Đặc nhiệm chống tội phạm khai thác trẻ em trên Internet

Thứ Ba, 19/09/2017, 21:54
Một học sinh nam đến cảnh sát trình báo vụ việc video clip nhạy cảm giữa cậu với người phụ nữ xinh đẹp quen trên mạng xã hội bị kẻ xấu tung lên Internet. Điều tra cho thấy cậu học sinh là nạn nhân của một nhóm người đàn ông giả gái nhằm làm quen những người trẻ tuổi háo sắc rồi đánh cắp những hình ảnh nhạy cảm và cuối cùng tống tiền nạn nhân.

Một cuộc điều tra do Đặc nhiệm chống tội phạm khai thác trẻ em trên Internet (TICAC) của Thái Lan phát hiện hơn 100 video clip nhạy cảm bị đánh cắp và con số nạn nhân lên đến hàng trăm người, trong đó chủ yếu là thiếu niên.

Trách nhiệm nặng nề của TICAC

Trong thời đại kinh tế và xã hội số hóa hiện nay, loại tội phạm khai thác trẻ em diễn ra trên môi trường Internet cực kỳ phức tạp - theo tướng Tamasak Wicharaya, lãnh đạo TICAC và Phó tổng thanh tra lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan (RTP). Mỗi năm, TICAC dò tìm phát hiện khoảng 50.000 hình ảnh khiêu dâm trẻ em lưu thông trên Internet.

Ngày 8-12-2015, chính quyền Thái Lan sửa đổi luật hình sự quy định mức án phạt nặng hơn đối với tội sở hữu hình ảnh khiêu dâm trẻ em cũng như tội truyền bá hay phát tán chúng trên Internet: Mức tù giam 5 năm và khoản tiền phạt 100.000 baht đối với tội sử dụng cho cá nhân, 7 năm và 140.000 baht cho tội sử dụng hình ảnh khiêu dâm với mục đích thương mại.

Từ trái qua: Eric McLouglin, Tướng Tamasak Wicharaya và John Schachnovsky.

Một tháng sau đó, TICAC được thành lập để thi hành nhiệm vụ điều tra tội phạm khai thác trẻ em trên Internet, với sự hỗ trợ từ Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm an ninh quốc gia Prawit Wongsuwon và nhân viên Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) làm việc trong Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Cuối tháng 6-2017, TICAC nhận được một số mật báo và đơn trình báo về 129 vụ, trong đó 36 vụ đang trong vòng điều tra chính thức. Trong số các vụ việc, nhiều nhất là những vụ liên quan đến hình ảnh khiêu dâm trẻ em (67%) và sau đó đến những vụ xâm hại tình dục trẻ em và buôn người. Khoảng một phần tư trong tổng số vụ án đã có kết luận điều tra từ TICAC. Trong số 35 nghi can có 29 người bị bắt giữ, 5 người nước ngoài bị trục xuất về nước và 1 người bị tuyên mức án tù treo.

Bọn tội phạm sử dụng hình ảnh khiêu dâm với mục đích tống tiền và buộc nạn nhân phải làm mọi thứ theo lệnh của chúng. Ngoài ra, hình ảnh khiêu dâm có thể dẫn đến tội phạm quấy rối tình dục và cưỡng dâm. Trong số những vụ án được TICAC điều tra, nạn nhân trẻ nhất chỉ mới lên 4 tuổi, là người dân tộc thiểu số ở thành phố Chiang Mai.

Đặc biệt chú ý đến những du khách người nước ngoài từng có tiền án về tội xâm hại tình dục trẻ em hay xem và sản xuất hình ảnh khiêu dâm trẻ em, TICAC lập tức giám sát chặt chẽ các đối tượng đặc biệt này sau khi nhận được cảnh báo từ các cơ quan nước ngoài như Trung tâm Quốc gia về Người mất tích và Trẻ em bị Khai thác (NCMEC) - tổ chức phi lợi nhuận đặt trụ sở tại Mỹ.

Nếu phát hiện các đối tượng có hành vi tải hình ảnh khiêu dâm trẻ em trên Internet, TICAC sẽ nhanh chóng xin lệnh từ tòa án để khám xét nhà đối tượng cũng như kiểm tra điện thoại di động và máy tính cá nhân nhằm thu thập bằng chứng buộc tội.

Nhân viên TICAC kiểm tra thường xuyên mạng xã hội và tin tức trên Internet để nhanh chóng phát hiện những mối đe dọa cho trẻ em.

Tướng Tamasak Wicharaya báo cáo: "Một số đối tượng người nước ngoài giả vờ như những người đàng hoàng tử tế để dụ dỗ trẻ em. Sau khi bẫy được con mồi, bọn chúng sẽ tìm cơ hội để xâm hại tình dục và ghi hình nạn nhân. Cuối cùng những hình ảnh nhạy cảm được sử dụng làm công cụ đe dọa".

Tuy nhiên, TICAC cũng có trách nhiệm giám sát bảo vệ những trẻ vị thành niên dễ bị thương tổn. Tướng Tamasak Wicharaya phát biểu với báo chí: "Trẻ em xuất thân từ những gia đình nghèo khó hay có cha mẹ ly hôn dễ bị kẻ xấu tấn công nhất. Sau khi trở thành nạn nhân của bọn tội phạm, số trẻ này khó quay lại cuộc sống bình thường trong xã hội và chúng có nguy cơ bị lạm dụng lần nữa".

Những đứa trẻ nghèo khó cũng thường dễ bị lôi kéo vào con đường mại dâm và bằng chứng là TICAC đã phát hiện rất nhiều vụ như thế. Những đứa trẻ có mẹ ly hôn thường đối mặt với nguy cơ cao khi thường xuyên ở một mình với cha dượng và nếu xảy ra xâm hại tình dục thì chúng không dám tố cáo do bị đe dọa. Eric McLouglin, quan chức DHS từ Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok báo cáo, loại tội phạm liên quan đến tình dục có tỷ lệ tái phạm tội cao hơn các loại tội phạm khác. Thông tin chia sẻ từ các cơ quan an ninh nước ngoài cũng giúp TICAC điều tra tội phạm hiệu quả hơn.

Ví dụ vào năm 2016, 26 người Mỹ có tiền án xâm hại tình dục trẻ em bị cấm du lịch vào Thái Lan. Tướng Tamasak bình luận: "Tội phạm buôn người, nhất là liên quan đến trẻ em, là loại tội phạm nghiêm trọng nhất. Cộng đồng có quyền biết đối tượng nào là kẻ xấu. Chúng tôi muốn gửi thông điệp mạnh mẽ - Thái Lan không còn là thiên đường an toàn cho bọn tội phạm nữa".

Sự hợp tác quốc tế, vai trò của các tổ chức phi chính phủ (NGO)

Trong số những cuộc điều tra được TICAC kết luận, 68% số vụ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ đối tác nước ngoài và NGO cung cấp thông tin cụ thể. HSI - Bộ phận điều tra đặc biệt của DHS - và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cam kết hỗ trợ toàn diện cho TICAC trong việc bắt giữ và truy tố những người Mỹ phạm tội ở Thái Lan.

Wirawan "Boom" Mosby.

Đại diện FBI ở Thái Lan John Schachnovsky cho biết, trong thời gian qua, 8 người Mỹ bị truy tố ở Thái Lan và sau đó vài người bị trục xuất về Mỹ để thụ án. John Schachnovsky nhận định cuộc chiến chống tội phạm khai thác hình ảnh khiêu dâm trẻ em của TICAC cần sự hợp tác đa phương từ trong nước lẫn nước  ngoài - bao gồm cơ quan hành pháp, nhân viên xã hội, NGO cũng như các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.

Theo Schachnovsky, cách đây nhiều năm cảnh sát Thái Lan và giới NGO không muốn hợp tác với nhau nhưng tình hình hiện nay đã khác trước: hai bên rất cần bắt tay nhau để lôi bọn tội phạm ra trước tòa án và bảo vệ người dân vô tội.

Wirawan "Boom" Mosby, nữ giám đốc dự án "Hy vọng, Thấu hiểu và Vị tha" (HUG) ở Chiang Mai, đang là thành viên tích cực của TICAC. Ngoài sự hợp tác điều tra với TICAC, Wirawan Mosby còn giúp đỡ những trẻ em nạn nhân của tội phạm buôn người và xâm hại tình dục. Mosby cũng là người đi đầu trong việc mở cửa Trung tâm bảo trợ trẻ em Thái Lan (ACT House) - loại hình hoạt động từ thiện đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á - có chi nhánh ở Pattaya và Phuket.

Nhân viên TICAC khám xét máy tính của Douglas Wayne Canete, 68 tuổi, người Mỹ (ngồi giữa) ở Chiang Mai - bị buộc tội sở hữu hình ảnh khiêu dâm trẻ em.

Mosby trả lời phỏng vấn của tờ Bangkok Post: "Để tiến bộ hơn nữa, chúng tôi cần phải giáo dục và huấn luyện nhân lực xử lý vấn đề tội phạm khai thác trẻ em. Định kiến và quan điểm lệch lạc cần được thay thế bằng sự thấu cảm. Chúng tôi cần những người có trách nhiệm với các nạn nhân nhỏ tuổi của tội phạm xâm hại tình dục và bạo lực trong gia đình.

Điều cốt yếu là hành động chớ không phải định kiến". Thông tin từ chính nạn nhân là yếu tố then chốt để dẫn đến cuộc điều tra. Tuy nhiên, bà Mosby thừa nhận việc có được nguồn thông tin như thế không là điều dễ dàng. Crystal Gregory, chuyên gia phỏng vấn điều tra ở HSI, phát biểu: "Chúng tôi cần toàn bộ câu chuyện từ nạn nhân chứ không từ chúng tôi. Nhưng rất khó để hỏi han cặn kẽ những nạn nhân nhỏ tuổi".

Vào giữa tháng 7-2017, FBI và HIS cũng như Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok phối hợp tổ chức khóa huấn luyện đặc biệt về kỹ thuật phỏng vấn thẩm tra bằng chứng từ các nạn nhân nhỏ tuổi và nhân chứng cho TICAC, kể cả một số NGO bao gồm: HUG ở Chiang Mai, A21 ở Pattaya và tổ chức Quốc tế vì Tự do (FFI) ở Phuket.

Crystal Gregory cho biết, những học viên tham dự khóa huấn luyện được truyền dạy những kỹ thuật trò chuyện với nạn nhân của bọn tội phạm (buôn người, khai thác trẻ em và cưỡng bức lao động) để tạo cảm giác an toàn cho họ và bảo đảm họ không cảm thấy bị thương tổn trong suốt quá trình phỏng vấn. Theo quan chức DHS Eric McLouglin, cuộc phỏng vấn nạn nhân của tội phạm tình dục bị thất bại dẫn đến nguy cơ không truy tố được hung thủ và có thể phá hủy cuộc sống của nạn nhân nhỏ tuổi.

Bút chì màu và giấy được chuẩn bị sẵn cho trẻ em nạn nhân thư giãn trước khi bước vào cuộc phỏng vấn điều tra.

Đối với Schachnovsky, cuộc phỏng vấn phải được tiến hành trong môi trường thân thiện và cảnh sát tuyệt đối không được lảng vảng xung quanh gây cảm giác sợ hãi. Do đó, các trung tâm bảo trợ trẻ em (hiện có tại Chiang Mai, Pattaya và Phuket ở Thái Lan) được chọn làm môi trường thích hợp và thân thiện để phỏng vấn trẻ em nạn nhân hơn là bên trong cơ quan cảnh sát.

Trong khi đó, các nhà điều tra dễ dàng theo dõi người phỏng vấn và nạn nhân từ một căn phòng khác thông qua đường truyền video. Schachnovsky phát biểu: "Chúng tôi phải chắc chắn rằng nạn nhân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường trong xã hội. Do dó, mỗi một giai đoạn trong cuộc phỏng vấn phải được nghiên cứu kỹ lưỡng từ trước đó. Nếu cuộc phỏng vấn thất bại, nạn nhân có nguy cơ bị tội phạm tấn công lần nữa".

Tướng Tamasak báo cáo TICAC hoạt động khá hiệu quả trong thời gian qua đồng thời hy vọng sự hợp tác của các NGO sẽ giúp tạo dựng thêm nhiều trung tâm bảo trợ trẻ em ở một số địa phương khác trong tương lai gần như là: Bangkok, Nakhon Ratchasima, Khon Kaen, Nakhon Pathom và Songkhla. Hiện nay, TICAC quy tụ 40 sĩ quan điều tra dạn dày kinh nghiệm từ RTP. Dự kiến trong thời gian sắp tới TICAC sẽ tuyển mộ thêm 130 người nữa.

Diên San (tổng hợp)
.
.