Đằng sau cái chết của một cựu tình báo Nga
- Xác định hơn 200 nhân chứng vụ đầu độc cựu điệp viên Nga
- Anh điều 180 sĩ quan quân đội vào cuộc vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc
Có phải cựu đại tá tình báo bị đầu độc?
Cảnh sát Anh hiện đang cố gắng xác định loại chất lạ khiến cho Sergei Skripal, người được phép cư trú tại Anh năm 2010 trong một cuộc "trao đổi gián điệp" và con gái ông này là Yulia 33 tuổi bị bất tỉnh là chất gì. Trợ lý cảnh sát Mark Rowley, người đứng đầu cơ quan chống khủng bố tại Anh, cho biết vụ việc này sẽ trở thành một cuộc điều tra chống khủng bố "nếu cần thiết".
Cựu điệp viên hai mang của Nga Sergei Skripal và con gái. Ảnh: Tòa án Quân đội Moscow. |
Trao đổi với chương trình Today của đài BBC, ông nói rằng: "Đây là một trường hợp rất bất thường, và điều quan trọng nhất là phải tìm ra được nguyên nhân của nó nhanh nhất có thể".
Skripal từng là đại tá phục vụ trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU). Ông này bị bắt vào năm 2004 và kết án 13 năm tù vào năm 2006 vì tội hoạt động gián điệp cho Anh. Theo truyền thông Nga, Skripal đã nhận của tình báo Anh 100.000 USD vì “công trạng” cung cấp cho Anh thông tin về các điệp viên của GRU đang hoạt động ở các quốc gia châu Âu thời kỳ đó.
Đến tháng 7-2010, Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev đã chính thức ký lệnh trả tự do cho Skripal. Đây là một phần trong thỏa thuận trao đổi điệp viên giữa Nga và Mỹ, theo đó, Nga trả tự do cho 4 điệp viên để đổi lại 10 điệp viên của mình bị an ninh Mỹ bắt giữ và buộc tội. Đây là một trong những vụ trao đổi điệp viên lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Vụ trao đổi diễn ra tại sân bay Vienna. Một trong những điệp viên Nga được trao đổi là Anna Chapman.
Ông Igor Sutyagin, cũng là một cựu điệp viên được trao đổi như ông Skripal, và nay là nhà nghiên cứu cấp cao ở tổ chức nghiên cứu Royal United Services Institute (ở London) nói chưa đủ bằng chứng để buộc tội ai giết ông Skripal. Cảnh sát Anh cũng đề nghị người dân không đồn đoán. Nga tuyên bố sẵn sàng hợp tác trong cuộc điều tra với cảnh sát Anh. Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói rằng, phía Anh chưa liên lạc nhưng Nga sẵn sàng hợp tác với nhà chức trách Anh để điều tra.
Vụ việc này nối dài thêm những chuyện “ăn miếng, trả miếng” giữa tình báo Anh và Nga. Những người ở phía Anh thì nghi ngờ đây là vụ đầu độc. Trong khi đó, một số người ở Nga nói vụ Skripal là “âm mưu của Anh nhằm bôi nhọ ông Putin” trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Nga vốn được dự đoán là ông Putin sẽ có nhiệm kỳ thứ tư. Nhà báo Alexander Kots của tờ Komsolskaya Pravda (thân Điện Kremlin) viết Twitter: “Người Anh dàn xếp vụ Litvinenko 2.0 trước thềm bầu cử”.
Chất lạ đóng băng quan hệ Anh - Nga
Phía Anh cho rằng nếu bất cứ bằng chứng nào cho thấy việc bất tỉnh kỳ lạ của hai cha con ông Sergei Skripal liên quan đến Nga thì vụ việc này sẽ đẩy quan hệ giữa hai nước sang một giai đoạn xấu chưa từng có trong quan hệ song phương kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tuy nhiên phía Nga kịch liệt phản bác giả thiết này.
Đại sứ quán Nga tại Anh ngay trong ngày 6-3 đã lên tiếng cáo buộc truyền thông Anh là "phỉ báng" Nga. Trong khi đó Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cùng ngày đã phát biểu trước Hạ viện cho rằng Anh sẽ có đáp trả mạnh mẽ nếu như Nga có liên quan đến vụ việc nêu trên, và khi đó Anh sẽ xem xét để áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga.
Trong một diễn biến thể hiện sự căng thẳng, giới chức Anh cảnh báo có thể tẩy chay World Cup 2018 tại Nga và áp các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Moscow có liên quan đến vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal nguy kịch tại Anh nghi do bị đầu độc.
Theo Bloomberg, phát biểu tại Hạ viện Anh ngày 6-3, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói: "Nếu có bằng chứng cho thấy Nga có dính líu, chính phủ Anh sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ và thích đáng. Khi đó chúng ta sẽ buộc phải xét lại cơ chế trừng phạt (Nga) và áp thêm các lệnh trừng phạt khác".
Lật lại lịch sử trong quan hệ song phương, Nga và Anh đã có những cuộc tranh cãi nảy lửa liên quan đến cáo buộc gián điệp và do thám. Trong số này phải kể đến cái chết của Alexander Litvinenko vào năm 2006 - một cựu điệp viên Nga.
Litvinenko từng là đại tá của Ủy ban An ninh quốc gia Nga - KGB và mang hàm trung tá trong Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) trước khi bị bắt hồi năm 1998 vì cáo buộc vượt quyền. Năm 2000, nhân vật này tỵ nạn sang Anh và được cấp quốc tịch Anh sau đó. Cựu điệp viên KGB bị chết bất thường tại một khách sạn ở thủ đô London, Anh vào năm 2006.
Ai đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga ở Anh?
Ai có thể đứng đằng sau vụ việc bị nghi ngờ là đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái của ông? Một số chuyên gia và những tiếng nói đối lập đã công khai buộc tội Nga. Những ý kiến khác bác bỏ cáo buộc này, cho đó là lố bịch.
Đối với những người chống đối Điện Kremlin, thủ phạm và lý do của vụ nhiễm độc này đã rõ ràng. Yuri Felshtinksy, một người bạn của Alexander Litvinenko - cựu điệp viên người Nga đã bị đầu độc bằng chất phóng xạ ở London hồi năm 2006 - cho rằng: "Đầu độc là phương pháp lựa chọn của FSB, cơ quan an ninh Nga".
Tuy nhiên, những người khác như cựu điệp viên Liên Xô cũ Mikhail Lyubimov đã bác bỏ lập luận này. "Đó chỉ là trò cười", ông nói. "Skripal là ai? Ai quan tâm đến ông ta? Ông ta đã được trao đổi, có nghĩa là ông ta đã được ân xá. Nếu chúng tôi muốn giết ông ta, chúng tôi lẽ ra đã giết ông ta ở đây, song chúng tôi đã phóng thích ông ta".
Nhà phân tích quân sự người Nga Alexander Golts nói: "Chúng ta không nên quên rằng những người như Skripal thích mạo hiểm, và không ai biết được rằng ông ta có thể có cuộc phiêu lưu mạo hiểm nào ở Anh".