Đi tù vì gom số tài khoản cho kẻ lừa đảo

Thứ Tư, 03/03/2021, 08:17
Các vụ lừa đảo bằng hình thức giả danh cán bộ cơ quan pháp luật gọi điện đe dọa nạn nhân, ép họ chuyển tiền vào số tài khoản được chỉ định nhằm chiếm đoạt thời gian qua là chiêu trò cũ nhưng nhiều nạn nhân mới. Khi đường dây tội phạm này được phát hiện, nhóm tội phạm chủ mưu ôm tiền tỉ "cao chạy xa bay", manh mối để lại chỉ là dấu vết từ số tài khoản mà nạn nhân đã chuyển tiền vào.


Vướng vòng lao lý, nhiều chủ tài khoản "khóc ròng", bởi họ chỉ hám chút lợi nhuận nhỏ, mở tài khoản "bán" cho nhóm đối tượng kia, không biết được sử dụng vào mục đích lừa đảo. Họ vô tình tiếp tay cho đối tượng lừa đảo, thậm chí còn vướng vòng lao lý với vai trò đồng phạm, tiếp tay cho lừa đảo.

Bán hơn 1 triệu đồng một tài khoản

Viện KSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 2 bị can trong vụ án giả danh cán bộ các cơ quan pháp luật, giả mạo Cổng thông tin điện tử Công an TP Hà Nội để lừa đảo chiếm đoạt 4 tỉ đồng.

Đối tượng Hoàng Thị Xuân

Ngày 28-8-2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội nhận được đơn trình báo của chị Nguyễn Thị Thanh H. (sinh năm 1973 ở Hà Nội) tố cáo một nhóm đối tượng gọi điện thoại giả danh các cơ quan pháp luật, giả mạo Cổng thông tin điện tử Công an TP Hà Nội theo website: congan.hanoi113.com, để lừa đảo chiếm đoạt của chị H. số tiền gần 4 tỉ đồng.

Qua điều tra, xác định: Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9-2019, Nguyễn Đình Thành (sinh năm 1992 ở Hải Dương) và đối tượng tên Xoài (hiện chưa xác định được lai lịch) thỏa thuận với Nguyễn Đình Vân (sinh năm 1996 ở Hải Dương) đứng ra mở tài khoản ngân hàng rồi bán cho Thành với giá 1,5 triệu đồng/tài khoản và bán cho Xoài 2,7 triệu đồng/tài khoản tại một số ngân hàng có đăng ký Internet banking, Mobile banking.

Sau khi mở xong tài khoản, Vân gửi thông tin tài khoản, mật khẩu đăng nhập Internet banking, Mobile banking cho Thành và Xoài, rồi chuyển các sim điện thoại đã đăng ký cho những người không quen biết do Thành và Xoài cử đến nhận. Vân đã đứng tên mở 3 tài khoản ngân hàng bán cho Thành được 4,5 triệu đồng và tìm thuê nhiều người mở được 70 tài khoản khác nhau, được Xoài trả 189 triệu đồng. Vân trả cho những người thuê và mở tài khoản ngân hàng, trả công giới thiệu cho Thành số tiền gần 120 triệu đồng, còn lại hưởng lợi hơn 66 triệu đồng.

 Cùng thời gian này, các đối tượng trong nhóm của Xoài giả danh đại diện các cơ quan pháp luật gọi điện cho chị Nguyễn Thị Thanh H. nói là liên quan đến tội phạm, đe dọa bắt ép chị H. phải gửi tiền vào các tài khoản do nhóm Xoài cung cấp. Chị H. đã ra ngân hàng làm thủ tục chuyển khoản số tiền 3,8 tỉ đồng đến số tài khoản mang tên Nguyễn Mạnh Hiền và chuyển số tiền 172 triệu đồng đến một số tài khoản khác. Đến khoảng 11h20 ngày 6-8-2019, các đối tượng đã tìm cách tẩu tán số tiền trong 2 tài khoản này vào các tài khoản khác nhau. Thấy có nhiều giao dịch đáng ngờ từ tài khoản mang tên Nguyễn Mạnh Hiền nên ngân hàng đã khóa tài khoản này. Lúc này, Xoài đã bảo Vân cùng Nguyễn Mạnh Hiền (sinh năm 1997 ở Hưng Yên) ra ngân hàng rút hết số tiền hơn 3 tỉ đồng có trong tài khoản của Hiền. Bằng việc làm này, Hiền được chia 8 triệu đồng, Vân được hưởng lợi 43,5 triệu đồng.

Bộ Công an phát đi nhiều thông báo để người dân cảnh giác với hình thức lừa đảo qua điện thoại, qua trang web giả

Viện Kiểm sát xác định, Vân và Hiền đã câu kết với Xoài chiếm đoạt của chị H. số tiền gần 4 tỉ đồng. Tổng số tiền Vân được hưởng lợi bất chính là hơn 114 triệu đồng, Hiền hưởng lợi 11 triệu đồng. Vân và Hiền cùng bị  truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong khi đó, các đối tượng Nguyễn Đình Thành, đã "cao chạy xa bay"; còn đối tượng tên Xoài hiện chưa làm rõ được nhân thân, lai lịch. Cơ quan điều tra đã quyết định tách phần tài liệu liên quan đến hành vi của 2 đối tượng này, xử lý sau.

Đi tù vì tiếp tay cho tội phạm

Mới đây, đội Cảnh sát Hình sự Công an TP Nam Định phát hiện các đối tượng sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, Viber… đăng thông tin thu mua tài khoản ngân hàng của học sinh, sinh viên với giá 150.000 đồng/tài khoản. Sau khi thu mua, các đối tượng tiếp tục rao bán lại thông tin tài khoản ngân hàng với giá 1.500.000 đồng trở lên để hưởng tiền chênh lệch. Sau một thời gian điều tra, cơ quan chức năng tỉnh Nam Định xác minh được đối tượng thu mua tài khoản ngân hàng là Hoàng Thị Xuân (sinh năm 1989, Quảng Trị) hiện đang ở Hà Nội. Từ tháng 4-2020 đến ngày 12-5-2020, Xuân đã liên lạc và nhờ 18 người sinh sống tại TP Nam Định mở tài khoản, thẻ ngân hàng, dùng số điện thoại do Xuân cung cấp làm tên đăng nhập. Sau khi làm thẻ thành công, người mở tài khoản "bán" lại  Xuân và được trả 150.000 đồng/tài khoản.

Tại cơ quan điều tra, Hoàng Thị Xuân khai đầu tháng 2-2020, một số điện thoại lạ gọi cho Xuân với lời mời chào, sẽ trả cho Xuân 1.300.000 đồng nếu Xuân dùng giấy tờ cá nhân mở tài khoản ngân hàng rồi bán lại cho họ. Tài khoản ngân hàng phải đăng ký dịch vụ internet banking và số điện thoại do người mua cung cấp. Thấy việc bán tài khoản thẻ ATM có lợi nhuận, Xuân thuê  người mở tài khoản ngân hàng rồi thu mua và đăng bán lại, hưởng tiền chênh lệch. Xuân đã liên lạc, thu mua 54 tài khoản ngân hàng của 18 người tại TP Nam Định. Xuân hưởng lợi trái phép thông qua hành vi trên là gần 61 triệu đồng.

Trần Anh Tôn và Dương Văn Tân nhận mức án trên 10 năm tù.

Trong số 54 tài khoản ngân hàng thẻ ATM mà Hoàng Thị Xuân đã thu mua của 18 người trên địa bàn TP Nam Định, Công an TP Nam Định xác minh được 2 tài khoản ngân hàng do Xuân bán cho bên thứ 3 đã được sử dụng làm công cụ, phương tiện thực hiện 2 vụ lừa đảo với tổng số tiền bị chiếm đoạt là 90 triệu đồng. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Hoàng Thị Xuân về hành vi "Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng"..

Mới đây nhất, TAND TP. Hồ Chí Minh xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Thị Lệ Thanh (sinh năm 1976 tại Đồng Nai) 100 triệu đồng về tội "Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng". Khoảng tháng 12-2018, Thanh được con giới thiệu cho một đối tượng (không rõ lai lịch) mở các tài khoản ngân hàng đứng tên người khác bán lại với giá 1,5 triệu đồng. Thanh đến các ngân hàng mở tài khoản đứng tên mình để bán cho người này. Đồng thời, người này hướng dẫn mở các tài khoản ngân hàng và đăng ký dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại trên thẻ sim do họ đưa cho.

Sau đó, Thanh đã nói với nhiều người quen đều cư trú tại phường Xuân Trung, TP Long Khánh (Đồng Nai) về việc mở thẻ tài khoản ngân hàng, bán lấy tiền. Họ đã nhờ Thanh mở các tài khoản ngân hàng để bán lại. Tháng 1-2019, Thanh cùng các người quen đến 7 ngân hàng trên địa bàn TP Long Khánh và quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) để đăng ký tài khoản ngân hàng và mở thẻ ATM. Thanh được uỷ quyền là người đến nhận thẻ. Tổng cộng Thanh đã nhận 27 thẻ ATM để bán lại cho đối tượng mua tài khoản. Thanh đã nhận được số tiền 25 triệu đồng.

Từ đơn tố cáo của người đàn ông 63 tuổi ngụ tại quận 1, TP.Hồ Chí Minh bị lừa hơn 1,25 tỉ đồng, cơ quan chức năng phát hiện số tiền trên được rút từ các tài khoản mà Thanh đã mua bán lại. Việc Thanh bán các tài khoản ngân hàng cho các đối tượng không rõ lai lịch đã vô tình giúp sức cho các đối tượng lừa đảo tiền bằng hình thức gọi điện thoại giả danh công an, VKS, toà án yêu cầu chuyển tiền, gây khó khăn cho hoạt động điều tra nhằm truy nguyên đối tượng chính.

Trước đó, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trần Anh Tôn (sinh năm 1990, ở Yên Bái) 14 năm tù và Dương Văn Tân (SN 1990, ở Thanh Hóa) 10 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tôn, Tân và Lê Đăng Long (sinh năm 1988, ở Thanh Hóa, hiện đang bỏ trốn) đều là các đối tượng không có nghề nghiệp. Giữa tháng 6-2017, Tôn được một người bạn giới thiệu làm quen với hai thanh niên quê ở Thái Bình (chưa rõ nhân thân). 2 thanh niên này nói có nhu cầu mượn tài khoản ngân hàng để nhận, rút tiền làm ăn từ nước ngoài chuyển về và hứa hẹn sẽ trả 10% trên tổng số tiền rút được. Thấy lợi nhuận cao nên Tôn bàn với nhóm bạn sẽ mở tài khoản để giúp sức cho các đối tượng. Ngay sau đó, vào ngày 16-6-2017, Sơn và Tôn đã mở tài khoản ngân hàng. Sau đó, nhóm đối tượng lừa đảo đã nhờ Tôn và Sơn rút giúp số tiền trên 1 tỉ đồng được gửi vào số tài khoản mà nhóm của Sơn và Tôn lập. Kết quả, sau khi nhận được tiền, nhóm tội phạm "cao chạy xa bay". Hậu quả, Sơn và Tôn cùng nhau lĩnh án.

Qua thực tế các vụ án cho thấy, các đối tượng  thuê người mở tài khoản, thẻ ngân hàng sau đó sử dụng chính tài khoản, thẻ ngân hàng đó vào mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Việc cho mượn tên, giấy tờ để làm thẻ, mở tài khoản hiểu theo góc độ nào đó cũng là một hình thức tiếp tay cho đối tượng lừa đảo, vì tài khoản mua được trở thành phương tiện cho các đối tượng lừa đảo nhận tiền của các phi vụ lừa đảo và kéo theo nhiều hệ lụy. Hậu họa họ gây ra là khôn lường, những rắc rối họ phải đối mặt với pháp luật rất lớn so với món lợi nhỏ trước mắt.

Kim Sa
.
.