"Đoạn cuối" của những nữ chiến binh IS

Thứ Tư, 26/07/2017, 12:36
Trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, lực lượng tham chiến và người dân ở hai quốc gia này đã được chứng kiến hàng loạt các vụ tấn công cảm tử của những nữ chiến binh IS. Các chuyên gia an ninh đã giật mình với số lượng lớn nữ chiến binh IS mang tư tưởng hận thù đang tìm cách rời khỏi điểm nóng ở Trung Đông, tìm tới bến đỗ mới ở Đông Nam Á và châu Âu, liên kết với các nhóm khủng bố địa phương, tiếp tục hoạt động khủng bố.


Những quả bom di động

Người dân Iraq vẫn còn chưa hết bàng hoàng bởi hình ảnh một nữ phiến quân IS kích nổ trái bom bên người và khiến các binh sĩ Iraq thiệt mạng. Trong bức ảnh cuối cùng về nữ chiến binh này, thoạt nhìn người ta sẽ tưởng đó là một người phụ nữ Iraq, mặc bộ đồ đen Burka, đang bế con cố chạy trốn chiến sự ở Mosul. Tuy nhiên khi quan sát kỹ mới thấy nữ phiến quân IS này đang xách một thiết bị nổ.

Bức ảnh được chụp vào thời điểm ngay trước khi người phụ nữ đó cho nổ tung bản thân cùng đứa bé bên mình khi cô ta đi ngang qua các binh sĩ Iraq. Lúc đó nữ chiến binh này đang đi ra khỏi một khu vực mới giải phóng của thành phố Mosul cùng với một nhóm dân thường sơ tán. Tay cô ta bế một đứa bé và xách theo một chiếc túi.

Theo một người quay phim của kênh al-Mawsleya TV địa phương, cô ta kích nổ trái bom lúc đi qua những người lính, nhưng phải đến lúc cô ta bước thêm một đoạn nữa thì trái bom mới phát nổ. Hậu quả, nữ sát thủ, đứa trẻ của cô ta cùng 2 binh sĩ thiệt mạng. Một số thường dân khác cũng bị thương trong vụ nổ.

Một nữ chiến binh IS. Ảnh: Islam Media Analysis.

Lực lượng an ninh của Iraq sau đó đã điều tra và phát hiện, vẫn còn hơn 20 nữ chiến binh đánh bom tự sát ẩn náu trong dân thường đã cho kích nổ các trái bom cảm tử chỉ trong tuần đầu tháng 7/2017. Một vị tướng Iraq cho biết, lâm vào đường cùng, những nữ phiến quân này sử dụng chính con mình làm lá chắn sống.

Trong các cuộc tấn công được cho là cuối cùng vào sào huyệt của IS, lực lượng an ninh Iraq đã bắt giữ thêm nhiều nữ chiến binh của IS tại thành phố Mosul, trong đó có nhiều phụ nữ đến từ châu Âu.  Một sĩ quan giấu tên thuộc lực lượng chống khủng bố Iraq tiết lộ, số nữ chiến binh IS nói trên bị bắt giữ tại khu thành cổ Mosul khi các phần tử khủng bố mang trang phục gài bom liều chết đang ẩn náu tại một đường hầm do IS xây dựng. Những nữ chiến binh được xác định là công dân các nước Đức, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Libya, Caucasus và Syria.

Tổ chức Nghiên cứu và phân tích khủng bố (TRAC) ước tính khoảng 25% tay súng nước ngoài gia nhập IS là phụ nữ, đến từ 14 quốc gia. Veryan Khan, chuyên gia thuộc Tổ chức Nghiên cứu và phân tích khủng bố (TRAC) phân tích, vai trò truyền thống của phụ nữ Hồi giáo là hỗ trợ các tay súng nam giới trong vai trò người vợ, người mẹ, người quán xuyến gia đình.

Nhưng khi gia nhập IS, họ có mục tiêu và tham vọng không khác gì nam giới. Veryan Khan trích dẫn nhật ký của Mahmood, một nữ chiến binh IS viết dưới dạng blog thông qua cái tên Umm Layth, kể rằng ban đầu các "chị em" không được tham gia vào hoạt động chiến đấu hay giết chóc của IS, nhưng sau này, tình hình dần thay đổi, nhiều nữ chiến binh đã tự nguyện tham gia chiến đấu và trở thành những quả bom cảm tử, gieo rắc sự sợ hãi cho nhiều thường dân.

Tự tìm tới địa ngục

Tờ Die Welt của Đức đưa tin, trong số những nữ tay súng IS bị quân đội Iraq bắt giữ, tại thành phố Mosul, có tay súng là sinh viên Linda Wenzel, 16 tuổi, từng sống tại thị trấn Pulsnitz, gần thành phố Dresden (Đức). Người này được cho là đã chuyển sang đạo Hồi và làm giả hồ sơ để vượt biên sang Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và Syria hè năm 2016.

Theo Die Welt, tháng 7/2016, chính quyền thành phố Dresden, bang Saxony đã công bố lệnh truy nã quốc tế đối với sinh viên này và mở cuộc điều tra về cáo buộc chuẩn bị có hành vi vũ lực chống lại chính quyền, song cuộc điều tra phải tạm dừng do chưa tìm được nghi phạm chính.

Tờ Bild cho biết Linda mất tích khỏi nhà của mình ở Saxony cách đây một năm. Cô ta vượt biên tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ rồi được các nhóm thánh chiến có liên kết với IS giúp vượt qua biên giới tới Syria và cuối cùng có mặt tại Mosul. Linda có được sự hỗ trợ này từ việc cô ta liên lạc với một thành viên của tổ chức khủng bố IS trên mạng và người này đã chiêu mộ cô ta.

Những tay súng IS thuộc lữ đoàn Al-Khansa.  Ảnh: Mirror.

Hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nữ chiến binh khủng bố này bị lực lượng an ninh Iraq áp tải khi họ phát hiện ra cô ta còn sống bên dưới một đống đổ nát tại một trong những ổ kháng cự cuối cùng của IS trong thành phố Mosul.

Linda ban đầu tỏ ra sợ hãi và người đầy bụi, lính Iraq lầm tưởng cô ta là một phụ nữ Yazidi bị tổ chức khủng bố IS bắt cóc vì cô ta không biết tiếng Arập. Tuy nhiên, sau đó họ mới phát hiện ra rằng cô này trên thực tế là một chiến binh thánh chiến của tổ chức khủng bố IS và là một trong những thành viên cuối cùng cố thủ tại Mosul. 

Phát ngôn viên Văn phòng Cảnh sát Hình sự Quốc gia (LKA) của Saxony cho biết: "Có những chi tiết mới liên quan đến Linda đang được điều tra". Cũng theo LKA, điều tra ban đầu cho thấy, Linda đã liên hệ với những kẻ ủng hộ IS khi đang ở Đức và giữ liên lạc với nhóm khủng bố qua mạng internet. Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức (BfV) cho hay, từ đầu tháng 7, khoảng 930 người đã rời Đức tham gia cuộc chiến tại Syria hoặc Iraq, 20% trong số đó là phụ nữ.

Cơ quan này cũng cảnh báo rằng những người trẻ dễ dàng bị lôi kéo để thực hiện hành vi giết người theo lệnh. Thông báo gần đây của BfV cũng nhấn mạnh, Đức là trung tâm của khủng bố Hồi giáo và "các vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra ở Đức bất cứ lúc nào trong tương lai". Theo thống kê từ năm 2016, số lượng người Hồi giáo ở Đức là 24.400 người.

Hiện Linda đã đổi tên thành Umm Maryam và có mặt tại Mosul trước khi chính quyền Iraq tổ chức cuộc tổng tiến công vào thành phố này hồi tháng 10/2016. Một số nhân chứng ở thủ phủ Dresden của Saxony nói rằng Linda dù nhỏ tuổi nhưng đã bị điều tra vì tội chuẩn bị hành vi bạo lực chống lại nhà nước, cuộc điều tra này bị đình chỉ hồi năm ngoái khi cô ta bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Đội nữ binh

Linda chỉ là một trong hàng ngàn "quả bom cảm tử" của IS. Một chuyên gia an ninh cho biết, những thông tin khai nhận ban đầu cho thấy, hầu hết nữ chiến binh IS thuộc quân số của lữ đoàn Al-Khansa, đội nữ binh duy nhất của IS. Nhiệm vụ của họ là bảo đảm mọi phụ nữ sống trong các thành trì của IS phải tuân thủ luật Hồi giáo Sharia và những điều luật hà khắc do phiến quân áp đặt. Ngoài ra, với những kỹ năng chiến đấu không kém gì các tay súng nam giới, trong những ngày cuối cùng, trước khi Mosul thất thủ, nhiều nữ chiến binh cảm tử đã trực tiếp chiến đấu.

Theo Daily Mail, trong 2 năm 2016 và 2017, khoảng 60 phụ nữ Anh đã đến Syria, rồi gia nhập lực lượng Al-Khansa. Họ nhận lương khoảng 100 bảng Anh mỗi tháng, một số tiền lớn so với các công việc khác ở Raqqa.  Một số thành viên Al-Khansa hoạt động ngầm dưới vỏ bọc của các bà nội trợ. Họ thâm nhập vào đám đông để tìm hiểu những ý kiến chống đối. Một số người khác điều hành cơ sở giam giữ nô lệ tình dục để phục vụ các chiến binh IS.

Những kẻ khủng bố ở Marawi bị bắt trong một cuộc tấn công của quân đội Philippines. Ảnh: News Gear PH.

Đội nữ phiến quân ép các nữ tù binh phải trở thành nô lệ tình dục cho những tay súng IS. Họ cũng đánh đập thậm tệ và tra tấn những người vi phạm luật lệ. Phụ nữ sống trong các thành phố mà IS chiếm, như thành phố Raqqa ở Syria, không thể ra đường nếu không đi cùng đàn ông. Họ buộc phải trùm một bộ váy dài màu đen kín cơ thể, bàn tay và khuôn mặt.  Nếu người dân vi phạm quy định, phiến quân áp dụng những hình phạt tàn bạo nhất bất chấp họ là nữ giới. IS từng vài lần tung những video chôn sống phụ nữ do vi phạm luật lệ.

Ác mộng của những phụ nữ ở Raqqa hay Mosul không chỉ là các chiến binh IS mà còn từ lữ đoàn Al-Khansa. Đây là đội nữ binh duy nhất của IS, nhận nhiệm vụ bảo đảm mọi phụ nữ sống trong các thành trì của IS phải tuân thủ luật Hồi giáo Sharia và những điều luật hà khắc do phiến quân áp đặt. 

Abu Ahmad, một nhân vật cấp cao của IS ở Syria, cho biết trên báo Syria Deeply: "Chúng tôi đã thiết lập một lữ đoàn để nâng cao nhận thức của phụ nữ về đạo của mình, và để trừng phạt những người nào không theo luật". Thomas Hegghammer, một chuyên gia về Hồi giáo quá khích, nhận định với báo The Atlantic rằng, dường như các tiểu đoàn nữ binh chỉ giới hạn ở thành phố Raqqa và sau này là Mosul do IS kiểm soát. Tuy nhiên, việc tuyển mộ nữ giới không có nghĩa là IS chủ trương cải thiện nữ quyền, mà thực tế hoàn toàn ngược lại để khủng bố phụ nữ, theo nhà hoạt động Abu al-Hamza ở Raqqa.

Khadija, một cô gái thuộc lữ đoàn Al-Khansa sau khi bị bắt đã cho lực lượng an ninh Iraq biết, cô đang phải tranh đấu để thích nghi lại với cuộc sống bên ngoài tổ chức khủng bố IS. Khadija hối hận vì đã sống trong môi trường của những kẻ Hồi giáo cực đoan và giờ phải mất nhiều thời gian để thích ứng trong môi trường mới.

Về đâu?

Nhiều nhà phân tích cho rằng, khi sự thống trị của IS tại Iraq hay Syria sụp đổ và lãnh thổ IS kiểm soát tại Syria ngày càng thu hẹp, nhiều tay súng IS sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Một số kẻ khác sẽ bị bắt. Còn lại sẽ có một số tay súng tìm đường trở về quê hương, trong đó có rất nhiều tay súng người Arập, người châu Phi, người châu Âu và người châu Á trước kia tìm đường sang Syria và Iraq, tin tưởng vào lý tưởng của IS, hoặc thậm chí bị tẩy não bởi sự tuyên truyền của IS đến mức sẵn sàng gia nhập tổ chức này.

Ở Syria và Iraq, những người quay lại có thể trở về quê hương bản quán nơi những người hàng xóm biết rõ họ là ai và họ đã làm gì. Trong khi đó ở châu Âu, cộng đồng người Hồi giáo tỏ ra không hề có thiện cảm đối với những người từng là tay súng của IS. Đặc biệt, vào thời điểm khi mà châu Âu đang phải "thắt lưng buộc bụng" vì khủng hoảng kinh tế, việc dùng nguồn công quỹ hạn hẹp để hỗ trợ những người từng có sự lựa chọn sai lầm sẽ không nhận được sự đồng tình của công chúng.

Vấn đề IS khiến các nước châu Âu đang rất đau đầu, không biết sẽ làm phải làm gì. Có tới hàng trăm tay súng được cho là đã trở về các nước châu Âu nhưng mới chỉ có một số nhỏ phải ra hầu tòa. Hai nước có nhiều công dân tới tham chiến trên lãnh thổ của IS nhất tính theo đầu người, là Bỉ và Đan Mạch, đã có những giải pháp hoàn toàn khác nhau. Bỉ đã dành một nguồn lực đáng kể để lần theo dấu vết các phong trào của những kẻ đã tới Syria, chặn thư điện tử và các cuộc điện thoại của chúng, và tìm cách đưa chúng ra xét xử khi chúng về nước.

Trang tin Dar al-Ifta vừa cảnh báo về các hậu quả khi các tay súng IS sẽ trở lại "lục địa già". Nguồn tin này cho biết hiện có khoảng 25% chiến binh IS là công dân các nước châu Âu, trong số này phụ nữ chiếm số lượng khá lớn, sau những thất bại gần đây của IS tại Iraq, Syria, họ đang tìm cách trở về quê hương. Hiện các quốc gia châu Âu, như Pháp, Đức, Anh, Bỉ và Hà Lan... đều được đặt trong tình trạng báo động cao trước sự trở lại của những công dân từng là chiến binh IS.

Không chỉ có châu Âu, tại Đông Nam Á, ở thành phố Marawi thuộc Mindanao, Philippines đang đương đầu với phiến quân thuộc tổ chức Maute tuyên bố trung thành với IS. Indonesia gần đây cũng chứng kiến một số cuộc tấn công có liên quan đến IS. Trong bản đồ bành trướng trên toàn cầu của IS, Đông Nam Á là khu vực trọng tâm thâm nhập.

Tình hình cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở thành phố Marawi của Philippines và các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở Đông Nam Á cho thấy bóng đen của IS ở khu vực Đông Nam Á đang lan rộng. Mối đe dọa của các cuộc tấn công khủng bố của IS ở Đông Nam Á đang ngày càng trở thành hiện thực và cho thấy nhiều xu thế mới của chủ nghĩa khủng bố.

Hoa Huyền
.
.