Đằng sau vụ bắt giữ Phó Chủ tịch Huawei

Thứ Hai, 10/12/2018, 10:03
Trong một hành động bất ngờ và hiếm hoi, bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính của Tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc), đã bị bắt giữ ở Canada theo yêu cầu của Mỹ. Đã có những ý kiến trái chiều về tác động của sự việc này đến triển vọng đàm phán hóa giải thương chiến Mỹ-Trung hiện nay.

Sự việc cũng phần nào cho thấy cách Mỹ và một số nước phương Tây đối phó với tai tiếng gián điệp công nghệ của Trung Quốc.

“Bà hoàng” Huawei “bị túm gáy”

Ngày 6-12, Bộ Tư pháp Canada cho biết nhà chức trách nước này đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu ở thành phố Vancouver hôm 1-12 và đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Một phiên tòa bảo lãnh sẽ được tổ chức vào ngày 7-12.

Sự việc đã chọc giận Bắc Kinh. Ngay sau đó, Trung Quốc đã hối thúc Canada và Mỹ "làm rõ" nguyên nhân vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, đồng thời yêu cầu trả tự do cho bà Mạnh ngay lập tức. Cư dân mạng xã hội Trung Quốc gọi vụ bắt giữ là thủ thuật “bắt nạt” thấp hèn.

Bất chấp những cáo buộc từ phía Mỹ, Huawei khẳng định “không nhận thấy bà Mạnh Vãn Chu có hành vi phạm pháp nào” và công ty này tuân thủ luật pháp và mọi quy định của nước sở tại, bao gồm cả các lệnh trừng phạt và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Huawei là một trong những nhà cung cấp dịch vụ và thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới sau Samsung, BBC nói. Bà Mạnh là con gái của người sáng lập công ty Nhậm Chính Phi, một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc có quan hệ thân thiết với chính quyền Bắc Kinh.

Đây là một trong những động thái mạnh tay nhất mà giới chức Mỹ thực hiện đối với Huawei, CNN bình luận. “Đây có thể chỉ là bước dạo đầu cho hành động tiếp theo nhằm vào Huawei cũng như quan chức cấp cao của tập đoàn”, Eurasia Group phán đoán. Trong khi đó, Financial Post bình luận việc Mỹ yêu cầu bắt giữ một lãnh đạo doanh nghiệp “khổng lồ” như trường hợp bà Mạnh là hiếm hoi, nếu không muốn nói là chưa từng có tiền lệ.

Phó Chủ tịch Huawei bị bắt ở Canada - theo Bloomberg.

Mặc dù chính quyền Mỹ và Canada không nêu rõ các cáo buộc mà bà Mạnh phải đối mặt song vụ bắt giữ xảy ra sau khi có những thông tin về việc Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra về việc liệu Huawei có vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran hay không. Ít nhất cách đây 2 năm, giới chức Mỹ đã điều tra Huawei do nghi ngờ tập đoàn này vận chuyển hàng hóa xuất xứ từ Mỹ sang Iran và các nước khác vi phạm luật cấm vận và xuất khẩu của Mỹ, các nguồn tin giấu tên nói với Reuters hồi tháng 4.

Giới nghị sĩ Mỹ không ngớt cáo buộc Huawei là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ, cho rằng chính quyền Bắc Kinh có thể dùng công nghệ để do thám Mỹ.

Việc bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ cùng với những bất ổn xung quanh mối quan hệ Mỹ - Trung đã làm dấy lên tâm lý lo ngại của nhà đầu tư, khiến thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á chìm trong "sắc đỏ", trong đó chịu ảnh hưởng nặng nhất là nhóm cổ phiếu công nghệ.

“Gáo nước lạnh” hay “ván cờ mới”?

Vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh Mỹ-Trung đang tìm cách tháo gỡ những vấn đề dẫn đến cuộc chiến thương mại vốn chứng kiến hai bên áp đòn trả đũa thuế quan vào hàng hóa của nhau trị giá hàng trăm tỷ USD từ nhiều tháng qua. Vụ việc chẳng khác nào “gáo nước lạnh” dội vào thỏa thuận “đình chiến” mà ông Trump và ông Tập đạt được đúng vào ngày nữ lãnh đạo Huawei bị bắt.

“Thời điểm và cách thức xảy ra vụ việc này gây sốc”, Andrew Gilholm, Giám đốc bộ phận phân tích Bắc Á tại cơ quan nghiên cứu Control Risks Group bình luận. Trung Quốc dự định cử một phái đoàn đến Mỹ vào tuần tới để tái khởi động đàm phán thương mại, Washington Post nói.

Theo các chuyên gia, vụ bắt giữ này có thể đào sâu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Bình luận trên fxstreet.com, Nektarios Michail cho rằng vụ có thể bóp nghẹt hy vọng mới le lói về khả năng Mỹ-Trung có thể đạt được một thỏa thuận trong bối cảnh căng thẳng thương mại.

Hôm 5-12, Bộ Thương mại Trung Quốc vẫn tự tin tuyên bố rằng một thỏa thuận thương mại với Mỹ có thể đạt được để kịp thời hạn chót trong vòng 90 ngày do Trump đặt ra.

“Sự việc chắc chắn sẽ làm phức tạp hóa các cuộc đàm phán và Trung Quốc có thể nghĩ rằng vụ bắt giữ được thực hiện nhằm gia tăng sức ép trong thời hạn 90 ngày đình chiến”, nhận định của Dennis Wilder, từng là nhà phân tích của CIA về Trung Quốc và Giám đốc cấp cao phụ trách vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia.

Tập đoàn tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group ngày 5-12 cho rằng việc bắt giữ nữ lãnh đạo Huawei sẽ hủy hoại đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. “Bắc Kinh có thể sẽ phản ứng giận dữ trước việc công dân của họ bị bắt ở nước thứ 3 vì vi phạm luật pháp Mỹ... hai bên khó đạt được một thỏa thuận bền vững”, giới phân tích Eurasia nhận định.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 6-12 cũng đăng lên Twitter lời cảnh báo về chiến tranh thương mại leo thang của Mei Xinyu, một chuyên gia "có quan hệ mật thiết với Bộ Thương mại Trung Quốc". "Trung Quốc nên chuẩn bị đầy đủ cho việc chiến tranh thương mại với Mỹ leo thang. Vì Mỹ sẽ không nới lỏng lập trường với Trung Quốc. Vụ bắt giữ lãnh đạo cấp cao Huawei là ví dụ rất rõ ràng", người này cho biết.

Theo một số chuyên gia Trung Quốc, sự việc cho thấy cơ quan an ninh quốc gia Mỹ không hứng thú đạt được một thỏa thuận cho dù ông Trump nghĩ gì đi nữa. “Mục tiêu của họ là cắt giảm mối quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đó, thương lượng lại là mong muốn của ông Trump”, Giáo sư Wang Yong tại Trường nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh bình luận.

Trong thương chiến Mỹ-Trung, công nghệ lại là vấn đề chủ đạo. Chính quyền Trump nói rằng những “cơn lốc” thuế quan áp vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là một phần của nỗ lực nhằm ngăn chặn Bắc Kinh đe dọa vị thế công nghệ Mỹ bằng các thực tiễn thương mại không công bằng như đánh cắp qua mạng và ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao bí quyết.

Mặc dù cho rằng vụ bắt giữ có thể phủ bóng đen lên các cuộc đàm phán, song một số chuyên gia nhận định sự việc trên sẽ không làm chệch hướng bước đi khởi đầu mà hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình đạt được trong bữa tối ở Buenos Aires. “Chỉ riêng vụ việc này thì có thể chưa hủy hoại các cuộc đàm phán, nhất là khi có bằng chứng rõ ràng và Mỹ tuân thủ chính xác các trình tự pháp lý trong quá trình bắt giữ”, Scott Kennedy, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế và kinh doanh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế.

Nhưng nếu có thêm một sự việc tương tự thì sẽ rất khó để Trung Quốc làm cho những vấn đề vốn dính líu những quan ngại an ninh và kinh tế Mỹ không tác động đến đàm phán, Kennedy nhận định.

Tiểu sử bà Mạnh trên màn hình máy tính ở cửa hàng Huawei tại Bắc Kinh - Theo Canadian Press.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng vụ bắt giữ không liên quan các cuộc đàm phán thương mại hiện nay mà chỉ là một phần trong nỗ lực của chính quyền Trump đẩy mạnh truy tố các công ty Trung Quốc thực hiện các hoạt động tình báo kinh tế và vi phạm các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt với các nước khác.

“Sự việc phát đi tín hiệu rằng đây là một ván cờ mới”, ông Dennis Wilder tiếp tục bình luận, đồng thời cho rằng Mỹ đang quyết chặn đứng hành động ăn cắp công nghệ của Trung Quốc và cảnh báo rõ rằng sẽ có những hậu quả thực sự.

Câu hỏi lớn lúc này là Washington và Bắc Kinh sẽ làm gì. Trung Quốc chắc chắn sẽ coi vụ việc là hành động làm leo thang căng thẳng vốn có thể làm dấy lên nỗi lo sợ về nguy cơ xảy ra một “Chiến tranh Lạnh” rộng lớn hơn giữa hai nền kinh tế đầu tàu thế giới. Vì vậy, có ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ trả đũa còn chính quyền ông Trump có thể đang chuẩn bị các hành động khác để chống lại những lợi ích của Bắc Kinh. Rủi ro không hề nhỏ.

“Vụ việc này giống như thêm một nút dây thòng lọng vốn có thể góp phần gây nên sự đổ vỡ quan hệ. Hai bên cần hành động với nhiều thận trọng và nhận thức rõ ràng về những lợi ích lâu dài của mình”, Scott Kennedy, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhận định trên CNN.

Phương Tây “sờ gáy” doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc

Một số chính quyền phương Tây lo ngại Bắc Kinh sẽ giành được quyền tiếp cận mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) và các mạng viễn thông khác thông qua Huawei và mở rộng khả năng tình báo của mình, mặc dù tập đoàn này một mực khẳng định không có sự kiểm soát của Chính phủ Bắc Kinh trong các hoạt động của họ.

Vụ bắt giữ bà Mạnh diễn ra giữa lúc xuất hiện hàng loạt cáo buộc của chính quyền Donald Trump nhằm vào các công ty công nghệ của Trung Quốc. Ngay từ trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2016, ông Trump đã tuyên bố chính sách thương mại Mỹ là một trụ cột quan trọng trong cương lĩnh của mình. Ông muốn giải quyết mọi than phiền lâu nay về thực tiễn thương mại của Trung Quốc, đặc biệt là tình trạng ăn cắp sở hữu trí tuệ Mỹ.

Theo nhận định của Eurasia Group, Mỹ cũng đang cân nhắc thực hiện những hành động khác, như tuyên bố Trung Quốc vi phạm thỏa thuận 2015 (do hai ông Tập Cận Bình và Barack Obama ký) về ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại. Tuyên bố này có thể kèm theo việc áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Diễn biến mới nhất này cũng xảy ra chỉ 1 tuần trước khi Mỹ và Trung Quốc sẽ có cuộc gặp để trao đổi về những vấn đề thương mại được đề cập trong cuộc điều tra Trung Quốc về cách hành xử với tài sản trí tuệ của Mỹ theo mục 301 trong Luật Thương mại 2974 do Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tiến hành.

"Việc bắt giữ lãnh đạo Huawei và Mỹ yêu cầu dẫn độ cho thấy một nấc leo thang mới và quan trọng trong hàng loạt nỗ lực của Mỹ buộc các công ty Trung Quốc chịu trách nhiệm vì vi phạm luật pháp Mỹ, điều xảy ra nhiều năm nay", Eurasia Group ghi nhận. "Họ bắt đầu mạnh tay rồi”, nhóm tư vấn này nhấn mạnh, đồng thời giải thích rằng giới chức cấp cao chính quyền Donald Trump đã bật đèn xanh cho giới chức thực thi pháp luật Mỹ để “túm gáy” cá nhân (Trung Quốc).

Mỹ có thể đã không làm được điều này trong một môi trường chính trị song phương êm thấm hơn. Cho đến thời điểm này, cả Mỹ, Australia và New Zealand đều cấm sử dụng thiết bị công nghệ của Huawei trong cơ sở hạ tầng mạng di động 5G của các nước này, viện dẫn lý do an ninh quốc gia.

Cuộc điều tra nhằm vào Huawei tương tự cuộc điều tra vốn đe dọa sự tồn tại của Tập đoàn ZTE, một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất của Trung Quốc. Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã yêu cầu các công ty của Mỹ không làm ăn với ZTE trong 7 năm sau khi tập đoàn này bị buộc tội vi phạm một thỏa thuận giải quyết tranh chấp năm 2017 do bán trái phép các thiết bị, trong đó có các linh kiện sản xuất tại Mỹ nằm trong danh sách hạn chế xuất khẩu đến Iran và Triều Tiên.

Quyết định này cấm các công ty của Mỹ không được giao dịch với ZTE tại bất cứ đâu trên toàn thế giới. ZTE từng bị phạt 1,2 tỷ USD Mỹ trong năm 2017. Tuy nhiên, quan chức Bộ Thương mại Mỹ vẫn cho rằng ZTE nói dối bộ này về việc cam kết sẽ kỷ luật những người vi phạm.

Mỹ cũng kêu gọi các đồng minh có hành động tương tự. Hồi trung tuần tháng 4, cơ quan giám sát an ninh mạng của Anh đã gửi một thông báo bằng văn bản cho các nhà hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, yêu cầu không sử dụng thiết bị của ZTE vì Chính phủ Anh quan ngại vấn đề an ninh. Điều này đồng nghĩa với việc các hợp đồng trị giá nhiều tỷ bảng Anh nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông của Anh lên thành 5G và toàn bộ hệ thống mạng cáp quang mà ZTE đang nhắm tới sẽ tiêu tan. Xu hướng này cũng lan sang cả Australia, Canada và Đức.

Ngày 30-10, Giám đốc Cục Tín hiệu Australia Mike Burgess cảnh báo việc các tập đoàn viễn thông Trung Quốc như ZTE hay Huawei tham gia triển khai mạng 5G đe dọa đến an ninh mạng của nước này.

Các động thái đối với ZTE và Huawei cho thấy chính phủ các nước phương Tây đang không ngừng siết chặt hoạt động của giới doanh nghiệp Trung Quốc trên lãnh thổ của mình với lý do đảm bảo an ninh quốc gia.

Hà Nguyễn (tổng hợp)
.
.