Đằng sau vụ án Tân Hoàng Phát: Nhân viên massage hay nô lệ tình dục?

Thứ Sáu, 12/08/2011, 10:30

Lại có thêm những bất ngờ xung quanh vụ những cô gái miền Tây bị coi như nô lệ tình dục tại cơ sở massage Tân Hoàng Phát do Phan Cao Trí cùng vợ là Phan Thị Yến điều hành. Vụ việc đã khiến dư luận hết sức bàng hoàng vì tính chất nghiêm trọng của nó. Vậy mà, trong phiên tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao tại TP HCM ngày 4/8/2011, đa phần các cô gái từng làm việc trong cơ sở massage này đồng loạt kêu oan giúp Trí…

Lật lại vụ án

Đầu tháng 12/2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM phối hợp cùng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội bất ngờ kiểm tra cơ sở massage Tân Hoàng Phát, có địa chỉ tại số 29-31 đường số 4, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM. Chính nhờ lần kết hợp kiểm tra này, mà các cơ quan chức năng đã giải thoát được gần cả trăm nhân viên massage đang làm việc tại Tân Hoàng Phát. Những người mà về sau, tiếp xúc với giới truyền thông cũng như khai báo với điều tra viên, họ đã tiết lộ những sự thật đau lòng. Vậy mà, sáng ngày 4/8 vừa qua, họ đã đổi giọng tán tụng Phan Cao Trí y như rằng gã chính là ân nhân của cuộc đời họ.

Theo tài liệu mà PV Chuyên đề ANTG có được thì sau khi thành lập cơ sở massage này, Trí cùng Phan Việt Hậu, em vợ của Trí tung quân tìm nữ kỹ thuật viên massage. Để qua mắt các đoàn kiểm tra, Trí soạn một hợp đồng lao động rất đúng luật, bao gồm lương cơ bản, chế độ bảo hiểm, thời gian làm việc... cho nữ nhân viên massage theo đúng như luật định. Đồng thời, Trí cũng buộc các nhân viên ký vào bản hợp đồng với những điều khoản riêng, như: làm 6 tháng mới được nghỉ phép 7 ngày. Và nếu làm chưa đến 6 tháng mà tự ý thôi việc, nhân viên phải bồi thường cho Trí số tiền 24 triệu đồng. Theo cách tính của Trí thì 24 triệu đồng này gồm 9 triệu đồng tiền cơ sở massage ứng trước cho nhân viên học nghề, tiền nhà ở, son phấn… và 15 triệu đồng tiền bồi thường tay nghề(?!).

Đương nhiên, mọi thứ đã không diễn ra như cái bản hợp đồng mà Trí đưa cho các nữ nhân viên này ký tên vào. Tất cả họ được lùa vào dãy phòng trọ đối diện cơ sở massage, họ bị buộc làm việc từ 9 giờ sáng hôm trước cho đến 1 giờ sáng hôm sau. Trước cổng nơi họ ở trọ, bao giờ cũng có khoảng 10 tay bảo vệ trực gác. Cuộc sống của họ được đóng khung theo cái quy trình, mở mắt đến cơ sở massage và rã rời thân xác khi trở lại phòng trọ.

Muốn về thăm nhà, họ phải được sự đồng ý của Trí với điều kiện phải nộp một khoản tiền thế chân do Trí quy định. Khoản tiền thế chân thấp nhất là 15 triệu đồng. Để siết chặt "trách nhiệm" của các bảo vệ hay quản lý trong việc coi sóc các nhân viên, hễ nhân viên nào bỏ trốn thành công thì bảo vệ hay quản lý sẽ bị Trí mắng chửi và hạ 50% lương.

Nếu không may, trong quá trình nhân viên bỏ trốn mà bị người của Trí bắt lại thì hậu quả là điều không thể lường trước được. Thậm chí, ngay cả khi nhân viên kích dục cho khách không làm khách thỏa mãn, chỉ cần nhận được sự than phiền của khách, Trí sẽ lệnh cho Hậu cùng đàn em đánh đập, hành hạ và trừng phạt các nhân viên bị khách than phiền bằng cách: phạt tiền, cho đi dọn dẹp nhà vệ sinh, thậm chí cho người nhốt các nữ nhân viên phạm luật vào chuồng chó.

Một vài nhân viên chịu không nổi sự khắc nghiệt ở Tân Hoàng Phát, đã gọi điện thoại về nhà than khóc với gia đình. Xót con, phụ huynh của họ đã nghĩ ra một kế hoạch giải cứu mà tưởng chỉ có ở những bộ phim hành động.

Nữ nhân viên tên Tình, gọi điện thoại về cho mẹ ruột kể hết sự thể ở Tân Hoàng Phát. Thương con, mẹ Tình tất tả từ quê đến cơ sở massage này xin cho con bà thôi việc. Tay quản lý ậm ờ bảo để xin ý kiến ông chủ rồi đi thẳng vào bên trong.

Biết là không thể xin cho con gái mình nghỉ bằng lời nói, bà nhờ ai đó chuyển cho Tình 8 viên thuốc giảm đau, và dặn Tình phải uống ngay lập tức. Kế hoạch của bà là, sau khi Tình uống hết số thuốc giảm đau đó, do tác dụng của thuốc nên Tình sẽ bị nôn mửa. Từ triệu chứng này, Tình sẽ xin phép quản lý cho mình được đi bệnh viện cấp cứu. Và người thân của Tình sẽ giải cứu cho Tình ngay tại Khoa Cấp cứu của bệnh viện.

Mọi việc diễn ra đúng như dự tính của mẹ Tình. Tuy nhiên, bà đã không lường trước chuyện Tình đi chữa bệnh dưới sự giám sát chặt chẽ của các bảo vệ Tân Hoàng Phát.

Kết quả, trong lúc giải cứu cho Tình, người thân của Tình đã bị những tên đầu gấu ấy hành hung, phải dắt díu nhau tháo chạy. Tình lại bị đưa về lại cơ sở massage và phải chịu trận đòn thù của những tay bảo vệ.

Cuối cùng, để giải cứu được Tình, mẹ Tình phải giao cho cấp dưới của Trí là Phan Việt Hậu 24 triệu đồng, gọi là "tiền chuộc con".

Phan Cao Trí (ngồi giữa), ông chủ của Tân Hoàng Phát.

Thêm những câu chuyện buồn khác diễn ra tại cơ sở massage quái đản của Trí.

Trong đợt yêu cầu nhân viên thử thai định kỳ, Trí phát hiện nữ nhân viên tên Linh Đa có thai. Cuộc "họp kín" do Trí điều hành được diễn ra nhanh chóng. Linh Đa khai, Linh Đa phải lòng vị khách hay đến massage và đồng ý làm cái chuyện đó với khách ngay tại phòng thư giãn của cơ sở. Sau những cái tát cảnh cáo, Trí ra "quyết định" tịch thu toàn bộ nữ trang của Linh Đa và yêu cầu Linh Đa nộp phạt 20 triệu đồng, có viết giấy phạt hẳn hoi.

Để có thể mang con gái lẫn cháu ngoại về quê chăm sóc, mẹ Linh Đa phải nộp cho trí 25 triệu. Linh Đa không phải là trường hợp có thai, bị đánh và đòi tiền chuộc duy nhất. Một nữ nhân viên khác cũng bị Trí phạt 20 triệu và tịch thu hết trang sức do có thai với khách hàng. Để thoát thân, nữ nhân viên này cũng phải gọi điện thoại về xin gia đình 15 triệu cộng thêm 5 triệu tiền lương chưa lãnh để chung đủ cho Trí.

Sau khi tan ca làm lúc 1 giờ sáng, nữ nhân viên mang tên Huyền Trân lợi dụng màn đêm để đào thoát bằng cách leo tường, bám vào cửa sổ nhà bên cạnh để bỏ trốn. Không may, Trân bị trượt chân té ngã, dẫn đến chấn thương cột sống. Đám bảo vệ phát hiện, nhanh chóng bắt giữ Trân và báo cáo cho Trí. Trí chỉ đạo cho đàn em tẩn cho Trân một trận bất chấp Trân đang bị thương.

Tiếp đến, Trân bị kỷ luật bằng cách cho đi dọn dẹp nhà vệ sinh. Ngay cả khi mẹ Trân mang tiền đến chuộc con về, quản lý cơ sở massage cũng chưa cho Trân về liền, mà còn buộc Trân phải ở lại để… làm nhân công dọn dẹp nhà vệ sinh thêm 5 ngày nữa.

Và còn rất nhiều trường hợp các nữ nhân viên khác bị Trí cùng đám đàn em của gã đối xử tàn nhẫn đến vậy. Có cả những nữ nhân viên bị Trí dồn đến đường cùng, đành phải chơi trò "tố sạch vốn" là "Hoặc thả tôi về, hoặc tôi sẽ tự tử". Trí đành nhượng bộ sau khi đã bỏ túi 15 triệu đồng tiền chuộc con của gia đình nữ nhân viên  massage…

Tất cả những hành vi của Trí đã bị các nữ nhân viên này tố cáo đến Cơ quan điều tra. Và như đã nói, tháng 12/2008, ổ nô lệ tình dục của Trí bị triệt phá.

Trong phiên tòa Sơ thẩm, Trí thuê hẳn cho mình 3 luật sư, toàn là những luật sư có tên tuổi để bào chữa. Những vị luật sư này cho rằng quyền lợi của Trí và các nữ nhân viên là hoàn toàn trái ngược, nên người bị hại không thể khai báo theo hướng có lợi cho Trí. Vì vậy, cần phải phân tích kỹ lời khai của từng người… Rồi Trí không uy hiếp ai cả, là do mọi người tự nguyện làm việc cho Trí. Ngay như chuyện các nhân viên massage tự nguyện ở tại chỗ trọ do Trí bố trí là bởi họ không có chỗ ở, đại khái là Trí đã giúp đỡ họ… Nghĩa là, Trí không có lỗi gì cả.

Dẫu vậy, với các chứng cớ không thể chối cãi, vào tháng 1/2011 TAND TP HCM đã tuyên phạt Trí 12 năm tù về các tội danh "Bắt giữ người trái pháp luật" và "Cưỡng đoạt tài sản". Yến bị tuyên phạt 6 năm tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Đám đàn em của Trí bị tuyên phạt mỗi tên từ 2 đến 10 năm tù giam.

Các nhân viên của cơ sở massage Tân Hoàng Phát.

Tháng 6/2011, phiên tòa Phúc thẩm vụ việc này đã phải hoãn xử lần thứ nhất do vắng mặt người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Đến phiên tòa vào những ngày đầu tháng 8 này, cũng với lý do tương tự, sau khi xét xử được hết buổi sáng, thì tòa lại hoãn xử.

Bi kịch thôn nữ

Tôi đọc rất kỹ tài liệu của vụ án này, chợt phát hiện ra trong gần cả trăm nữ nhân viên massage của cơ sở Tân Hoàng Phát, có những nữ nhân viên sinh năm 1990, 1991 và thậm chí là 1992. Thời điểm Tân Hoàng Phát bị các cơ quan chức năng đánh sập là vào cuối năm 2008.

Gần như là toàn bộ các nữ nhân viên này đến Sài Gòn từ miền Tây. Những thôn nữ vốn dĩ tay quen với cái liềm, gốc rạ. Chân quen với đồng ruộng, cỏ triền đê… phút chốc lại tự nguyện biến mình thành trò giải trí của một nhóm người nào đó.

Tình thật thì đời sống nông thôn vốn dĩ buồn tẻ so với phố hội ồn ào, quẩn quanh mãi một nơi đôi lúc lại biến thành nỗi buồn da diết. Họ lên Sài Gòn, có thể ngoài hy vọng đổi đời, thì còn kèm theo một lý do khác. Lý do từa tựa kiểu, đi đâu cũng được, miễn rời xa sự nhàm chán này.

Họ mê mẩn Sài Gòn như đã từng mê mẩn những gã đàn ông đến từ Đài Loan, Hàn Quốc… Vì gần như, đó là sự lựa chọn có tính giải thoát với họ.

Họ thừa hiểu chuyện những ông chủ, bà chủ các cơ sở massage trá hình cần gì từ họ. Họ thừa biết những vị khách vào các cơ sở massage ấy muốn gì. Họ cũng chấp nhận cả những khoản tiền boa mà khách dành cho họ sau khi đã thực hiện xong "phi vụ", bị chủ cơ sở ngắt bớt phần trăm, có khi là 30%, cũng có lúc là 40%.

Họ đồng ý cả chuyện làm vợ hờ hay chỉ là trò già nhân ngãi của các tay quản lý. Vì có cặp kè với quản lý, họ mới có cơ hội kiếm nhiều khách. Có nhiều khách, đồng nghĩa với việc kiếm được nhiều tiền boa.

Đương nhiên sống trong thế giới ấy, tồn tại trong môi trường ấy, họ không còn là chính họ. Họ biến thành một con người hoàn toàn khác. Họ biết nói những câu chuyện khiến khách cười, biết nũng nịu khiến khách mê mệt, biết những tuyệt chiêu khiến khách đắm đuối… Thậm chí, họ khiến cho những tay lắm tiền lắm tối quên cả đường đi lối về. Như chuyện cụ ông 65 tuổi, đã sắm nhà hàng tỉ đồng tại quận 3, cho cô gái massage quê Cà Mau mới 22 tuổi đứng tên sở hữu chỉ vì nghiện tiếng gọi "Cưng ơi, cưng à" của cô bồ trẻ.

Những ông chủ bà chủ của họ, có đủ tuyệt chiêu để quản lý họ lẫn níu chân khách. Các ông chủ bà chủ ấy thành lập đường dây làm ăn chung, gọi theo kiểu của họ là "đổi đào". Những nhân viên massage làm ở cơ sở này một thời gian, sẽ được chuyển đến cơ sở khác và ngược lại. Cứ như vậy, họ bị đẩy từ nơi này sang nơi kia, để khi không còn khả năng được khách nhớ số nữa, họ sẽ chọn cho mình một góc vắng nơi con đường khuất ánh đèn nào đó để… bắt khách.

Trong những cơ sở massage, họ không được gọi tên. Khách biết họ thông qua con số mà họ được đánh dấu. Tất nhiên là các cô thường có những cái tên giả đủ đẹp để trả lời khi bất chợt khách hỏi đến… Đương nhiên, cái nghề mà họ không theo đuổi, luôn khiến cho họ bị đám đông dè bỉu. Kết cục của những cuộc đào thoát ra khỏi ruộng đồng…

Đào thoát đi đến bất cứ nơi nào, càng xa càng tốt khi trắng trơn trong tay, không tiền bạc, không học vấn, nghề nghiệp

Ngô Nguyệt Hữu
.
.