Đánh bom kép ở Mỹ: Camera giám sát cuộc đua ghi được hình nghi can

Chủ Nhật, 21/04/2013, 16:45

Bốn giờ sau khi cuộc đua bắt đầu và hai giờ sau khi nhiều người đã cán đích, người ta nghe một tiếng nổ lớn ở phía bắc đường Boylston Street, gần cây cầu đánh dấu đích đến của cuộc đua. Tiếng nổ thứ hai vang lên chỉ vài giây sau đó. Ở thời điểm này hơn 17.000 người dự thi đã về đến đích nhưng còn hàng ngàn người khác vẫn còn chạy trên đường ở đằng sau.

Cuộc chạy marathon đã biến thành một thảm kịch. Một trong 3 người chết đã được xác nhận là một bé trai 8 tuổi. 8 người trong số 141 người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch - trong đó có 4 người đã được phẫu thuật cắt bỏ chân. Những người chứng kiến đã mô tả cảnh tượng hỗn loạn, kinh hoàng  trên đường phố: Sau tiếng nổ thứ nhất, một đám khói màu trắng bốc lên, mặt đường vung vãi các mẩu thịt, cánh tay, cẳng chân, máu đọng thành vũng.

Jeff Chin, 27 tuổi, kể lại: "Trong âm thanh hỗn độn của tiếng la hét kinh hoàng, tôi thấy một chàng trai cởi áo sơ mi của mình ra rồi bọc vào cánh tay. Trong giây lát, chiếc áo sơ mi trắng chuyển thành màu đỏ vì máu. Hàng nghìn vận động viên và khán giả hoảng hốt tìm nơi trú ẩn. Căn lều dùng làm trạm y tế phục vụ cho cuộc chạy marathon biến thành bệnh viện dã chiến, người bị thương nằm từng dãy dài…".

Một nhân chứng khác là John Ross, nói: "Tôi vừa ngồi thụp xuống, định núp sau một cột đèn thì nguyên một khúc chân người bay vèo qua đầu tôi rồi rơi xuống cách khoảng 6m".

David Abel, phóng viên của tờ Boston Globe kể lại cảnh kinh hoàng: "Tôi nhìn thấy một phụ nữ nằm sấp. Chân trái của cô ta bị tiện cụt đến tận đầu gối. Đó là điều tồi tệ nhất mà tôi từng chứng kiến trong đời".

Hai vụ nổ hầu như xảy ra cùng một lượt nhưng ở hai nơi cách nhau khoảng 100m. Khoảng hơn một giờ sau, một vụ nổ thứ ba làm rung chuyển Thư viện John F.Kennedy Library cách đó vài dặm nhưng chưa thấy báo cáo thương vong nào.

Nhân viên cứu thương đưa nạn nhân đến xe cấp cứu.

2.100 cảnh sát Boston khẩn trương tiến hành phong tỏa hiện trường vụ nổ và di chuyển những người bị thương đến bệnh viện, đồng thời sơ tán tất cả du khách ra khỏi ba khách sạn nằm gần kề nơi nổ. Cục Hàng không Liên bang Mỹ tạm thời hạn chế những chuyến bay tầm thấp, bay ngang không phận thành phố Boston. Vài giờ sau đó, FBI, đặc vụ của Bộ An ninh nội địa và nhân viên của Cục Quản lý rượu, thuốc lá, súng, chất nổ cũng có mặt.

Theo Đài Truyền hình CBS, thì máy quay video giám sát cuộc đua đã ghi hình một người đàn ông mang nhiều balô vào khu vực này khoảng 20 phút trước khi vụ nổ xảy ra. Vẫn theo CBS, ông ta là người Arập Xêút - cũng bị thương và đang được canh giữ nghiêm ngặt tại Bệnh viện Boston. Bên cạnh đó, cảnh sát còn truy tìm một người đàn ông da đen, mặc quần áo màu đen, đeo balô cũng màu đen mà theo camera an ninh, thì người này đã tìm cách xâm nhập vào khu vực giới hạn dành cho vận động viên trước khi xảy ra vụ nổ.

Trên trang mạng xã hội Twitter, một người chụp ảnh nghiệp dư đã đưa lên một bức ảnh, cho thấy có một người đứng trên sân thượng của một cao ốc, nhìn xuống hiện trường ngay sau khi vụ nổ xảy ra nhưng cảnh sát cho biết chưa có chứng cứ gì chứng tỏ người này có liên quan đến vụ nổ hay không.

Một VĐV bị thương khi sắp về đến đích.

Tại Bệnh viện Thánh lễ, hàng trăm vận động viên may mắn không bị thương tích sắp hàng chờ đến lượt mình hiến máu tình nguyện nhằm góp phần cứu sống các nạn nhân đang cần phải truyền máu. Dân biểu Bill Keating khẳng định vụ nổ đã được tạo ra bởi hai thiết bị nổ -  một tại khách sạn ở quảng trường Copley và một ở bên dưới khán đài chính.

Một giờ sau khi xảy ra vụ nổ, một quan chức tình báo cao cấp Mỹ giấu tên cho biết tổng cộng có 5 thiết bị nổ khác được tìm thấy gần đó và đã được tháo gỡ.

Boston là một trong những thành phố lớn ở Mỹ. Đây là nơi quy tụ nhiều trường đại học danh tiếng như Havard, M.I.T. Cuộc đua marathon Boston thường được tổ chức vào "Ngày ái quốc", là thứ Hai và thứ Ba của tháng 4, bắt đầu từ năm 1897. Điểm xuất phát của cuộc đua là  đường Hopkinton, đích đến là quảng trường Copley Square Boston. Mỗi năm, nó thu hút khoảng nửa triệu khán giả cùng hơn 20.000 vận động viên.

Vụ nổ thứ nhất.

Nhiều tòa nhà ở Boston bị niêm phong, các mạng điện thoại di động bị khóa và sân bay của thành phố cũng bị đóng cửa. Dịch vụ xe điện ngầm trong thành phố cũng ngưng hoạt động.

Edward Davis, Ủy viên Cảnh sát Boston, kêu gọi mọi người nên ở trong nhà hoặc trở về khách sạn và tránh xa đám đông, trong khi đội đặc nhiệm đang kiểm soát các bao, túi nằm rải rác dọc đường đua, để bảo đảm không chất nổ nào còn sót lại. Đồng thời chính quyền Mỹ cấm mọi máy bay bay ở cao độ thấp không được lai vãng trong phạm vi cách địa điểm bị bom 3,5 dặm.

Ngay sau khi hai vụ nổ xảy ra, cả Nhà Trắng và Quảng trường Thời đại ở thành phố New York đã được đặt trong tình trạng báo động với các biện pháp an ninh nghiêm ngặt

Hòa Cao - M.T. (tổng hợp)
.
.