Nữ cố vấn của quân đội Mỹ - Emma Sky:

Cuộc chiến tranh Iraq sẽ ám ảnh phương Tây

Thứ Tư, 01/08/2012, 15:10

Việc bổ nhiệm một người phụ nữ Anh vào cơ quan đầu não của quân đội Mỹ là rất táo bạo và chưa từng có tiền lệ trước đó. Nhưng chính điều này đã giúp Emma Sky có được cách tiếp cận độc đáo và thấu hiểu về quá trình của một trong những cuộc chiến gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử hiện đại.

Là cố vấn chính trị hàng đầu của quân đội Mỹ trong những giai đoạn khắc nghiệt nhất của cuộc chiến tại Iraq, bà tỏ mối lo ngại rằng phương Tây chưa thấy được một số người Hồi giáo đã được nuôi dạy như thế nào trong một thập kỷ qua. Họ có thể sẽ là thế hệ không ngừng tìm cách báo thù và gây ra một cuộc chiến khủng bố. Iraq vì thế sẽ trở thành nỗi ám ảnh của phương Tây.

Người phụ nữ theo chủ nghĩa hòa bình giữa vùng chiến tranh ác liệt nhất

Bà Emma Sky, hiện 44 tuổi, từng là cố vấn chính trị cho Odierno, vị tướng gạo cội nhất của Mỹ tại Iraq và cũng là một thành viên trong Ủy ban Triển khai chiến lược chống bạo loạn trên đất nước này. Từng là cựu sinh viên Trường đại học Oxford, bà Sky đã làm việc 4 năm tại Iraq và có một thời gian ngắn làm thống đốc thành phố Kirkuk, một trong những khu vực nhạy cảm nhất tại Iraq. Bà đã từng gặp Thủ tướng Tony Blair, Tổng thống Barack Obama tại Baghdad, chiếm được lòng tin của những quan chức có thâm niên ở Iraq cũng như nhiều thủ lĩnh chính trị của các quốc gia khác nhau và trở thành bạn thân với một vài người trong số họ.

Bà Sky là một trong những người Anh tình nguyện đến Iraq vào thời điểm sau khi cuộc tấn công Iraq kết thúc với sứ mệnh giúp đỡ tái thiết do Chính phủ lâm thời liên quân (CPA) thực hiện. Sky được bổ nhiệm làm thống đốc thành phố Kirkuk, một thành phố cổ kính, nhiều dầu mỏ phía bắc Iraq và đã gây được thiện cảm với các chỉ huy quân đội Mỹ bằng tác phong làm việc của bà khi hợp tác với một binh đoàn nhằm mang lại ổn định cho khu vực.

Sự thẳng thắn của bà khi nói về những vấn đề mà Iraq phải đối mặt và những khó khăn mà liên quân phải xử lý khẳng định quân đội Mỹ đã không lầm khi tuyển mộ bà. Sau đó bà Sky trở thành cố vấn chính trị của tướng Ray Odierno, người được điều đến Iraq với sứ mệnh giám sát, củng cố quân đội cùng với 20.000 quân tiếp viện để ngăn chặn bạo lực.

Nhìn bề ngoài, Emma Sky hoàn toàn không có vẻ gì là một ứng viên sáng giá cho chuyến đi đến Iraq. Sky chưa bao giờ đến đất nước này, là người theo chủ nghĩa hòa bình và từng phản đối kịch liệt cuộc xâm lược của liên quân. Bà mới chỉ đến Mỹ có một lần và vẫn còn đang rất không tin tưởng vào quân đội Mỹ. Thế nhưng đến tháng 6/2003, 2 tháng sau khi cuộc chiến xảy ra, Sky đã có mặt ở sân bay RAF Brize Norton và trở thành người phụ nữ duy nhất trong số 200 binh lính cùng chuyến bay tiến thẳng đến Basra, dưới cái nóng 500C, thành phố đang trong cơn náo loạn của những tàn dư từ các vụ xung đột.

Dưới sự lãnh đạo của nhà ngoại giao Mỹ Paul Bremer, chính quyền lâm thời liên quân được giao nhiệm vụ xây dựng lại đất nước nhưng mọi việc không bao giờ diễn ra dễ dàng nhất là đối với những vùng xa khu vực Baghdad, nơi có rất ít người sinh sống. Sky được lệnh bay đến phía bắc Iraq vì CPA đang thiếu nhân viên ở Erbil, nhưng khi Sky đến nơi, các vị trí đều đã được bổ nhiệm. Thế là Sky lại được đưa thẳng đến Kirkuk bởi vì liên quân chưa có một ai ở thành phố này. Cách Baghdad 150 dặm về phía bắc, đây là một thành phố cổ kính, nhiều dầu mỏ và những bộ lạc, tồn tại từ thời của đế chế Ottoman. Từ đây, Emma Sky chính thức trở thành người chịu trách nhiệm cao nhất của quân đội Mỹ ở khu vực Kirkuk.

Hai tuần trước đó, Emma Sky vẫn còn làm công việc tư vấn của mình tại Hội đồng Anh ở Manchester, bây giờ bà đã ở trong lãnh thổ của một trong những vùng chiến sự nhạy cảm nhất Iraq. Từng là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ Arập, Sky đã có 10 năm làm việc ở Dải Gaza và tại một ngân hàng trước khi trở về Anh làm công việc tư vấn các vấn đề về nhân quyền và thể chế ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ cho Hội đồng Anh. Khi Bộ Ngoại giao cần người tình nguyện đến Iraq để giúp công cuộc tái thiết ở đây, Sky đã đăng ký tham gia. Chuyến phiêu lưu từ tây bắc nước Anh đến tây bắc Iraq cần đến may mắn và cả sự kiên định của Sky.

Emma Sky đã suýt ngã khỏi máy bay trực thăng Black Hawk khi bay từ Erbil đến Kirkuk, khi ấy bà còn chưa hiểu tại sao người ta lại mở cửa máy bay trực thăng.

Cái nhìn của người trong cuộc - Phương Tây đã không hiểu thế giới ARập

Khi đã trở về London, Emma Sky mới có dịp kể lại chuyến phiêu lưu của mình trên đất Iraq. Bà tỏ rõ mối quan tâm về những hệ lụy của cuộc chiến này đối với thế giới Arập và một số những sai lầm từng xảy ra ở Iraq nay lại thấy xuất hiện ở Afghanistan. Tuy nhiên, bà Sky cũng ra sức bảo vệ quân đội và người chỉ huy của bà Sky cho rằng họ đã làm tất cả để khôi phục tình hình. Bà đã có những tranh luận thẳng thắn với các chính trị gia và quan chức của chính phủ cả Anh và Mỹ, rằng họ phải chịu trách nhiệm về quyết định gây chiến tranh ở Iraq và sự thiếu chiến lược cụ thể cho hậu quả của nó, kết cục mà đến giờ người ta vẫn còn cảm nhận được những đau thương do nó mang lại.

Sự thiếu hiểu biết về thế giới Arập đã khiến phương Tây chật vật mà vẫn không hiểu nổi tại sao những con người ở đây lại xúi giục nhiều hình thức bạo lực như thế và ai sẽ là những người nhận trách nhiệm.

Bà Sky nói: "Chúng tôi đã chiến đấu với cuộc chiến khủng bố 10 năm nay, đôi khi có vẻ như chúng tôi đang chống lại những tên quỷ dữ. Chúng tôi đã hành động như thể ở đó chỉ có một số hữu hạn những con người đáng bị giết hoặc giam cầm. Nhưng rồi chúng tôi nhận ra rằng, những hành động của mình càng ngày càng tạo ra nhiều kẻ thù hơn. Trong khi đó nhiều người Hồi giáo cho rằng đây là cuộc chiến tranh vì thánh địa. Đã đến lúc chúng tôi rút khỏi Iraq, Afghanistan và cuộc chiến phải kết thúc. Có thể đây là một điều quá sức chịu đựng đối với những nhà chính trị nhưng đối với thế giới Hồi giáo thì không. Hơn 100.000 tín đồ Hồi giáo đã bị giết kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001 và theo sau đó là sự can thiệp của liên quân vào Afghanistan và Iraq".

"Chúng ta cần tự hỏi lại lương tâm mình rằng, điều gì đã xảy ra với thế giới của họ và trong những năm tới họ sẽ trả thù như thế nào cho những cái chết. Đối với những người lính còn phải mang những vết thương chiến tranh, những tổn thương tâm lý và những gia đình bị mất người thân, cuộc chiến này vẫn chưa dừng lại. Thế giới có thể giàu có hơn khi không có Saddam nhưng không ai có thể đếm được những gì đã xảy ra với người Iraq".

Năm 2008, tướng Odierno kế nhiệm chức Tổng chỉ huy của tướng David Petraeus, ngay lập tức ông đề nghị bà Sky tiếp tục giữ vai trò cố vấn cho mình. Là một thành viên trong bộ máy của Odierno, bà Sky theo chân ông đến rất nhiều nơi và được giao những nhiệm vụ có thể nói là rất đáng chú ý đối với một người ngoại quốc như bà. Bà đã chứng kiến nhiều cảnh bạo lực khủng khiếp khiến hàng chục nghìn người Iraq hay hàng nghìn binh lính Mỹ phải chết. Một số bạn thân của bà cũng đã hy sinh tại chiến trường khốc liệt này.

Emma Sky và tướng Odierno ở Iraq.

Bà Sky cho biết, bà từng làm việc ở nước ngoài nhiều năm nhưng chưa từng làm việc với những người mà sau đó họ sẽ bị giết, đôi khi nguyên nhân cái chết là vì chính họ có những mối liên hệ với bà. Năm đầu tiên làm việc tại Kirkuk, Emma Sky đã rất gắn bó với Hội đồng thành phố và sau đó có tới 1/4 người của hội đồng bị giết. Bà cho biết: "Tôi luôn có cảm giác là mình đã bước vào cuộc sống của họ và rồi còn những ai dám đứng lên phục vụ cho hội đồng? Họ càng bước tới thì họ càng gặp nguy hiểm. Nếu như chúng tôi không can thiệp vào cuộc đời họ thì có lẽ họ đã không phải chết".

Sky nhận ra rằng, rất nhiều tín đồ Hồi giáo dòng Sunni ở Arập đang tham gia một cuộc nổi dậy vì họ cảm thấy bị đất nước bỏ rơi. Người Iraq cảm thấy nhục nhã trước sự có mặt của binh lính nước ngoài trên đất nước của họ. Ngay từ lúc bắt đầu đã có các cuộc phản kháng của những người thuộc chế độ cũ cũng như những người nước ngoài đến Iraq để tham gia cuộc thánh chiến để đánh đuổi những kẻ báng bổ thần thánh. Nhưng rồi dần dần những người Hồi giáo Sunni nhận ra rằng, sẽ chẳng có tương lai nào cho họ và để phản đối liên quân, họ phải trang bị thêm nhiều sức mạnh cho mình.

Tháng 2/2004, Sky trở về làm việc tại trụ sở của CPA ở Baghdad, nơi cuộc sống còn căng thẳng hơn rất nhiều. Số lượng các vụ tấn công ở khu vực xanh đã lên đến mức người ta không còn chạy đi tìm nơi ẩn nấp khi có còi báo động. Bên ngoài những bức tường dày chống bom mìn chăng kín dây thép gai, các loại truyền đơn xuất hiện khắp nơi thông báo về việc chiếm đóng thủ đô. Mọi người làm việc cật lực đến khó tin nhưng bà Sky cho rằng họ không hề biết rõ họ đang chiến đấu với ai hay tại sao họ lại phải chiến đấu.

Đánh giá về bộ đôi Emma Sky và tướng Ray Odierno, một nhân viên của CPA cho biết: "Nhìn chung Sky và tướng Odierno khá khác nhau, bà Sky với dáng người nhỏ bé thì tỉ mỉ, chính xác và tự chủ trong khi Odierno cao lớn, đầu trọc, còn được mệnh danh là "ngựa sắt", thế nhưng cả hai đã phối hợp rất ăn ý tới mức khó tin. Có lẽ Odierno sẽ chẳng bao giờ băn khoăn rằng tại sao lại có một người phụ nữ Anh trong quân đội Mỹ tại một trong những vùng chiến sự nhạy cảm nhất Iraq này". Odierno đã có dịp chứng kiến cách Sky tiếp xúc với người dân ở Kirkuk và rất thích cách bà làm việc với đội bay thứ 173. Mỗi khi đến Kirkuk, ông thường mang lại cảm giác nhẹ nhõm cho nhân viên của mình ở đây với những cử chỉ động viên và đề nghị sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần. Khi chính tướng Odierno nhận ra rằng cần phải rút bớt quân khỏi Iraq, ông đã đề nghị Sky tham gia cùng ông trong chiến dịch này và nhận được sự ủng hộ lớn từ người cố vấn của mình.

Một số chính trị gia vẫn đưa ra những tuyên bố rằng Iraq là một xã hội bạo lực. Người Iraq tiến hành cuộc nội chiến là do ghét bỏ những cái cũ hay bạo lực là điều tất yếu không tránh khỏi của cuộc lật đổ Tổng thống Saddam hoặc tổ chức nhóm Al-Qaeda mà chính Iran đã gây ra những rắc rối ấy. Iran làm những nhà chính trị ấy mất tập trung đối với trách nhiệm chính của họ, bằng việc gây hấn với sự hiện diện của họ và những chính sách mà họ áp dụng. Tuy nhiên theo bà Sky, xây dựng những lực lượng an ninh địa phương chưa phải là những ưu tiên đúng đắn, phương Tây chỉ nghĩ về bản thân mình, về sự an toàn của chính mình. Nhưng cuối cùng thì mọi thứ phải kết thúc, thành công ở Iraq phải được định nghĩa bằng phương diện chính trị. Phương Tây và Iraq cần một giải pháp chính trị, một hiệp ước, một nền hòa bình

Hoàng Cúc - Hồng Quý (theo The Guardian)
.
.