Đa cấp núp bóng đầu tư tài chính - “bẫy tiền” kiểu mới
Khốn đốn vì “click chuột”
Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết vừa ra quyết định truy nã đối với Phạm Thị Hiền (32 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH quảng cáo trực tuyến DDB về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Phạm Thị Hiền được coi là kẻ đóng vai trò quan trọng lôi kéo người tham gia vào hệ thống đa cấp lừa đảo kiểu mới dưới danh nghĩa huy động đầu tư tài chính, trong đó có dự án “click chuột ra tiền” đang làm khốn đốn hàng nghìn người ở nhiều địa phương trên toàn quốc.
Chị Nguyễn Thị T. - một bị hại tại Nghệ An - cho biết, khoảng tháng 9-2015, chị được nhân viên văn phòng Công ty DDB tại miền Trung mời đến giới thiệu tham gia đầu tư vào chương trình “click chuột”. Theo đó, khi tham gia gói 12 triệu đồng, chị được phát 1 chiếc USB của Công ty DDB.
Hằng ngày, nhiệm vụ của chị là dành khoảng 40 phút mở USB để click chuột vào các biểu tượng web hiển thị trên một chương trình có sẵn. Sau 1 năm, chị đã thu về hơn 17 triệu đồng cả vốn lẫn lãi. Nếu mua gói đầu tư nhiều hơn, số tiền lãi cũng cao hơn. Việc nhẹ, lãi suất cao, hằng ngày chỉ mất chút thời gian “bấm chuột”.
Đơn tố cáo của người bị hại. |
Công việc quá hấp dẫn nên chị T. tiếp tục tham gia chương trình quảng cáo cho nhà hàng Rocks của Công ty DDB có tên “Like&Share”. Theo đó, người tham gia chỉ cần vào trang hệ thống nhà hàng Rocks trên mạng xã hội, chia sẻ và bấm nút like các hình ảnh. Với 20 triệu đồng/gói đầu tư “Like&Share” thì người bấm chuột sẽ nhận được 1,8 triệu đồng/tháng.
Không có công việc nào nhẹ nhàng mà lại thu được tiền nhanh như vậy nên chị T. quyết định dốc hơn 700 triệu đồng tiết kiệm của gia đình ra đầu tư các gói “click chuột” của Công ty DDB. Nhưng tiền thu về chưa được là bao thì đùng một cái, đến tháng 2-2017, khi chị T. vào mạng của Công ty DDB để làm nhiệm vụ “click chuột ra tiền” nhưng không thể vào được. Màn hình chỉ hiện lên dòng chữ báo lỗi hệ thống.
Chị T. tìm hiểu, mới ngã ngửa khi biết dàn lãnh đạo Công ty DDB đã bỏ trốn. Bản thân các nhân viên văn phòng đại diện chỉ biết chuyển tiền thu được từ nhà đầu tư cho giám đốc công ty có trụ sở ở tận TP Hồ Chí Minh.
Theo cơ quan điều tra, kết quả điều tra ban đầu xác định, kẻ chủ mưu sáng lập ra hệ thống lừa đảo đa cấp này là Chang Chien Hsin (SN 1959, quốc tịch Đài Loan, tạm trú tại phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Năm 2008, Chang Chien Hsin thành lập Công ty CP hệ thống nhà hàng Rocks tại phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh, giữ chức tổng giám đốc.
Đến năm 2013, sau khi quen Phạm Thị Hiền, Chang Chien Hsin chỉ đạo Hiền thành lập thêm Công ty TNHH quảng cáo trực tuyến DDB (địa chỉ 47 Bàu Cát 1, phường 14, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) do Hiền đứng tên giám đốc. Từ tháng 10-2015, Chang Chien Hsin và Phạm Thị Hiền đã chỉ đạo nhân viên phát triển thị trường, tiếp thị, tư vấn cho các cá nhân tham gia góp vốn đầu tư vào 2 công ty trên theo mô hình đa cấp với 3 dự án: Nuôi trồng nấm Chương chi ở Đài Loan; quảng cáo trực tuyến (click chuột) và kinh doanh chuỗi nhà hàng Rocks bò bít tết, câu lạc bộ bia Việt Nam.
Ngoài ra, các đối tượng còn đưa ra 2 chương trình huy động vốn khác là Like&Share (chia sẻ hình ảnh) và chào mừng thần tài (nhân dịp tết).
Qua tìm hiểu từ những nạn nhân đã tham gia, được biết các dự án huy động tài chính đa cấp trên được “hợp pháp” bằng các hợp đồng. Hợp đồng thỏa thuận hỗ trợ viên: Thu tiền của người góp vốn cho Công ty DDB mua thiết bị click tối ưu hóa website, hưởng phí cho thuê thiết bị hằng tháng từ 3,5% đến 6%/tháng với 4 gói đầu tư: gói 12 triệu đồng lợi nhuận 420.000 đồng/tháng; gói 60 triệu đồng lợi nhuận 2,4 triệu đồng/tháng; gói 120 triệu đồng lợi nhuận 6 triệu đồng/tháng và gói 240 triệu đồng lợi nhuận 14,4 triệu đồng/tháng. Thời hạn thanh lý hợp đồng là sau 12 tháng.
Hợp đồng ủy quyền nuôi trồng nấm Chương chi có nội dung: Thu tiền của người góp vốn đầu tư hỗ trợ chi phí nuôi trồng Chương chi tại Đài Loan – Trung Quốc với kỹ thuật nuôi trồng nhân tạo tiên tiến nhất. Người góp vốn sẽ được hưởng lợi nhuận thành phẩm sản sinh từ việc nuôi trồng Chương chi, gồm 2 gói: Gói 6 tháng (mức góp vốn 25 triệu và 50 triệu) lợi nhuận 3%/tháng; Gói từ 1-4 năm với các mức: góp 100 triệu lợi nhuận 3 triệu đồng/tháng, 300 triệu lợi nhuận 10,5 triệu/tháng, 800 triệu lợi nhuận 36 triệu/tháng và 1,5 tỷ hưởng lợi nhuận 82,5 triệu/tháng.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh phục vụ dự án xây dựng và phát triển chuỗi nhà hàng Rocks gồm 4 gói đầu tư: 10 triệu hưởng lợi nhuận 200.000 đồng/tháng, 50 triệu hưởng 1 triệu/tháng, 100 triệu hưởng 2,5 triệu/tháng và 500 triệu hưởng 16,5 triệu/tháng.
Chương trình thần tài huy động tiền trong dịp tết Nguyên đán 2017 với mức huy động trong thời gian 3 tháng, tối thiểu từ 10 triệu đồng trở lên, hưởng lợi nhuận tháng thứ nhất 4,58%, tháng thứ hai hưởng 9,88%, tháng thứ ba hưởng 8,88%. Chương trình Like&Share có 10 mức đầu tư từ 20 đến 200 triệu đồng, hưởng lợi nhuận 9%/tháng, thời hạn 3 tháng.
Để phát triển hệ thống, Công ty DDB đưa ra chính sách mỗi người tham gia ký hợp đồng với công ty nếu giới thiệu thêm 1 người đầu tư mới sẽ được hưởng hoa hồng với mức từ 30-50% tiền lãi thực nhận của người tuyến dưới, tùy theo gói đầu tư của người tham gia.
Bước đầu, cơ quan điều tra làm rõ, trên địa bàn Hà Nội, từ ngày 31-10-2015 đến tháng 9-2016, Phạm Thị Hiền thuê địa chỉ tại khách sạn Thể Thao trên phố Lê Văn Thiêm (phường Nhân Chính, Thanh Xuân) mở văn phòng đại diện, kêu gọi người chơi góp vốn. Từ tháng 9-2016 đến tháng 1-2017, Hiền thuê thêm 1 biệt thự ở khu Trung Yên (phường Yên Hòa) kinh doanh nhà hàng Rocks, đồng thời là văn phòng giao dịch Công ty DDB.
Các nhân viên sau khi thu tiền của người đầu tư góp vốn sẽ chuyển vào tài khoản cho Phạm Thị Hiền. Trong số 190 tỷ đồng mà các nhân viên khai đã chuyển cho Hiền, cơ quan điều tra đã ghi lời khai của 49 người bị hại trên địa bàn Hà Nội với số tiền bị chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng.
Tại Nghệ An, từ tháng 12-2015, Phạm Thị Hiền ký hợp đồng thuê tòa nhà Viettel (đại lộ Lenin, TP Vinh) mở văn phòng đại diện Công ty DDB, sau đó đến tháng 11-2016 chuyển về địa chỉ số 21, 23 đại lộ Lenin. Tại đây, Hiền đồng thời mở nhà hàng Rocks kinh doanh.
Mỗi tháng, tại thị trường Vinh thu được khoảng 10 tỷ đồng từ nhà đầu tư. Còn Phạm Thị Hiền và Chang Chien Hsin hoạt động chính ở trụ sở Công ty DDB tại TP Hồ Chí Minh, tổ chức thu tiền của các nhà đầu tư gửi vào Công ty DDB từ các thị trường Hà Nội, Vinh và TP Hồ Chí Minh.
Sau khi nhận tiền của các nhà đầu tư, Chang Chien Hsin đã xuất cảnh khỏi Việt Nam từ ngày 28-1-2017 đến nay chưa thấy quay trở lại. Còn Phạm Thị Hiền cũng bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định truy nã đối với Phạm Thị Hiền.
Tiếp xúc với những bị hại, chúng tôi đã đặt câu hỏi họ có biết gì về các dự án đã bỏ hàng trăm triệu đồng để đầu tư vào? Tất cả đều cho biết họ chỉ nghe qua những lời quảng cáo, giảng bài của các nhân viên tư vấn Công ty DDB rằng công ty này làm ăn đàng hoàng, hoạt động rất tốt.
Đối tượng Phạm Thị Hiền và quyết định truy nã. |
Như dự án nuôi trồng Chương chi, thực chất nhà đầu tư chưa từng nhìn thấy loại nấm này bao giờ, chỉ nghe nhân viên giảng giải đây là loại nấm quý, có tác dụng “chữa bách bệnh”, Thực tế cũng chưa ai được sang Đài Loan để kiểm tra xem dự án này có thật hay không.
Tuy nhiên, với hệ thống nhà hàng Rocks tại Hà Nội, Vinh và TP Hồ Chí Minh, do các đối tượng chọn thuê địa điểm ở những vị trí đắc địa, đầu tư hoành tráng nên đã khiến các nhà đầu tư bị choáng ngợp. Thế nhưng không ai biết rằng hệ thống nhà hàng trên cũng chỉ là vỏ bọc để các đối tượng thực hiện kế hoạch lừa đảo. Sau khi nhận đơn tố cáo của người bị hại, cơ quan điều tra tiến hành xác minh cho thấy hệ thống nhà hàng Rocks bắt đầu hoạt động từ tháng 8-2016 với số tiền đầu tư là gần 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh tại 3 thị trường đều thua lỗ khi tổng doanh thu từ tháng 8-2016 đến tháng 2-2017 chỉ đạt 836 triệu đồng. Sau khi Chang Chien Hsin và Phạm Thị Hiền bỏ trốn, cả 3 nhà hàng trong hệ thống đều đóng cửa, trả lại mặt bằng cho chủ nhà. Tài khoản ngân hàng của Phạm Thị Hiền, Công ty DDB và Công ty CP nhà hàng Rocks đều sạch trơn, không còn một đồng nào.
Cảnh báo xu hướng đa cấp lừa đảo dạng đầu tư tài chính
Vụ việc Công ty DDB hoạt động đa cấp biến tướng dưới dạng hợp đồng đầu tư tài chính là một ví dụ điển hình cho sự biến hóa khôn lường của các đối tượng lừa đảo đội lốt đa cấp. Sau khi các mô hình kinh doanh đa cấp truyền thống (có hàng hóa thật) đã trở nên lỗi thời khi không còn thu hút người tham gia, các đối tượng đã lợi dụng sự đa dạng của các hình thức đầu tư tài chính trên thị trường để lừa gạt những người nhẹ dạ bằng cái bẫy lãi suất cao.
Thực tế trong thời gian qua, Cơ quan công an đã điều tra, xử lý nhiều vụ việc lừa đảo đa cấp núp bóng huy động tài chính qua mạng. Điển hình như tháng 10-2016, Cục C50 Bộ Công an đã bắt giữ Trần Văn Hạnh (ở Phú Thọ) và Phạm Văn Trường (ở Quảng Ninh) lập website gold889xxx lôi kéo nhà đầu tư tham gia dưới dạng “cho-nhận”.
Người chơi sau khi mua mã pin với giá 150.000 đồng sẽ bắt đầu quy trình cho-nhận tiền theo hướng dẫn trên website. Đến đầu tháng 10-2016, khi số tiền đã lớn, các đối tượng đánh sập website và xóa toàn bộ dữ liệu của khoảng 1.000 khách hàng tham gia.
Thượng tá Mai Trọng Thắng, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT (PC46) Công an TP Hà Nội cảnh báo, xu thế các công ty hoạt động đa cấp biến tướng biến đổi các công ty đầu tư tài chính không còn nằm trong lãnh thổ Việt Nam mà sẽ là các công ty liên quốc gia, hoặc công ty “mẹ” ở nước ngoài, chỉ đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam. Để thu hút nhà đầu tư, các công ty này sẽ “vẽ” ra các mô hình kinh doanh, những sản phẩm “ảo” để huy động tài chính thông qua đội quân cộng tác viên làm nhiệm vụ lôi kéo người tham gia.
Thông thường, các hình thức lừa đảo đầu tư tài chính tại Việt Nam thường gắn kết với một đường dây kinh doanh đa cấp biến tướng. Các nạn nhân sẽ bị dẫn dụ vào con đường làm giàu với các hình thức đầu tư mới, tiên tiến, như đầu tư tài chính qua mạng, sàn vàng, đầu tư tiền điện tử, thương mại điện tử... và có thể là những dự án khai thác mỏ, khoáng sản “ảo”.
Điều nguy hiểm là hiện nay, mô hình đa cấp biến tướng lừa đảo đã tạo ra trong xã hội một lớp người chuyên làm công việc tuyên truyền, vận động những người dân nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, ham lãi suất cao... tham gia vào mạng lưới đa cấp. Thực tế đây những người được gọi là “cộng tác viên” này đã giúp sức tích cực cho các đối tượng lừa đảo thu tiền của nhà đầu tư, tuy nhiên do chính họ cũng tham gia đầu tư nên đồng thời lại là nạn nhân.
Bên cạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa cho người dân thì cơ quan quản lý cần rà soát hệ thống văn bản pháp quy có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh đa cấp, chấn chỉnh việc cấp phép, nếu cần thiết thì phải ra văn bản mới phù hợp với tình hình thực tế. Kể cả đối với các doanh nghiệp được phép kinh doanh đa cấp tự xin dừng hoạt động, cơ quan chức năng cần có tác động cần thiết để giải quyết trách nhiệm với những người tham gia, tránh tình trạng sau khi thu tiền của nhà đầu tư, công ty tuyên bố “giải thể”.
Thông báo Ai là bị hại của Phạm Thị Hiền, hoặc biết thông tin đối tượng Hiền đang ở đâu, đề nghị thông báo ngay cho Cơ quan công an, gặp điều tra viên Nguyễn Hùng Cường, Đội 10 PC46 Công an Hà Nội. Điện thoại: 0982863333. |