Philippines tiêu diệt Isnilon Hapilon và Omarkhayam Maute:

Dấu chấm hết cho cuộc chiến ở Marawi

Thứ Hai, 23/10/2017, 16:45
Ngày 18-10-2017, ông Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines chính thức thông báo: Hai nhân vật cầm đầu vụ chiếm đóng thành phố Marawi, miền nam Philippines là Isnilon Hapilon và Omarkhayam Maute đã bị giết trong một cuộc giao tranh với quân đội Philippines.

Ông Delfin Lorenzana cũng nói thêm rằng, quân đội đã giành lại những phần đất cuối cùng tại một khu dân cư nằm dọc theo hồ Lanao, Marawi, nơi còn khoảng 40 tay súng thuộc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo Lanao” và Abu Sayyaf đang cố thủ...

1. Vụ tiêu diệt Isnilon Hapilon và Omarkhayam Maute khởi đầu từ việc một thiếu nữ 16 tuổi, sau khi được quân đội Philippines cứu thoát khỏi tay nhóm phiến quân chiếm đóng thành phố Marawi vào hôm Thứ bảy ngày 14-10, đã cho biết vị trí căn nhà nơi tên cầm đầu “Nhà nước Hồi giáo Lanao” là Omarkhayam Maute và Isnilon Hapilon, thủ lĩnh tổ chức khủng bố Abu Sayyaf đang ẩn náu.

Cũng thiếu nữ này cho biết lực lượng phòng thủ Marawi của “Nhà nước Hồi giáo Lanao” chỉ còn khoảng 40 tên, trong đó có 10 người nước ngoài, chủ yếu là người Malaysia, Indonesia và gần 100 người khác, bao gồm các con tin cùng thân nhân của bọn khủng bố. Bọn chúng chia nhau ở rải rác trong các căn nhà tại một khu dân cư nằm dọc theo hồ Lanao, nơi địa thế là những quả đồi thấp.

Được sự hỗ trợ của Mỹ bằng máy bay trinh sát không người lái, quân đội Philippines nhanh chóng xác định được nơi ẩn áu của Isnilon Hapilon và Omarkhayam Maute. Mờ sáng ngày 16-10, các đội đặc nhiệm Philippines lặng lẽ tiến vào mục tiêu. Sau một cuộc chạm súng ngắn ngủi, họ tiêu diệt cả hai tên trùm khủng bố.

Bên cạnh đó, một tay khủng bố hàng đầu khác người Malaysia là Mahmud bin Ahmad, kẻ từng được biết đến với bí danh Abu Handzalah đồng thời là bạn thân của Hapilon, cũng đã chết trong trận đánh này.

Isnilon Hapilon (X) và Omarkhayam Maute (tóc dài, áo trắng) trong thời gian chiếm đóng thành phố Marawi.

Omarkhayam Maute là anh ruột của Abdullah Maute. Giữa năm 2012, hai tên này đứng ra thành lập một nhóm phiến loạn, gọi là Dawlah Islamiya Lanao (Nhà nước Hồi giáo Lanao) nhưng thường được thế giới biết đến dưới cái tên “Nhóm Maute - Daesh Maute”.

Căn cứ chính của nhóm Maute đặt tại thành phố Butig, tỉnh Lanao de Sur. Rất nhanh chóng, nó thu hút được gần 100 người, nguyên là thành viên của Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro cùng nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan khác, đến từ Malaysia, Indonesia. Bên cạnh đó, nhóm Maute còn được tổ chức khủng bố Jemaah Islamiya, xuất xứ từ Indonesia, ủng hộ tài chính và vũ khí.

Ngày 18-5-2017, phiến quân Maute thuộc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo Lanao” với sự tham gia của hàng trăm tay súng từ Malaysia, Indonesia, cùng sự hỗ trợ trực tiếp của nhóm Abu Sayyaf bất ngờ tấn công thành phố Marawi, miền nam Philippines và nhanh chóng kiểm soát phần lớn nơi này. Những trận phản công của quân đội Chính phủ Philippines gặp nhiều khó khăn vì phiến quân dùng người dân làm lá chắn sống, trong lúc hơn 90% dân Marawi theo đạo Hồi nhưng hầu như không ai ủng hộ đường lối cực đoan của anh em nhà Maute.

Việc thành phố Marawi rơi vào tay bọn khủng bố đã làm dấy lên lo ngại rằng, Nhà nước Hồi giáo Lanao và nhóm Abu Sayyaf trung thành với IS có thể tạo ra chỗ đứng ở Đông Nam Á bởi sự gia nhập của những tay súng IS chạy về từ chiến trường Iraq và Syria.

Abu Sayyaf - tiếng Arập có nghĩa “cha (của người) đúc kiếm”, là một tổ chức gồm những chiến binh theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, hoạt động tại khu vực Jolo, tỉnh Basilan, thuộc đảo Mindanao ở phía tây nam Philippines. Thoạt đầu, người Moro - là người Hồi giáo bản địa ở Basilan thành lập “Mặt trận giải phóng quốc gia Moro” (MNLF) rồi phát động một cuộc nổi dậy, đòi hỏi Chính phủ Philippines phải công nhận Midanao là một tỉnh tự trị.

Khi yêu sách không được đáp ứng, một nhóm các chiến binh MNLF do Abdurajik Abubakar Janjalani cầm đầu, tách ra thành lập phong trào Abu Sayyaf theo khuynh hướng dùng bạo lực để xây dựng “Nhà nước Hồi giáo”. Sau nhiều lần thay đổi lãnh đạo, cuối năm 2015, Isnilon Hapilon lên nắm quyền chỉ huy Abu Sayyaf rồi sau đó, Hapilon thề trung thành với IS.

2. Theo lời khai của những kẻ bị bắt ở Marawi, khi quân đội Chính phủ Philippines dồn “Nhà nước Hồi giáo Lanao” và Abu Sayyaf vào đường cùng, Isnilon Hapilon và Omarkhayam Maute không bao giờ ở chung một nơi. Cả hai chỉ gặp nhau chớp nhoáng trong những buổi họp bàn kế hoạch phòng thủ những khu vực còn lại ở thành phố Marawi.

Theo sát bên cạnh Hapilon là Mahmud bin Ahmad (tức Abu Handzalah), một tên “thánh chiến” người Malaysia. Cũng chính tên này đứng ra kêu gọi những tay súng thuộc tổ chức khủng bố Jemaah Islamiya, Indonesia, nhanh chóng vượt biển vào Marawi để cứu viện. Bên cạnh đó, kẻ cầm đầu “Nhà nước Hồi giáo Lanao” là Omarkhayam Maute lại kết hôn với con gái của một giáo sĩ Hồi giáo theo đường lối bảo thủ ở Indonesia nên khi Mahmud bin Ahmad lên tiếng kêu gọi, một số chiến binh Jemaah Islamiya đã rục rịch lên đường.

Tuy nhiên, do nhận thức được mối nguy cơ này, quân đội Chính phủ Philippines phối hợp với hải quân Malaysia, Indonesia, phong tỏa chặt chẽ các tuyến đường biển giữa hai quốc gia nêu trên với đảo Mindanao, Philippines nên hầu như không một kẻ khủng bố Jemaah Islamiya nào đặt chân vào được Marawi.

Tướng Eduardo Ano, Tổng Tư lệnh quân đội Philippines cho báo chí xem ảnh chụp xác chết Hapilom và Omarkhayam Maute.

Đầu tháng 10, vòng vậy của quân đội Philippines ngày càng siết chặt. Nhóm “Nhà nước Hồi giáo Lanao” và nhóm Abu Sayyaf chỉ còn hơn 100 tay súng, cố thủ tại một khu vực rộng khoảng 2km2 nằm dọc theo hồ Lanao. Trong một nỗ lực tìm cách thoát thân, cả Hapilon lẫn Omarkhayam Maute đã hạ mình nhờ cậy Chủ tịch Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro là ông Al Haj Murad Ebrahim nói chuyện với Chính phủ Philippines, để các chiến binh “Nhà nước Hồi giáo Lanao” và Abu Sayyaf có thể rút ra khỏi thành phố Marawi như một hình thức ngừng chiến không tuyên bố.

Tuy nhiên, trả lời các hãng thông tấn trong, ngoài nước, ông Al Haj Murad Ebrahim cho biết điều này là không thể vì Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố chính phủ của ông sẽ không đàm phán với những kẻ khủng bố.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines là ông Lorenzana thì chắc chắn Hapilon và Maute đã chết. Ông nói: “Chúng tôi đang tiến hành làm xét nghiệm ADN” và điều này sẽ dẫn đến khoản tiền thưởng 5 triệu USD mà Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ trả cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào bắt sống hoặc tiêu diệt được Hapilon vì hành vi đánh bom khủng bố, bắt cóc con tin đòi tiền chuộc, và đã chặt đầu một con tin người Mỹ hồi năm 2011.

Sau khi hai tên trùm khủng bố bị tiêu diệt, ngày 16-10, quân đội Chính phủ Philippines tung ra những đòn tấn công cuối cùng. Ngày 18-10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chính thức tuyên bố thành phố Marawi đã được giải phóng hoàn toàn khỏi tay nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo Lanao và Abu Sayyaf. Suốt thời gian 5 tháng Marawi bị chiếm đóng, đã có hơn 1.000 người thiệt mạng trong đó có 824 phiến quân, 1.771 con tin, phần lớn là phụ nữ và trẻ em đã được cứu thoát.

Số phiến quân chạy thoát ước lượng chỉ còn chừng 5 hoặc 6 tên. Ông Restituto Padilla, người phát ngôn của quân đội Philippines cho biết hiện tại, quân đội đang hết sức cố gắng trong việc vô hiệu hóa các quả bom và mìn bẫy mà phiến quân đã cài đặt: “Cuộc chiến đã kết thúc, nhưng sẽ phải mất khá nhiều thời gian để Marawi có thể hồi sinh...”.

Cao Trí (theo Daily News)
.
.