Đổ máu vì ngọc bích

Thứ Ba, 21/03/2017, 07:05
Các mỏ ngọc bích của Myanmar có thể mang lại sự giàu có khủng khiếp, nhưng người ta đang tự mình dẫn xác vào chỗ... chết chóc. Bài viết đặc biệt sau đây của phóng viên Hannah Beech và Saw Nang tại Hpakant (Myanmar) cho thấy sự thật đằng sau những giấc mộng làm giàu và cảnh máu đổ vì ngọc bích.

Khi đất sạt đổ xuống như mọi ngày tại vùng đồi ngọc bích của Myanmar, Ye Min Naing đang đĩnh đạc đứng trên con dốc đứng ngổn ngang đất đá. Đó là một đêm mưa cuối mùa cách nay 6 tháng. Một xe tải có bánh xe cao bằng chiều cao người thật vừa ghé lại trút đống đất nhão  nhoét lẫn đá xuống mép dốc núi, thu hút hàng trăm phu mỏ lao vào đào bới đống phế phẩm, hy vọng tìm thấy một viên ngọc bích quý báu.

Ye Min Naing nghe tiếng đất sạt lở trước khi anh nhìn thấy nó, làm xương anh rung lên như bị sét đánh. Rồi một người bạn làm việc sát bên anh bị đất sụp nuốt chửng xuống đó. Ye Min Naing cũng bị chôn sống. Chàng trai 28 tuổi đưa ngón tay xẹt ngang cổ ra hiệu: “Lên đây nhanh đi!”.

May mắn thay, những thợ mỏ đồng nghiệp cũng lôi được Ye Min Naing lên an toàn, còn phu mỏ mới 19 tuổi thì bị liệt sau vụ lở đất đó. Trong vụ đó, theo Ye Min Naing biết, có 3 người chết hoặc hơn nữa. Giống như nhiều vụ tử vong ở các mỏ ngọc bích tại thành phố cảng Hpakant ở miền bắc Myanmar (xưa gọi là Burma), tai nạn này không đến tai giới truyền thông, không cái xác nào được tìm về chôn.

Hầu hết những thợ mỏ tự do trong những vùng đồi này - nơi gần như tạo ra từng tuyệt tác ngọc bích trên thế giới - là di dân nghiện ma túy, chẳng ai biết ai, cũng chẳng có gia đình gì cả.

Những thợ mỏ tự do giành nhau đào xới vùng đồi thuộc một mỏ ngọc bích trung tâm thị trấn Hpakant, phía bắc Myanmar, để tìm ngọc bích.

Người và đá quý cùng tồn tại ở vùng chân đồi Himalaya thuộc bang Kachin của Myanmar, chen giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Đá quý ở đây là hỗn hợp trong mờ từ các chất sodium (tức natri), aluminium (nhôm), silicon và oxygen, còn gọi là ngọc jadeite hay ngọc bích. Jadeite là loại ngọc quý được ưa chuộng nhất thế giới, chủ yếu là trong cộng đồng người Hoa ngày càng thích mua chúng để chứng tỏ quyền uy của mình bằng những cái giá cao ngất ngưởng.

Có khoảng 300.000 người đi săn ngọc bích là dân di cư từ nhiều nơi khác đến, sinh mệnh của họ bị đe dọa hàng giờ bởi những đợt lở đất, nạn nghiện ma túy và bệnh tật. Ràng buộc đá quý với những người khai thác ngọc bích là vô vàn các công ty có quan hệ với quân đội Burma, các công ty Trung Quốc, các tư lệnh phiến quân dân tộc thiểu số và các ông trùm ma túy đang bị Chính phủ Mỹ truy nã. Viên ngọc trời, theo cách gọi tại Trung Quốc, cũng đang tiếp tế năng lượng cho cuộc nội chiến giữa quân đội Burma và nhóm phiến quân Kachin đang đòi tự trị.

Ngọc bích có nhiều màu xanh lá từ nhạt tới đậm, từ trong tới đục,... Chúng ta còn biết có cả hệ thống phân loại theo màu sắc rất vui tai, như  ngọc dưa là màu xanh úa như dưa cải muối, ngọc lý, chấm lý,... là ngọc có màu xanh như hoa thiên lý, ngọc huyết là ngọc có màu đỏ thẫm như máu... Còn đối với người dân Myanma, hầu hết ngọc quý bị vấy bẩn... máu.

Ít có nền kinh tế nước nào lại tăng trưởng mạnh nhờ một nguồn tài nguyên. Tổ chức giám sát quốc tế Global Witness - chuyên giám sát việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, ước tính việc mua bán ngọc bích của Myanmar trị giá đến 31 tỷ USD năm 2014, gần 1/2 GDP quốc gia năm đó. Vậy mà ngành công nghiệp này vẫn chưa được công khai.

Những thợ mỏ phát hiện một viên ngọc bích nằm lẫn trong đống đá phế phẩm ở Hpakant. Những con dốc này rất nguy hiểm vì những trận trượt lở đất diễn ra khá thường xuyên.

Ngay cả chính quyền Kachin cũng không kiểm soát hết các khu mỏ đá quý ấy. Vào thập niên 1990, quân đội độc lập Kachin (KIA), một trong nhiều nhóm vũ trang thiểu số, đã mất quyền kiểm soát lãnh thổ quanh Hpakant.

Ngày nay, hầu hết việc làm ăn liên quan đến ngọc bích đều thuộc giới lãnh đạo quân đội Myanmar. Ngay cả khi đất nước này chuyển đổi từ 5 thập niên cai trị quân sự sang chính phủ bán dân sự, đá quý vẫn chứng tỏ có những giới hạn nhất định từ việc điều hành đất nước của đảng dân chủ Myanmar. Đá quý được buôn lậu qua biên giới láng giềng Trung Quốc, chỉ một phần nhỏ phải chịu thuế, trong khi Myanmar là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á.

Mức độ tham nhũng khó giải thích được đến nỗi tổ chức Global Witness gọi nền kinh tế ngọc bích của Myanmar là “sự trấn lột nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhất trong lịch sử hiện đại”.

Trong khi xung đột kim cương giúp sản sinh ra biết bao kịch bản Hollywood và nhạc rap, ngọc bích lại thoải mái thoát khỏi những cuộc khảo sát tường tận của quốc tế. Tháng 10-2016, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama gỡ bỏ lệnh cấm vận việc nhập khẩu ngọc bích và hồng ngọc của Myanmar, như một sự tưởng thưởng cho các nỗ lực cải tổ chính trị giúp đưa đảng NLP của nhà hoạt động dân chủ Aung San Suu Kyi lên cầm quyền vào năm 2016.

Tuy nhiên, nhiều nhóm giám sát và dân chủ xã hội tỏ ra bất bình, cho rằng ngành công nghiệp ngọc bích vẫn còn tràn lan những lạm dụng. Dẫu rằng Chính phủ Myanmar đã ký vào bản công ước minh bạch toàn cầu đối với những ngành công nghiệp đá quý, thực tế tại Kachin vẫn còn ảm đạm.

Thật vậy, nỗi e ngại chính phủ cầm quyền của bà Suu Kyi có thể sớm thi hành các tiêu chuẩn an toàn và quốc sách chống tham nhũng chỉ làm cho việc chạy đua khai thác kho báu xanh ở Hpakant thêm phần “nóng hơn”. Thế nhưng có một nghịch lý là người ta đào quá nhanh đến nỗi ngọc bích sẽ bị cạn sạch nguồn trong 20 năm tới, thậm chí có thể là trong vòng 10 năm nữa”.

Tại làng Lone Khin, khách Trung Quốc đổ xô tới chợ ngọc bích ngoài trời lớn nhất thế giới. Chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh đã khiến giá ngọc bích giảm, nhưng vẫn còn vô số kẻ đầu cơ. Ở phiên chợ này có cả những thợ mỏ ngồi thu lu, bàn tay dính đầy đất cầm chắc những viên đá bẩn. Mỗi thương vụ là một canh bạc.

Những viên ngọc jadeite trông giống những cái trứng có màu xám bùn. Khách mua cố hết sức “đoán” có cái gì trong đó, cẩn trọng búng ngón tay hay soi đèn flash từ ngoài vào để kiểm tra coi màu gì sáng lên bên trong đó. Không có vụ mua bán nào được chính quyền địa phương ghi nhận.

Các tay buôn tại một khu chợ ở Mandalay - thành phố trung tâm Myanmar, sử dụng đèn soi để khảo sát màu của ngọc bích đang chờ bán và để kiểm tra những rạn nứt.

Nếu người mua không may mắn, viên đá đó sẽ không có độ trong suốt. Nhưng giá trị của ngọc bích tốt nhất có thể cạnh tranh với giá trị của kim cương. Năm 2014, một vòng đeo cổ có 27 hột cẩn, từng là vật gia bảo của nữ gia chủ Barbara Hutton - người thừa kế gia sản Woolworth, được đấu giá đến 27 triệu USD, hơn gấp đôi ước tính bán ra.

Theo hồ sơ của hãng đấu giá lừng danh Sothebys, những viên ngọc bích cẩn vòng cổ ấy tròn, hình dạng và màu sắc tuyệt hảo, giống như những trái nho mọng nước dưới ánh nắng mặt trời, sáng lóng lánh qua làn da mỏng manh của chúng, làm phấn chấn tâm hồn của bất cứ ai dõi mắt ngắm nhìn chúng”.

Niềm đam mê ngọc bích mãnh liệt đến như vậy giúp giải thích số lượng thợ mỏ tại Hpakant đã tăng xấp xỉ 100% chỉ sau gần 10 năm, dẫu rằng trữ lượng ngọc bích tại nhiều ngọn núi giảm đi đáng kể. Việc sử dụng ma túy và lây bệnh cũng gia tăng đáng kể. Cư dân Hpakant ước tính rằng nghiện heroin ảnh hưởng đến 75-90% những thợ đào tìm ngọc bích. Và những cây kim luôn được dùng chung. Thein Than Myo làm việc ở mỏ Hmaw Sisar được 12 năm.

Ngay cả khi biết mình có HIV, anh vẫn tiếp tục nhặt kim về sử dụng. Một nhân viên của Tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Kachin cho biết có đến một nửa tổng số thợ mỏ Hpakant cuối cùng sẽ mắc virus HIV vì dùng kim tiêm chung như vậy!

Tháng 12-2016, Thein Than Myo xin vào một mái ấm HIV Thiên Chúa giáo tại thủ phủ Myitkyina của Kachin. Chỉ ít tuần sau khi điều trị thấy ổn, anh ta muốn quay lại Hpakant. Khi tôi kể cho anh ta nghe về một thợ mỏ ở Hmaw Sisar bị đất sạt lở chôn sống tới cổ trước đó ít tháng, Thein Than Myo nhún vai: “Tôi chứng kiến nhiều người chết trước mặt tôi! Người ta luôn chết trong mỏ đó!”.

Nhưng điều đó dường như không khiến anh ta từ bỏ ước mơ, luôn là câu chuyện về bạn của một người bạn không thể làm giàu từ những ngọn đồi ngọc thạch của Kachin. Thein Than Myo khảng khái: “Tôi sẽ đi một lần cuối. Tôi vẫn còn có thể làm giàu!”.

Phương Nguyên (theo Time, 20-3-2017)
.
.