Đi tìm sự thật vụ mất tích của Trung úy Không quân Mỹ

Thứ Ba, 16/10/2018, 08:02
Được đồng nghiệp miêu tả là một người thông minh, quả cảm và có kỷ luật, ở độ tuổi 26, Paul Whipkey đã có vị trí khá đáng nể trong lực lượng Không quân Mỹ và được lái máy bay tham dự các buổi thử nghiệm vũ khí hóa học tại Fort Ord California. Giữa năm 1957, ông bắt đầu hành xử lạ lùng và thay đổi…

Paul rụng gần hết răng, sụt cân và bắt đầu mọc đầy nốt ruồi, mụn cóc trên khắp cơ thể. Các đồng nghiệp cho biết Paul thường tỏ ra bồn chồn và đề phòng người xung quanh. Ông cũng được trông thấy gặp gỡ hai người đàn ông mặc đồ màu đen khi đang làm nhiệm vụ song không rõ đó là những người nào.

Câu chuyện về người đào ngũ

Ngày 10-5-1957, Paul nói với các đồng nghiệp tại văn phòng rằng ông sẽ vào thị trấn uống vài ly. Tất nhiên, đó không phải sự thật.

Thay vào đó, Paul lái xe tới Mojave Desert, ở lại một nhà nghỉ gần đó trong 1 đêm, và ngày hôm sau mua 14 gallon khí ga. Đó là lần cuối cùng người ta thấy Paul còn sống.

Paul Whipkey và chiếc xe ôtô của Paul được tìm thấy sau 5 tuần mất tích.

Cùng ngày, một số binh sỹ nhìn thấy chiếc xe của Whipkey được lái bởi một người đàn ông không mặc quân phục và họ cũng không chắc đó có phải là Whipkey hay không.

Trong khi đó tại Fort Ord, căn hộ của Paul nhanh chóng bị dọn sạch trống trơn và một tháng sau ông được cho là đã đào ngũ.

Tám tháng sau, quân đội cuối cùng cũng thừa nhận có thể không phải Paul đã đào ngũ và bắt đầu mở một cuộc tìm kiếm. Xe ôtô của ông được tìm thấy tại một nơi bỏ hoang tại Death Valley, cách Ford Ord khaonrg 400 dặm (gần 650km) với chìa khóa vẫn cắm tại chỗ. Vali của Whipkey cùng thẻ tên và các vật dụng cá nhân vẫn ở trong xe. Không có bất kỳ dấu hiệu nào hé lộ về điều đã xảy ra với chủ nhân của chiếc xe. Tài khoản ngân hàng của Paul cũng không có gì khả nghi vào thời điểm trước và sau khi ông biến mất.

Xung quanh chiếc xe người ta còn tìm thấy rải rác vài đầu mẩu thuốc lá. Một điều rất khả nghi bởi Paul không hề hút thuốc.

Đâu là sự thật?

Vụ việc tạm lắng tới tận 1982 khi một ủy ban của quân đội triệu tập phiên điều trần về vụ mất tích của viên sỹ quan Paul Whipkey. Ủy ban Quân đội về hiệu chỉnh hồ sơ quân sự kết luận Whipkey đã chết sau ngày ông biến mất, và cái chết được liệt vào dạng “hy sinh trong khi làm nhiệm vụ”. Paul chính thức được đưa vào danh sách liệt sỹ.

Ủy ban này đặt giả thuyết rằng Whipkey "có thể đã đi bộ tại vùng sa mạc, không chịu nổi sức nóng, những cơn bão cát và sụt lún khiến người ta không thể tìm thấy thi thể” của sỹ quan này.

Anh trai của Paul là Carl Whipkey không tin vào câu chuyện của giới chức. Cũng là một sỹ quan quân đội, Carl cho rằng còn nhiều điều bí ẩn về việc em trai mình biến mất. Điều khiến ông đặc biệt chú ý là chỉ một ngày sau khi em trai mình mất tích, người ta đã thu dọn đồ đạc của Paul và chuyển lên tàu biển đi nơi khác. Carl nói: “Họ chắc chắn phải biết rằng Paul sẽ không quay trở lại, hoặc họ chỉ chờ để xóa mọi dấu vết”.

Carl cũng không thừa nhận kết luận Paul tự mình tìm đến cái chết. Ông nói: “Họ bảo rằng em tôi đi tới Death Valley, rồi tự kết liễu đời mình. Tôi không thể nuốt trôi điều này. Không ai bỏ đi mà lại tìm tới Death Valley, có nhiều cách để tự tử hơn là bỏ mình chết khát”. Carl tin rằng người của quân đội đã lái xe tới sa mạc sau khi em trai ông mất tích. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1983, Carl nói: “Chính phủ biết điều gì đã xảy ra với em trai tôi. Họ không thể lảng tránh điều đó. Còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp”.

Bình yên chưa trở lại

Carl Whipkey đã dùng cả cuộc đời của mình để đi tìm sự thật về em trai. Năm 1977, Carl đệ đơn yêu cầu được tìm kiếm và tiếp cận các thông tin liên quan từ Cục Điều tra Liên bang (FBI) theo Đạo luật Tự do thông tin (FOIA). Lá đơn của Carl không được hồi đáp cho tới tận năm 1978 khi ông biết được rằng FBI đã hủy toàn bộ hồ sơ liên quan đến Paul Whipkey vào tháng 12-1977.

Không chùn bước, Carl đã thu thập hàng nghìn tài liệu của chính phủ cũng như tìm kiếm sự trợ giúp từ những người quen biết trong quốc hội và quân đội, song mọi chuyện ngày càng trở nên tù mù. Carl biết được rằng Paul từng lái máy bay thăm dò 5 vụ thử hạt nhân tại Nevada.

Giả thuyết mà Carl nghĩ đến là em trai mình đã bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức nguy hiểm và có thể là đã nắm được những bằng chứng về việc quân đội tiến hành những thí nghiệm bí mật trên cơ thể người. Quân đội thừa nhận Trung úy Whipkey từng được điều chuyển nhận nhiệm vụ tạm thời tại Camp Desert Rock, Nevada trong giai đoạn từ tháng 7 tới tháng 10-1957 song phủ nhận mọi nhận định khác của Carl.

Tuy nhiên, trong báo cáo của quân đội cũng có đề cập tới chi tiết rằng sau khi trở về từ Nevada, trên cơ thể Paul bắt đầu xuất hiện những nốt mụn cơm và nốt ruồi lạ. Whipkey từng nhiều lần phàn nàn về tình hình sức khỏe sụt giảm. Ông sụt cân khá nhanh trong khi thường xuyên lo lắng và trầm cảm. Vài tháng trước khi hoàn toàn biến mất, Paul rụng gần hết răng và phải dùng răng giả.

Charles Lewis, một sỹ quan từng làm việc cùng Paul, cho biết sau các chuyến bay tại Nevada, Paul đã bị các đặc vụ tình báo phỏng vấn, và những cuộc phỏng vấn này khiến Paul “lo sợ và bồn chồn”. Ông nhớ lại: “Paul vẫn cư xử bình thường nhưng mỗi khi người ta đề cập tới các đặc vụ hoặc những người này đột nhiên xuất hiện tại sân bay và câu lạc bộ sĩ quan, Paul đột nhiên trở nên im lặng một cách lạ thường”.

Carl Whipkey còn có nhiều giả thuyết về sự biến mất không chút dấu vết của em trai mình. Ông cho rằng có thể Paul là một đặc vụ bí mật và đã bị sát hại để bịt đầu mối. Hoặc Paul đã thực hiện một nhiệm vụ bí mật tại Liên bang Xôviết và rồi thiệt mạng tại đây. Hoặc Paul thiệt mạng vì một thứ khí độc thần kinh hay vũ khí nguyên tử của quân đội. Bị giết vì đã vô tình biết được những bí mật không nên biết của quân đội.

Mọi chuyện càng khó hiểu hơn khi Carl biết được rằng em trai mình từng sử dụng bí danh "Paul B. Whipper" song không rõ tại sao. Carl nói: “Có lẽ tôi sẽ thấy thoải mái và an lòng hơn nếu quân đội thừa nhận rằng họ không thể nói sự thật vì lý do an ninh. Tuy nhiên, họ không làm vậy và tôi không loại trừ bất kỳ giả thuyết nào”.

Còn có những giả thuyết cho rằng Paul Whipkey đã ngụy tạo cái chết của mình để rộng đường gia nhập Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) hoặc một đơn vị tình báo nào đó. Hai người đàn ông được nhìn thấy gặp Paul vài lần trước khi ông biến mất có thể là những người của chính phủ giúp Paul ngụy tạo hiện trường.

Một giả thuyết khác là Paul, một điệp viên 2 mang, đã bị 2 người đàn ông mặc đồ đen thủ tiêu để bịt đầu mối sau khi họ có được thông tin mà họ cần.

Với gia đình của Paul Whipkey, số phận của ông không thể bị coi là “bí ẩn”, bởi họ chắc chắn rằng một ai đó, ở một nơi nào đó biết rõ sự thật về điều gì đã diễn ra với viên trung úy trẻ tuổi này. Tuy nhiên, tới tận ngày hôm nay, mọi thông tin vẫn được giấu kín và đúng như Carl Whipkey từng nói “sự bình yên chưa từng trở về với gia đình tôi”.

Thái Hân (tổng hợp)
.
.