“Điểm nóng” trong cuộc chiến chống buôn lậu ma túy quốc tế

Thứ Ba, 04/07/2017, 13:45
Trạm kiểm soát Biên phòng và Hải quan mang tên "Kapitan Andreevo" (Thuyền trưởng Andreevo) thuộc Cộng hòa Bulgaria, từ nhiều năm nay đã trở thành "điểm nóng" nổi tiếng ở châu Âu về số thuốc phiện kỷ lục, tịch thu được từ các đường dây buôn lậu ma túy quy mô quốc tế.

Chỉ tính trong vòng 4 năm trở lại đây, hơn…1,5 tấn heroin nguyên chất đã bị các nhân viên Hải quan và Biên phòng ở cửa khẩu này phát hiện - qua các phương tiện chuyên chở quá cảnh và khách du lịch: năm 2013 là 220,2kg, 2014 - 416,4kg, 2015 - 550,1kg và 2016 là 621,3kg. Hầu như gần 75% tổng số những kẻ buôn bán bạch phiến phi pháp, bị lực lượng đặc nhiệm bài trừ ma túy của Bulgaria bắt giữ đều… "dính" vào trạm này.

Theo các chuyên gia thuộc Tổ chức Cảnh sát hình sự châu Âu (Europol), thì số lượng kỷ lục thu được từ một trạm cửa khẩu nói trên, thật "không thấm tháp gì" so với lượng thuốc phiện các loại đổ vào Liên minh châu Âu (EU) mỗi năm. Người ta ước tính rằng, hàng năm từ Thổ Nhĩ Kỳ phát xuất khoảng 80-100 tấn heroin qua "ngả" bán đảo Balkan, thâm nhập vào các quốc gia thuộc EU.

Nhân viên Hải quan sử dụng chó nghiệp vụ kiểm tra phương tiện tình nghi chở ma túy.

Đa phần chúng được vận chuyển trên những cỗ xe đầu kéo chuyên dùng chở hàng quá cảnh, thường không bị mở ra mỗi khi qua biên giới theo một Công ước Quốc tế có hiệu lực từ năm 1975, sau Hội nghị Diễn đàn An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) quy tụ 54 quốc gia thành viên hiện hữu. Việc khám xét tỉ mỉ lượng hàng hóa bên trong chỉ xảy ra với các trường hợp khả nghi, ví như dấu kẹp chì kiểm hóa ban đầu có dấu hiệu khác lạ, dây chằng bảo niêm bị biến dạng, vi phạm quy chế an toàn giao thông, hay được mật báo từ trước.

"Sau khi lãnh thổ Cộng hòa Bulgaria được bọn buôn lậu bạch phiến quốc tế sử dụng như là một "hành lang vận chuyển", chúng tôi hy vọng sẽ kết hợp với các lực lượng của Europol cùng các trang thiết bị hiện đại, nhằm khám phá ra những món hàng trắng chết người. Chúng tôi cần phải được trang bị máy soi tia X 3 chiều, để có thể kiểm tra mọi thứ bên trong các thùng hàng cồng kềnh trên xe mà không cần mở ra", Đại tá Stanislav Tausanov, Trưởng phòng Chống buôn lậu và rửa tiền thuộc Bộ Nội vụ Bulgaria cho biết.

Tại kho của Chi cục Hải quan thị trấn Svilengrad thuộc tỉnh Haskovo, thuyền trưởng Andreevo đang hiện diện một chiếc máy soi X quang mới nguyên xi "chưa bóc tem", chuyên dụng với việc kiểm tra các xe hàng quá cảnh. Nhưng do thiếu kinh phí nên người ta chưa thể lắp cho trạm biên phòng cửa khẩu được. Để máy hoạt động hữu hiệu, cần phải có một căn phòng đặc chủng cùng các phụ kiện thiết yếu trị giá 1,5 triệu USD. Chỉ tính  riêng việc bảo trì máy hàng năm thôi, cũng ngốn của ngân sách tới 1/4 triệu USD rồi.

Chẳng có ai đứng ra cấp kinh phí trang trải cả, khiến các nhân viên mẫn cán thuộc Hải quan Svilengrad vẫn tiếp tục công việc gian nan của mình bằng kinh nghiệm lâu năm, qua những thứ đồ nghề thô sơ thông dụng như búa nhổ đinh, kìm, tuốcnơvít và đèn pin. Ngoài ra còn có 2 "đồng nghiệp 4 chân" đắc lực của họ là các chú chó nghiệp vụ tinh khôn có tên Dago và Zing, từng được đào tạo tại Đức chuyên với việc khám phá thuốc phiện và chất nổ giấu trong các đống hành lý.

Vẫn theo nhận định của Europol, thì lượng heroin "tràn" qua Bulgaria chủ yếu phát xuất từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng thực ra đất Thổ cũng chỉ là một "trạm trung chuyển tiền tiêu" cho các quốc gia thuộc khu vực Lưỡi liềm Vàng chuyên sản xuất thuốc phiện gồm Iran, Pakistan và Afghanistan.

Từ đấy bạch phiến "đổ bộ" vào các đô thị lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ như Istanbul hoặc Ankara, rồi "lan tỏa" tới EU theo 3 phương thức: ngả bằng đường bộ qua cửa khẩu Kapitan Andreevo, đường thủy qua biển Đen và Địa Trung Hải, ngả còn lại là đường hàng không.

Ví như trong 6 tháng đầu năm nay có cả thảy 11 vụ buôn lậu "cái chết trắng" bị phát hiện tại cửa khẩu cực nam của Cộng hòa Bulgaria này, cùng số lượng bạch phiến lậu tịch thu được lên tới 730,8kg, nhiều hơn số bị phát hiện trong cả năm trước đó chứng tỏ nạn buôn lậu ma túy ngày càng "lộng hành". Tiêu biểu là vụ bắt giữ lượng bạch phiến kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây, khi một chiếc xe container đông lạnh mang biển số Hà Lan chở "kèm"… 423 kg heroin, hàng được viên tài xế tinh ranh cất giấu dưới thùng xe gia cố thành 2 đáy.

"Kỷ lục" kế tiếp thuộc về 2 tên Mekhmed Solmaz và Abdul Iozekhechi mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, vận chuyển 114kg heroin trên chiếc xe hiệu Citroen đeo biển kiểm soát của Đức. Hàng được chia thành hàng trăm gói nhỏ giấu tản mát trên xe, rồi 2 kẻ thủ phạm bị kết án mỗi tên 9,5 năm tù giam.

Tiếp nối là số hàng 78kg bạch phiến, do 2 công dân Ba Lan đóng giả thành vợ chồng chở trên một chiếc Mercedes minibus có rơ-moóc. Chúng bị tóm trên đường quá cảnh về Warsaw. Hàng được "chẻ" ra thành 156 gói nhỏ, mỗi gói nặng đúng nửa cân giấu dưới thùng rơ-moóc 2 đáy.

 Một người mang quốc tịch Bulgaria cũng dính vào đường dây vận chuyển "cái chết trắng". Đó là Borislav Stankov, 45 tuổi, bị bắt hôm 18-4 vừa qua cùng tang vật là 29,79kg heroin mang từ Thổ Nhĩ Kỳ về sau chuyến "du lịch". Tên này đã bị tòa án tỉnh Haskovo tuyên phạt mức án 15 năm tù giam cầm cố…

Thông thường những kẻ buôn bán thuốc phiện luôn phủ nhận tội lỗi của chúng trước tòa hòng mong giảm nhẹ án, thậm chí nhiều kẻ còn trơ trẽn nói là "không mảy may biết gì về… "hàng" cả"; rằng "ai đó đã quẳng lên xe một cách… đáng ngờ" khi đang đậu tại một chốn nào đó(!). 2 tên người Ba Lan chúng khăng khăng khẳng định là chỉ "đồng ý vận chuyển hàng phi pháp đến Ba Lan cho một người Thổ vô danh, nhưng không hiểu sao hắn ta lại bí mật bỏ… heroin thay vào đó"(?!).

Thực ra luật pháp Cộng hòa Bulgaria vẫn chưa mang tính răn đe quyết liệt với việc vận chuyển và buôn bán thuốc phiện lậu. Những kẻ bị bắt quả tang tại trận thường chỉ bị kết án từ 7-10 năm tù, nếu là người nước ngoài thậm chí còn được châm chước(!). Công luận đòi hỏi giới hữu trách Bulgaria phải xem xét lại các điều luật của mình cho phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay. Cần phải có những bản án nghiêm khắc hơn đối với những kẻ buôn "cái chết trắng" với số lượng lớn, nhằm chặn đứng "hành lang vận chuyển rộng thênh thang qua ngả Balkan - Bulgaria".

Kim Dung (tổng hợp)
.
.