Đặc nhiệm Mỹ - Hàn đã vào CHDCND Triều Tiên?

Thứ Tư, 25/07/2012, 10:35

Một cuộc tranh cãi đang diễn ra giữa Bộ Quốc phòng Mỹ, tờ báo The Diplomat của Nhật Bản và tác giả bài báo David Axe xung quanh thông tin về việc quân đội Mỹ và Hàn Quốc tung đặc nhiệm vào bên trong lãnh thổ CHDCND Triều Tiên để do thám một hệ thống địa đạo gần biên giới 2 miền. Thực hư việc này ra sao? Có phải đặc nhiệm Mỹ-Hàn đã thật sự vào bên trong lãnh thổ CHDCND Triều Tiên hay chỉ là tuyên bố "tung hỏa mù" của một vị tướng?

Câu chuyện về "đặc nhiệm Mỹ - Hàn vào CHDCND Triều Tiên" bắt nguồn từ bài báo của nhà báo David Axe - cây bút chuyên viết về quân sự, có bài đăng trên rất nhiều tờ báo, chủ yếu là tờ Wire và The Diplomat, sau đó là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Bài báo châm ngòi tranh cãi của Axe xuất hiện trên tờ The Diplomat số ra ngày 24/5/2012, một ngày sau khi ông tham dự một hội nghị chuyên đề về lực lượng đặc nhiệm của Mỹ tổ chức tại thành phố Tampa, bang Florida, ngày 23/5. Đây là hội nghị do các nhà thầu tư nhân về quân sự, tình báo, an ninh đứng ra tổ chức.

Trong hội nghị có một tham luận của vị tướng chỉ huy các lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Hàn Quốc, Chuẩn tướng Neil H. Tolley, đề cập đến CHDCND Triều Tiên và các hoạt động quân sự của nước này, trong đó quân đội Mỹ và Hàn Quốc đang rất lo ngại khả năng bị tập kích bất ngờ từ bên kia biên giới.

Theo bài báo của Axe, tướng Tolley đã phát biểu tại hội nghị rằng, Mỹ và Hàn Quốc "nghi ngờ" CHDCND Triều Tiên đã đào một hệ thống địa đạo chằng chịt ở khu vực gần biên giới 2 miền, thậm chí có cả một hệ thống 4 địa đạo ngầm bên dưới vùng phi quân sự (DMZ) ở Bàn Môn Điếm. Theo tướng Tolley, các hệ thống ngầm còn có cả 20 sân bay bán lộ thiên cùng một số hệ thống chứa pháo cao xạ.

Trong hơn 50 năm qua, người Mỹ và Hàn Quốc biết rất ít về cái gọi là các hệ thống địa đạo này, chúng cấu tạo như thế nào, dài bao nhiêu, được bố trí ở những vị trí nào? Tướng Tolley nói, "toàn bộ hệ thống địa đạo này hoàn toàn khuất tầm quan sát của vệ tinh của chúng tôi". Vì thế, theo tướng Tolley, đặc nhiệm Mỹ - Hàn được "nhảy dù" sang "miền Bắc" để thực hiện nhiệm vụ do thám đặc biệt. Các biệt kích này được trang bị những trang thiết bị tối thiểu phục vụ công tác dò tìm, khảo sát địa chất… nói chung là hành trang đơn giản tối thiểu để tránh sự phát hiện của an ninh CHDCND Triều Tiên.

Ngày 28/5/2012, sau khi bài báo trên The Diplomat được các hãng tin, đài, báo trên toàn thế giới đăng, phát lại, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra thông báo cải chính, bác bỏ hoàn toàn những tuyên bố của tướng Tolley trên báo, cho rằng câu chuyện về các địa đạo và chiến dịch tung biệt kích Mỹ - Hàn của tướng Tolley là do nhà báo Axe "dựng chuyện" để câu khách.

Vậy nhà báo Axe đã dựng chuyện thật sao? Một số nhà phân tích nhìn nhận vấn đề theo khía cạnh chính trị - quân sự và rút ra kết luận rằng, rất có thể phát biểu của tướng Tolley bị nhà báo Axe hiểu sai, nghe "ba chớp ba nhoáng" rồi phăng ra (điều này khó xảy ra với một nhà báo kỳ cựu như Axe) như thế, chứ thực chất có thể tướng Tolley chỉ nói đến kế hoạch quân sự trong tương lai để ngăn chặn những hành động "gây hấn" của CHDCND Triều Tiên. Trên trang blog cá nhân, nhà báo Axe đã tỏ ra không chắc chắn lắm về tính xác thực của thông tin. Nhưng chắc chắn Axe không bịa chuyện.

Trong quá khứ, quân đội Mỹ - Hàn từng có kế hoạch nhảy dù vào lãnh thổ CHDCND Triều Tiên.

Bản thân tướng Tolley, trong một phát biểu trước báo chí, đã khẳng định rằng "hiện tại, hoàn toàn không có người lính đặc nhiệm nào vào lãnh thổ CHDCND Triều Tiên". Nhưng tướng Tolley không phủ nhận việc biệt kích Mỹ - Hàn từng được triển khai vào lãnh thổ CHDCND Triều Tiên trong quá khứ. Các hồ sơ mật (được trích dẫn trên trang web timshorrock.com) đã trích dẫn một báo cáo bí mật của Tình báo quân đội Mỹ (DIA) vào năm 1982 trong đó mô tả chi tiết một kế hoạch triển khai biệt kích Hàn Quốc lên phía bắc bán đảo Triều Tiên, nhưng không nêu rõ là kế hoạch đã được triển khai hay không.

Theo kế hoạch đó thì 2 lữ đoàn biệt kích sẽ "cắm chốt" ở khu vực miền Bắc của CHDCND Triều Tiên, gần biên giới với vùng Mãn Châu của Trung Quốc. Tổng cộng có ít nhất 6 lữ đoàn biệt kích Hàn Quốc dự kiến được triển khai vào lãnh thổ CHDCND Triều Tiên trong giai đoạn 1979-1982. 2 lữ đoàn biệt kích cắm chốt gần biên giới Mãn Châu là Lữ đoàn 11 và Lữ đoàn 13; Lữ đoàn 7 đóng ở miền duyên hải phía đông, Lữ đoàn 9 đóng chốt tại khu vực Bình Nhưỡng, còn Lữ đoàn 1 và Lữ đoàn 3 thì canh giữ vùng DMZ - Bàn Môn Điếm.

Kế hoạch tung biệt kích này được vạch ra thời chế độ độc tài quân phiệt của tướng Park Chung-hee, và sau đó tiếp tục được triển khai bởi Chun Doo-hwan. Thời đó, các sư đoàn, lữ đoàn quân sự Hàn Quốc chủ yếu được triển khai về Seoul và các thành phố Kwangju và Chongju để đàn áp phong trào sinh viên biểu tình chống chế độ độc tài quân phiệt. Và một phần trong các cánh quân này dự kiến được đưa sang CHDCND Triều Tiên.

Tuy nhiên, khi kế hoạch chưa được triển khai trên thực tế thì thời cuộc thay đổi. Các chế độ chính trị sau này của Hàn Quốc không còn mặn mà với việc tung biệt kích sang lãnh thổ "miền Bắc" nữa mà chủ yếu tập trung vào phát triển kinh tế, dùng chính trị, ngoại giao để "đấu" với Bình Nhưỡng. Có lẽ trong phát biểu của mình tại Hội nghị Tampa, tướng Tolley đã nhắc lại kế hoạch quân sự này và đã bị nhà báo Axe diễn dịch sai thành chiến dịch tung biệt kích mới vào CHDCND Triều Tiên chăng?

Cho dù thế nào thì giới phân tích cảnh báo rằng, câu chuyện lùm xùm xung quanh phát biểu của  tướng Tolley về các hoạt động quân sự cũng đã vô tình tạo ra một cơ hội cho CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng sẽ chộp lấy sự việc này để làm bằng chứng tố cáo thái độ hung hăng, gây hấn của Mỹ, một minh chứng, một lý do để CHDCND Triều Tiên tuyên bố quyết theo đuổi chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân, chế tạo tên lửa,… Và điều này đã được Bình Nhưỡng thông báo vào hạ tuần tháng 5/2012

Tiểu Khang (tổng hợp)
.
.