Đi tìm sự thật qua những vụ khai quật tử thi

Thứ Tư, 29/08/2012, 13:15

Đại tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự (PC54) Công an Hà Nội đầy trăn trở khi nói về công việc khai quật tử thi. Anh bảo rằng đối với "nghề" kỹ thuật hình sự (KTHS) thì những trường hợp khai quật tử thi là việc "cùng bất đắc dĩ" do nhiều nguyên nhân như khâu điều tra ban đầu chưa tốt; do Cơ quan điều tra chưa tiếp cận được thông tin trong khi tin báo ban đầu chưa chính xác hoặc do việc che giấu thông tin (thường xảy ra với những vụ người trong gia đình gây án). Do vậy, phương châm trong hoạt động nghiệp vụ chuyên môn luôn được quán triệt đối với CBCS trong lực lượng KTHS là hạn chế thấp nhất những vụ khai quật tử thi.

Giải mã cái chết bất thường của một thanh niên trong nhà hàng xóm

Khoảng 14 giờ ngày 9/8/2010, anh Lê Đình Hùng ở tổ 1, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội sang nhà hàng xóm là Nguyễn Văn Diệp (44 tuổi) chơi. Lúc đó, Diệp không có nhà nhưng trên nền nhà là một người hàng xóm khác - anh Phạm Thanh Tùng (SN 1973) nằm bất động, quần áo ướt sũng, mũi chảy nhiều máu. Anh Hùng hô hoán và gọi người nhà của anh Tùng đến, đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết anh Tùng đã tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện.

Chủ nhà Nguyễn Văn Diệp cho biết, sáng 9/8 khi Diệp đi ra khỏi nhà để đi làm tại một công trình xây dựng trên phố Ngô Gia Tự thì gặp Tùng nên nhờ Tùng trông nhà hộ. Diệp nói với mọi người do Tùng chích ma túy nên bị sốc thuốc chết. Về phía gia đình anh Tùng ban đầu cũng cho rằng khả năng anh Tùng bị cảm hoặc sốc ma túy bởi Tùng nghiện ma túy đã lâu. Do đó gia đình đã tiến hành chôn cất nạn nhân mà không nghi ngờ gì.

Tuy nhiên sau đám tang, người nhà anh Tùng nghe được thông tin từ một người bán hàng nước kể chuyện đúng hôm phát hiện anh Tùng chết, một thanh niên ngồi uống nước tại quán khoe vừa "oánh" một thằng ở trên ga. Thanh niên này  nói rằng "thằng này về đến nhà chỉ có chết chứ không sống được". Nghi ngờ người bị đánh như thanh niên kia kể có thể là anh Tùng, gia đình đã có đơn đề nghị Cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ.

Sau khi nhận đơn trình báo của gia đình Phạm Thanh Tùng, Công an quận Long Biên tiến hành điều tra và nhanh chóng tìm ra đối tượng kể chuyện đánh người trên là Nguyễn Chiến Thắng ở phường Đức Giang, Long Biên. Thắng khai nhận ngày 5/8 trước khi anh Tùng chết, hai người có xảy ra mâu thuẫn cãi nhau trong lúc uống rượu. Thắng dùng tay đấm vào mặt khiến Tùng ngã. Được mọi người can ngăn nên sự việc chỉ dừng ở đó. Anh Tùng tự đi bộ từ ga Gia Lâm về nhà. Vậy việc Thắng đánh Tùng có phải là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân hay không? Cơ quan điều tra đã quyết định trưng cầu Viện KHHS Bộ Công an. 20 ngày sau khi chôn cất anh Tùng, việc khai quật tử thi được tiến hành.

Thượng tá Nguyễn Văn Báu, Phó giám đốc Trung tâm Giám định pháp y - Viện KHHS Bộ Công an "bật mí" rằng, trong các vụ việc phải khai quật tử thi, để thuận lợi cho công việc thì trước đó, Cơ quan điều tra và giám định viên có buổi tiếp xúc, nói chuyện, giải thích với gia đình người chết về các công việc sẽ tiến hành; đồng thời thông báo với chính quyền địa phương để phối hợp, xác định đúng mộ chí sẽ tiến hành khai quật. Việc khai quật thường thực hiện vào sáng sớm. Trước đó, phía gia đình người chết đã làm các thủ tục về tâm linh.

"Mặc dù là nhiệm vụ nhưng ai cũng là con người. Đặt vị trí của  mình là người thân của người đã mất, khi buộc phải khai quật thì đó là một sự việc hết sức nghiêm trọng. Do đó bác sĩ pháp y trước khi tiến hành công việc đều có sự cảm thông, chia sẻ với thân nhân, thắp nén nhang cho người chết. Nhưng khi đã vào việc thì trách nhiệm trước pháp luật đối với bác sĩ pháp y được đặt lên hàng đầu" - Thượng tá Nguyễn Văn Báu cho biết.

Trở lại vụ việc khai quật tử thi anh Phạm Thanh Tùng. Qua pháp y tử thi cho thấy nạn nhân bị gãy rất nhiều xương sườn hai bên, chọc vào phổi gây chảy máu, xẹp phổi, suy hô hấp. Như vậy, đây không phải cái chết tự nhiên mà là tử vong do ngoại lực tác động. Với tổn thương rất nặng này sẽ dẫn đến tử vong tương đối nhanh, nạn nhân không thể đi bộ một quãng đường xa như từ ga Gia Lâm về nhà được. Do đó việc Nguyễn Chiến Thắng đánh anh Tùng bị thương vùng mặt tại khu vực ga vào ngày 5/8/2010 là việc có thật nhưng thương tích đó không phải là nguyên nhân dẫn đến tử vong của nạn nhân.

Nhận định việc anh Tùng bị đánh chỉ diễn ra ở khu vực xung quanh hiện trường nơi phát hiện nạn nhân, Công an quận Long Biên đã tập trung điều tra đối với Nguyễn Văn Diệp. Một nhân chứng cho biết sáng ngày 9/8/2010 trước khi phát hiện anh Tùng chết, có thấy Diệp đứng nói chuyện với 3 thanh niên nam, nữ ở trước cửa nhà. Mất rất nhiều công sức, Công an quận Long Biên đã tìm ra 2 thanh niên trong số này là Đặng Quốc Đạt ở Ân Thi, Hưng Yên và Nguyễn Văn Hoan ở Yên Định, Thanh Hóa. Sau đó, cả hai tên này lần lượt bị bắt giữ về hành vi cướp tài sản.

Qua đấu tranh với các đối tượng đã làm rõ sự thật về cái chết bất thường của anh Phạm Thanh Tùng. Sáng 9/8, anh Tùng đến nhà Diệp chơi. Lúc đó tại nhà Diệp có Đạt, Hoan và 2 cô bạn gái. Tùng chỉ một cô gái nói với Diệp và hai cậu bạn nhờ "giới thiệu" cho mình. Cho rằng Tùng đã xúc phạm mình, Diệp, Đạt và Hoan rủ nhau "đánh hội đồng", xông vào đấm, đạp người Tùng, Khi Tùng ngã ra, các đối tượng còn nhảy lên người đạp khiến nạn nhân bị gãy tới 12 chiếc xương sườn và tử vong.

Sự thật đằng sau vụ "một học sinh chết vì bị đâm thủng xương sọ"

Thượng tá Nguyễn Văn Báu cho biết, pháp y công an là lực lượng được đào tạo cơ bản, ngoài chuyên môn của ngành y thì các bác sĩ pháp y, giám định viên của trung tâm còn được đào tạo thêm lĩnh vực khoa học hình sự với nhiều kiến thức khác như khám nghiệm hiện trường, dấu vết, công cụ, đường vân, độc chất… Điều này đã giúp lực lượng pháp y khi đến hiện trường sẽ  có cái nhìn tổng hợp, giúp cho việc đánh giá dấu vết trên tử thi chuẩn xác, từ đó nhận định cơ chế hình thành dấu vết tương ứng. Thế nhưng, nguyên tắc đặt ra không chỉ đối với lực lượng pháp y mà đối với tất cả CBCS trong lực lượng KTHS trước khi bước vào hiện trường là thận trọng, khách quan bởi một sai sót nhỏ trong khâu ban đầu có thể dẫn đến hậu quả "đi một dặm" cho các bước điều tra tiếp theo.

Ngày 23/4/2003, tại một trường học ở huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn xảy vụ việc nghiêm trọng. Cháu La Hoàng G. (SN 1988), học sinh lớp 10, bị ngã trong lúc  đùa nghịch cùng các bạn. Buổi chiều hôm đó khi về nhà, cháu G kêu đau đầu. Gia đình đưa cháu tới bệnh xá khám. Do trình độ chuyên môn có hạn nên bác sĩ tại bệnh xá xác định cháu G. đau đầu bình thường, cấp thuốc rồi cho cháu về nhà. Nửa đêm, cháu G. kêu đau đầu dữ dội, vật vã và… tử vong. Do cái chết của cháu G. không bình thường nên gia đình cháu  yêu cầu Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn làm rõ nguyên nhân. Cơ quan công an đã trưng cầu giám định pháp y của tổ chức giám định pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh.

Kết quả giám định pháp y tử thi xác định cháu G bị tổn thương với 60-70 lỗ thủng nhỏ ở vòm sọ gây xuất huyết não, là nguyên nhân dẫn đến tử vong. Sau khi giám định pháp y xong, tử thi đã được giao cho gia đình nạn nhân chôn cất.

Vì trong kết luận của cơ quan giám định pháp y có tới 60-70 lỗ thủng ở vòm sọ nên Cơ quan điều tra nhận định những lỗ thủng đó do vật nhọn, tròn gây ra. Như vậy dấu hiệu đây là vụ án mạng đã rõ. Do đó Cơ quan điều tra đã tiến hành đi tìm hung khí có hình dạng nhọn, tròn tương ứng với "thương tích", như bàn chông cắm hoa, dùi nhỏ… ở khu vực hiện trường. Trong nhiều ngày liền, các khu vực như phòng học, sân chơi được kiểm tra rất kỹ. Thế nhưng không tìm được vật nào giống như "hung khí" đã nhận định.

Tiến hành ghi lời khai của các cháu học sinh, kết hợp mở rộng hiện trường cũng không thu được manh mối nào liên quan đến "vật chứng" trên. Điều này gây dư luận không tốt tại địa phương khi có những lời đồn thổi về hành vi giết người dã man, dùng dùi nhọn đâm thủng đầu nạn nhân. Dư luận trên không chỉ  khiến gia đình nạn nhân bức xúc mà nhà trường cũng rất lo lắng về sự an toàn đối với học sinh trong trường. Chính vì vậy, sức ép đối với Cơ quan điều tra ngày càng nặng nề.

Sau gần một tháng trời vất vả tìm kiếm "hung khí" nhưng không thu thập được gì, Cơ quan điều tra đã đặt ra câu hỏi: Liệu nhận định về hung khí cũng như nguyên nhân chết của cháu G. như vậy có đúng không? Để giải đáp câu hỏi này, toàn bộ hồ sơ vụ việc, bản ảnh hiện trường, bản ảnh tử thi đã được gửi đến Trung tâm Giám định pháp y, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an.

Thượng tá Nguyễn Văn Báu, Phó giám đốc Trung tâm Giám định pháp y kể lại, qua nghiên cứu hồ sơ, các giám định viên đã phát hiện "sai sót nghiêm trọng" của cơ quan giám định pháp y ban đầu ở chỗ việc mô tả về tổn thương (60-70 lỗ thủng nhỏ trên vòm sọ gây chảy máu) không phù hợp với bản ảnh tử thi. Do đó, Trung tâm đã trao đổi với Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn phải khai quật tử thi để xác định chính xác tổn thương.

Khoảng hơn một tháng sau đó, việc khai quật tử thi được tiến hành. Khi xem xét phần xương sọ của nạn nhân, giám định viên của Trung tâm thấy hoàn toàn không có tổn thương. "60-70 lỗ thủng nhỏ" như mô tả ban đầu, thực chất là những lỗ tự nhiên, phù hợp với cấu trúc giải phẫu tự nhiên của xương sọ người bình thường. Nhưng bên trong tổ chức não có tổn thương chảy máu trong não. Đó mới chính là nguyên nhân dẫn đến tử vong.

Qua khai quật, pháp y tử thi cho thấy mô tả của bác sĩ pháp y ban đầu là sai. Việc chảy máu não không phải do bị "một vật tròn, nhọn đâm thủng xương sọ gây chảy máu" như nhận định ban đầu mà do nạn nhân bị ngã đập đầu xuống đất gây chấn thương sọ não. Điều này cũng phù hợp với lời khai của các cháu học sinh cho biết trong lúc nô đùa đã xô đẩy nhau khiến cháu G. ngã. Như vậy, đây không phải là một vụ án mạng như nhận định lúc đầu.

Với việc làm sáng tỏ nguyên nhân tử vong của cháu G đã góp phần quan trọng giải tỏa tâm lý bức xúc cho gia đình, giải tỏa tâm lý bất an cho nhà trường và phụ huynh học sinh, dập tắt những tin đồn thất thiệt, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

* Ảnh trong bài: Cán bộ KTHS tham gia khám nghiệm hiện trường các vụ trọng án

Hương Vũ - Đoàn Đặng
.
.