Đã đến lúc cần có một cơ quan tình báo chung cho EU?

Thứ Năm, 21/05/2009, 16:45
Nhu cầu về việc thành lập một cơ quan tình báo thống nhất trong thành phần Liên minh châu Âu (EU) đã từng được nhắc tới trong Hiệp ước Maastricht năm 1992. Tuy nhiên, phải đến những năm 90 thế kỷ XX, châu Âu mới chính thức bắt tay vào thảo luận những vấn đề về việc xây dựng một chính sách và các cơ cấu tình báo thống nhất giúp cho việc thực thi những sứ mạng chung của toàn liên minh.

Ý tưởng này giờ đây đã bước sang một giai đoạn mới khi nhiều quốc gia trong EU, đứng đầu là Pháp, đã xúc tiến tích cực hơn với mục tiêu nhằm chống lại vị thế gần như độc quyền của Mỹ trong lĩnh vực này...

Cho đến sau cuộc chiến Nam Tư năm 1999, EU mới nhận thức rõ rằng, việc thu thập, xử lý và phân tích thông tin trong chiến dịch mà họ tham gia chủ yếu do các cơ quan tình báo Mỹ đảm trách. Chưa kể vai trò điều hành phân phối những thông tin trên cũng thuộc về LOCE - một mạng lưới đặc biệt của tình báo Mỹ tại châu Âu. Chính từ thời điểm đó, giới lãnh đạo EU bắt đầu cho thấy quyết tâm khắc phục tình trạng lạc hậu so với Mỹ trong lĩnh vực này.

Điều này tất nhiên không có nghĩa EU từ chối tiếp nhận những thông tin tình báo của Mỹ. Nếu như Mỹ là nguồn cung cấp thông tin tình báo chính tại NATO, thì EU vẫn muốn có những nguồn tin độc lập và tin cậy riêng của mình.

Cơ cấu hợp tác ban đầu

Trên thực tế đã tồn tại không ít những cơ cấu hợp tác chung tại châu Âu về an ninh nói chung. Chẳng hạn như ngay từ những năm 70-80 của thế kỷ trước tại châu Âu đã hình thành một số nhóm hợp tác an ninh chuyên ngành, nổi tiếng nhất trong đó là nhóm Trevi (Terrorisme, Radicalisme, Extremisme et Violence Internationale - Nhóm hợp tác quốc tế chống khủng bố, cấp tiến, cực đoan và bạo lực) thành lập từ năm 1975. Thành phần của nhóm này bao gồm các bộ trưởng Tư pháp và An ninh nội địa của một loạt nước châu Âu. Sau khi Hiệp ước Maastricht được ký kết, nhóm này chuyển sang quy chế hoạt động thường trực và đổi tên thành Europol.

Một nhóm không kém phần nổi tiếng khác là "Bern Club" được thành lập vào năm 1971 với vai trò phối hợp hoạt động liên quốc gia chống lại các tổ chức khủng bố như IRA tại Anh, ETA tại Tây Ban Nha, tổ chức "Quân đội cách mạng Bretagne" tại Pháp, "Phong trào cách mạng 17/11" tại Hy Lạp và "Lữ đoàn đỏ" tại Italia v.v...

Liên quan đến lĩnh vực này còn phải kể tới "Kilowatt Group" thành lập năm 1977 với những cơ quan mật vụ của 15 nước: các thành viên EU, Canada, Nauy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Mỹ (CIA và FBI) và Israel (Mossad và ShinBet). Nhóm này chủ yếu hợp tác với nhau dưới hình thức trao đổi thông tin về khủng bố.

Năm 1982, theo sáng kiến của Pháp còn thành lập "Liên kết Bộ trưởng Nội vụ các quốc gia tây Địa Trung Hải" để đấu tranh chống các phần tử Hồi giáo cực đoan và tội phạm có tổ chức.

Tuy nhiên, những kế hoạch hợp tác trao đổi thông tin tình báo chỉ được nhắc tới một cách nghiêm túc vào năm 1999 tại Cologne, vào đúng thời điểm cao trào trong chiến dịch của NATO tại Kosovo. Nguyên thủ các nước trong EU đã thống nhất thỏa thuận về việc thành lập các nguồn thông tin tình báo độc lập để có thể phản ứng hữu hiệu trước những cuộc khủng hoảng quốc tế.

Để thực thi Hiệp ước Cologne, lãnh đạo các nước EU đã ra quyết định thành lập một loạt các cơ cấu liên quan đến tình báo như Trung tâm Phân tích tình hình (Situation Center), Trung tâm Do thám vũ trụ (Satellite Center) hay Viện Nghiên cứu về các vấn đề an ninh (Institute for Security Studies) v.v...

Hiện trong khuôn khổ chung của EU có 4 cơ quan chính đảm trách các hoạt động tình báo. Thứ nhất là Europol với vai trò hỗ trợ và trao đổi thông tin về cuộc chiến chống khủng bố, buôn ma túy, nhập cư trái phép, rửa tiền và một số hình thức tội phạm nghiêm trọng khác. Thứ hai là Cục Tình báo thuộc Bộ Tham mưu quân sự có vai trò cảnh báo sớm những tình huống khủng hoảng có thể nảy sinh, đánh giá tình hình tại những khu vực có nhiều quyền lợi của EU v.v...

Cuối cùng là trung tâm Tình báo vũ trụ tại Torrejon bắt đầu hoạt động từ năm 1997, phối hợp thông tin từ các nguồn tình báo vũ trụ của các quốc gia thành viên.

Những vấn đề cản trở

Theo đánh giá, trở ngại hàng đầu cho tiến trình tích hợp và liên kết chặt chẽ hơn giữa cơ quan tình báo của các nước thành viên EU chính là quan điểm cố hữu không muốn chia sẻ thông tin. Thực tế cho thấy, việc thu thập và phân tích thông tin chung của EU mới chỉ được triển khai một cách đúng nghĩa tại  Trung tâm Tình báo vũ trụ Torrejon.

Một nguyên nhân quan trọng khác đang ngăn cản tương lai về hệ thống tình báo chung của EU chính là mối quan hệ quá chặt chẽ giữa Washington và London. Bản thân nước Anh cũng tỏ ra lạnh nhạt trong việc đầu tư tài chính cho hệ thống tình báo vũ trụ chung của EU, cũng như cả nghĩa vụ cung cấp thông tin tình báo cho các thành viên trong liên minh này. Chưa kể một loạt quốc gia khác không muốn đánh mất những đặc quyền từ những thỏa thuận song phương với Mỹ về việc cung cấp thông tin tình báo. Cuối cùng, còn một loạt cơ quan tình báo của các nước lớn trong EU vẫn chưa nhìn ra những lợi ích đáng kể nào từ một mối hợp tác rộng mở hơn với những quốc gia nhỏ khác trong khối.

Với việc tuyên bố quay trở lại với Bộ chỉ huy quân sự NATO, Paris đang bày tỏ tham vọng quay trở lại với những vị trí ảnh hưởng hàng đầu trên trường quốc tế. Việc vận động thành lập được một cơ quan tình báo chung của EU chắc chắn sẽ là một bước đi quan trọng của Paris trong xu hướng này

Thái Quân (tổng hợp)
.
.