Di cư và bi kịch nối dài

Thứ Hai, 13/11/2017, 09:50
Bi kịch của dòng người tỵ nạn và người di cư tuyệt vọng kiếm tìm sự an toàn ở những miền đất yên bình hơn suốt mấy năm qua ám ảnh toàn thế giới. Hàng đoàn người di chuyển liên tục qua biên giới các nước châu Âu trong khi các chính khách kêu gào đổ lỗi. Hàng chục thiếu nữ chết thảm do bị xâm hại tình dục.

Hàng nghìn xác chết tạo thành những đợt thủy triều “thi thể”... đối lập với cảnh phè phỡn của đám tội phạm buôn người. Một bức tranh xám xịt về người di cư.

Bán thân... cứu gia đình

Theo Tổ chức nhập cư quốc tế, 2.839 người nhập cư đã thiệt mạng trên con đường biển Địa Trung Hải đến châu Âu kể từ đầu năm 2017.

Gần đây nhất, ngày 8-11, các nhà điều tra Italia tin rằng, sự xâm hại về thể chất và tình dục là một trong những nguyên nhân có khả năng nhất dẫn đến cái chết của 26 thiếu nữ nhập cư vừa được tìm thấy thi thể ở Địa Trung Hải. Thi thể của những cô gái xấu số được phát hiện hồi cuối tuần vừa rồi ở biển Địa Trung Hải, dọc một tuyến đường biển thường được người nhập cư châu Phi dùng để xâm nhập vào châu Âu nhằm tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Giới chức Italia cho hay, họ đã bắt đầu tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của 26 bé gái vẫn còn ở tuổi vị thành niên này. Các nhà điều tra tin rằng những nạn nhân đó là người nhập cư đến từ Niger và Nigeria.

Các cơ quan chức năng của Italia giải cứu người tỵ nạn. Ảnh: Eyevine.

Các công tố viên đang tập trung hướng điều tra vào khả năng những cô bé tuổi vị thành niên là nạn nhân của đường dây mua bán dâm. Trong một báo cáo gần đây, tờ Corriere della Sera của Italia cho biết, họ chứng kiến tình trạng gia tăng số thiếu nữ và phụ nữ Nigeria được những kẻ buôn người đưa đến Italia để phục vụ cho ngành công nghiệp mua bán dâm.

Các nhân viên điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm tử thi để tìm kiếm bằng chứng về khả năng 26 thiếu nữ tuổi vị thành niên nói trên bị xâm hại về thể chất và tình dục. "Riêng trong năm 2016, có đến hơn 11.000 phụ nữ và bé gái Nigeria hoặc băng qua lục địa châu Phi hoặc đi bằng thuyền vào Italia. Đây là nơi những kẻ buôn người đang chờ đợi để lừa và giăng bẫy họ... Các quốc gia châu Âu như Rumani, Italia và Hy Lạp chứng kiến tình trạng buôn bán người gia tăng ở mức cao nhất. Hầu hết các nạn nhân là những thiếu nữ tuổi từ 14 đến 18", tiến sĩ John DeGarmo, chuyên gia về chăm sóc trẻ em và nạn buôn bán người cũng là Viện trưởng Viện Foster Care, cho biết.

Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc (LHQ) về người tỵ nạn (UNHCR), họ nhận được nhiều báo cáo cho thấy do hết tiền hoặc bị cướp, nhiều trẻ em phải bán dâm cho những kẻ buôn người để đảm bảo gia đình có thể tiếp tục hành trình tới châu Âu. Nhiều trẻ em tỵ nạn buộc phải quan hệ tình dục với những kẻ buôn người thay cho khoản phí giúp gia đình di cư sang châu Âu. Một số trẻ em không có người lớn đi kèm, phải đối mặt với những mối nguy hiểm lớn hơn. Trường hợp 26 thi thể được phát hiện ở bờ biển Italia là một điển hình.

Các chuyên gia cho biết, những phụ nữ đi một mình cũng gặp nhiều nguy cơ khi băng qua châu Âu trong đêm, dọc các tuyến đường thiếu an toàn hoặc trú tại những nơi nguy hiểm. Đề cập tới số phận bị thảm của các cô gái di cư từ châu Phi đến châu Âu, người phát ngôn của Hội Chữ thập đỏ Libya, Al-Khalis al-Bosaifi, nói rằng trong số các nạn nhân có tới ba phần tư là phụ nữ. Những người di cư bị nạn không mang theo bất kỳ giấy tờ tùy thân nào nên việc xác định quốc tịch gặp rất nhiều khó khăn.

Những đợt thủy triều... “thi thể”

UNHCR thông báo tuyến đường biển giữa Bắc Phi và Italia đang trở nên "nguy hiểm hơn" so với các tuyến đường giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Theo cơ quan này, vào lúc “cao điểm”, có tới 880 người đã bị chết đuối trong một tuần khi một số thuyền chở người tỵ nạn bị chìm trên Địa Trung Hải. Trong số những người thiệt mạng, phụ nữ và trẻ em vẫn chiếm phần đông.

Chỉ tính riêng tại Italia, trong những năm qua, nước này là điểm đến của dòng người di cư trên biển, với hơn nửa triệu người kể từ năm 2014. Trong năm 2016, số người đến Italia đã lên mức kỷ lục là 181.000 người, trong đó phần lớn xuất phát từ Libya.

LHQ cho biết, số lượng người di cư chết đuối tại Địa Trung Hải khi đang cố gắng vượt biển đến châu Âu đã là 5.000 tính tới cuối năm 2016 cao nhất theo số liệu thường niên. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) công bố, tính tới cuối năm 2016, đã có gần 7.200 người di cư và tỵ nạn chết hoặc mất tích khi cố gắng vượt biển Địa Trung Hải đến Italia, Hy Lạp, Cộng hòa Cyprus và Tây Ban Nha, tăng hơn 20% so với năm 2015.

Một phụ nữ di cư may mắn được cứu thoát và đưa vào bờ.

Phát ngôn viên LHQ William Spindler cho biết sở dĩ có sự tăng vọt các trường hợp tử vong của người di cư là do thời tiết xấu, rủi ro của từng con thuyền cũ kỹ và những chiến thuật liều mạng để tránh bị phát hiện. Ông Spindler nhận định con số 5.000 người tử vong là "đáng báo động" và các hoạt động của bọn buôn người khi đưa hàng ngàn người di cư đi cùng lúc trên những con thuyền chật hẹp đã gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng cứu hộ.

Ngoài ra, hầu hết các trường hợp tử nạn là do người di cư phải vượt biển bằng tuyến đường dài nguy hiểm hơn vòng qua Bắc Phi sau khi tuyến đường di cư ngắn hơn từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hi Lạp bị phong tỏa.

Theo IMO, với thống kê trên, trung bình mỗi ngày khoảng 20 người di cư thiệt mạng. Người phát ngôn Cơ quan tỵ nạn LHQ Federico Fossi cho biết, số người chết trong quá trình di cư tăng lên hằng năm. Năm 2015, cứ 269 người di cư vượt biển đến châu Âu thì có 1 người thiệt mạng, con số này của năm 2016 là 1 trong số 88 người.

Nguyên nhân của những cái chết ngoài việc phải đi trên những con tàu ọp ẹp, nhỏ bé với lượng người quá lớn, khi tàu chìm, những chiếc áo phao kém chất lượng cũng gián tiếp trở thành kẻ "giết người" mà người di cư mặc để vượt biển sang châu Âu được truyền thông quốc tế bóc mẽ, phơi bày chân tướng. Trang báo điện tử DailyMail (Anh) cho biết, những chiếc áo phao giả, không đạt tiêu chuẩn an toàn khiến hàng trăm người dân di cư trong quá trình vượt biển sang châu Âu đã bị chết đuối thương tâm.

“Rất nhiều người đã bỏ mạng trên biển vì những chiếc áo cứu sinh như thế. Chúng sẽ ngấm nước và có thể kéo bạn xuống thay vì giúp bạn nổi lên theo đúng tác dụng của một chiếc áo phao. Tôi đã chứng kiến hàng trăm người chết vì bị áo phao rởm lôi tuột xuống biển", R.Kempson, một người thoát chết may mắn do lực lượng cứu hộ phát hiện kịp thời tại Hy Lạp kể lại.

Theo người phát ngôn Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Libya (LRSC) Mohammed Misrati, nước này đang phải vật lộn với những đợt thủy triều “thi thể” ngày càng tồi tệ. Các tình nguyện viên của LRSC đã thu lượm hàng trăm thi thể những người di cư xấu số trên biển dạt vào bờ khi thủy triều lên trong năm qua, trong số đó nhiều người chỉ còn là khung xương trong bộ quần áo cuối cùng.

Lũ buôn người khát máu

Melissa Fleming, một phát ngôn viên của UNCHR cho biết, trên đường đi tìm vùng đất mơ ước, phụ nữ và trẻ em gái ngoài muôn vàn khó khăn, nguy hiểm luôn rình rập từ biển cả, khí hậu... khó khăn lớn nhất mà họ phải vượt qua chính là tâm địa tàn ác của lũ buôn người.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), chỉ tính riêng trong năm 2015, những kẻ buôn người đã kiếm được hơn 5 tỷ USD từ dịch vụ đưa người tỵ nạn tới châu Âu. Năm 2015, 90% những người tỵ nạn đến châu Âu thông qua dịch vụ nói trên, với chi phí mỗi chuyến vượt biên có giá khoảng 3.200-6.500 USD.

Hơn 50% trong số 1.500 người vượt biên được hỏi cho biết đã trả khoản chi phí này bằng tiền mặt và khoảng 16% các trường hợp thanh toán khác được chính các thành viên gia đình người tỵ nạn đã tới châu Âu trước đó chi trả.

Báo cáo của Europol và Interpol cho biết, các đường dây đưa người tỵ nạn bất hợp pháp vào châu Âu thường do các tổ chức tội phạm từng dính vào các hoạt động buôn bán ma túy cầm đầu và lợi nhuận chúng kiếm được từ dịch vụ này là rất lớn. Để hợp pháp hóa những khoản “tiền bẩn” khổng lồ thu được, bọn buôn người sử dụng hình thức chuyển tiền qua biên giới bằng cả đường bộ và hàng không, sau đó chúng lại tìm cách "rửa" các khoản tiền trên thông qua các cửa hàng bán thực phẩm khô, các nhà hàng ăn hay các doanh nghiệp vận tải... Điều đáng lo ngại là các nhóm tội phạm buôn người vào châu Âu vẫn đang làm ăn phát đạt.

Một bé gái Syria gào khóc khi bị những người di cư và tị nạn khác chèn ép tại biên giới của Hy Lạp và Macedonia. Ảnh Reuters.

Việc các quốc gia châu Âu lúng túng trong khi xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư đã và đang tạo ra những “mảnh đất màu mỡ” cho dịch vụ trung chuyển người vượt biên bất hợp pháp. Thống kê của Europol và Interpol cho thấy, trong năm 2015, hơn một triệu người di cư đã tới châu Âu và năm 2016, con số này dự kiến sẽ còn cao hơn. Một trong những thị trường sôi động nhất của các tổ chức vận chuyển người tỵ nạn là Libya.

Theo Europol, tại nước này hiện có khoảng 800.000 người tỵ nạn đang chờ cơ hội để vượt biển sang EU, bất chấp nguy hiểm tính mạng. UNHCR kêu gọi tất cả các cơ quan chức năng trong EU phải ngay lập tức thực hiện những giải pháp an ninh khẩn cấp trước mối lo ngại về tình trạng bạo lực và lạm dụng tình dục đối với những phụ nữ tỵ nạn, nhập cư và con cái của họ trên đường đến châu Âu.

Dòng người bất tận

Trang tin "isn.ethz.ch" (Thụy Sĩ) mới đây có bài phân tích về làn sóng di cư và số phận người di cư của nữ tác giả Catherine W. Wenden, chuyên gia thuộc Tổ chức nhân quyền Conectas, với nhận định rằng hiện có khoảng 1 tỷ người đang di chuyển nơi cư trú và làn sóng di cư đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Vào đầu thế kỷ 21, tình trạng di cư quốc tế đạt mức độ cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, không giống như trước đây khi làn sóng di cư chủ yếu là của người châu Âu, ngày nay với dân số đang suy giảm, châu Âu đã trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của người di cư.

Sự đột biến trong làn sóng di cư hiện nay đã diễn ra cách đây khoảng 20 năm, khi bắt đầu xuất hiện các dòng người di cư trên thế giới. Các nguyên nhân như đô thị hóa, áp lực về bùng nổ dân số, kinh tế suy thoái, tỉ lệ thất nghiệp cao, chiến tranh, xung đột... là những nguyên nhân chủ yếu làm bùng nổ làn sóng vượt biên và tạo ra những "hiệu ứng" di cư, gia tăng tính di động của quần thể người vốn đã định canh, định cư trước đây, nhất là đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của nhiều quốc gia và trở thành vấn đề toàn cầu hiện nay.

Một số nơi bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi các dòng người di cư mới, ví dụ như các hòn đảo thuộc biển Địa Trung Hải, vùng Caribe và một số vùng biên giới như khu vực Thrace nằm giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Dòng người đổ vào châu Âu có thể được chia thành ba nhóm: người tỵ nạn, người di cư kinh tế và những người lánh nạn do bạo lực. Trên nhiều phương tiện và ấn phẩm truyền thông, trong đó có cả tờ The Washington Post, những khái niệm này được sử dụng thay thế lẫn nhau. Tuy nhiên sự khác biệt không chỉ là vấn đề ngữ nghĩa, mà nó còn mang tính quyết định đối tượng nào có thể ở lại hợp pháp hoặc bị gửi trả về nước.

Theo luật quốc tế - và luật tỵ nạn của Hoa Kỳ và phần lớn các quốc gia phương Tây - khái niệm “người tỵ nạn” (refugee) chỉ một nhóm người rất nhỏ. Theo luật, người tỵ nạn là người bỏ trốn khỏi đất nước của mình bởi họ có cơ sở để lo sợ sẽ bị ngược đãi vì những lý do chủng tộc, tôn giáo, dân tộc, quan điểm chính trị hay vì là thành viên của một nhóm xã hội cụ thể nào đó. Không quốc gia nào có quyền gửi trả người tỵ nạn về nơi cuộc sống của họ có thể bị đe dọa, bất kể quốc gia đó đã ký Công ước LHQ về người tỵ nạn hay chưa.

Ngược lại, “người di cư” (migrant) là một khái niệm không được quy định trong luật quốc tế. Theo cách nói thông thường, khái niệm này được sử dụng để chỉ những người tìm kiếm cơ hội việc làm. Các quốc gia không có nghĩa vụ pháp lý đối với người di cư - các nước hoàn toàn có thể từ chối nhập cảnh hoặc trục xuất họ. Do đó khi các chính trị gia châu Âu đánh đồng tất cả những người đang chờ đợi ở biên giới là “người di cư”, họ hàm ý rằng nước mình chẳng phải có nghĩa vụ gì với nhóm người này.

Thêm vào đó, có một sự thật là chính những chiến dịch giải cứu quá hào phóng chỉ thu hút thêm nhiều người tỵ nạn và di cư. Tháng 10 năm 2013, Italia tiến hành chiến dịch “Mare Nostrum” - một chiến dịch tìm kiếm và cứu trợ người di cư băng qua Địa Trung Hải. Chương trình này đã cứu sống hơn 130.000 người khỏi cảnh chết giữa biển khơi. Thế nhưng nó vẫn chịu nhiều chỉ trích gay gắt và chiến dịch Mare Nostrum bị dừng lại vào tháng 10 năm 2014.

Ông Fabrice Leggeri - người đứng đầu Cơ quan biên phòng của EU và Frontguard, cho rằng truyền thông là "chìa khóa" để xóa nhòa những viễn cảnh mà những kẻ buôn người vẽ ra cho người di cư về một cuộc sống mới ở châu Âu.

Nguyễn Hòa
.
.