Đánh bóng tên tuổi để giao dịch “khống”

Thứ Sáu, 20/01/2017, 16:20
Năm 2016 chứng kiến rất nhiều trò lừa đảo mới, cũ đan xen như bán đất trên giấy, tư vấn đầu tư... Trong những ngày cuối năm chúng tôi ghi nhận thêm một hình thức lừa đảo vô cùng tinh vi. Đó là việc xuất hiện nhiều đối tượng tự đánh bóng tên tuổi, vay chỗ nọ “đập” chỗ kia cốt tạo một dòng tiền “khủng” chảy trong tài khoản. Từ đó khiến bị hại mất cảnh giác khi mua hàng, chuyển nhượng tài sản nhưng không có giấy tờ. Khi phát hiện ra thì các đối tượng đã biến mất...

1. Nếu gặp lần đầu, Loan “Bích” (Giám đốc Công ty đầu tư thương mại tổng hợp L.B) người ta phải nghĩ ngay đến một “quý bà” thành đạt. Tuổi gần bốn mươi, Loan vẫn giữ được sự trẻ trung, quý phái cùng với những thứ đồ hiệu đắt tiền mang trên người. Loan cũng tỏ ra có hành tung rất bí ẩn, thường xuyên đi “công tác” nước ngoài nhiều ngày. Và có lẽ, chỉ những người làm ăn với cô ta mới biết được bản chất thực của người đàn bà lắm chiêu này.

Đầu năm 2016, qua một người bạn, ông Trần Văn M. (59 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) gặp Loan trong một bữa tiệc tất niên. Là chủ một doanh nghiệp nhỏ, ông M. choáng váng khi thấy “kiều nữ” cưỡi trên chiếc xế hộp Lexus trị giá hơn 5 tỷ đồng. Chỉ riêng những món hàng hiệu “đính” trên người cô ta như túi xách, đồng hồ... tính ra cũng lên đến cả tỷ bạc. Khá bất ngờ khi Loan chủ động xin số điện thoại của ông M. “để giao lưu, tìm cơ hội hợp tác làm ăn” - Loan bảo vậy và cười rất tươi khi họ tạm chia tay.

Ít ngày sau thì Loan chủ động nhắn tin, rủ giám đốc M. đi lễ tại một số chùa, phủ... Sướng rơn khi được người đẹp để ý, M. lập tức nhận lời, và cúc cung phục vụ “chị Loan”. Trong thời gian đi cùng quý bà, ông M. không ít lần phải ngả mũ kính nể khi Loan kể chuyện thường xuyên gặp ông chủ tịch này, bí thư nọ để bàn kế hoạch đầu tư, phát triển tỉnh, thành phố. Thậm chí Loan còn liên tục “buôn” điện thoại với nhiều thành viên cao cấp trong Chính phủ, Quốc hội như thể... người nhà!

Đối tượng Bùi Xuân Lâm tại Cơ quan điều tra.

Một sáng nọ, giám đốc M. bỗng nhiên nhận được tin nhắn: “Qua chị gấp, có vụ này rất hay”. Lập cập chạy đến, giám đốc M. thấy quý bà đang ngồi bên cạnh ấm trà, thủng thẳng: “Chị đang thừa con Mercedes S400 của bạn hàng gán nợ, xe mới mua năm ngoái giờ nó chỉ lấy tròm trèm 50 ngàn (đô la). Chú nhanh nhẹn giỏi giang thế mà đi con “chuồng gà”, thật y phục chẳng xứng kỳ đức!”.

Nghe Loan nói thế, một dòng tính chạy nhanh qua đầu giám đốc M. “Con S400 sang ngang cho salon cũng được 100 ngàn...”. Ông ta định “chộp” ngay, nhưng kinh nghiệm thương trường khiến giám đốc M. không quá tỏ ra vồn vã. Ông ta mỉm cười, bảo: “Em làm gì có nhiều thế hả chị. Chị để thư thư vài bữa rồi em xoay tiền đã nhé”.

Trên xe về trụ sở, giám đốc M. bốc ngay điện thoại gọi cho đứa cháu đang làm kế toán cho công ty của Loan. Ông ta hỏi rất cặn kẽ về tình hình tài chính kinh doanh của doanh nghiệp L.B. Người cháu cho biết dạo này đang có dòng tiền “khủng” chạy vào công ty. “Bà Loan giàu thật sự đấy bác” - đứa cháu khẳng định.

Nghe cô cháu nói thế, hôm sau giám đốc M. lập tức chồng đủ tiền để rước “con” Mercedes S400 về. Hỏi về thủ tục sang tên đổi chủ, chị Loan vẫn xởi lởi: “Em cứ lấy về mà đi cho sướng, lúc nào cần bán mua gì thì bảo chị sang tên thẳng cho. Chứ làm gì bây giờ cho nó tốn kém, mất thời gian”. Giám đốc M. chẳng nghi ngờ gì mà gật gù cho là phải.

Sau khi lấy con “Mẹc” đi được vài tuần, giám đốc M. lại tiếp tục được chị Loan “đẩy” cho một chiếc xe nữa. Lần này miếng mồi là chiếc xe Audi Q7. Lần này, giám đốc M. cũng nhận lời và “chuyển giao” luôn cho một người khác, kiếm mấy trăm triệu tiền lãi. Song cũng như lần trước, giấy tờ chính chủ vẫn chưa được chị Loan sang tên.

Tháng sau, chị Loan lại chủ động rủ giám đốc M. đi lễ chùa. Trên xe, Loan bật mí về một mảnh đất cực đẹp ở ngoại thành Hà Nội. Mảnh đất 3 mặt tiền, cách hồ Gươm khoảng 15km mà giá chưa đến 3 tỷ đồng. Giám đốc M. lại lập cập đến xem, rồi huy động tiền từ họ hàng bạn bè vào để đưa cho chị Loan ngõ hầu kiếm được mảnh đất “ngon bổ rẻ”.

Bẵng đi một thời gian, giám đốc M. không thấy chị Loan ỏ ê gì nữa. Khi muốn sang tên chiếc xe, ông M. điện cho Loan thì chỉ thấy ò í e. Qua kiểm tra mới biết cả hai chiếc xe kia chỉ là xe đi thuê. Sang tận công ty của Loan, giám đốc M. chỉ gặp toàn những người cũng đang tìm Loan để thanh toán nợ nần. Cô cháu gái thì khóc dở mếu dở bảo mấy tháng nay không có lương vì “cô Loan không ký”. Tài khoản “khủng” của công ty hóa ra là do giám đốc đi “vay nóng” rồi đẩy vào để tạo niềm tin cho các đối tác làm ăn. Hiện, những tài khoản đó đã bị rút nhẵn chỉ còn vài triệu lẻ.

Tương tự như quý bà Loan “Bích”, “quý ông” Hoàng “Râu” cũng có thể coi là một bậc thầy trong việc tự đánh bóng tên tuổi. Thực chất Hoàng có họ hàng xa với một vị quan chức đầu ngành (song vị này đã nghỉ hưu độ chục năm). Từ những lần qua lại trước đây, Hoàng phát hiện ra chuyện rất nhiều người có nhu cầu tiếp cận quan chức để cầu cạnh làm ăn. Vậy là quý ông này đi vay mượn tiền nong, tự đánh bóng để lòe bịp thiên hạ.

Hoàng lập một công ty, kiếm cái mác giám đốc cho oai. Và chỉ bằng tài buôn nước bọt, Hoàng cũng “chăn” được khá nhiều người, điển hình là một số chủ doanh nghiệp ở các tỉnh giáp Hà Nội như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên...

Qua các mối quan hệ xã hội, anh Lê Văn T. (trú tại Bắc Ninh) là chủ một doanh nghiệp nhỏ chuyên nhận thầu các gói rác công nghiệp để mua bán phế liệu. Gặp Hoàng, nghe ông ta “nổ” về mối quan hệ trong ngành Công thương, T. liền đặt vấn đề muốn tham gia chân đấu giá thanh lý máy công nghiệp của Tổng công ty Q. Vừa nghe đến đấy, Hoàng đã cao giọng bảo, chỉ có công ty hắn là công ty duy nhất được nhận thầu, nhưng vì... quý T. nên sẽ giao lại hợp đồng cho T. Nhưng để nhận được hợp đồng thì T. phải cho công ty Hoàng vay số tiền tương đương 20% giá trị hợp đồng để hắn đi “ngoại giao”.

Nghe đến số tiền hàng tỷ đồng, T. cũng chột dạ. Song trước đó, T. từng được Hoàng cho chiêm ngưỡng những tài khoản với dư nợ trăm tỷ. Số tài sản cố định của Hoàng cũng lên tới chục tỷ, khiến cho T. không có gì phải nghi ngờ để bắt tay làm ăn với Hoàng. Sau khi đã nộp cho Hoàng hàng tỷ đồng để “đặt cọc”, hàng nửa năm trời T. không sao gặp được anh Hoàng “Râu” nữa. Công ty của đối tượng cũng đã đóng cửa, không thấy hoạt động.

2. Còn nhớ vài năm trước đối tượng Bùi Xuân Lâm (SN 1979, trú tại Thạch Sơn, Anh Sơn, Nghệ An -nguyên là Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Nghệ An) từng thực hiện trót lọt hàng chục vụ lừa đảo. Các bị hại sập bẫy cũng Lâm cũng chỉ bởi trót tin vào cái mác giàu có, hào hoa, hoành tráng của anh ta.

Tài liệu điều tra của Cơ quan công an cho thấy, chỉ trong thời gian khoảng 2 năm, Bùi Xuân Lâm đã thực hiện trót lọt 116 vụ lừa đảo, trong đó có 86 nạn nhân trực tiếp, 23 người qua trung gian và 8 đại gia trong lĩnh vực xây dựng bị lừa chạy dự án, công trình với số tiền hơn 9,9 tỷ đồng.

Vốn là người hoạt ngôn, nhanh nhẹn lại có chút quen biết Lâm thường được nhiều người nhờ vả xin việc vào biên chế tại các cơ quan nhà nước. Thời gian đầu, Lâm cũng đã xin việc được cho một số người nên uy tín càng tăng lên. Bản thân đối tượng cũng thấy đây là nghề tay trái thu nhập tốt nên rất chịu khó lân la tìm hiểu chỉ tiêu tuyển dụng nhân sự, nhu cầu biên chế của nhiều cơ quan. Thậm chí Lâm còn lên mạng Internet để tìm kiếm thông báo tuyển dụng, sau đó "nổ" với người cần việc về những suất biên chế mà chỉ gã mới biết trước được để nhận lời "chạy việc", nhận tiền trước để tiêu xài.

Những chiếc xe hạng sang thường được các đối tượng sử dụng để tự đánh bóng nhằm lừa đảo và Lâm đã phải nhận án chung thân về hành vi lừa đảo của mình.

Để các nạn nhân tin tưởng, Bùi Xuân Lâm hứa sẽ xin việc cho vào các vị trí quan trọng tại các cơ quan, doanh nghiệp đang ăn nên làm ra. Với một số doanh nghiệp xây dựng, Lâm còn "nổ" có khả năng xin chỉ định dự án thi công, cải tạo các công trình trong tỉnh.

Sau khi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh, Lâm tiếp tục rêu rao có quan hệ với nhiều quan chức và bản thân sắp lên giám đốc. Từ đó hắn dễ dàng thò tay móc tiền người khác để thỏa mãn cho thú tiêu tiền như nước và đồng bóng của mình. Nghe chuyện Lâm tiêu tiền thì nhiều người phải choáng váng.

Lâm chỉ tiêu duy nhất loại tiền mệnh giá 500 ngàn đồng, mà thường tiêu cả “quyển” chứ ít khi dùng một, hai tờ. Mỗi lần đi qua ngã ba, ngã tư hay cầu phà, thấy cần phải "giải xui", Lâm dừng xe, rút ra một vài tờ 500.000 đồng vứt lại rồi mới đi. Đi từ quê nhà (Anh Sơn) xuống cơ quan (TP Vinh) khoảng hơn 100km, Lâm không đi xe khách như những người khác mà thuê hẳn một chiếc xe riêng. Khi biết người tài xế đang có tang, lập tức Lâm xuống thuê một chiếc khác để chạy về Vinh mà không thèm đôi co lấy lại tiền. Cái sự tiêu tiền thoáng đến kỳ lạ của Lâm cũng chính là một vỏ bọc hoàn hảo khiến nhiều nạn nhân dễ dàng tự chui đầu vào tròng.

Anh Nguyễn Văn T. - một nạn nhân của Lâm kể. Anh có hai đứa cháu tốt nghiệp đại học đã lâu nhưng chưa có việc làm. Tình cờ gặp Lâm ở quán cà phê, Lâm cho biết có anh rể đang làm ở một công ty viễn thông và có thể giúp xin việc cho cháu anh T., lương khởi điểm 6 triệu, sau nửa năm tăng lên 9 triệu và sau 1 năm vào làm việc sẽ có mức lương 12 triệu đồng. Lâm ra giá 30 triệu/trường hợp.

Anh T. đã 3 lần đưa tiền cho Lâm chạy việc, tổng cộng là 140 triệu đồng. Lâm hẹn lên hẹn xuống về thời gian công ty gọi phỏng vấn, song đều thất hẹn. Cuối cùng Lâm mất tích luôn. Tìm không được, gọi vào cả 4 số di động của Lâm máy đều báo không liên lạc được, anh T. mới biết mình bị lừa.

Chị Lê Thị A., trú tại phường Cửa Nam (TP Vinh) được Lâm hứa hẹn sẽ xin việc làm cho nhiều người ở nhiều cơ quan nhà nước khác nhau. Tin tưởng vào địa vị của Lâm, chị đã đưa cho Bùi Xuân Lâm số tiền 500 triệu đồng. Đổi lại, Lâm viết cho chị A một tờ giấy ghi nợ và cam kết hai tháng sau sẽ có quyết định đi làm cho một số sinh viên, nếu không sẽ hoàn trả lại tiền đặt cọc cùng tiền lãi theo lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, chờ mãi không xin được việc lại bị những người gửi hồ sơ thúc sau lưng, chị A quyết định đòi lại số tiền đặt cọc thì Lâm tắt điện thoại, tìm đến cơ quan và nhà riêng thì Lâm đã biến mất.

Ngoài ra Lâm còn có sở thích hầu đồng, bói toán và rất năng đi lễ chùa. Bạn bè của Lâm cho biết tiền công đức và những lần đặt lễ giải hạn, Lâm vẫn chỉ bỏ lễ loại tiền có mệnh giá cao nhất. Được biết trong gần 2 năm, Lâm đã "nướng" hơn 2 tỷ đồng vào hầu đồng, lễ chùa, giải hạn và rải ở ngã ba, ngã tư đường. Lâm dùng khoảng 1,5 tỷ đồng dùng vào việc ăn uống, thết đãi bạn bè và bao chân dài nhằm khuếch trương thanh thế và đánh bóng tên tuổi.

Sau khi bị tố cáo lừa đảo, biết không thể trốn tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật, Lâm đã ra Cơ quan công an đầu thú. Với hành vi nghiêm trọng của mình, Lâm đã bị tòa án tuyên phạt mức án chung thân.

Đây cũng là bài học lớn cho những ai muốn kiếm tiền bằng việc lừa đảo.

Minh Tiến
.
.