Cướp biển - “di sản không mong muốn” của năm 2009

Thứ Năm, 14/01/2010, 11:05
Đúng vào thời điểm cận kề năm mới, những tên cướp biển Somali một lần nữa lại "nhắc nhở" cả thế giới về sự hiện diện đáng lo ngại của mình, sau khi chúng đánh chiếm được một chiếc tàu cùng với toàn thể thủy thủ đoàn 26 người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Vì những nguyên nhân nào, nạn cướp biển tiếp tục trở thành một "di sản không mong muốn" cho năm mới 2010?...

Đúng vào ngày 28/12/2009, nạn nhân mới nhất của những tên cướp biển Somali là chiếc tàu chở dầu-chất hóa học St. James Park từ Hãng tàu Philbox Limited (Anh) đang trên hành trình từ Tây Ban Nha tới Thái Lan. Vào thời điểm bị tấn công, các thủy thủ đã đánh tín hiệu cầu cứu nhưng đã quá muộn. Trước khi các tàu chiến thuộc EU có thể tiếp cận, chiếc St. James Park đã bị đánh chiếm và đưa về vùng bờ biển Somali.

Cần nói thêm, chiếc St. James Park thực ra đã là "chiến lợi phẩm" thứ hai của những tên cướp biển trong ngày 28/12. Trước đó, chiếc tàu Navios Apollon (Hy Lạp) đang trên đường từ Mỹ tới Ấn Độ cũng rơi vào tay bọn cướp cùng với toàn bộ thủy thủ đoàn 18 người. Bọn cướp biển đưa ra những yêu sách được coi là "không khả thi" - ngoài việc nộp tiền chuộc còn phải trả tự do cho 5 đồng bọn của chúng trước đó đã bị Hải quân Nga bắt giữ (tất cả đều đã được bàn giao cho Chính phủ Yemen).

Hải tặc- nghề “hót” tại Somali

Được trang bị súng tiểu liên cùng nhiều loại vũ khí, tàu thuyền cỡ nhỏ nhưng hiện đại, những công dân từ quốc gia nghèo nhất khu vực đông bắc Lục địa đen không chỉ gieo rắc nỗi sợ hãi cho các tàu thuyền trên biển mà còn biến nghề này trở thành một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận.

Một phần không nhỏ trong số tiền khổng lồ thu được lại được bọn chúng tiếp tục "quay vòng đầu tư" để mua thêm vũ khí trang bị hiện đại phục vụ cho những đợt tấn công mới, cũng như nuôi dưỡng một đội quân đảm bảo hậu cần đông đảo cho chúng trên đất liền.

Đặc nhiệm Pháp bắt giữ những tên cướp biển Somali tại vùng vịnh Aden.

Quay trở lại quá khứ, lịch sử hình thành nạn cướp biển tại Somali bắt nguồn từ hoạt động cạnh tranh quyền lợi trên biển. Vào thời điểm năm 1991, khi Somali rơi vào tình cảnh gần như không có chính quyền, vùng biển của nước này - vốn nổi tiếng có nguồn cá ngừ phong phú - là nơi kiếm ăn của vô số tàu đánh cá trái phép của nước ngoài. Để bảo vệ nguồn sống của mình, các ngư dân Somali không còn cách nào khác là phải tự tổ chức tuần tiễu chống nạn đánh bắt trộm cá.

Từ những hình thức ban đầu là tịch thu số cá đánh được và "nộp tiền thuế", đội quân bảo vệ trên biển đã nhanh chóng "biến tướng" trở thành những tên hải tặc thực sự, chuyên tấn công gieo rắc kinh hoàng cho những con tàu qua lại khu vịnh Aden thông với Biển Đỏ, là tuyến đường thông thương quan trọng từ châu Âu tới châu Á.

Với hàng triệu USD kiếm được từ tiền chuộc và hàng hóa cướp bóc, những tên cướp biển Somali đã trở thành những ông hoàng thực sự ngay tại một quốc gia được xếp vào loại nghèo nhất thế giới. Thậm chí, sự xuất hiện của tầng lớp "trọc phú" mới này được đánh giá là nguyên nhân khiến cho nạn lạm phát tại đây tiếp tục phi mã không ngừng.

Chỉ riêng tháng 11/2009 vừa qua, những tên hải tặc đã kiếm được tối thiểu 3,3 triệu USD từ khoản tiền chuộc để trả tự do cho một con tàu Tây Ban Nha bị chúng bắt giữ hồi tháng 10 với 36 thành viên thủy thủ đoàn. Theo số liệu của EU, chỉ riêng từ đầu tháng 12/2009 đã có tổng cộng 11 con tàu cùng 264 thủy thủ bị cướp biển bắt giữ.

Còn theo các chuyên gia từ Chatham House, trị giá số tiền chuộc trung bình cho mỗi con tàu bị chiếm giữ tại vùng bờ biển Somali đã tăng lên từ 1 đến 2 triệu USD. Như vậy, theo ước tính chỉ trong vòng 2 năm gần đây, những tên cướp biển Somali đã bỏ túi gần 100 triệu USD. Nhưng riêng tạp chí Time lại khẳng định, bọn hải tặc chỉ riêng trong năm 2009 đã kiếm được từ 150-200 triệu USD, trong đó chúng lại tiếp tục đầu tư chi phí cho những vụ cướp mới thêm 80 triệu USD nữa.

Sự tương phản rõ rệt về tiền bạc giữa những tên cướp biển và đại đa số dân nghèo Somali đã lý giải về lý do vì sao hàng ngũ của chúng ngày càng trở nên đông đảo hơn, bất chấp việc chúng bị cộng đồng thế giới truy quét và bắt giữ không ít.

Chẳng hạn, một tên cướp trẻ tuổi có tên Adani đã kể với phóng viên Hãng AP rằng, hắn đã được chia 75.000 USD chỉ sau khi tham gia vào 2 vụ cướp thành công. Nếu như thu nhập trung bình trong cả một năm của mỗi người dân Somali chỉ là 600 USD, thì một tên cướp biển thông thường cũng có thể nhận được gần 10.000 USD chỉ sau một phi vụ, ngay cả khi nó kết thúc không thành công.

Thu nhập của Adani cũng chẳng thấm tháp vào đâu nếu so sánh với con số hàng triệu USD mà những tên trùm cướp biển có được. Thu nhập của những tên trùm này đã tăng lên gấp 100 lần so với năm 2005, kể từ khi chúng đổi chiến thuật từ việc cướp bóc hàng hóa sang chiếm toàn bộ chiếc tàu để đòi tiền chuộc.

Với số tiền thu được, những tên trùm hải tặc ngoài việc mua thêm vũ khí trang bị còn biết rửa tiền bằng cách đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh khác. Chẳng hạn, quốc gia láng giềng Kenya với những quy định chống rửa tiền lỏng lẻo hiện đang được coi là thiên đường để "hợp thức hóa" tài sản của cướp biển Somali. Hiện giá bất động sản tại Kenya đang tăng lên chóng mặt vì nhu cầu của các ông trùm... cướp biển.

Mặt khác, thu nhập khổng lồ từ cướp biển còn giúp hình thành cả một mạng lưới các hoạt động kinh doanh kiểu "ăn theo". Đỉnh cao của hoạt động này chính là sự kiện khai trương một hình thức tương tự như thị trường chứng khoán tại cảng Haradheere, nơi những kẻ góp vốn sẽ có quyền nhận được một phần lợi nhuận từ các chiến lợi phẩm cướp được.

Đầu tư vào ngành "công nghiệp cướp biển" không chỉ có cư dân địa phương, mà còn cả những ông trùm đầu tư chui của nước ngoài. Khi mới thành lập, thị trường này mới có sự đăng ký tham gia của 15 "công ty tàu biển", giờ đây con số này đã lên tới 72. Các nhà đầu tư có thể "góp vốn" vào đây bằng mọi thứ - từ tiền bạc cho tới... súng phóng lựu.

Những tên cướp biển, chẳng khác gì các thương gia thông thường, cũng sẵn sàng nộp tiền thuế cho chính quyền Puntland - khu vực tự trị nằm ở phía đông Somali, có các cảng là nơi tập kết của phần lớn những con "tàu mẹ" đóng vai trò đưa những chiếc canô nhỏ hơn của bọn cướp ra biển để "kiếm mồi".

Cụ thể để chịu trách nhiệm bảo vệ bọn cướp trước những tàu chiến nước ngoài từ lâu nay vẫn liên tục tuần tiễu trên vùng biển xung quanh đó, Puntland "thu thuế" khoảng 1/3 số tiền cướp biển kiếm được. Không hề quá khi nói rằng, tiền kiếm được từ cướp biển là nguồn sống duy nhất của nhiều cảng biển tại Somali, mỗi người dân địa phương phụ thuộc gần như hoàn toàn vào "bầu sữa" này.

Hơn nữa, mỗi khi nhận được phần thuế từ các khoản tiền chuộc, chính quyền thành phố cũng đem đầu tư một phần vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng trường học, bệnh viện v.v...

Cựu nhân viên Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) là Jack Cloonan, hiện chuyên kiếm tiền bằng việc đàm phán với những tên cướp biển, đã khẳng định với tờ Spiegel rằng, tại Somali trên thực tế đã thành lập cả một Tập đoàn hải tặc (Pirates Inc.) với phân cấp quy định phân chia lợi nhuận chặt chẽ, và cả những nghiên cứu ứng dụng các chiến lược kinh doanh hiệu quả mới.

Ngay cả các hãng bảo hiểm hàng hải cũng được cho là "ăn nên làm ra" nhờ nạn cướp biển. Chẳng hạn như họ yêu cầu các hãng tàu biển hoạt động tại khu vực này phải đóng tiền bảo hiểm cho tất cả các phương tiện chuyên chở của mình, trong khi tỉ lệ thống kê năm 2008 chỉ có 0,2% số tàu đi qua vùng biển Somali bị cướp biển đánh chiếm.

Vì sao những nỗ lực thanh toán nạn cướp biển vẫn chưa thành công?

Theo báo cáo hồi tháng 10/2009 của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, chỉ trong năm 2008 cả thế giới đã ghi nhận tổng cộng 306 vụ cướp biển, trong đó có 136 vụ diễn ra tại Somali.

Vấn nạn cướp biển từ lâu đã trở thành một vấn đề chính trị, lôi kéo sự tham gia giải quyết của các tổ chức quốc tế hàng đầu như Liên Hiệp Quốc, NATO hay EU. Ngay từ năm 2008, Hội đồng Bảo an LHQ đã phê chuẩn một chiến dịch quân sự lớn tại khu vực bờ biển Somali với sự tham gia của một lực lượng đông đảo tàu chiến tới từ nhiều quốc gia.

Không thể nói chiến dịch trên đã hoàn toàn thất bại, khi đã có không ít tên cướp bị bắt giữ và xét xử. Nhưng theo chính ông Ban Ki-moon, cho dù các vụ tàu bị cướp đã giảm đi trong vài tháng gần đây, nhưng số lượng những vụ tấn công lại vẫn... tăng lên.

Những phương án nhằm giải quyết nạn cướp biển đã được đưa ra không ít, nhưng chưa một giải pháp nào có được hiệu quả như mong đợi. Chẳng hạn như Chính phủ Hà Lan đề xuất mở một Tòa án quốc tế tại La Haye chuyên xét xử bọn cướp biển. Nhưng theo các chuyên gia, hệ thống nhà tù "quá tiện nghi" tại Hà Lan chắc chắn sẽ chẳng khiến bọn cướp biển phải bỏ nghề. 

Vào tháng 10/2009, Nga và Pháp đã quyết định hợp tác đào tạo các quân nhân Somali nhằm mở một cuộc chiến chống lại cướp biển ngay trên đất liền. Khóa học đầu tiên dự kiến sẽ kết thúc với không dưới 500 học viên.

Chưa thể nói trước về khả năng thành công của những đợt đột kích vào căn cứ của cướp biển trên đất liền, nhưng số lượng quá ít ỏi của các quân nhân Somali so với lực lượng đông đảo hàng ngàn tên hải tặc (chưa kể vô số tầng lớp dân cư hậu thuẫn và sống nhờ vào chúng), hiệu quả của kế hoạch trên chắc chắn vẫn là một câu hỏi lớn.

Theo các chuyên gia, phương pháp hữu hiệu và thực tế nhất để chống nạn cướp biển theo họ là phải triển khai các biện pháp tổng hợp. Ngoài việc tuần tiễu vùng vịnh Aden bằng các tàu chiến nước ngoài, thế giới cần phải hỗ trợ chính phủ Somali xây dựng một lực lượng bảo vệ bờ biển riêng.

Dự án có trị giá khoảng 50 triệu USD mỗi năm này sẽ bao gồm việc cung cấp tài chính cho quá trình huấn luyện và trang bị vũ khí cho các đơn vị bảo vệ bờ biển Somali. Tham gia vào dự án này có thể có các công ty bảo vệ tư nhân, các tổ chức quốc tế hay nhiều chính phủ tại vùng vịnh Pecxích như Ai Cập - quốc gia hiện đang phải chịu nhiều tổn thất nặng nề nhất từ nạn cướp biển. Tuy nhiên theo cảnh báo của các chuyên gia, dự án trên nếu được triển khai tốt cũng chỉ có thể có được kết quả sau từ 3 đến 5 năm nữa

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.