Tình báo Israel – Mỹ:

“Cuộc chiến tranh bí mật” chống cộng đồng nhà khoa học hạt nhân Iran

Thứ Bảy, 13/08/2011, 15:40

Giới truyền thông đại chúng phương Tây và Israel gần đây đồng loạt đưa tin về vụ Dariush Rezai bị giết chết hôm 23/7 vừa qua ở Tehran là nhà vật lý hạt nhân xuất sắc 35 tuổi của Iran, người đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Chính quyền Iran cũng đã xác nhận vụ giết người nói trên.

Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, nạn nhân không phải là giáo sư khoa vật lý hạt nhân mà là một sinh viên tên Dariush Rezainedzhad (bị bắn lầm). Được biết, Rezainedzhad là nhà khoa học trẻ có năng lực. Bọn sát thủ được cho là đã nhầm lẫn giữa tên của sinh viên và nhà khoa học mới là mục tiêu ám sát. Điều đó cho thấy người bị giết chết thật sự là ai vẫn chưa rõ ràng. Phải chăng cả hai nguồn phương Tây và Iran đều mâu thuẫn nhau trong báo cáo của họ?

Ngoài ra cũng có sự không nhất quán về học vị cũng như nghề nghiệp của nạn nhân. Chẳng hạn, một số nguồn đưa tin nạn nhân không liên quan gì đến ngành vật lý hạt nhân, mà chỉ có học vị về điện tử. Nhưng dù sao thì vụ ám sát là bằng chứng cho thấy sự tiến bộ về công nghệ và khoa học của Iran từ lâu nay đã trở thành mục tiêu tấn công của tình báo Mỹ và Israel. Hay nói khác đi, số nhân vật ưu tú nhất trong cộng đồng nhà khoa học Iran tham gia phát triển chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo là mục tiêu ám sát của tình báo nước ngoài.

Fars, Cơ quan Thông tấn Iran, cùng với Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani đồng thanh buộc tội Mỹ và Israel trong vụ giết người. Đây cũng không phải lần đầu tiên Iran lên tiếng tố cáo tình báo Mỹ và Israel.

Từ năm 2007, giới truyền thông đại chúng bắt đầu đưa tin về việc tình báo hai nước này đã có những chiến dịch đặc biệt chống cộng đồng khoa học Iran. Ngay từ đầu năm 2006, chính quyền Mỹ lớn tiếng tuyên bố Iran là quốc gia tài trợ chính cho bọn khủng bố quốc tế, hành động này là mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm cho Mỹ nên buộc Washington phải sẵn sàng - nếu cần thiết - để hủy diệt chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Thậm chí, có tính cực đoan hơn, chính khách Israel còn đề nghị kế hoạch không kích mọi cơ sở hạt nhân của Iran. Và vụ sát hại Hasanpur Ardashir - nhà khoa học hàng đầu Iran làm việc trong cơ sở hạt nhân ở Isfahan - có lẽ là một trong những chiến dịch đầu tiên theo kế hoạch này của Cơ quan Tình báo Israel.  Hasanpur Ardashir chết trong hoàn cảnh hết sức bí ẩn và được cho là bị ngộ độc khí gas. Ngoài ra, nhiều nhà khoa học đồng nghiệp của Ardashir cũng lần lượt lìa đời một cách khó hiểu.

Giáo sư Masoud Ali-Mohammadi (ảnh nhỏ) và hiện trường vụ đánh bom.

Báo chí phương Tây thường đưa tin về việc Mossad liên quan đến nhiều vụ ám sát nhà khoa học của các quốc gia khác. Nhất là vụ thủ tiêu nhà khoa học Canada Gerald Bull - người được cho là thiết kế "siêu vũ khí" cho Saddam Hussein. Mossad nhận định Saddam Hussein hy vọng sử dụng "siêu vũ khí" để tấn công Israel. Sau đó là hàng loạt vụ tấn công chống một nhóm nhà khoa học Đức giúp đỡ lãnh đạo Ai Cập Gamal Abdel Nasser phát triển chương trình tên lửa.

Tiếp đến, ngày 12/1/2010,  Giáo sư Masoud Ali-Mohammadi - lãnh đạo Khoa Vật lý hạt nhân Đại học Tehran - bị giết chết trong vụ đánh bom xe  ở ngoại ô Tehran.

Trong tháng 10 cùng năm, nhóm khủng bố ly khai phái Sunni của Iran "Jundullah" bắt cóc nhà vật lý hạt nhân Iran Amir Hossein Shirane. Ngày 28/11 bất ngờ Amir Shirane xuất hiện trong chương trình phỏng vấn của kênh truyền hình "Al Arabiya", tuyên bố mục tiêu cuối cùng của chương trình hạt nhân Iran là chế tạo một quả bom hạt nhân!

Tiếp ngay sau sự kiện này, một cuộc tấn công kép chống nhóm nhà vật lý hạt nhân hàng đầu của Iran nổ ra ở Tehran. Kết quả, Giáo sư Majid Shahriar - người làm việc trong bộ phận hạt nhân Đại học Beheshti của Iran - bị giết chết. Còn Giáo sư vật lý hạt nhân Fereydoon Abbasi phụ trách chương trình nghiên cứu đặc biệt ở Bộ Quốc phòng Iran may mắn chỉ bị thương.

Nhưng chiến lược của tình báo Israel và Mỹ có mang lại kết quả như mong muốn? Nhiều chuyên gia quân sự tin rằng mọi nỗ lực của họ thật ra chỉ có thể làm cho chương trình hạt nhân của Iran bị trì hoãn vài năm mà thôi. Theo nhận định này, cựu sĩ quan CIA Vincent Cannistraro, người ta không thể giết chết một số người mà lại có thể đánh đổ chương trình hạt nhân của một quốc gia.

Vụ ám sát thành công nhà khoa học mới đây nhất của Iran chứng minh một lần nữa rằng, bộ phận phản gián của Iran đã thất bại trong việc ngăn chặn kẻ thù tiếp tục gieo rắc cái chết. Liệu ai biết được các nhà khoa  học Iran sẽ tiếp tục bị tấn công ở đâu, khi nào và bằng cách nào? Thực tế cho thấy cộng đồng tình báo Iran đã phạm nhiều sai lầm, trong đó bao gồm sự thất bại nặng nề trong cung cấp thông tin hữu ích giúp bảo vệ đội ngũ nhà khoa học hạt nhân Iran.

Cần thấy rằng, chính quyền Tehran có thể tổ chức bảo vệ chặt chẽ nơi ở của nhà khoa học hạt nhân. Một giải pháp khác là Iran đưa đội ngũ nhà khoa học của mình vào cụm nhà ở được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy vậy, vẫn không có giải pháp tuyệt đối cho chính quyền Tehran trước "cuộc chiến bí mật" của tình báo Mỹ và Israel có vẻ ngày càng quyết liệt hơn, theo nhận định của giới chuyên gia phân tích

Trần Thanh Phong (tổng hợp)
.
.