Điệp viên CIA và DEA bí mật chống ma tuý trong lãnh thổ Mexico

Thứ Năm, 25/08/2011, 14:50

Luật pháp Mexico ngăn cấm lực lượng vũ trang nước ngoài hoạt động bên trong nước này nếu không có sự phê chuẩn của Quốc hội. Nhưng theo báo cáo được tiết lộ mới đây, Mỹ từ mấy năm nay đã bí mật gài điệp viên của hai cơ quan CIA và DEA ở Mexico phục vụ cho "cuộc chiến chống ma túy", thậm chí có kế hoạch gửi đến đây thêm nhiều điệp viên hợp đồng nữa.

Dư luận và phe chống đối chính phủ tuyên bố đây là hành động vi phạm trắng trợn Hiến pháp Mexico, song cố vấn an ninh quốc gia Mexico vẫn một mực phủ nhận sự hiện diện của lực lượng nước ngoài hoạt động vũ trang ở Mexico. Như lệ thường, chính quyền Mỹ im lặng về điều này. 

Thông tin về sự hiện diện của điệp viên Mỹ ở Mexico đã gây ra mối lo ngại rằng, Washington có thể coi Mexico như là một chiến trường theo kiểu Afghanistan.

Tờ La Jordana của Mexico khẳng định: "Trong những tháng gần đây, Washington tăng cường can thiệp vào hoạt động của cảnh sát, quân đội, tình báo và chính trị của Mexico theo nhiều cách".

Còn Alejandro Poire, người phát ngôn của Cơ quan An ninh liên bang Mexico khẳng định, người Mỹ chỉ tham gia phân tích và trao đổi thông tin tình báo mà không mang vũ khí hay trực tiếp tham gia vào mọi chiến dịch như là đột kích hay bắt giữ tội phạm ma túy. Poire cho biết chính quyền Mexico không bàn luận về vai trò điệp viên Mỹ vì "lý do an ninh quốc gia", đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác của Mỹ "được thực hiện với sự tôn trọng chặt chẽ luật pháp Mexico". Còn Associated Press báo cáo, họ có thể nhận dạng vài trăm điệp viên CIA đang hoạt động tại Mexico.

Hợp tác song phương là vấn đề nhạy cảm gây lo lắng cho người Mexico về chủ quyền quốc gia, đồng thời làm bùng nổ cuộc tranh cãi ở Mỹ về tính hiệu quả kế hoạch tăng cường điệp viên nước này tham gia quá sâu vào cuộc chiến chống ma túy ở Mexico.

Biên giới ở Ciudad Juarez.

Hơn 35.000 người bị giết chết sau khi Tổng thống Felipe Calderon phát động cuộc chiến chống tội phạm ma túy cách đây 4 năm, và vụ một đặc vụ Mỹ bị sát hại trong tháng 2/2011 đã buộc Quốc hội Mỹ phải xem xét lại vai trò của điệp viên Mỹ ở Mexico. C

ó hơn 60 điệp viên của Cơ quan Chống ma túy DEA của Mỹ hiện diện ở Mexico. Tiếp đến là 40 người của Cơ quan Nhập cư và Hải quan Mỹ (ICE), 20 người của Marshal Service, 18 người của Cơ quan Quản lý rượu, thuốc lá và vũ khí (ATF) cùng với hàng chục người làm việc hợp đồng cho FBI,  Cơ quan An toàn giao thông và Bảo vệ bờ biển v.v…

Riêng Tiểu ban về ma túy của Bộ Ngoại giao Mỹ đã tăng sự hiện diện của mình ở Mexico từ 19 người đến 69 người trong 3 năm qua. Nhân lực của tiểu ban này nhiều đến mức họ chiếm cứ toàn bộ 2 tầng tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Mexico City và sắp tới sẽ được chuyển đến trụ sở mới - gọi là trung tâm hợp nhất hai quốc gia ở Mexico - để làm việc chung với đối tác Mexico. 

Washington đã chi ra 364 triệu USD trong số 1,5 tỉ USD hứa hẹn giúp đỡ Mexico từ năm 2008 trong chương trình Merida Initative - nỗ lực hợp tác chống tội phạm Mỹ và Trung Mỹ. Về phía mình, Mexico sẽ chi tiêu khoảng 10,7 tỉ USD cho an ninh công cộng trong năm 2011. Bất chấp sự hợp tác chặt chẽ này, quan chức Mexico vẫn thường cố gắng giảm thiểu sự dính líu của người Mỹ nhằm tránh sự chỉ trích trong nước.

Như là trường hợp trong tháng 3, các nhà lập pháp Mexico đã có phản ứng giận dữ khi biết được thông tin về việc Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ tiến hành chiến dịch truy tầm bằng máy bay không người lái trên lãnh thổ nước này trong suốt 2 năm qua; trong khi chiếc drone Global Hawk của quân đội Mỹ do thám khu vực biên giới phía nam. Họ khẳng định đã không nhận được thông tin gì về chuyện này từ phía Hội đồng An ninh quốc gia Mexico.

Cũng vào đầu tháng 3, thành viên Quốc hội Mexico đã sôi lên sùng sục khi biết đặc vụ Mỹ cho phép hàng trăm, thậm chí hàng ngàn khẩu súng buôn lậu vào Mexico trong một chiến dịch đặc biệt và sau đó đã rơi vào tay bọn tội phạm ma túy. Về vụ việc này, Bộ trưởng Tư pháp Mexico đã cho tiến hành một cuộc điều tra.

Jorge Lara Rivera, Thứ trưởng Tư pháp về quan hệ quốc tế, cảnh báo nếu như điệp viên Mỹ có tham gia chiến dịch đặc biệt này thì  điều đó "sẽ buộc chúng ta phải trình bày lại nhiều vấn đề trong quan hệ ngoại giao".

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Michael McCaul, Chủ tịch Tiểu ban điều tra và giám sát an ninh nội địa, yêu cầu sắp tới đây phải có sự trình bày về kế hoạch chống cartel ma túy của Mỹ. Còn Laura Sweeney, nữ phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ, không bình luận gì về chiến dịch đặc biệt nói trên, song nhấn mạnh sự hợp tác giữa hai quốc gia sẽ được tăng cường thêm, trong đó bao gồm chia sẻ thông tin tình báo, thu thập bằng chứng, dẫn độ tội phạm về cả hai phía, điều tra vũ khí được sử dụng phạm tội đồng thời huấn luyện công tố viên, nhà điều tra và Cảnh sát Mexico.

Đặc vụ Mỹ sống và làm việc ở Mexico được hưởng đặc quyền ngoại giao nhưng bị cấm mang vũ khí. Một quan chức cao cấp giấu tên ở Tòa đại sứ Mỹ cho biết: "Họ không được xâm nhập vào nhà dân để bắt người. Nhưng họ được quyền lần theo thiết bị phát tín hiệu được bí mật cài vào ôtô, theo dõi những cuộc gọi điện thoại di động, đọc thư điện tử và tin nhắn.

Samuel Gonzalez, cựu công tố viên hàng đầu chống ma túy của Mexico còn tiết lộ: đặc vụ Mỹ đòi hỏi phải có giấy phép của Bộ Tư pháp mới được nghe lén ở Mỹ, nhưng điều này không bị nghiêm cấm ở Mexico. Không chỉ có người Mỹ mà còn có nhiều người Mexico làm việc cho CIA, DEA và một số cơ quan thực thi pháp luật khác của Mỹ

Diên San (tổng hợp)
.
.