Cựu Tổng thống Ukraine Yanukovich bị FBI điều tra tham nhũng

Thứ Ba, 30/08/2016, 09:30
Trong số những công ty bị điều tra có công ty của ông Tony Podesta -cố vấn của ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa và công ty của cựu Chủ tịch Ủy ban vận động tranh cử của Trump là ông Paul Manafort.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo The New York Times ngày 21-8, ông Manafort khẳng định: "Tôi chưa bao giờ nhận bất kỳ tiền mặt trái pháp luật như The New York Times đã đưa tin, và tôi cũng chưa bao giờ làm việc cho chính quyền Ukraine hay Nga".

Cựu Tổng thống Viktor Yanukovich bị FBI điều tra nghi án tham nhũng dính líu đến một công ty Mỹ.

Được biết, báo The New York Times trước đó đưa tin ông Manafort đã bí mật nhận số tiền mặt trên 12 triệu USD trong vòng 5 năm từ Đảng Các khu vực của ông Yanukovych.Tuy nhiên, báo chí dẫn lời các quan chức Mỹ tiết lộ rằng ông Manafort (vốn đã từ chức hồi 12-8) không phải là trọng tâm của cuộc điều tra. Các điều tra viên của FBI đang tập trung vào hoạt động của những công ty khác có dính líu với chính quyền của cựu Tổng thống Yanukovych.

Theo thông cáo của công ty Podesta Group, họ cũng đã thuê một công ty điều tra độc lập để điều tra xem liệu họ có bị Trung tâm Vì Ukraine hiện đại - một tổ chức phi lợi nhuận có dính líu với chính quyền ông Yanukovych, lợi dụng hay không. Bình luận về vụ việc FBI điều tra nghi án tham nhũng của ông Yanukovich dính líu đến một công ty Mỹ, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố sẽ "đại diện cho nhân dân Ukraine lấy lại những tài sản bị đánh cắp". Giới chức an ninh ở Ukraine cũng tham gia điều tra, cáo buộc ông Yanukovych và đảng của ông ta dính líu đến một vụ tham nhũng quy mô lớn.

Vào tháng 11-2013, những cuộc biểu tình và chiếm đóng Quảng trường Độc lập do những người biểu tình thuộc phe đối lập Ukraine thân Liên minh châu Âu (EU) thực hiện, xuất phát từ việc ông Yanukovich từ chối ký kết hiệp định liên kết giữa Ukraine và EU và quay sang tìm sự trợ giúp từ phía Nga để nhận được khoản viện trợ tài chính lên tới 15 tỷ USD, cũng như kết hợp quan hệ chặt chẽ hơn với Nga. Tuy nhiên, đến tháng 1-2014 thì các cuộc biểu tình đã trở nên căng thẳng rồi xô xát giữa người biểu tình và lực lượng an ninh, dẫn tới đổ máu cho cả hai bên.

Đến giữa tháng 2-2014, những cuộc đàm phán giữa Yanukovich và phe đối lập đã thất bại, Ukraine đã bên bờ vực của một cuộc nội chiến. Sau đó, Yanukovich đã bị Quốc hội thông qua bỏ phiếu bãi bỏ tư cách tổng thống vào ngày 22-2-2014. Yanukovich bỏ về Kharkov - một thành phố công nghiệp ở phía đông bắc của Ukraine, nơi người dân nói tiếng Nga. Sau đó Yanukovich đã bị cảnh sát biên phòng chặn lại, khi định trốn ra ngoại quốc với một máy bay tư từ thành phố Donetsk quê của ông.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ tạm thời Arsen Avakov cho biết Yanukovich bị truy nã với tội chịu trách nhiệm cho cái chết của những người biểu tình. Khi trốn được đến Nga, ông xin chính quyền Nga bảo vệ cá nhân vì cảm thấy bị đe dọa và đã được chấp nhận. Hiện ông là công dân của liên bang Nga kể từ tháng 10-2014.

Tường Quyên (tổng hợp)
.
.