng qua. Không chỉ sử dụng vũ lực, các nhóm phiến quân còn phát tán nhiều tin đồn giả mạo trên mạng xã hội. Chính vì vậy, Chính phủ Philippines kêu gọi giới truyền thông và các công dân nước này lắng nghe nhà chức trách, tin tưởng ở các thông tin chính thống và tích cực ngăn chặn các âm mưu tung tin thất thiệt.

M.T. (tổng hợp)
.
.